Festival Huế 2002
Tiếng Việt có thêm một từ: Festival
15:42 | 29/08/2008
ĐẶNG NHẬT MINH LTS: Trong dịp Festival Huế 2002, trên báo chí đã xuất hiện nhiều ý kiến ngược nhau, hoặc ủng hộ, hoặc phản bác việc dùng thuật ngữ Festival.Vấn đề này, Sông Hương xin tôn trọng cả 2 luồng ý kiến và cũng xin được coi đó là màu xám (cũng là chất xám) như trong câu danh ngôn của Goethe...

Ngoài lý thuyết, ngôn ngữ còn chịu áp lực của đời sống, của thói quen và qua 2 lần lễ hội (2000 và 2002) mang tầm kích quốc tế ấy, người Huế đã quen với từ Festival như mọi tập quán! Huế đã và đang trở thành một thành phố Festival (chứ không phải là một thành phố Liên hoan).
Sông Hương xin giới thiệu bài viết sau đây của đạo diễn Đặng Nhật Minh như một sự khẳng định quan điểm của mình.
                                                                                   
Kể từ Festival Huế được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2000, danh từ FESTIVAL đã trở thành một từ thông dụng. Thoạt đầu còn ngỡ ngàng, nhưng đến Festival lần thứ 2 được tổ chức đầu tháng 5 năm 2002 này, từ đó nghiễm nhiên đã đi vào kho tàng tiếng Việt. Tôi trở về Huế một ngày trước Festival và thú thực, đã phải sửng sốt ngạc nghiên trước sự đổi thay kỳ diệu của nó. Huế đẹp đến bất ngờ. Ngay cả những người dân Huế cũng nhận xét như vậy. Mới 2 ngày trước Festival thôi, cả thành phố còn là một công trường ngổn ngang bề bộn. Vậy mà chỉ một ngày một đêm Huế  như cô gái vừa tắm gội, thay chiếc áo dài mới mẻ tinh khôi. Qua thật từ Festival trước đến Festival này Huế đã tiến một bước dài. Hạ tầng cơ sở dược xây dựng, tu bổ. Đường phố sạch sẽ, phong quang. Cầu Trường tiền với hệ thống đèn mầu đã đem đến cho thành phố một vẻ đẹp huyền ảo khi màn đêm buông xuống. Nhiều cung điện trong Đại Nội và Cung An Định nơi ở của Hoàng Thái hậu đã được trùng tu, tôn tạo. Những dẫy nhà lụp xụp xung quanh thành đã được giải toả. Suốt dọc bờ nam sông Hương từ Trường Quốc Học cho đến khách sạn Century, là một vườn tượng điêu khắc khổng lồ ngoài trời. Thoạt đầu là những bức tượng của nhà nữ điêu khắc Điềm Phùng Thị rồi tiếp đến là tượng của nhiều nhà điêu khắc khác dự Trại Điêu khắc quốc tế 2002. Trong những ngày Festival này ta gặp trên đường phố đủ loại khách du lịch, nhưng đông nhất vẫn là người Pháp. Ngồi trong khách sạn Morin, có cảm tưởng như lọt vào một không gian Pháp bởi xung quanh chỉ toàn nghe tiếng Pháp. Ông chủ đầu tiên của khách sạn này là người Pháp nhưng lại có cái tên rất Nga: Vladimir Morin. Năm ngoái khách sạn kỷ niệm 100 năm ngày ra đời. Cũng may, 100 năm qua nó vẫn còn giữ được nguyên diện mạo cũ, không bị đập đi để xây lại như số phận của nhiều ngôi nhà kiến trúc kiểu Pháp khác. Người dân Huế đến nay vẫn còn luyến tiếc toà nhà Ngân hàng Indochine với kiến trúc Châu Âu bề thế trên đường Lê Lợi. Nó đã được thay thế bằng một ngôi nhà kiểu moderne khung kính có thể thấy nhan nhản khắp nơi trong thời kinh tế thị trường. Thế đấy, phá thì dễ, nhưng để tôn tạo, giữ gìn những giá trị đã có, xây dựng cái mới sao cho hài hoà không phải dễ.
 Vậy là Huế đã có thể chính thức trở thành một thành phố Festival. Những thành phố như vậy trên thế giới có nhiều: Avingon ở Pháp, Barcelona ở Tây Ban Nha, Venise ở Ý v.v... Nhưng không ở đâu có một dòng sông trong vắt và xanh biếc chẩy giữa lòng thành phố như ở đây. Không ở đâu con người cảm thấy gần gũi với thiên nhiên như ở đây. Năm nay với sự tham gia của 8 nước (Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, Indonesia, Lào, Thái, Campuchia) cùng hàng vạn khách du lịch khắp bốn phương, Huế không còn là của riêng ai. Đêm khai mạc trước cửa Ngọ Môn thực sự là một cảnh tượng ngoạn mục của ánh sáng, của âm thanh, của kỹ thuật nghe nhìn hiện đại. Chương trình biểu diễn khai mạc còn có thể ấn tượng hơn nếu có sự quan tâm đến tiết tấu và liều lượng trong cách dàn dựng tổng thể. Những người tổ chức đêm khai mạc và bế mạc có lẽ chưa xác định được đâu là sự khác nhau giữa một chương trình biểu diễn ở một Festival và một buổi biểu diễn văn nghệ kỷ niệm những ngày lễ lớn. Trái lại khi xem những chương trình biểu diễn của từng đoàn tham gia Festival lại thấy có nhiều sáng tạo. Trước tiên tôi muốn nói đến chương trình biểu diễn của đoàn Pháp, đoàn đến từ xa nhất và lại có mặt sớm nhất. Cũng như lần Festival trước, người Pháp không mang đến đây vốn cổ dân gian. Họ mang đến cho khán giả Huế những tiết mục sân khấu, âm nhạc hiện đại, nhưng rất đậm đà phong cách Pháp. Ấn tượng nhất đối với người xem là chương trình sân khấu ngoài trời tại cung An Định của đoàn Royal de Luxe. Vở kịch có cái tên thật dài và ngộ nghĩnh: Những mẩu chuyện cổ tích Trung Hoa được xem lại và chỉnh lý bởi những người da đen. Biết bao sáng tạo bất ngờ và lý thú chứa đựng trong những màn trình diễn độc đáo này. Có rất nhiều tầng để hiểu nội dung của vở kịch bởi nó hàm chứa những triết lý sâu xa, những suy ngẫm về cuộc sống, những bi kịch, những thói hư tật xấu của người đời... tất cả đều được đề cập đến một cách thật nhẹ nhàng dí dỏm nhưng không kém phần nghiêm túc. Khó có thể kể lại rành mạch những gì diễn ra trên sân khấu trong gần 2 tiếng đồng hồ. Nói là sân khấu nhưng thực ra là một khoảng đất rộng 40 x 20 m, nơi đó đôi khi ta thấy các diễn viên chui từ lòng đất lên hoặc chui tọt xuống đó rồi biến mất. Một bức vạn lý trường thành mọc lên từ sân khấu, một chiếc thảm bay bồng bềnh trên một ngọn nước từ lòng đất phun lên... Cái thực và cái hư lẫn lộn, đan xen nhau trong một thứ hiện thực huyền ảo mà mục đích cuối cùng là tạo ra những ấn tượng cho người xem. Màn cuối cùng có tên: Giấc mơ về cái cầy. Khi chiếc cầy bỗng nhiên chuyển động, vạch một đường dài trên đất rồi từ đó những cây lúa mọc lên, người xem hết sức ngạc nhiên, xúc động. Đến đây thì trẻ em cũng có thể hiểu được vở kịch muốn nói gì, không cần giải thích. Tiếng cười và tiếng vỗ tay theo suốt buổi diễn là một bằng chứng cho những gì mà vở kịch đã gieo vào lòng khán giả. Điều đặc biệt là trong vở kịch này có sự tham gia của 5 diễn viên Trung Hoa, 5 diễn viên Cameroun cùng 10 diễn viên Pháp dưới sự chỉ đạo của đạo diễn người Pháp Jean- Luc Courcoult. Ea Sola đem đến Festival lần này vở múa mới nhất của mình: Khúc nguyện cầu. Như chị từng nói với khán giả qua một cuộc phỏng vấn truyền hình: vở múa sẽ khó hiểu, bản thân chị cũng không hiểu hết... nhưng chị chắc chắn rằng khán giả có thể cảm nhận được một điều gì đó. Vâng, vở múa quả thật khó hiểu theo nghĩa phải minh hoạ cho một nội dung nào đó. Nhưng ta có thể cảm nhận được nó bằng sự trải nghiệm của bản thân cùng những ký ức riêng tư của mình về sự sống và cái chết. Những diễn viên già có, trẻ có như vừa bước từ cuộc đời lên sân khấu để rồi khi kết thúc vở diễn lại trở về với cuộc đời. Họ không phải là diễn viên, họ đang sống quanh ta và có thể là chính chúng ta nếu một ngày nào đó được Ea Sola mời lên sân khấu. Chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vở múa này cũng như vở kịch của đoàn Royal de Luxe. Nhưng nghệ thuật trước hết là sự độc đáo. Điều đó được khẳng định thêm một lần nữa qua triển lãm của Hoạ sỹ Lê Bá Đảng. Tôi từng nghe nói nhiều về không gian Lê Bá Đảng, nhưng khi được nhìn thấy tận mắt không gian đó tôi mới cảm nhận được hết cái tầm kích độc đáo và sáng tạo của người hoạ sỹ thiên tài này. Tranh của ông không giống bất kỳ tranh của ai từ trước tới nay. Nó vừa là hội hoạ vừa là điêu khắc, vừa hiện thực lại vừa siêu thực. Ông có cái nhìn vĩ mô (từ vũ trụ nhìn xuống trái đất) và cái nhìn vi mô (một bàn chân giao chỉ). Tranh của ông là một miền ký ức bao la về cội nguồn. Là ký ức của nhân loại từ thưở hồng hoang. Không còn ranh giới giữa nghệ thuật và cuộc đời, giữa hội hoạ và thiên nhiên. Tranh của ông không bó hẹp trong khung, nó được gắn vào không gian như một bộ phận không thể tách rời. Nếu trong điêu khắc Điềm Phùng Thị có những mô-đuyn, thì trong hội hoạ Lê Bá Đảng cũng có những mô típ của mình. Đó là: Đất - Nước - Mẹ và Con - Vũ trụ và Hư không. Tranh của ông mang đậm chất Thiền. Có cảm tưởng chúng đã tìm về đúng nơi xuất xứ của mình: xứ Huế, mặc dầu tác giả là người Quảng Trị. Những chương trình biểu diễn của các đoàn Nhật, Hàn Quốc, Thái, Lào, Campuchia, Indonesia đều đậm đà bản sắc dân tộc theo đúng nghĩa của nó. Đó là những làn điệu, những vũ khúc dân ca cổ truyền của dân tộc mình. Việt Nam ngoài những đoàn ca múa nhạc của Huế và Trung ương năm nay có sự góp mặt của một số đoàn địa phương như: Tây nguyên, Việt bắc, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên v.v... Mỗi đoàn một vẻ, một mầu sắc. Riêng đoàn Những bông hoa nhỏ của cặp vợ chồng Vương Linh - Đặng Hùng từ Thành phố Hồ Chí Minh là có kết hợp giữa dân tộc và hiện đại. Những điệu múa sôi động, duyên dáng do các em nhỏ từ 7 tuổi biểu diễn đã chiếm được nhiều cảm tình của người xem. Toàn bộ chương trình được dàn dựng liên tục với một tiết tấu nhanh, cuốn hút. Được chờ đợi hơn cả là màn trình diễn thời trang áo dài quy mô trên cầu Trường tiền với sự tham gia của hàng chục siêu người mẫu khắp cả nước cùng 500 nữ sinh Huế. Có lẽ đây là cảnh tượng có một không hai mà chiếc cầu này được chứng kiến trong suốt 100 năm tồn tại của mình. Khi ngắm nhìn những gót sen lướt qua trên cầu Trường tiền, tôi chợt nhận ra rằng không ở đâu tà áo dài Việt lại có hồn và gợi cảm như ở đây. Ngoài những chương trình biểu diễn còn có những cuộc gặp gỡ, triển lãm, hội chợ... Có hai cuộc gặp gỡ với công chúng: một của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, và một của nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Văn Khê. Sau 4 năm kiên trì đấu tranh với bệnh tật nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã trở lại cùng bạn bè, độc giả trên chiếc xe lăn với một tuyển tập bề thế các bút ký và truyện ngắn do Nhà xuất bản Phương Nam ấn hành trong dịp Festival. Nhiều người đã nói lên lòng cảm phục đối với văn chương của anh, một người nặng lòng với Huế, một tâm hồn rất Huế. Trần Văn Khê thú nhận mình sinh trưởng ở Miền trong một gia đình bốn đời ca cải lương tài tử, nhưng lại lập thân và thành danh ở nước ngoài nhờ âm nhạc Huế. Ông có một phát hiện khá lý thú: Việt Nam về địa dư nằm trong khu vực Đông Nam Á, nhưng về văn hoá lại thuộc Đông Á. Âm nhạc cũng như văn hoá Việt Nam gần với Trung Hoa, Nhật Bản hơn là các nước ngày nay gọi là ASEAN. Ông đã có công khẳng định vị trí của âm nhạc dân gian và bác học của Việt trên thế giới xứng đáng với danh hiệu là vị Đại sứ của âm nhạc Việt . Những khu phố ẩm thực ở Gia Hội, Kim Long là những sáng kiến hay của Festival nhưng chưa được chuẩn bị chu đáo. Trái lại cuộc trưng bầy hội hoạ xếp đặt ngoài trời bên bờ Bắc sông Hương và căn lều thư pháp lại thu hút được sự quan tâm của nhiều khách tham dự. Cuốn truyện Kiều nặng 50 kg được viết bằng thư pháp là một công trình độc đáo của thi sỹ Nguyệt Đình nhằm bầy tỏ lòng ngưỡng mộ đối với kiệt tác thơ ca của dân tộc.
Ai về cầu ngói Thanh toàn/ Cho em về với một đoàn cho vui... Câu ca dao xưa như minh hoạ cho không khí của Festival hôm nay. Từng đoàn xe ô tô, xe ôm, chở khách tham quan lũ lượt kéo về cầu ngói Thanh Toàn để dự phiên chợ quê bên cạnh chiếc cầu có mái che nổi tiếng này. Ta có thể tham dự ở đây một cuộc đánh bài chòi để biết người xưa giải trí như thế nào. Khách nuớc ngoài có thể biết được quá trình làm ra hạt gạo từ khi gieo cấy cho đến khi quẩy thóc đêm về nhà đập, giã, dần, sàng bằng những phương tiện thủ công có tự ngàn đời nay trong những làng quê ở Việt . Nghe những câu hò giã gạo cất lên khi những đôi nam nữ đang giã gạo mới lý thú làm sao. Không có dàn nhạc đệm nào hay bằng những nhịp chầy trong cối gạo. Những tiết mục giản dị như thế này lại có hiệu quả hơn nhiều chương trình biểu diễn đồ sộ tốn kém khác. Đến Huế không thể không nghe Nhã nhạc, xem những điệu múa cung đình cũng như nghe những điệu hò mái nhì mái đẩy trên sông Hương... những hình ảnh và âm thanh ấy đã quyện vào không gian ở đây như hình với bóng. Những giá trị phi vật thể này đã làm nên cái Chất Huế có một không hai. Chúng là linh hồn của Festival.
Mười hai ngày Festival qua mau trong sự nuối tiếc của người dân xứ Huế và du khách. Nhưng hội hè rồi cũng qua đi để trả thành phố về lại với đời thường. Có điều gì cần nói thêm có lẽ chỉ có điều này: Huế cần xác định rõ cho mình thế nào là một Festival, để đừng lẫn lộn với việc kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc. Đến Festival không chỉ có ta và ta, còn có nhiều và sẽ có nhiều những bạn bè quốc tế nữa. Bởi vậy Festival trước hết là một lễ hội Đa Văn hoá để tôn vinh sự sáng tạo của con người. Người ta đến đây không chỉ để trình diễn những vốn cổ của dân tộc mình, mà còn giới thiệu cả những giá trị văn hoá mới được con người không ngừng sáng tạo ra. Và cuối cùng như bất cứ một Festival nào, cần có một bàn tay dàn dựng của một người đạo diễn thực thụ. Đó là một nghề, nghề đạo diễn dàn dựng Festival.
Đ.N.M

(nguồn: TCSH số 162 - 08 - 2002)

 

 

 

Các bài đã đăng