Bàn mãi cuối cùng Nghệ thuật truyền thống của Festival Huế 2000 đã có đáp số: NTTT Huế có tính chủ đạo phần nào nhưng nó phải kết hợp cho được sắc thái đa dạng NTTT Thăng Long Hà Nội, NTTT Đồng bằng sông Cửu Long, NTTT vùng đất Quan họ Bắc Ninh. Sau khi nghe báo cáo chương trình kế hoạch Festival 2000, chính phủ gợi ý bổ sung và đưa thêm NTTT Việt Bắc và NTTT Tây Nguyên. Vấn đề còn lại là phải biết chắt lọc chọn ra cho được nghệ thuật độc đáo của từng miền, từng vùng và sự độc đáo ấy phải phù hợp với yêu cầu Festival Huế 2000. Từ cách đặt vấn đề như vậy ta chọn văn hóa Huế là Múa cung đình xây dựng thành Âm sắc cung đình. Về nhạc lễ cung đình ta xây dựng thành Nhã nhạc Huế bao gồm đại nhạc, lễ nhạc và ca Huế nối kết lại và không cho phép ta xây dựng riêng thành một chương trình ca Huế mà xưa nay chúng ta đã làm. Nghệ thuật truyền thống Hà Nội chúng ta phải khai thác cho được yếu tố đặc trưng, đó là múa rối nước, tận dụng đơn vị có sắc thái truyền thống nhất: Đoàn nghệ thuật Thăng Long. Với TP Hồ Chí Minh chúng ta để tâm đến Đoàn ca múa Bông Sen. Mặc dầu Đoàn Bông Sen đã mang tính chất hiện đại nhưng sắc thái truyền thống vẫn còn đậm đà nổi trội. Một số bạn bè tâm huyết ở TP Hồ Chí Minh có đề nghị nên đưa nhạc tài tử Nam bộ bên cạnh nhạc cung đình Huế. Xem ra có lý. Nhưng tiếc rằng một đêm bị mưa không diễn được và một đêm bị không khí khai mạc choáng ngợp nên bản thân loại hình này không có cơ hội thuyết phục công chúng. Về nghệ thuật truyền thống, Tây nguyên ta chọn tiết mục múa làm chính; Quan họ Bắc Ninh thì chọn chương trình mang tính giao tiếp... Nhiều khán giả đã bất ngờ trong đêm khai mạc, Ban tổ chức cho trình diễn 3 bài nhã nhạc Huế với quy mô 200 nghệ nhân (100 sử dụng đàn tranh, 100 sử dụng đàn nguyệt) mà trong thời quân chủ Triều Nguyễn, rộng ra là trong lịch sử Việt Nam chưa có một cuộc trình diễn hòa thanh mà chỉ có hai loại đàn; một hợp âm mềm mại bằng dây tơ hòa quyện trong một âm sắc réo rét bằng dây sắt ở một quy mô lớn như vậy. Khi khai thác được nghệ thuật truyền thống Việt Nam, chúng ta không dừng lại ở nghệ thuật biểu diễn. Từ đó ta đã mở rộng phạm vi trên một số lĩnh vực nghệ thuật khác. Nghệ thuật thời trang là một lĩnh vực mới. Từ chỗ quen thuộc lối trình diễn ở sân khấu, ở nhà hát, bây giờ chúng ta đưa vào biểu diễn ở cung bà Hoàng Thái Hậu, đặt vào một không gian huyền bí để phô bày chiếc áo dài Việt Nam dưới dáng vẻ truyền thống phảng phất màu sắc đương đại và đã cuốn hút mạnh mẽ người xem. Vấn đề Festivel Huế 2000 quan tâm nữa là khai thác cho được các lễ hội như lễ hội Hòn Chén, Vật võ làng Sình. Con diều nghệ thuật Huế lên không trung phải theo một kịch bản có gia công về nghệ thuật sản xuất con diều và cách biểu diễn. Trong quá trình thực hiện phía ta lẫn phía Pháp đều chưa thật sự tin tưởng chất lượng của nhau. Phía Pháp yêu cầu phía Việt Nam trình diễn thử một vài tiết mục. Cảm nhận chung của các chuyên gia là chưa thật sự hài lòng. Nhưng qua lễ khai mạc và cho đến ngày bế mạc được tận mắt chứng kiến nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo, được dàn dựng trong một kịch bản tổng thể, liên hoàn thì các chuyên gia Pháp đặc biệt là ông Jean Blaise tổng đạo diễn phía Pháp đã đưa ngón tay cái lên kèm theo từ ngữ tiếng Pháp với nghĩa là tuyệt vời.
Ta đề xướng chương trình lễ khai mạc phải hoành tráng, gây tiếng vang cho sự khởi đầu đầy ý nghĩa.. Trước sau ta vẫn chủ trương khai mạc phải được đông đảo quần chúng tham gia và chủ thể chính, của Festival Huế 2000 là nhân dân Thừa Thiên Huế. so với Festival thường diễn ra ở Pháp thì đây chính là nét sáng tạo theo một quan điểm chính thống của Việt Nam. Cũng với ý tưởng buổi khai mạc hoành tráng diễn ra với vài ba vạn khán giả đến tham gia, chúng ta đã nghĩ đến một sân khấu lớn và vị trí sân khấu không ngoài khác là quảng trường Ngọ Môn rộng lớn từ Cửa Ngăn đến cửa Quảng Đức. Với sự ủng hộ thiết thực của chính phủ, của Bộ VHTT, các bộ ngành khác của TW, kịch bản cho lễ khai mạc lại phải xoay quanh chủ đề cho buổi lễ khai mạc là: Việt nam quê hương chúng ta, dựa theo tên bài hát của Huy Du mà đổi từ "Tôi" thành từ "Ta". Từ kịch bản đòi hỏi phải có đến 500 diễn viên chuyên nghiệp thực hiện. Bộ Văn hóa một lần nữa nhảy vào cuộc và đứng ra huy động: đoàn xiếc, nhà hát chèo, nhà hát ca múa nhạc, nhà hát tuồng, nhà hát múa rối nước TW, nhạc viện Hà Nội, ca múa nhạc Thăng Long, ca múa nhạc Việt Bắc, Trường múa Việt Nam... Kịch bản mới nhưng cũng dựa trên những phát triển của nghệ thuật truyền thống kết hợp với đương đại. Ông Jean Blase chuyên gia đầu ngành nghệ thuật Pháp luôn luôn nhận xét tính chuyên nghiệp thấp. Nhưng qua đêm khai mạc và các đêm tiếp theo, ông ta hài lòng và khâm phục thật sự. Theo hướng nhân dân là chủ thể của lễ hội, lễ bế mạc đã chủ yếu lấy lực lượng văn hóa quần chúng làm lực lượng chính để thực hiện kịch bản. Vì vậy ta đã có 1000 nữ sinh, với tà áo trắng thướt tha trên tay là hai ngọn nến uyển chuyển như vẫy tay giả bạn kết hợp với múa rồng, múa lân của các đội văn nghệ không chuyên và lần đầu tiên công chúng sống lênh đênh trên sông nước, đặc biệt là ngư dân vùng biển như Hòa Duân, Thuận An, Hải Dương vừa mới hồi sinh sau trận lũ lụt thế kỷ cũng đã tình nguyện đóng góp, tụ hội lại trên 200 thuyền nhỏ, trên 35 thuyền lớn, tàu đánh cá nối đuôi nhau thắp sáng hàng vạn ngọn nến, diễu hành trong không gian sông nước, bầu trời đêm huyền ảo lung linh. Cảm phục nghệ thuật tốt hay không tốt bao giờ cũng gắn liền với không gian địa điểm. Không gian kinh thành Huế với 7 sân khấu ngoài trời nằm xem giữa các hàng cây, bên cạnh những bãi cỏ, chọn sông nước của sông Hương làm địa điểm bế mạc, chọn quảng trường Ngọ Môn làm khai mạc, chọn các công viên để tổ chức các tụ điểm văn nghệ quần chúng là một chọn lựa chính xác cho thành công lớn của festival Huế 2000. Kỹ thuật tổ chức biểu diễn, với hệ thống sân khấu, âm thanh, ánh sáng có chất lượng cao chính là đòn bẩy để cho nghệ thuật biểu diễn tỏa sáng. Một Festival quốc tế bao giờ cũng đòi hỏi chất lượng nghệ thuật phải đặc sắc, có chất lượng cao, có sức hấp dẫn lớn. Có như thế mới thu hút được khách quốc tế với giá vé cao. Đến giờ phút này ta có thể nói Festival Huế 2000 là một lễ hội mang tầm quốc gia và tính quốc tế rõ ràng. Festival Huế 2000 đã đem lại những thành công lớn, dư âm tốt đẹp còn ngân dài trong lòng người dân Thừa Thiên Huế, cả nước và bạn bè khắp thế giới. Đây là một lễ hội lớn, quá mới mẻ lần đầu tiên đến với Huế, Việt Nam. Chúng ta đã làm được rất nhiều việc và cũng còn rất nhiều việc, nhiều vấn đề bất kham làm chưa tốt nhưng dù sao festival Huế 2000 cũng đem lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm quý giá để tạo cơ hội mới trong tương lai gần có thể là 2001, 2002... Thừa Thiên Huế sẽ trở thành trung tâm lễ hội của cả nước, của khu vực và thế giới như bạn bè xa gần mong muốn. Huế 4-2000 VÕ MẠNH LẬP (Viết theo lời kể của ông Nguyễn Xuân Hoa - Phó trưởng BTC Festival Huế 2000) (135/05-00) |