Festival Huế 2000
Nhân dân Huế với Festival
08:51 | 09/04/2010
YÊN CHÂUGiữa mùa xuân năm Canh Thìn này nhắc tới nhân dân Huế là người ta nhớ ngay trận đại hồng thủy cách đó mấy tháng vào tháng 11 năm 1999. Nước từ trên trời trút xuống. Nước từ thượng nguồn đổ về. Cuối băng nhà cửa xóm làng. Huế giống như một kinh thành bỏ ngỏ. Vô phương cứu chữa trước giặc nước.
Dân Huế không thể quên những con số này:

- 379 người chết và mất tích.

- 25.015 ngôi nhà bị đổ, bị trôi.

- 1.058.213 gia súc gia cầm bị chết

- 108.240 tấn lương thực bị hư hỏng.

Trước tan tác bất khả kháng ấy, mùa Festival đã đến gần. Người dân Huế đã gạt những đau thương ấy để lo Festival. Tôi rất cảm động đứng trước cảnh 130 gia đình ở ven bờ hào phía Nam thành quảng đập phá, dỡ nhà, và di chuyển đến một địa điểm mới, chỉ với một mục đích: làm cho Huế gọn gàng đẹp hơn trước mắt du khách tới Huế. Nhìn cảnh ấy, tôi chợt nhớ câu thơ rất trữ tình của nhà thơ quá cố Hải Bằng:

"Con chim tha rác trên cành phượng
Xây tổ hay là dỡ tổ đi"

Dỡ nhà và làm nhà là một việc làm khá cực nhọc đối với người dân Việt Nam. Đặc biệt là dân nghèo.

Nghe nói khách tới Huế chừng vài ba vạn người, khách sạn nhà nước và tư nhân chỉ đủ chứa hơn hai nghìn người. Chính quyền đành phải huy động tới 500 nhà dân làm chỗ ở cho du khách. Có nhà phải đi vay tiền mua giường chiếu đón khách. Chưa có đủ chỗ ở thì 30 đò đưa khách được biến thành khách sạn nổi trên sông. Khách sạn Hương Giang chủ trì công trình này phải chạy vào Nha Trang mua đủ hố xí tự hoại cho ba chục chiếc đò.

Để tạo thêm không khí ngày hội, chị em tiểu thương chợ Đông Ba chạy hàng và tổ chức hội chợ ngay tại bến Thương Bạc. Lều bạt được dựng lên, hàng hóa được chuyển tới. Các hàng thủ công mỹ nghệ mang màu sắc văn hóa bản địa được đưa tới tấp nập. Trước ngày hội Festival, hội chợ đã được cắt băng khai trương. Nhiều người có nhận xét rằng: tên gọi là hội chợ, song chất chợ nhiều hơn chất hội. Đặc biệt khách hàng ở đây không phải mặc cả. Giá đã được trương lên cho mỗi mặt hàng.Ấy vậy mà khách tới hội chợ ngoài sức tưởng tượng: 14 vạn 3 nghìn người đã vào thăm hội chợ và mua hàng.

Đặc biệt diều Huế chao lượn trong gió bên hai bờ Sông Hương trong những ngày Festival, góp cho một màu sắc của Huế đầy ấn tượng. Người ta gặp lại cuộc "múa rối" trên không những "đại bàng cắp nàng công chúa", "rồng", "phượng"... Phải có người như ông Ba, dầu đã 73 tuổi, dầu nghèo, vẫn đứng đầu câu lạc bộ diều Huế. Trong tâm sự, ông nói: "Tôi chỉ muốn giữ cho Huế một nét văn hóa cố đô". Đơn giản vậy thôi, mà là việc của cả một đời người. Một đời người chỉ nghĩ tới cây diều Huế. Ai đã đi đại hội Huế; gặp diều Huế chao liệng trên không, không thể nào quên.

Phát huy thơ pháp Huế trong tuần văn hóa Huế ở Hà Nội năm 1999, các nhà thư pháp đã biến một bãi đất xanh cỏ phía bên phải cổng Quảng Đức nhìn từ bên ngoài vào, thành một khu văn hóa thư pháp. Từ cổng vào tới ngôi nhà chính ba gian bên trong, tới hai lán treo chữ thư pháp trang trí, tất cả đều được kiến trúc bằng tre, cái tài là, sự hài hòa của kiến trúc và đường nét rất mềm mại của từng góc mái, nó uyển chuyển như mỗi chữ, mỗi đường nét của thư pháp vậy.

Nhìn vào mắt du khách mới thấy hết sự khâm phục của họ đối với thư pháp Huế. Tôi gặp một ông già cầm trên tay hai chữ "Tâm" và "Phúc", tôi hỏi:

- Ông thích hai chữ ấy ư?

Ông đáp:

- Đây xứng đáng là chữ của thánh hiền. Tôi mua về để thờ.

Thế là từ nghệ thuật, thư pháp Huế đã trở thành tín ngưỡng.Thờ chữ, có lẽ đó là một tín ngưỡng trong sáng nhất trên đời.

Một chương trình của Festival lần này là đưa du khách thăm nhà vườn Huế. Huế đã chọn 6 ngôi nhà vườn tiêu biểu:

- Nhà vườn Ý Thảo

- Nhà vườn An Hiên

- Nhà vườn Tịnh Gia Viên

- Nhà vườn Lạc Tịnh

- Nhà vườn Ngọc Sơn Công chúa

- Nhà vườn Tỳ Bà Trang

để giới thiệu với du khách. Lâu nay nhà vườn Huế đã nổi tiếng trong nước, là một nét văn hóa tuyền thống của cố đô.

Một du khách người Pháp sau khi thăm nhà vườn Huế đã phát biểu trước ống kính phóng viên vô tuyến truyền hình.

- Ở Pháp chỉ có nhà vườn của nhà vua. Ở Việt Nam, có nhà vườn của dân. Không rộng, không hoành tráng, nhưng ấm cúng phong phú và đa dạng. Các bạn tôi thăm nhà vườn Huế đều rất ưng ý, thích thú.

Đây là lần đầu tiên du lịch Huế đưa nhà vườn vào quy trình du lịch của Huế. Nếu được tổ chức lại nhà vườn, được giới thiệu một cách tường tận kể vả về phong cách chủ nhân, ý tưởng từng chủ nhân, từ việc đặt tên cho nhà vườn của mình, và lý lịch từng cây vườn, từng hòn đá đặt trong vườn, chắc chắn sẽ là một thú chơi đầy thi vị của Huế, không mấy nơi có được như vậy.

Thật sự Huế dẫ dốc sức cho Festival. Ở đâu ta cũng thấy sự hưởng ứng nhiệt tình của dân Huế. Tôi hoàn toàn không nói tới các tổ chức nhà nước, có tư cách pháp nhân nhà nước mà chỉ nói tới nhân dân. Từ 200 sinh viên tổ chức thành "nhóm thanh niên tình nguyện" có mặt ở khắp các nơi, giúp đỡ trực tiếp cho du khách. Tôi cũng không nói tới hàng vạn học sinh được huy động tham gia những cuộc đồng diễn ngoạn mục. Chỉ tính riêng Huế, vùng đất tiêu thụ thế mà ở trong Festival lần này trồng đủ hoa cho hoạt động Festival và trồng rau cho đủ thực đơn 4 vạn du khách, quả là một việc làm ý nghĩa lắm.

Cuộc ra quân của nhân dân, phải nói tới cuộc diễu hành của 5000 người, mặc quần áo rực rỡ, đủ mọi phong cách, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trong cả nước tụ hội ở Festival tại Huế lần này, xe hoa và cuộc rước rồng từ nhà văn hóa trung tâm đến Quảng Trường Ngọ Môn cùng 2 vạn du khách tham gia khai mạc Festival, giống như một cuộc biểu dương lực lượng Huế khổng lồ, là một câu nói ngầm cùng du khách. "Huế của chúng tôi là vậy đó".

Đặc biệt đêm hội hoa đăng 19-4-2000. Hàng vạn ngọn đuốc cầm tay, hàng trăm thuyền rồng kết đèn hoa sáng rực mặt Sông Hương. Có thể nói từ khi khai thiên lập địa Sông Hương chưa bao giờ lung linh, rực rỡ và kiêu sa như thế.

Festival, Huế chưa từng bao giờ đẹp như thế. Ở hội hoa đăng, hoàn toàn không có diễn viên, nghệ sĩ chuyên nghiệp. Người làm chủ hội hoa đăng ấy là nhân dân Huế. Họ chỉ cần được tổ chức lại, thì tiềm năng của Huế cất dấu ở đâu đó, lập tức được mang ra, trưng ra, như chính lòng người dân Huế đầy tài hoa này.

Tôi rất sung sướng nghĩ rằng Festival Huế 2000 chính là cuộc tổng diễn tập rất lớn của nhân dân Huế, cho Huế xứng đáng là thành phố Festival trong tương lai.

Tôi sực nhớ tới một câu nói giản dị, và cũng là triết lý thiên tài này của Bác Hồ:

"Không có nhân dân thì chúng ta chả làm được gì"

Hai chữ nhân dân thiêng liêng làm sao.

Y.C

(135/05-00)





Các bài mới
Thư từ Paris (13/04/2010)
Các bài đã đăng