Festival nghề truyền thống Huế
Để thăng hoa niềm mong ước
10:22 | 25/04/2013

LÊ VĂN LÂN
Nhân dịp Festival Nghề truyền thống Huế 2013 (27/4 - 1/5/2013)

Không quy mô và hoành tráng như các kỳ Festival diễn ra vào các năm chẵn, nhưng các kỳ Festival nghề truyền thống luôn hấp dẫn đối với du khách cũng như người dân xứ Huế.

Để thăng hoa niềm mong ước

Festival nghề truyền thống Huế lần thứ V - 2013 diễn ra từ 27/4 đến 1/5/2013 với chủ đề: “Tinh hoa nghề Việt” với sự có mặt của các nghệ nhân và làng nghề xứ Huế: gốm sứ, thêu, dệt lụa, mây tre, sơn mài, pháp lam, nón lá, mỹ nghệ gỗ và kim hoàn, mỹ nghệ đồng - bạc, hoa giấy, tranh mộc bản, ẩm thực,… cùng với sự tham gia của các làng nghề, các nghệ nhân bàn tay vàng trên cả nước: Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Giang, Nam Định, Quảng Nam, An Giang, Ninh Thuận, Bình Dương…; hứa hẹn để lại trong lòng du khách những ấn tượng tốt đẹp về nền văn hoá Việt Nam qua các sản phẩm truyền thống độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao.

TÔN VINH NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Phát triển vững chắc nghề và làng nghề truyền thống là con đường đúng đắn để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Huế là một trung tâm văn hóa lớn của đất nước, là Kinh đô Việt Nam thời cận đại, với sức hút và lan tỏa của nó, Huế là mảnh đất nhiều ngành nghề truyền thống hình thành và phát triển. Nhiều nghệ nhân, thợ thủ công có tay nghề, bí kíp nghề nghiệp trên cả nước tập trung về hình thành các làng nghề với nhiều sản phẩm phong phú về thể loại, có sự ổn định về giá trị văn hóa, và chất lượng mỹ thuật cao.

Theo thống kê chưa đầy đủ, Thừa Thiên Huế có trên 60 làng nghề truyền thống và hàng chục nghệ nhân điêu khắc, thêu, đúc đồng, mây tre đan, kim hoàn… được phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Qua thời gian, cùng với những biến đổi chính trị, sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng như nhu cầu của xã hội; một số ngành nghề đã thất truyền, biến mất, một số nghề tồn tại nhưng rất bấp bênh v.v.

Từ năm 2005 đến nay, thành phố đã qua 4 kỳ Festival nghề truyền thống và đang chuẩn bị mọi mặt cho Festival lần thứ V. Thành công nhất qua các kỳ Festival chính là sự tôn vinh nghề và làng nghề truyền thống; không chỉ cho Huế, mà còn tôn vinh nghề và nhiều làng nghề đặc sắc, tiêu biểu trong cả nước.

Với chủ đề xuyên suốt “Nghề truyền thống bản sắc và phát triển”, mỗi một kỳ Festival là một cuộc biểu dương lực lượng với sự góp mặt của các anh tài trên mọi miền đất nước. Chỉ nghề gốm thôi chúng ta đã thấy sự hoành tráng và phong phú của nó: Gốm Phước Tích (Thừa Thiên Huế), Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội), Nhung (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương), Phù Lãng (Đại Lân - Quế Võ - Bắc Ninh), Cậy (Long Xuyên - Cẩm Bình - Hải Dương), Thổ Hà (Vân Hà - Việt Yên - Bắc Giang), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Bình Dương (Biên Hòa), Măng Thít (Vĩnh Long)… Hoặc như đúc đồng, bên cạnh chủ nhà là Phường Đúc là sự hiện diện của các làng nghề danh tiếng trong cả nước như Vạn Điểm (Ý Yên), Ngũ Xá (Hà Nội), Trà Đông (Thanh Hóa)… Nghề kim hoàn bên cạnh chủ nhà là Hội đồng Tộc trưởng Kim hoàn Huế là Hội Mỹ nghệ Kim hoàn thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Vàng bạc đá quí Phú Nhuận PNJ… Nghề chạm khắc bên cạnh Hiệp hội hàng thủ công mỹ nghệ Huế là làng nghề Mộc mỹ nghệ Vân Hà (Bắc Ninh), làng Đồng Kị (Bắc Ninh), làng chạm khảm trai Ngọ (Hà Tây)… Nói không ngoa, Festival nghề truyền thống Huế như một cuộc tìm về cội nguồn, ở đó có thể tìm thấy những mối quan hệ từ xa xưa của các làng nghề trong cả nước.

Đặc biệt hơn, Festival nghề truyền thống Huế đã thu hút sự chú ý rất lớn của các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, các nhà sưu tập, các nhà quản lý, các doanh nhân tiêu biểu quan tâm khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống. Du khách có dịp tiếp xúc những bộ sưu tập độc đáo thuộc vào loại nhất nước, như bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn của nhà sưu tập Nguyễn Đại Dương (Hà Nội); các bộ sưu tập cổ vật của nhà sưu tập Nguyễn Văn Thoa (Ninh Bình), Hoàng Văn Cường, Trần Đình Sơn, Ưng Thành Dũng (thành phố Hồ Chí Minh); nghệ nhân Trịnh Bách với các bộ sưu tập phục chế hiện vật cung đình Huế... Bên cạnh được nhìn thấy tận mắt, du khác còn được thưởng thức các cuộc thao diễn chỉnh âm thanh tiếng chuông, tiếng mõ… các bộ sưu tập quí giá. Quan trọng nữa là các cuộc tọa đàm nhằm tìm ra các giải pháp để nghề truyền thống phát triển được trong thời hội nhập. (Năm 2005 là chủ đề: Di sản ngành nghề thủ công trong bối cảnh thành phố Festival; năm 2007: 320 năm Phú Xuân - Huế, nghề truyền thống - Bản sắc và phát triển; năm 2009: Nghề thủ công truyền thống - những rào cản và giải pháp)… Dần người ta nhận ra rằng để nghề truyền thống không mai một và tiếp tục phát triển phải có nỗ lực từ nhiều phía, bởi vì các nghệ nhân cũng như các làng nghề đều có những khó khăn trong tìm kiếm thị trường. Các làng nghề chưa phân biệt được thực lực của mình và nhu cầu cái xã hội, thiếu năng lực trong tổ chức sản xuất, khai thác thị trường, xây dựng phát triển mẫu mã cũng như công tác quảng bá. Vì thế rất cần có sự tham gia của các doanh nhân có tham vọng làm ăn lớn; cần nhà khoa học để khắc phục các thiếu sót để hiện đại hóa sản phẩm; cần có những chính sách thỏa đáng để khai thông, tạo cơ hội liên kết giữa các nhà v.v.

Trên chiều hướng đó, qua các kỳ Festival nghề truyền thống Huế trong chừng mực nào đó nhiều sản phẩm đã tạo được thương hiệu, trở thành các mặt hàng ấn tượng không thể thiếu được trong túi hàng lưu niệm của du khách, mở ra một hướng mới thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ.

Đến nay, Huế đã có trung tâm trưng bày sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ Huế sang trọng và ở trên con đường đẹp nhất - đường Lê Lợi; Trung tâm trưng bày sản phẩm đúc đồng ngay tại làng nghề Phường Đúc; có Tịnh Tâm Kim Cổ trưng bày và là nơi mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ Kim Hoàn cạnh hồ Tịnh Tâm; có bảo tàng đồ sứ kí kiểu triều Nguyễn. Nhiều nơi như ở làng Hành Hương, khu du lịch Làng Việt… đã dành một không gian thích đáng cho một khu làng nghề trưng bày, thao diễn, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Ngành mộc mỹ nghệ Huế phát triển song hành với việc khôi phục phát triển nhà truyền thống, trùng tu tôn tạo di tích, trang trí nội thất. Nghề đúc đồng khôi phục, làng nghề và tên tuổi các nghệ nhân đã tạo được thương hiệu, các đại hồng chung được đúc trên cả nước phần lớn được thực hiện qua tay các nghệ nhân và làng nghề Phường Đúc. Các sản phẩm từ mè xửng, tôm chua, nem, tré… đến rượu Minh Mạng thang, Trà Cung Đình… đã vượt ra ngoài không gian Huế đến với mọi miền trên cả nước. Từ những lò rượu truyền thống trong người dân qua tay các doanh nghiệp có tham vọng, các nhà khoa học đã tạo dựng những thương hiệu được người tiêu dùng chú ý: Rượu Thủy Dương, rượu Làng Chuồn v.v… Nhưng nghiêm túc mà nói phát triển ngành nghề truyền thống ở Huế đã thăng hoa hay chưa, người dân đã thực sự sống được bằng ngành nghề của mình, hàng thủ công mỹ nghệ đã chiếm lĩnh thị trường hàng lưu niệm, quà tặng ở Huế hay chưa? Vẫn đang là dấu hỏi lớn.

ĐỂ NGHỀ TRUYỀN THỐNG THĂNG HOA

Mục đích cuối cùng của Festival nghề truyền thống là kích thích ngành nghề thủ công truyền thống phát triển, qua đó tăng sức hấp dẫn đối với du khách, làm phong phú thêm trung tâm văn hóa đặc sắc của đất nước, góp phần xây dựng Huế trở thành một thành phố đáng sống, một đô thị sinh thái phát triển bền vững.

Trước hết, thành phố cần soát xét lại các nghề và làng nghề truyền thống, thực trạng hoạt động hiện nay: Sản xuất hàng truyền thống luôn đối mặt với sản xuất hiện đại, thu nhập từ sản xuất hàng truyền thống chưa cao nếu không nói là quá thấp, vị trí hàng thủ công truyền thống trong tiêu dùng ngày càng thu hẹp... Từ đó soát xét lại các sản phẩm truyền thống có thể đứng được trong thị trường, kể cả phát triển các sản phẩm mới. Xác định này rất quan trọng trong định hướng phát triển, quảng bá cũng như xây dựng thương hiệu. Sản phẩm nào có thể phát triển thương hiệu ở tầm quốc gia, thậm chí quốc tế. Vì vậy, các cuộc hội thảo về làng nghề truyền thống phải xuất phát từ các làng nghề, các hội chợ hàng truyền thống với các thông tin chính xác, từ đó tìm các giải pháp sát sườn và cụ thể hơn, chính sách đưa ra phải tạo được hiệu quả thực tiễn.

Tiếp đó, thành phố cần tiến hành khảo sát hoạt động của Trung tâm Trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ Huế, Trung tâm trưng bày làng nghề Phường Đúc, Tịnh Tâm Kim Cổ, Phố Đêm, các điểm trưng bày và thao diễn nghề truyền thống; các khu kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm ở sân bay, sân ga, bến xe, bến tàu, các khách sạn và các điểm quanh di tích, các chợ để có những điều chỉnh hợp lý. Cũng qua khảo sát cần chấn chỉnh việc kinh doanh ở những nơi cần thiết, thí dụ như ở quanh Đại Nội nên kinh doanh hàng lưu niệm thỏa mãn nhu cầu mua sắm của du khách hơn là biến nơi đây thành chợ trời buôn bán xe bãi, áo quần “sida”…

Điều mà ai cũng nhận ra rằng để ngành nghề truyền thống Huế trong những năm qua phát triển song chưa nhiều. Những lò rượu truyền thống trong dân nay Huế đã có nhãn rượu làng Chuồn, rượu Thủy Dương. Mè xửng, tôm chua, nem tré đến mộc mỹ nghệ, kim hoàn v.v… đều cũng tạo được thương hiệu. Tuy nhiên, nỗ lực này chưa tạo được phong trào và trong chừng mực nào đó chỉ dừng lại ở mức tự phát. Chúng ta ai đều biết Huế là xứ sở của phấn nụ cung đình, xưa sản phẩm này chỉ dành cho các mệnh phụ và cung nữ. Phấn nụ cung đình nay đã dân gian hóa với giá bình dân, người ít tiền cũng có thể mua dùng thường xuyên? Ở các hội chợ trong và ngoài tỉnh cũng như ở nước ngoài, ở đâu có gian hàng phấn nụ cung đình đều đông khách và cháy hàng. Có lúc thương hiệu Phấn nụ cung đình bị đánh cắp và phải rất vất vả để giành giật lại. Thế nhưng sản xuất Phấn nụ cung đình ở Huế rất cò con, nơi sản xuất mạnh lại là thành phố Hồ Chí Minh chứ không phải Huế. Dầu Tràm ở Huế có tiếng, qua Phú Lộc đâu đâu cũng thấy bán dầu tràm, thế nhưng để có một thương hiệu vững chắc và tin cậy thì đang còn là một khoảng trống… Tương tự như vậy, rượu xoa bóp mật gấu Trầm Hương do đan viện Thiên An sản xuất, Cần Thơ và các tỉnh miền Tây người ta biết nhiều, nhưng ở Huế ít người biết đến v.v…

Liên tưởng qua chuyện này, mỗi khi có bạn bè người thân ở Mỹ về thì y như rằng quà tặng là chai dầu gió xanh. Khi nêu những vấn đề này, để thấy nhiều sản phẩm truyền thống Huế có khả năng phát triển, có thể trở thành những thương hiệu mạnh, khó chăng là các “nhà” thiếu thông tin để gặp gỡ nhau, thiếu chính sách để khai thông bế tắc.

Vấn đề còn lại nhưng cực kỳ quan trọng là tinh thần trách nhiệm, sự tôn trọng và là niềm tự hào của người dân đối với các sản phẩm hàng truyền thống. Chính sự tôn trọng của chúng ta dẫn đến sự tôn trọng của du khách. Sản phẩm nào Huế sản xuất có hướng phát triển thì nên có chính sách thỏa đáng kể cả về tài chính lẫn kích cầu để phong trào phát huy tác dụng và hiệu quả. Chỉ cần mỗi du khách đến Huế sử dụng chiếc nón lá Huế khi đi tham quan thì chiếc nón lá chắc chắn sẽ lên ngôi. Chỉ cần các cơ sở lâm nghiệp, cây xanh sử dụng giỏ tre để ươm cây thì cũng mở một con đường sống cho ngành mây tre. Chỉ cần các gia đình, cơ quan, đơn vị ở Huế sử dụng đồ gỗ Huế trong nội thất thì sẽ không có sự ra đi của các nghệ nhân ngành mộc - mỹ - nghệ…

Với chủ đề “tinh hoa nghề Việt” Festival nghề truyền thống Huế lần thứ V - 2013 hứa hẹn nhiều bất ngờ và thú vị mới. Vấn đề là cái gì đọng lại sau Festival. Đây là vấn đề đáng nói, đáng bàn.

L.V.L
(SH290/04-13)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng