Festival nghề truyền thống Huế
Đèn chong mắt đỏ thơm manh lụa
15:29 | 27/04/2013

Tại Festival Nghề truyền thống Huế năm nay, nghệ nhân Lê Văn Kinh tham gia triển lãm tranh thêu tại số 4 Hoàng Hoa Thám, Tp. Huế với 17 tác phẩm về các chủ đề thắng cảnh xứ Huế, thắng cảnh ba miền và một số bức tranh thêu điển tích truyền thống. Có thể kể đến những tác phẩm như: Kỳ Đài Huế và Thể Nhơn môn, chùa Linh Mụ và tháp Phước Duyên, cầu Trường Tiền, Khuê Văn Cát, ngư ông, mục đồng... Triển lãm kéo dài từ 27/4 - 1/5/2013.

Đèn chong mắt đỏ thơm manh lụa
Nghệ nhân Lê Văn Kinh đang làm phác thảo một tác phẩm tại hiệu thêu Đức Thành

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

Tôi biết nghệ nhân Lê Văn Kinh khi đến xem triển lãm tranh thêu “Tâm Kinh mùa báo hiếu” tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán năm 2012. Đập vào mắt tôi là không gian của những bức tranh thêu từ chính những đường kim mũi chỉ nhỏ bé, chứa đựng cả hồn thiêng của một nghệ thuật rất đỗi cần mẫn và tinh tế. Ông tâm sự với tôi về nghề thêu, lịch sử nghề của gia đình và cả những vẻ đẹp lạ lẫm, cầu kỳ của nghệ thuật thêu tồn tại hằng mấy trăm năm nay trên đất Huế. Từ đó thỉnh thoảng tôi ghé nhà ông là cửa hiệu tranh thêu Đức Thành ở số 82 đường Phan Đăng Lưu, Tp Huế. Nghe ông nói chuyện về những dĩ vãng xa xôi của nghề thêu bén duyên thời cuộc, cả những câu chuyện hôm nay, khi thêu trở thành một mặt hàng mỹ nghệ được ưa chuộng trên thị trường và những trăn trở để bảo tồn nghề thêu như giá trị của một di sản quý báu của Huế hôm nay và mai sau.

Gia tộc 100 năm miệt mài với nghề thêu

Quê ông ở làng Quất Động hay còn gọi là làng Quýt, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Đây là một ngôi làng cổ, có nghề thêu truyền thống lâu đời, tương truyền do ông tổ nghề thêu Lê Công Hành truyền nghề cho con cháu vào thế kỉ XVII. Làng này nổi tiếng ở đất Bắc với những mặt hàng thêu dân dụng như nghi, môn, trướng đến những loại khăn chầu, áo ngự của vua chúa. Có lẽ vì thế làng Quất Động được triều đình nhà Nguyễn chú ý khi trưng cầu thợ giỏi về phục vụ các công việc tại quan xưởng của triều đình. Trong lịch sử nghề thêu gia tộc, ông nội của nghệ nhân Lê Văn Kinh là cụ Lê Chí Thành, một nghệ nhân có tiếng tài hoa điêu luyện của làng Quất Động đã được tuyển chọn về Huế để thêu các đồ ngự dụng trong cung như áo bào, mũ mão và các đồ nội thất trang trí khác. Cũng chính cụ Lê Chí Thành là người lập nên hiệu thêu Đức Thành trên đường Gia Long (nay là đường Phan Đăng Lưu) tấp nập bán buôn trước đây tại kinh thành.
 

Một mảnh hoàng bào do cụ Lê Văn Hỡi thêu còn sót lại


Đặc biệt, người cha của nghệ nhân Lê Văn Kinh là cụ Lê Văn Hỡi, một nghệ nhân rất nổi tiếng dưới triều Khải Định. Ngày nay, du khách tham quan Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế sẽ có cơ hội thưởng lãm bức thêu điêu tuyệt “Thất sư hí cầu” của nghệ nhân Lê Văn Hỡi. Đây là bức được thêu bằng chất liệu đoạn huyền phủ đôn để lư trầm trước ngai vàng, là một hiện vật lịch sử quý hiếm. Cụ còn có công thêu bức chân dung vua Thành Thái, thêu kim tuyến cho hoàng bào của vua Khải Định nhân dịp tứ tuần đại khánh. Hiện nay, nghệ nhân Lê Văn Kinh vẫn còn giữ một mảnh hoàng bào thêu kim tuyến nói trên như một kỉ vật quý của dòng tộc một thời đã làm nên những nét vàng son quá khứ. Đặc biệt cụ Lê Văn Hỡi còn là người sáng lập ra Phổ Cẩm Tú. Sở dĩ có tên là Cẩm Tú bởi theo nghĩa nguyên thì Cẩm nghĩa là gấm, Tú là hoa, hai chữ này hợp lại thành hoa trên gấm nghĩa là thêu. Còn Phổ là một tập hợp thợ cùng ngành nghề, nhỏ hơn đơn vị phường. Phổ Cẩm Tú hoạt động khá nhộn nhịp, mỗi năm thường tụ họp tại nhà nghệ nhân Lê Văn Hỡi vào các ngày 12/1 và 4/6 để dự ngày lễ cúng Tổ nghề thêu xuân thu nhị kì. Nay hoạt động đó vẫn còn duy trì.

Nghệ nhân Lê Văn Kinh sinh năm 1929 và lớn lên trong căn nhà ngập tràn vải lụa, lọn chỉ, khung thêu, lại cộng thêm sự ngưỡng mộ trước hai nghệ nhân là ông nội và cha, có lẽ vì thế nên từ nhỏ trong dòng máu ông đã nhen nhóm niềm yêu thích với nghề “bán mặt cho chỉ, cho kim” này. Lên 5 tuổi ông đã được người nhà cho học nghề thêu và học rất tốt. 5 năm sau, ông đã hé lộ sự tài hoa của một nghệ nhân nhỏ tuổi đó là việc hoàn thành bức “Tùng hạc” với hình ảnh hai con chim hạc đậu trên cành tùng. Bức tranh thêu tinh xảo, uyển chuyển đã được những người trong gia đình, dòng họ kỳ vọng vào tài năng và sự kế nghiệp của ông trong tương lai. Và nhiều bức tranh phong cảnh như chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền... Năm 1956, cha ông lâm trọng bệnh rồi mất. Sau khi cha mất, ông trọn nghĩa phận của một người con hiếu thảo và một Phật tử hiếu đạo, với 2 năm liền thường xuyên lên chùa niệm Phật và làm Phật sự, tụng kinh sám hối cho những gia đình có đám tang. Pháp danh Tâm Thuận của ông do Hòa thượng Thích Đôn Hậu đặt cho. Trong thời gian này, ông hay tụng Bát Nhã Tâm Kinh, một kinh điển nhật tụng vô cùng vi diệu của nhà Phật; và ông đã nghĩ ra ý tưởng thể hiện bộ kinh này thông qua nghề thêu gia truyền xem như một chút công đức trước Phật.
 

Bộ tranh thêu Bát Nhã Tâm Kinh


Sự ấp ủ đó sau này đã được ông thực hiện. Ông đã bỏ ra 8 năm để thêu bộ kinh này với hai bản chữ Việt và chữ Hán. Khi hoàn thành Bát Nhã Tâm Kinh thêu có 25 bức, trong đó chữ Việt là 13 bức, chữ Hán là 12 bức.

Vào năm 1956, khi bước vào tuổi thanh niên chín chắn, ông được tiếp quản hiệu thêu của gia đình. Chỉ hai năm sau, ông đã nổi tiếng với bức thêu “Bất khuất” về hình ảnh của dũng tướng Trần Bình Trọng cầm kiếm cưỡi sư tử, mình khoác chiến bào phấp phới đầy uy vũ. Bức tranh thêu này được triển lãm tại New York (Mỹ) làm người trong nghề thán phục. Ông còn tham gia nhiều triển lãm khác ở Sài Gòn, Đà Lạt, Đà Nẵng... và một số nước trên thế giới.

Sau ngày đất nước thống nhất, hai cơ sở thêu Cẩm Tú và Phú Hòa ông mở ra đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân xứ Huế. Hàng thêu của ông không những bán trong nước mà còn xuất khẩu ra những thị trường nước ngoài. Thời gian này, ông còn tham gia các lớp học dạy nghề thêu để truyền bá nghề. Nhiều người đã tham gia lớp học của ông và nghề thêu được tiếp nhận rộng rãi ở khắp các vùng quê.

Thêu - nghệ thuật của chữ Nhẫn

Gần 80 năm lăn lộn với nghề thêu, dường như ít có khi nào ông rời khỏi cây kim, sợi chỉ, khung thêu. Bàn về nghệ thuật thêu, nghệ nhân Lê Văn Kinh cho biết để tạo nên những bức tranh thêu không chỉ đơn thuần là việc thêu thùa đơn giản mà hội tụ cả một quá trình sáng tạo kết hợp nhuần nhị kĩ thuật và nghệ thuật.

Dụng cụ nghề bao gồm kim, chỉ, khung thêu, lụa (hoặc vải). Trước đây, kim thêu phải là kim ở chợ Mậu Tài - Phú Vang đúng như câu “Chợ Dinh bán áo con trai/ Triều Sơn bán nón/ Mậu Tài bán kim”. Không dừng lại ở đó, kim thêu phải được mài nhẵn, nhọn, mũi nhỏ để đường kim dễ luồn, mũi thêu gọn. Thường dùng còn có kim số 8. Kim chính là dụng cụ thiết thân, là nơi để bàn tay người thợ trổ hết cái tài hoa của mình. Sau này, còn có loại kim khu vàng của Pháp, kim Tàu cũng khá tốt. Chỉ thêu không phải loại nào cũng dùng được, thường dùng là loại chỉ làm bằng tơ tằm bền chắc. Loại chỉ này trước đây mua ở chợ Cống, nơi đây xưa có khu trồng dâu nuôi tằm, làm đủ các loại tơ làm dây đàn nhị, đàn tranh, chỉ câu cá, chỉ chằm nón và chỉ thêu. Màu chỉ thêu do chính tay người thợ thêu nhuộm theo những bí quyết nghề nghiệp riêng. Nghệ nhân Lê Văn Kinh cho biết, màu cơ bản nhất là màu vàng được nhuộm từ bông hòe. Màu hồng cánh sen thì chiết ra từ nước của cánh hoa sen hồng. Màu đen thì dùng lá bàng đã ngâm, mục ra, dằm để lấy nước hoặc dùng bùn đen. Còn có kiểu màu pha như lấy màu vàng pha với hồng cánh sen thì ra màu đỏ; màu vàng pha với màu xanh dương để ra màu lục, lấy màu đỏ pha với màu lục để ra màu đen... Nguyên thủy chỉ có 5 màu cơ bản rồi pha chế, muốn đậm hơn thì pha 2, 3 lần, muốn nhạt thì dùng nước thứ 2, thứ 3 của màu. Sắc độ màu tùy thuộc vào ý định của người thợ thêu. Sau khi nhuộm chỉ xong còn phải trộng nước chè đặc (hoặc chanh) để giữ màu lâu phai. Sự chuẩn bị về mặt nguyên vật liệu này làm tăng lên độ tinh xảo đặc trưng của bức tranh thêu. Khung thêu thường làm bằng gỗ kiền kiền, vì đây là loại gỗ chắc, không bị vặn. Vải thêu thường dùng là vải bông hoặc lụa tơ tằm. Ngày trước lụa thường dùng lấy ở Quảng Điền và khu 3 Phú Lộc và một số lụa ở Đà Lạt, Hà Đông...

Về kĩ thuật thêu thì phải am hiểu, biết thêu 7 cách thêu cơ bản của thêu truyền thống. Đó là thêu nối đầu, thêu bó bạt, thêu chăng chặn, thêu lướt vặn, thêu đâm xô (thêu trùm), thêu sa hạt, thêu khớp vẩy.
 

Tác phẩm Nón Huế


Nhưng đó chỉ là điều kiện cần của một người thợ có nghề. Điều quan trọng quyết định chính là sự sáng tạo và cần mẫn. Sáng tạo chính là yếu tố hàng đầu, thể hiện tầm của người thợ không chỉ biết nghề mà còn là một người phục vụ, cung hiến cái đẹp, biến bức thêu của mình thành một nghệ phẩm đáng giá. Đặc tính này không phải ai cũng được trời phú cho. Đa phần là làm theo những kiểu mẫu, mô típ có sẵn dễ nhàm nhưng lại cần cho những sản phẩm thông dụng. Nghệ nhân Lê Văn Kinh nói về sáng tạo của bản thân chính là ý tưởng và những hình ảnh từ nét cọ phác thảo ban đầu, đặt nền móng cho toàn bộ nội dung bức tranh. Một sự sáng tạo khác là kĩ thuật thêu tranh bằng một loại chỉ kim tuyến để tạo nên sự tương phản đậm nhạt của ánh sáng, làm cho bức tranh nhìn lung linh, đa chiều. Ông còn là người đầu tiên mở ra một ngành thêu mới là thêu thư pháp để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của khách hàng. Tiếp đến, sự kiên nhẫn là tính cách mà mỗi người thợ phải trau dồi, bởi nghề thêu đòi hỏi sự nhẫn nại, tỉ mỉ vô cùng lớn. Người thợ cặm cụi suốt ngày, thậm chí suốt đêm để luồn những mũi kim lên manh lụa. Sai một li, đi một dặm, sẽ phá vỡ kết cấu viên mãn của tác phẩm. Bản thân ông khi còn học nghề bị kim đâm liên tục do mũi kim đi trật đến bầm tím các đầu ngón tay. Thêu đòi hỏi phải nhẫn, không nhẫn sẽ không làm gì được, sớm bỏ nghề mà thôi. Nghệ nhân Lê Văn Kinh cho biết, ông chưa bao giờ chán cả, chỉ sợ không làm hết những kế hoạch mà ông vạch ra trong đầu. Và bao giờ cũng phải giữ được ngọn lửa đam mê với nghề, không yêu nghề sẽ không thể chung sống được với nghề. Ông kể, có những lần ông làm việc thâu đêm để hoàn thành tác phẩm, đèn lúc nào cũng chong sáng cả gian phòng, con cái ông liền nói “cha làm để sống hay làm để chết”. Có vậy những tác phẩm mới hoàn thiện nhờ “nung” bằng ngọn lửa đam mê ấy.

Theo ông, ngày xưa người thợ thêu vừa là thợ vẽ, thợ thêu. Ngoài ra còn phải biết may, thậm chí là làm công việc của một thợ mã dán từng mảng màu lên tranh để thêu cho chính xác. Lí do, để hoàn thiện một bức tranh chỉ duy nhất một người thợ ôm toàn bộ các công đoạn từ chuẩn bị vật liệu đến vẽ nét và thêu. Mỗi bức tranh thêu là cả một tâm huyết của người thợ, nhìn tranh thấy cả hồn dáng người làm ra nó. Ngày nay, tính chất thủ công như vậy mất đi, mà nghệ nhân cho rằng đó là sự biến tướng của nghề. Nghề thêu hiện nay đã khác xưa nhiều. Tranh thì được các họa sĩ thuê vẽ, còn thêu thì mới đến lượt thợ, có khi còn làm bằng máy. Một số công đoạn thêu bị bỏ qua, ngay cả kĩ thuật thêu cũng bị biến đổi. Nghệ nhân Lê Văn Kinh cho biết, để làm đỡ hao công, nhiều thợ thêu đã thêu dài mũi kim, một kim thâu 3 - 5 sợi chỉ cho mau dày, khoản cách cũng vì thế mà giãn ra thay vì 2 - 5mm thì giãn ra 8 - 20mm. Hoạt động sản xuất công nghiệp ấy đã làm ẻo uột đi hồn tranh vốn dĩ đã có từ lâu đời. Ngay đến cả chỉ, kim đều là sản phẩm công nghiệp từ các nhà máy. Âu đó cũng là xu hướng để thích nghi với lời lãi thương trường, chứ làm theo kiểu thủ công như xưa thì làm sao nuôi nổi bản thân, gia đình.

Đèn chong mắt đỏ thơm manh lụa

Tính đến nay, hàng nghìn bức tranh thêu đã được nghệ nhân Lê Văn Kinh tạo tác từ đôi bàn tay tài hoa. Những tác phẩm tranh thêu mà ông tâm đắc nhất phải kể đến là bộ tranh thêu bài thơ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền Sư, Bát Nhã Tâm Kinh, bức tranh về Mẹ Việt Nam và nhiều tác phẩm giá trị khác.
 

Tác phẩm Điểm tựa


Những năm 1970, ông nổi tiếng với bức “Điểm tựa”, hưởng ứng các phong trào tranh đấu của thanh niên trí thức thời bấy giờ. Bức tranh miêu tả cảnh một thanh niên gục đầu trên bàn, một tay để trên đầu, li cốc để ngổn ngang biểu hiện sự đam mê quá độ, còn sách vở thì để úp trên bàn như thờ ơ với tri thức, sau lưng là hình bóng mờ nhạt của quê hương. Bức tranh nêu lên thực trạng của một lớp thanh niên thời bấy giờ, không xác định rõ điểm tựa ở đâu, không cầu tiến để rồi đánh mất mình trong hành trình dân tộc.
 

Tác phẩm Mẹ Việt Nam

Đặc biệt, bức tranh thêu “Mẹ Việt Nam” ấp ủ từ hình ảnh thân thương của người mẹ ông. Nghệ nhân Lê Văn Kinh nhớ lại thuở thiếu thời: “Mẹ tôi hằng ngày gánh gạo đi bán, ban đêm vá áo cho tôi. Cảnh ấy ăn sâu vào trí nhớ. Sau này, thời gian ở Huế những năm 90, 2 ngày cúp điện 1 ngày có điện. Có điện thì vui, khi điện cúp, thắp đèn lên, ánh sáng tạo thành vầng hào quang bên mẹ. Nhờ đó tôi có ý tưởng để tạo nên khuôn dáng của người mẹ tôi buôn gánh bán bưng, lao động cực khổ để nuôi con. Lòng mẹ thương con bao la biển trời, những người phụ nữ gian lao nuôi con khôn lớn, công ơn sâu bể ấy làm sao quên được”. Đứng trước bức tranh ấy, những người con ai không khỏi xao lòng. Và cả người nghệ nhân già quý tác phẩm ấy hết mực, ai mua nhất quyết không bán vì đó chính là dòng hồi ức thiêng liêng về mẹ.

Riêng bộ tranh “Cáo tật thị chúng” được ông ròng rã thêu trong hơn 11 năm bằng 20 thứ tiếng khác nhau như Anh, Pháp, Đức, Nga, Italy, Nhật Bản với 25 bức khác nhau, trong đó các bức tiếng Việt (3 bức), tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Nga (mỗi thứ tiếng 2 bức)... Điều đặc biệt là mỗi bức tranh của một thứ tiếng thì được ông thêu theo màu cờ của từng nước, tương ứng với số màu có trên mỗi lá cờ. Nghệ nhân Lê Văn Kinh gọi đây là công trình thế kỉ của đời mình. Tôi hỏi tại sao ông lại chọn bài thơ này. Ông bảo đây là một bài thơ cổ, một tuyệt bút cả nghệ thuật lẫn triết lí. Đó là sự khai thị nhân tâm nơi thiền môn, lồng trong bóng dáng mỹ miều của mộng cảnh. Chỉ hai câu kết vô cùng ám thị “Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai”. Bài thơ toát lên cái vẻ đẹp thanh cao “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”, biểu trưng cho phẩm chất người phong lãm bằng vẻ đẹp tinh thần thanh khiết và cốt cách uy phong người đời cầu thị. Cuối cùng biểu đạt cho tâm khai phóng nhân sinh, một bài thơ hay cần phải họa thành tranh. Vì thế mà những nét thêu của ông là những hồn mai đan cài vào nhau, mảnh khảnh mà tinh tế, cốt cách trang nghiêm hiếm thấy. Bản thân ông, khi đặt mũi kim lên khung phải chay tịnh, tụng kinh để tâm được tĩnh, đường kim mới thanh thoát, trang nghiêm được.

Hiện nay bài toán bảo tồn và phát huy những giá trị của nghề thêu, tranh thêu làm sao không đánh mất đi những giá trị truyền thống hàng trăm năm qua và phát huy thêm những sáng tạo mới trong nghề. Nghệ nhân Lê Văn Kinh quan tâm đến sự phát triển nguồn nhân lực của nghề. Các hiệu thêu, lớp học ông mở ra những năm trước đó nhằm hướng đến sự bảo tồn nghề. Những năm 1976 - 1994, ông rong ruổi trên chiếc xe Honda đi khắp các vùng quê Bình Trị Thiên để dạy nghề với tư cách là cán bộ của Sở Công Thương Bình Trị Thiên. Gần 20 năm truyền nghề, nghệ nhân Lê Văn Kinh đã đào tạo được hàn chục ngàn thợ thêu, một số trong đó đã thành thợ thêu chuyên nghiệp. Đặc biệt, sau này ông còn tham gia dạy những lớp học cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Hiệu thêu Đức Thành bây giờ đa phần là các chị, các em khuyết tật làm công nhật, một số làm ở nhà để đảm bảo hàng cho cửa hiệu.

Ông cũng kịp ươm mầm ấy trong chính gia đình mình, nay ông đã có con cháu kế thừa. Nghệ nhân Lê Văn Kinh có 4 người con thì có 2 người theo nghiệp cha. Trước đây, chị Lê Khánh Hà, một người con gái của ông đã tiếp nối nghề thêu gia đình, chị có cửa hiệu tranh thêu tại đường Lê Lợi. Đặc biệt, người con trai Lê Văn Thái được ông dạy nghề từ lúc còn nhỏ, anh mới tốt nghiệp đại học kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, giờ học thêm hội họa. Sắp tới, anh sẽ về tiếp quản cửa hiệu thêu Đức Thành, một cửa hiệu tồn tại ngót nghét 100 năm giờ vẫn hoạt động, thu hút nhiều thợ học việc và lao động.

Nghệ nhân Lê Văn Kinh còn nhiều tâm nguyện ấp ủ. Đó là bộ tranh thêu các câu thơ hay của thi nhân đất Việt, tranh phong cảnh ba miền... vẫn còn khởi sự. Ý tưởng khôi phục một số nghề phụ cho thêu như trồng dâu nuôi tằm, làm lụa, làm chỉ... Thời gian lấp liếm tháng ngày, nỗi khắc khoải trước nghề thêu, những tác phẩm ấp ủ, tuổi nhuộm tóc ông bạc trắng nhưng tâm huyết với nghề vẫn còn đó. “Tôi chỉ mong cho con trai tôi sớm học xong, mau mau trở về Huế để tôi truyền đạt hết mọi tâm huyết, kĩ thuật của nghề thêu. Chứ tuổi tôi cũng đã xế chiều rồi”. Đêm đêm trên căn gác hiệu thêu phố Phan Đăng Lưu đèn vẫn chong mắt đỏ để thổi hồn vào từng manh lụa, giữ lấy tinh hoa của xứ Huế mai này.

L.V.T.G
(SDB8/3-13)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng