Festival nghề truyền thống Huế
Chương trình trình diễn thời trang quốc tế “Sự biến đổi kỳ diệu”
13:10 | 30/04/2013

THĂNG HOA KỸ THUẬT DỆT MAY TRUYỀN THỐNG CỦA CÁC DÂN TỘC

Chương trình trình diễn thời trang quốc tế “Sự biến đổi kỳ diệu” tại sân khấu quảng trường Quốc Học (Huế) đã thật sự chinh phục được công chúng bởi chất lượng nghệ thuật của nó. Đây là hoạt động trong khuôn khổ lễ hội quốc tế dệt may Métamorphoses -Festival nghề truyền thống Huế năm nay.

Chương trình trình diễn thời trang quốc tế “Sự biến đổi kỳ diệu”
Ảnh: Tổng hợp từ Internet

Chỉ kéo dài trong 60 phút, nhưng công chúng đã chứng kiến những biến đổi liên tục các chuỗi sưu tập thời trang đi giữa sắc màu lộng lẫy và sự dẫn dắt bởi âm nhạc, như Dòng sông xanh (Le beau Danuble) của Johann Strauss.

120 bộ trang phục của sáu nhà tạo mẫu, gồm Francoise Hoffmann đến từ Lyon – Cộng hòa Pháp; Patis Tesoro từ Manila, Philippines; Kinor Jiang từ Hong Kong, Trung Quốc; Lan Hương, Công Khanh và Minh Hạnh của nước chủ nhà Việt Nam đã làm nên dòng chảy xuyên suốt, những gót hài đã trôi trên mắt công chúng để chuyển tải những tinh hoa thời trang...
 

Chiếc áo này được dệt theo lối thủ công truyền thống của người Pháp ở thành phố Lyon


Mở đầu là sưu tập của nhà tạo mẫu Francoise Hoffmann, đem đến bộ sưu tập rất đặc biệt. Với vải lụa và lông cừu, cùng xà phòng, nước và dầu ô liu... thành nên những bộ trang phục kết dính mà không hề có một đường kim mũi chỉ.
 

Bộ sưu tập của nhà tạo mẫu Francoise Hoffmann rất đặc biệt được làm từ vải lụa và lông cừu, dùng xà phòng, nước và dầu ô liu thay cho chỉ


Tiếp đến là sưu tập Patis Tesoro, nhà tạo mẫu đưa đến những bộ trang phục thêu trên nền vải dệt từ sợi cây chuối theo kiểu truyền thống Philippin. Bộ sưu tập của Kinor Jiang với cách dệt nhuộm thủ công cổ truyền đã khiến bề mặt trang phục tuyệt vời “như một làn da” .
 

Bộ sưu tập của nhà tạo mẫu Patis Tesoro gồm những bộ trang phục thêu trên nền vải dệt từ sợi cây chuối theo kiểu truyền thống của Philippines


Bộ sưu tập của Lan Hương gồm những tà áo dài lụa và thêu tay của Việt Nam. Và tre nứa – một chất liệu có mặt khắp nơi tại Việt Nam - đã hiện diện rỡ ràng trên bộ sưu tập do Công Khanh thiết kế.
 

Bộ sưu tập của nhà tạo mẫu Lan Hương gồm những tà áo dài truyền thống từ chất liệu lụa và thêu tay


Minh Hạnh với bộ sưu tập trang phục chất liệu dệt zèng, thổ cẩm của người Tà Ôi  vùng cao A Lưới, Thừa Thiên – Huế, đã khiến công chúng ngỡ ngàng và thích thú bởi nhiều nét độc đáo, chất liệu cổ điển mà phong cách lại rất gần thời trang đương đại.

Các hoa hậu  Ngọc Hân, á hậu Hoàng Anh, Thùy Trang, Hồng Quế… với những gót hài duyên dáng, sinh động đã làm cho công chúng thêm ngây ngất.

Chủ đề “Sự biến đổi kỳ diệu” đó là sự tài hoa của các nghệ sỹ tạo mẫu đã thăng hoa kỹ thuật dệt may truyền thống của các dân tộc.  Sự có mặt của các nghệ nhân, nhà tạo mẫu thượng thặng trong ngành dệt may và thời trang thế giới mang đến rất nhiêu tinh hoa độc đáo, và chính điều đó sẽ mở ra hy vọng về chiều hướng sử dụng giá trị mới của thời trang Việt.

Đêm thời trang thật sự là một chương nhiều dấu thăng tiếp theo “Câu chuyện dệt may” mà cuộc triển lãm của Lễ hội Quốc tế dệt may độc đáo FIFE đã khai mạc chiều 27/6/2013 tại Trung tâm Văn hóa Pháp.

Đường Phượng Bay

 

Các bài mới
Các bài đã đăng