QUANG PHONG
Trải qua hơn 5 kỳ tổ chức, Festival Nghề truyền thống Huế tuy không có quy mô hoành tráng như Festival Huế vào những năm chẵn nhưng luôn để lại những dấu ấn khó quên đối với người dân Huế và du khách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng về kinh tế và khẳng định thương hiệu, vị thế thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
Khơi dậy cảm hứng sáng tạo của các nghệ nhân
Cứ sau mỗi kỳ Festival dù là năm chẵn hay năm lẻ, câu hỏi mà nhiều người đặt ra đó là hiệu quả của nó mang lại. Có thể nói, nếu chỉ chú trọng vào hiệu quả kinh tế được định lượng từ việc bán vé hoặc căn cứ trên số lượng du khách đến Huế trong vài ba ngày diễn ra lễ hội qua các kỳ để đong đếm về tính hiệu quả thì hẳn sẽ rất phiến diện, bởi Festival là một sự kiện văn hóa, hiệu quả của văn hóa đem đến không chỉ ở phương diện kinh tế mà còn ở phạm trù tinh thần. Tham gia, đắm mình và thưởng thức các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật trong không khí náo nức của Festival Huế sẽ giúp người dân Huế và du khách nâng cao vốn hiểu biết, khả năng cảm thụ về văn hóa vốn không dễ gì ngày một ngày hai mà có được.
Đối với Festival Nghề truyền thống lại có thêm đặc thù riêng, đây là những cuộc biểu dương sinh động về trí tuệ và tài năng của các làng nghề, cơ sở nghề thủ công truyền thống của các địa phương trong tỉnh và khắp mọi miền cả nước, qua đó góp phần khơi dậy cảm hứng sáng tạo của các nghệ nhân đối với các sản phẩm thủ công vốn đang dần lấy lại vị thế trong giai đoạn hiện nay. Nếu như không có Festival Nghề truyền thống Huế, chúng ta sẽ không có một trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề ở Phường Đúc hôm nay, danh tiếng cũng như không khí của nghề đúc cũng không lan xa mạnh mẽ. Nếu không có Festival Nghề truyền thống, hẳn cũng sẽ không có một Tịnh Tâm Kim Cổ, một cơ sở giới thiệu các sản phẩm kim hoàn tư nhân vốn lấy cảm hứng từ chủ đề Festival Nghề 2007: “Đúc đồng, Chạm khắc và Kim hoàn”. Cũng chưa hẳn có một nhà hàng chay Thiền Tâm với mô hình thiết kế từ Festival Nghề truyền thống 2011 có chủ đề “ẩm thực và cây kiểng”… Và có lẽ, Festival Nghề truyền thống cũng chính là động lực tiếp thêm niềm tin cho anh Đỗ Hữu Triết, nghiên cứu phát triển để làm hồi sinh một nghề truyền thống tưởng như đã thất truyền: nghề Pháp Lam. Một trong những điều quan trọng nhất mà Festival Nghề truyền thống đem lại là góp phần tạo nên niềm tin, sự tự hào của giới trẻ về nghề truyền thống, nhiều gia đình đã cho con cái nối nghiệp theo nghề của ông cha và họ hoàn toàn có thể “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” từ nghề chứ không nhất thiết phải theo học ở các bậc học chính quy như trước. Nhiều người thợ lành nghề có ý thức trau dồi, nâng cao tay nghề, sáng tạo nên nhiều sản phẩm kế thừa truyền thống.
Du khách rất thích thú khi trải nghiệm các không gian làng nghề tại Festival Nghề truyền thống Huế 2013. Ảnh: Q.Phong |
2015 - hội tụ tinh hoa nghề cả nước
Festival Nghề truyền thống Huế 2015 đánh dấu sự trưởng thành và ngày càng hướng đến tính chuyên nghiệp của thành phố Huế trong việc tổ chức Festival Nghề vào những năm lẻ. Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế khẳng định, Festival lần này sẽ hướng đến tính tiết kiệm, ưu tiên giới thiệu những sản phẩm, nghề truyền thống là thế mạnh của địa phương. Với kinh phí dự kiến không lớn hơn hai lần tổ chức trước, Ban tổ chức Festival nghề 2015 chỉ mời các nghệ nhân các làng nghề trong cả nước một cách có chọn lọc và tạo điều kiện để các nghệ nhân trong tỉnh khẳng định tài nghệ của mình. Mặc dù tiết kiệm, song không vì thế mà Festival lần này thiếu tính hấp dẫn, mới mẽ. Ban tổ chức sẽ chú trọng đến kết nối và tạo ra nhiều không gian mang tính cộng đồng tương tác cao để trưng bày, thao diễn và giới thiệu các sản phẩm nghề thủ công truyền thống Huế tạo thành trục không gian có tính chất liên hoàn từ Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Công viên Phan Bội Châu, Công viên Tứ Tượng, Bảo tàng Văn hóa Huế, Trung tâm Văn hóa làng nghề Phương Nam, không gian giới thiệu đặc sản ẩm thực Huế tại công viên 3 - 2...
Festival Nghề truyền thống 2015 hướng đến kết hợp giữa hai loại sản phẩm: thủ công mỹ nghệ và các tour tuyến du lịch tham quan. Không gian Lễ hội sẽ được mở rộng qua việc kết nối các Tour đến với các làng nghề, các điểm tham quan du lịch đã từng triển khai như: Tour du lịch trải nghiệm Đúc đồng, nhà vườn Thủy Biều, Kim Long; Tour ấn tượng Huế xanh... Các sản phẩm giới thiệu tại Festival lần này chú trọng đến tính độc đáo, đậm đà bản sắc Việt, bản sắc Huế gắn với đặc trưng của các làng nghề đã được giới thiệu qua 5 kỳ tổ chức trước và được du khách ưa chuộng như: Thêu, Pháp lam, Kim hoàn, Chạm khảm, Mỹ nghệ đồng, Gốm, Nón lá, Hoa giấy Thanh Tiên, Tranh làng Sình, Đèn lồng, Dệt may, các sản phẩm trên chất liệu giấy... Để tạo nên sự sinh động, cuốn hút và tránh nhàm chán, lần này Festival Nghề truyền thống sẽ chú trọng hơn đến việc tạo ra nhiều không gian tái hiện lại quá trình sản xuất, giới thiệu sản phẩm mới kết hợp giữa truyền thống và hiện đại thông qua hoạt động thao diễn nghề.
Hướng đến tinh thần tiết kiệm song đây là lần đầu tiên Thành phố tính đến việc đầu tư một số trang thiết bị phục cho Festival. “Chúng tôi bước đầu sẽ đầu tư hệ thống khán đài sân khấu để phục vụ lâu dài cho các kỳ Festival sau này”, ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế cho biết.
Q.P
(SDB16/03-15)