Diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 110 năm cầu Trường Tiền được xây dựng hoàn tất và chợ Đông Ba được xây dựng tại địa điểm hiện nay (Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại/ Cầu Trường Tiền đúc lại xi moong...) là đặc điểm lịch sử hết sức quan trọng để các nhà tổ chức gắn kết các chương trình, các hoạt động sôi động, phong phú và đầy ý nghĩa.
Khác với hai Festival chuyên đề trước, không gian Festival nghề truyền thống Huế 2009 được mở rộng, trải dài hai bờ sông Hương, Đại Nội, và một số vùng phụ cận. Ở khu vực phía Nam, trên đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, nghệ nhân và các làng nghề được tôn vinh trong một không gian trữ tình, khoáng đãng bên bờ sông Hương, với hệ thống nhà rường và cảnh sắc Huế. Tại đây, cùng với việc trưng bày sản phẩm, 150 nghệ nhân đến từ 15 làng nghề nổi tiếng (Bát Tràng, Chu Đậu, Thể Hà, Hạ Thái, Phù Lãng, Phước Tích, Cát Đằng, Thanh Hà, Châu Ô, La Tháp, Bầu Trúc, Gọ, Tương Bình Hiệp, Thủ Dầu Một, Pháp lam Huế…) sẽ giới thiệu kỹ thuật và các công đoạn, quy trình sản xuất độc đáo của các nghề và làng nghề… Công chúng và du khách có thể cùng thao tác và sáng tạo, làm ra sản phẩm và mang về những sản phẩm làm kỷ niệm dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân.
Triển lãm “Dặm dài đất nước qua các cổ vật” sẽ là cuộc hội tụ độc đáo lần đầu tiên của hơn 30 nhà sưu tập ở Hà Nội, Huế, Nam Định, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, TP Hồ Chí Minh với gần 500 hiện vật quý hiếm qua nhiều niên đại (Lý - Trần - Lê - Mạc - Nguyễn…), tiêu biểu cho các dòng gốm sứ đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ, Chăm, Nam Bộ tại khu trưng bày số 15 Lê Lợi - TP Huế.
Tại trung tâm văn hoá Phật giáo Liễu Quán (13 Lê Lợi TP Huế), bộ sưu tập “Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn và Mỹ Nghệ Pháp lam thời Nguyễn” của nhà sưu tập và nghiên cứu Trần Đình Sơn với 110 hiện vật ký kiểu do người Việt đặt làm riêng tại các lò sứ danh tiếng Trung Quốc và Châu Âu, 30 vật phẩm Pháp lam phục vụ việc thờ cúng, sinh hoạt, trang trí do Tượng cục pháp lam triều Nguyễn chế tạo.
Tại trung tâm Festival Huế (19 Lê Lợi TP Huế), “Chuyện kể từ dòng sông” là bộ sưu tập của sự khám phá thú vị cùng những lưu giữ thầm lặng và đầy ý vị của cổ vật dưới dòng sông Hương, sông Đồng Nai và nhiều dòng sông khác của các nhà nghiên cứu Huế và Bảo tàng lịch sử TP Hồ Chí Minh.
Một chương trình ca múa nhạc đặc biệt lần đầu tiên tổ chức ở bãi bồi Đập Đá, như một sân khấu nổi trên Sông Hương với chủ đề “Cây cầu, Dòng sông” nhằm chào mừng Festival nghề truyền thống Huế 2009, kỷ niệm 110 năm cầu Trường Tiền và 110 năm chợ Đông Ba, ra mắt Hội Áo Dài. Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ, người mẫu đến từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Huế. Lễ rước tôn vinh nghề và lễ tế tổ bách nghệ được thiết kế trang trọng, tính cộng đồng cao với sự tham gia của các nghệ nhân về dự Festival nghề truyền thống và Hội chợ triển lãm làng nghề truyền thống sẽ diễn ra trên đường phố Huế trong đêm bế mạc là một dấu nhấn sôi động và đầy ý nghĩa của Festival nghề truyền thống Huế 2009.
Ngoài các hoạt động chính, các hoạt động hưởng ứng, lồng ghép sẽ cùng được diễn ra phong phú và sôi động trong những ngày lễ hội. Bên cạnh tọa đàm thực tiễn “Nghề và làng nghề thủ công truyền thống, tiềm năng và định hướng phát triển” với hơn 150 tham dự viên là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhà khoa học, nhà sản xuất (thợ thủ công và các làng nghề) sẽ được tổ chức theo hình thức đối thoại và phản biện; Hội chợ Triển lãm làng nghề Việt Nam 2009 và Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam lần thứ VI do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên tổ chức tại công viên Thương Bạc khai mạc vào ngày 10-6 và hoạt động liên tục trong suốt thời gian lễ hội. Hội chợ có quy mô khoảng 130 gian hàng các làng nghề, cơ sở sản xuất của 27 tỉnh, thành phố trong cả nước. Không chỉ trưng bày và bán sản phẩm, hội chợ còn có khu vực thao diễn tay nghề, trưng bày chuyên đề Không gian văn hóa tre Việt, hội thảo, diễn đàn và tọa đàm (về nghề thủ công truyền thống Việt Nam, năng lực thiết kế thủ công) và các hoạt động văn hoá nghệ thuật dân gian. Ngoài ra, Festival nghề truyền thống Huế 2009 còn có các cuộc triển lãm, chương trình biểu diễn văn nghệ, thời trang, quảng diễn đường phố, nghệ thuật sắp đặt diễn ra sôi động trong những ngày lễ hội. Khách du lịch và công chúng Huế có thể thưởng thức “Món ngon ba miền xưa và nay” tại Nam Châu Hội Quán… Cùng với triển lãm “Cây cầu và Dòng sông”, các hoạt động kỷ niệm 110 năm cầu Trường Tiền được xây dựng hoàn tất và chợ Đông Ba cũng sẽ được diễn ra. Đặc biệt chương trình “Ánh sáng trong bóng tối” là trại giao lưu nghề và nghệ thuật đầy xúc động sẽ diễn ra trong lễ hội dành cho trẻ em mù và khiếm thị. Đây là cuộc gặp gỡ đầy tính nhân văn của học sinh khuyết tật trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu - Hà Nội, trường PT đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu - TP Hồ Chí Minh và Trung tâm giáo dục hướng nghiệp trẻ em mù Thừa Thiên Huế thông qua các hoạt động vẽ tranh, nặn tượng, sáng tạo gốm nghệ thuật, gốm tạo hình, biểu diễn văn nghệ và các chương trình hòa nhập cộng đồng khác.
Sau cuộc quảng diễn thêu thùa, nón lá năm 2005 và cuộc gặp gỡ của các nghệ nhân, thợ làng nghề chạm khắc, đúc đồng, kim hoàn năm 2007 đầy ấn tượng; cuộc hội tụ của Gốm sứ, Sơn mài, Pháp lam ba miền bên bờ sông Hương hứa hẹn nhiều bất ngờ, thú vị.
X.A (244/6-09) |