Điểm nhấn của Festival Huế 2010 là đêm khai mạc diễn ra tại Quảng trường Ngọ Môn, chương trình nghệ thuật được dàn dựng đặc biệt công phu, với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật, các nghệ sỹ trong nước và quốc tế, đêm khai mạc sẽ lung linh văn hóa đa sắc màu. Đêm của di sản. Festival Huế 2010 sẽ tái hiện nhiều lễ hội cung đình độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của Cố đô Huế như Lễ Tế Nam Giao, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và sự kiện chúa Nguyễn Phúc Lan chọn Kim Long làm thủ phủ, các lễ hội mới: “Cuộc thao diễn thủy binh dưới thời chúa Nguyễn Phúc Lan”, sân khấu hóa “Hành trình mở cõi” sẽ cố gắng tái hiện lại các sự kiện, vóc dáng lịch sử ngày xưa; chương trình “Huyền thoại sông Hương” nhằm khai thác vẻ đẹp của dòng sông, nơi khởi nguồn của thi ca, báu vật tạo hóa đã ban cho mảnh đất này; “ Đêm hoàng cung”, “Đêm phương Đông” phô diễn nét đẹp của trang phục của các dân tộc châu Á và Nhã nhạc Cung đình Huế sẽ diễn ra tại các di tích được công nhận là di sản văn hóa nhân loại: Đại Nội, Cung An Định, Hồ Tịnh Tâm, Nghinh Lương Đình, và một số dịa điểm khác… Không gian Đại Nội sẽ là trung tâm của Festival Huế 2010, nơi sẽ diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc.
Các chương trình nghệ thuật tại Festival Huế 2010 lần này, ngoài những chương trình lễ hội cung đình của Cố đô Huế, có thể kế đến “Hơi thở của nước”, với ba loại hình nghệ thuật: Nhã nhạc Huế, Ca Trù, Quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới cùng với các loại hình truyền thống khác như; chèo, ngâm thơ cổ, dân ca... “Hơi thở của nước” nhằm tôn vinh di sản văn hóa của dân tộc, của nhân loại và vẻ đẹp thuần khiết của người phụ nữ Việt Nam. Đây là câu chuyện về một thiếu nữ Kinh bắc được tuyển vào cung vua, trên đường tới kinh cô gái nhớ lại quãng thời gian tươi đẹp bên người mình yêu dấu... Với sự tham gia của đoàn nghệ thuật múa rồng Thê Hà Nam Kinh, Trung Quốc, đây sẽ là sự giao thoa văn hóa phương Đông, sự gặp gỡ văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc. Với điểm giống nhau là múa rồng nhưng mỗi nơi có cách thể hiện khác nhau, chúng đều xuất phát từ dân gian. Kinh kịch Trung Quốc cũng sẽ hội tụ với sự tham gia của đoàn nghệ thuật tổng hợp Vân Nam, với các tác phẩm như: “Đạo Ngân Khố”, Kim Tiền Báo”, Khổng Tước phi lai”... Bên cạnh đó, các nhạc sỹ tên tuổi trên thế giới cũng sẽ hội tụ về trong Festival Huế 2010. “Hành trình về cội nguồn” là chương trình biểu diễn của bậc thầy âm nhạc Isael Shlomo Gronich, mang theo thể loại âm nhạc mới với những ca từ của Kinh Thánh và nhiều bài hát tiêu biểu trong sự nghiệp của ông. Tiếp đó là sự tham gia của ca sỹ, nhạc sỹ đồng quê Thomas Bailey - Hoa Kỳ, Nghệ sỹ dương cầm Jean- Francois Maljean- Bỉ, nghệ sỹ đàn guitar Mexico Paco Rentería, Ban nhạc Zenzile- Pháp và sự trở lại của ban nhạc Kimo Williams &” Kimotion”- Hoa Kỳ. Lần này Kimo giới thiệu ca khúc “Câu chuyện về Huế” được lấy cảm hứng từ Festival Huế 2008, cùng với sự tham gia của nghệ sỹ Saxophone Trần Mạnh Tuấn và kết hợp cùng với các nhạc công biểu diễn nhạc cụ truyền thống Việt Nam...
Ngoài những chương trình văn hóa nghệ thuật, tại Festival Huế 2010 còn có chương trình hưởng ứng như: “Festival thơ Huế”; triển lãm tranh, ảnh “Từ Cố đô đến Cố đô”, “Tự sự Cố đô”, “Những khối vuông mùa hạ”; các hoạt động nghệ thuật sắp đặt, quảng diễn mỹ thuật “Từ Cố đô Thăng Long đến Cố đô Huế”, mỹ thuật đường phố. Các chương trình nghệ thuật lần này sẽ được mở rộng ra các huyện Hương Thủy, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, A Lưới, Nam Đông với sự tham gia biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và nước ngoài. Ngoài ra còn có các cuộc hội thảo, các hoạt động thể dục thể thao, lễ hội Diều, hội vật võ dân tộc, biểu diễn cờ người, chương trình “đám cưới truyền thống Huế” gắn với các hoạt động ẩm thực “Món chay xứ Huế”, đây sẽ là những hoạt động thu hút du khách và công chúng tham dự... Festival Huế 2010 sẽ là nơi hội tụ của văn hóa và di sản của 5 châu, nơi văn hóa, văn minh nhân loại sẽ cùng thắp sáng lên, bừng lên cùng với Cố đô Huế. Tất cả đang chờ ngày khai hội… (SDB – 5-2010) |