Mở đầu chương trình nhà thơ trẻ Nguyệt Phạm với bài thơ “Đấu giá”, giữa một phiên đấu giá mà chị chính là mẫu hình được đấu giá, với nhiều bảng giá khác nhau, và từng tờ giấy giá được dán lên mình chị, cuối cùng chị xé tất cả những tờ bảng giá chỉ còn lại một nỗi buồn.
Nhà thơ Chiêu Anh Nguyễn “Tự họa” mình sau tấm khung trắng, cũng chính chị là người họa sỹ đang vẽ lên từng nét thơ bên tiếng đàn của nghệ sỹ M.P.K.
Nỗi ám ảnh thơ, thơ đã ngấm sâu trong trái tim nhà thơ và rồi từng cơn đau thắt... thơ; từ đoạn video clip về một người đi tìm thơ giữa phố phường tấp nập; trên một đọan đường, đoàn tàu cứ lao vun vút, riêng một người vẫn còn đứng đó sáng - trưa - chiều - tối trong nỗi buồn cô quạnh, từng dòng thơ chạy trên màn hình và đoàn tàu lao đi; sự lặng im của mùi thơm và cánh cửa cũng đã khép lại... đã được các nhà thơ trẻ Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Hưng Tiến, Lê Anh Hoài... khắc họa qua phần trình diễn của mình.
Khép lại buổi trình diễn thơ, nhà thơ trẻ Huỳnh Lê Nhật Tấn thể hiện bài thơ “Sẽ không còn thấy anh nữa” tặng cố nhà báo Đặng Ngọc Khoa. Cái điệp khúc “ Mười ba giờ bốn mươi/ Mười ba giờ bốn mươi/ Mười ba giờ bốn mươi...” được anh lặp đi lặp lại với giọng đọc mạnh, níu kéo về một điều gì đó không thể... và rồi giọng thơ dịu xuống trong chuỗi buồn “Một người tắt đi hơi thở theo mùa khô.../ Mười ba giờ bốn lăm/ Thân xác anh pho tượng uy nghiêm...” còn lại nỗi buồn không thành tiếng. Anh bắt đầu vẽ lên tranh, vẽ bằng cơn đau nhói buốt, trên bức tranh sau những nét vẽ chỉ còn là nỗi nhớ vật vã và bàn tay anh chạy theo dòng chữ đã nhòe theo từng giọt nước: Đ.N.K (Đặng Ngọc Khoa).
Buổi trình diễn thơ đã được đông đảo công chúng yêu thơ xứ Huế đón nhận. Tuy nhiên, nếu các nhà thơ “thoát ra” khỏi mảnh giấy cầm trên tay thì chắc chắn đêm thơ sẽ hay hơn nhiều. Hy vọng sẽ còn nhiều buổi trình diễn thơ của các nhà thơ trẻ trên mọi miền đất nước bên dòng sông Hương thơ.
PV
|