Họ - hai người bạn, hai người anh em hội ngộ trong gian triển lãm nhỏ. Lặng lẽ, không phô trương, Trần Đỗ Nghĩa với hơn 40 đĩa gốm từ lò Bát Tràng nét chữ, màu sắc đường nét mang phong cách lập thể với những câu thơ về Huế, người nổi tiếng có, bạn bè có. Cùng với Nguyễn Phước Hải Trung, nhà thơ, nhà thư pháp, họa sĩ đồ họa với 35 bìa thơ, chọn từ trên 800 bìa sách từ trước tới nay anh thực hiện cho bạn bè, người thân với sự đam mê đầy cảm hứng.
Họa sĩ Trần Đỗ Nghĩa tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, đã có vài cuộc triển lãm. Đặc biệt hai trong số đó là Gốm. Năm 2004 bên sông Hoài (Hội An), trên nền những chum vại gốm cổ Phù Lãng (Bắc Ninh), anh cách điệu để bay bổng với những mảng lập thể tạo ra những ngõ phố cổ Faifo, những con thuyền trầm ngâm đôi mắt, những mặt người đầy ẩn dụ... Trong gam màu đen, da lươn, nâu cổ truyền cùng những điểm xuyết màu men Bát Tràng.
Còn lần này tại Huế, bên sông Hương là những chiếc đĩa vẽ tranh mang phong cách lập thể. Những mảng màu có chỗ được dùng men đặc sau khi nung tạo ra độ chảy, độ cháy. Có chỗ được bôi mảng, xoa tay tạo độ nhòe liên kết.
Trên nền tranh là những câu thơ. Không phải là nhà thư pháp, nét chữ - thơ được sắp xếp ngẫu hứng trên khoảng trống của sự chủ ý. Sen nở như không biết người đang âu sầu... (thơ Nguyễn Lương Ngọc), Ai về nhắn khách sông Hương / Kẻ Nam người Bắc anh thương bên nào (Á Nam Trần Tuấn Khải), Nhân loại đi đôi bờ tím gió/ Không say không thơ dại không đành (Phạm Nguyên Tường), Một đêm đàn lạnh trên sông Huế/ Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh (Văn Cao)... là những câu thơ đẹp được thể hiện trên nền những “đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” (Nguyễn Xuân Sanh)...
Bìa thơ của Hải Trung vừa hiện đại, lại vừa là những lát cắt độc đáo chắt lọc từ nghệ thuật phù điêu, điêu khắc của dân gian hòa trộn với văn hóa cung đình Huế. Là nhà thư pháp nên các bìa thơ tạo ra sự trừu tượng trong tính toán chặt chẽ về bố cục, màu sắc. Đôi khi có cảm giác mỗi bìa thơ là một bản triện, khắc trên đó dấu ấn của cả tác giả lẫn người vẽ bìa.
Bạn bè Hải Trung ai cũng mừng, yên tâm khi được anh làm bìa. Trong đó nhiều bìa ấn tượng như 700 năm thơ Huế, Mưa hai mặt (thơ Nguyễn Khắc Thạch), Nguyễn Văn Phương - Xích lô hành, Quang gánh và những bài thơ khác (thơ Phạm Nguyên Tường), Hải Bằng (hợp tuyển)...
Hai họa sĩ đã thể hiện – hai ngôn ngữ thể hiện. Nhưng họ gặp nhau ở tình yêu với những gì thuộc về văn hóa Việt. Bởi họ hiểu chất liệu, ngôn ngữ nghệ thuật ở những gì giản dị nhất.
PV
|