Trải qua hơn 500 năm thành lập, với bao biến thiên của lịch sử, nhưng cho đến nay Phước Tích vẫn gìn giữ được những giá trị quí báu cả về văn hoá vật chất cho đến văn hoá tinh thần. Đặc biệt là hiện nay Phước Tích còn giữ được trên 20 ngôi nhà rường cổ trên dưới 100 năm tuổi. Bên cạnh đó còn có hệ thống di tích tín ngưỡng, tôn giáo như đình, chùa, miếu, nhà thờ của các họ tộc, các di tích văn hoá
Chăm Pa.
.. Tất cả những công trình kiến trúc quí giá ấy lại được bảo bọc trong tổng thể cảnh quan của một làng quê Việt truyền thống. Những cây cổ thụ trên dưới 500 năm tuổi, những bến nước, sân đình, vườn nhà đã tạo nên một bức tranh làng quê tuyệt đẹp soi bóng trên dòng sông Ô Lâu, con sông mà cái tên của nó đã làm cho chúng ta gợi nhớ đến Châu Ô, Châu Lý, vùng đất của vị vua Chăm dùng làm sính lễ để cưới nàng Công chúa Huyền Trân.
Từ buổi đầu thành lập, Phước Tích đã nổi tiếng với nghề làm gốm. Sách Ô Châu cận lục viết vào năm 1553 đã từng ghi nhận: “Đồ đất nung ở Dõng Cảm, Dõng Quyết mối lợi không ngờ”. Dõng Cảm là tên gọi của làng Mỹ Xuyên, Dõng Quyết là tên gọi của làng Phước Tích. Hai làng đều nằm bên bờ sông Ô Lâu và có chung ranh giới là đường Thiên lý, tuyến đường thông thương giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Ngày xưa, ngay giữa ranh giới của hai làng là nơi đặt trạm của triều đình. Thời Tây Sơn, gọi là trạm Hoàng Giang (lấy theo tên của làng Phước Tích thời đó), đến thời Gia Long lại đổi tên là trạm Mỹ Xuyên (lấy tên làng Mỹ Xuyên), sau đổi tên là trạm Thừa Mỹ. Bất cứ ai trên đường ra Bắc vào Nam đều phải dừng chân ở trạm này. Phước Tích - Mỹ Xuyên là cửa ngõ phía Bắc của Thừa Thiên Huế thời phong kiến. Từ thế kỷ XV ở vùng đất này đã tồn tại hai làng làm nghề gốm là Dõng Cảm và Dõng Quyết, tức là làng Phước Tích và Mỹ Xuyên. Thế nhưng không biết vì sao sau này chỉ còn làng Phước Tích làm nghề gốm. Còn làng Mỹ Xuyên lại được biết đến bởi nghề điêu khắc gỗ truyền thống nổi tiếng. Tuy vậy ở Mỹ Xuyên vẫn còn các địa danh mang dấu tích nghề gốm như Truông Đôộc, Cồn Trèng. Năm 1993, Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật khu vực Cồn Trèng Mỹ Xuyên và một số điểm lân cận và đã phát hiện các khu lò sản xuất gốm với hàng trăm hiện vật gốm cổ có giá trị. Từ những hiện vật gốm thu được trong lần khai quật ở Mỹ Xuyên, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế đã tổ chức phòng trưng bày về gốm, thu hút được sự quan tâm của khách tham quan và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Hiện nay, phần lớn các sưu tập gốm của các bảo tàng, kể cả bảo tàng tư nhân trong và ngoài nước đều có mặt các hiện vật gốm của Mỹ Xuyên và Phước Tích. Nhà khảo cổ học Trịnh Cao Tưởng cho biết, gốm Mỹ Xuyên đã từng xuất hiện trong nghệ thuật Trà đạo của Nhật Bản từ những thế kỷ trước.
Làng nghề gốm Mỹ Xuyên và làng nghề gốm Phước Tích có mối quan hệ như thế nào trong lịch sử? Đây là vấn đề đáng quan tâm không những đối với các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hoá mà còn đối với cả người dân của hai làng. Qua nghiên cứu thư tịch, tài liệu Hán Nôm cổ, gia phả của các dòng họ..., chúng tôi tạm xác lập được thời điểm hình thành của hai làng như sau: Đối với làng Mỹ Xuyên, căn cứ vào văn bản Hán Nôm cổ được tìm thấy tại nhà thờ họ Lê Văn lập vào năm 1451 (Đại Hoà thứ 9) thời vua Lê Nhân Tông với nội dung cấp quyền sở hữu và công nhận khai canh cho các thành viên tham gia khai phá vùng ruộng Ma Nê (cách làng Mỹ Xuyên gần 10 km). Tài liệu này cho biết, từ năm 1449 (Đại Hoà thứ 7), làng Mỹ Xuyên, lúc đó có tên là Đa Cảm đã có đơn trình cùng huyện quan xin được khai phá thêm vùng ruộng Ma Nê với lý do là đất làng ít mà người đông không đủ đất để canh tác. Sau hai năm khai phá họ đã được huyện quan tổ chức khám xét, đo đạc và cấp giấy chứng nhận chủ quyền cho hơn 100 mẫu ruộng vào năm 1451 (Đại Hoà thứ 9). Từ lý do trình bày trong văn bản, ta thấy rằng người dân Mỹ Xuyên đã lập làng khá sớm, ít nhất là 5 - 6 chục năm trước đó, hoặc sớm hơn mới dẫn đến việc khủng hoảng đất đai (đất ít người đông). Như vậy, có thể làng Đa Cảm tức Mỹ Xuyên đã xuất hiện ở vùng đất này từ cuối thế kỷ XIV.
Đối với làng Phước Tích, nếu căn cứ theo gia phả của các dòng họ trong làng thì các vị tổ đã đến đất Cồn Dương (tên gọi xưa Phước Tích) bắt đầu từ năm 1470 - 1471, tức là sau cuộc nam chinh đánh Chiêm Thành của vua Lê Thánh Tông. Nếu so với Mỹ Xuyên và các làng quanh vùng thì lịch sử hình thành của làng Phước Tích có muộn hơn. Đây là vấn đề cần phải nghiên cứu. Phải chăng việc định cư của người dân làng nghề gốm Phước Tích ở Cồn Dương là sau này. Còn trước đó đã từng có thời kỳ “tiền Phước Tích” tồn tại ở vùng này. Việc tìm thấy khu vực lò gốm cổ ở Mỹ Xuyên trong đợt khai quật khảo cổ học năm 1993 đã minh chứng cho một thời kỳ hưng thịnh của nghề gốm ở nơi đây.
Để có được điều xác tín khi tìm hiểu về lịch sử hình thành làng nghề gốm Phước Tích, trước hết phải tìm hiểu về vùng đất Cồn Dương. Theo tôi, khi cư dân Việt vào Thuận Hoá, những vùng đất phù sa ven các dòng sông là nơi hấp dẫn họ đầu tiên. Vì vậy những làng xã ven các nguồn sông đều có lịch sử lập làng từ lâu đời. Song có một điều hiển nhiên là khi dân Việt di cư vào Thuận Hoá, thì nơi đây vẫn còn người Chăm sinh sống. Chắc chắn Cồn Dương thời đó có một bộ phận người Chăm đang cư trú. Bản văn “Thỉ thiên tự” lập vào năm 1429 của cụ tổ họ Bùi tên là Bùi Trành ở làng Câu Nhi (giáp với Mỹ Xuyên) viết về mối quan hệ thân tình giữa người Việt và người Chăm trong giai đoạn đầu khi người Việt vào lập nghiệp ở Thuận Hoá: “Lúc mới vào đất này vẫn còn người Chiêm Thành, ta lấy lòng thành tín đối đãi tử tế với họ, nên người Chiêm Thành tôn kính, khâm phục. Họ thường mang thổ cẩm đến biếu ta và tỏ lòng biết ơn...” Cồn Dương là “linh địa” của người Chiêm. Cho đến nay, nơi đây vẫn tồn tại những đền miếu thờ cúng các vị thần linh của tín ngưỡng
Chăm Pa
(Chiêm Thành). Ngẫu tượng Yony ở miếu Quảng Tế, tức là miếu thờ Dương phu nhân hay còn gọi là miếu Bà Dàng là biểu tượng thờ “Mẫu” trong tín ngưỡng của người Chăm mà ta thường thấy xuất hiện nhiều ở các đền tháp người Chăm. Từ miếu thờ Dương phu nhân này mà người ta gọi đây là xứ Cồn Dương. Cồn Dương ở đây cũng có thể gọi là Cồn Dàng. Trước đây, ở trước ngôi miếu gần Hà (hồ sen của làng), cạnh đầu đường vào xóm Cừa, có thờ tượng bò thần Nandin, nhưng không biết bị mất từ lúc nào. Tấm phù điêu tạc dở dang ở trước nhà thờ họ Hồ, hai phiến đá lớn (có thể là bia đá) đã qua bàn tay chế tác của con người nhưng chưa kịp khắc văn tự ở trước ngôi miếu thờ trong khuôn viên nhà thờ họ Lê Trọng và nhiều hiện vật bằng đá của nền văn hoá Chăm Pa xuất lộ ở đây, đã cho ta thấy rằng trong thời kỳ người Việt di dân vào Thuận Hoá, thì người Chăm ở đây vẫn tiếp tục sáng tạo văn hoá đặc trưng của họ thông qua hình khắc, bi ký... Các vị tổ của các dòng họ ở Phước Tích đến Cồn Dương là thực hiện việc kế tục định cư khi bộ phận người Chăm ở đây ra đi. Sự kế tục định cư trên mảnh đất này đã diễn ra trên tinh thần hoà hiếu của hai dân tộc. Câu chuyện truyền ngôn về ngôi nhà thờ của họ Lê Trọng được vị tổ họ này mua lại từ một bà Quận chúa Chiêm Thành đã cho ta thêm niềm tin về sự kiện lịch sử này.
Nghiên cứu lịch sử làng Phước Tích không chỉ tính từ thời điểm Ngài Hoàng Minh Hùng, một vị chỉ huy trong đội quân của vua Lê Thánh Tông, sau khi thắng trận trở về, thấy vị thế đất Cồn Dương tốt nên đã chiêu mộ con dân có nguồn gốc từ làng Cảm Quyết đến đây mở đất lập làng mà chúng ta cần phải tìm hiểu thêm trước đó mà chúng tôi mạo muội gọi là thời kỳ “tiền Phước Tích”. Vậy thời kỳ “tiền Phước Tích” được tính từ thời điểm nào? Theo tôi, tổ tiên các dòng họ ở Phước Tích đã vào Thuận Hoá từ những ngày đầu cùng với lớp cư dân ở các làng bên cạnh. Bằng chứng đầu tiên là ngôi mộ của Ngài họ Đoàn tên là Đoàn Phước Vỹ được ghi là “hậu khai khẩn”, trong gia phả họ Đoàn, ngài được ghi là tứ thế tổ (vị tổ đời thứ tư). Lần theo các văn tự Hán Nôm cổ, gia phả các dòng họ, các bài văn tế... ở Phước Tích, Mỹ Xuyên, chúng tôi đã ghi nhận nhiều thông tin có giá trị: Thứ nhất, xét về địa danh, làng Mỹ Xuyên bên cạnh Phước Tích đã từng mang tên: Đa Cảm, Dõng Cảm, Dõng Xuyên..., Làng Phước Tích có tên là Dõng Quyết và ghi xuất xứ từ làng Cảm Quyết (Nghệ An). Tên gọi các địa danh trên đây có thể bắt nguồn từ địa danh gốc Cảm Quyết.
Thứ hai, cả hai làng đều làm nghề gốm. Nhưng cần nêu rõ thêm là khu vực có dấu tích lò gốm ở Mỹ Xuyên trước đây thuộc địa phận thôn Mỹ Cang. Dưới thời phong kiến thôn này cũng có hệ thống chính quyền riêng biệt, người đứng đầu là lý trưởng. Trong một bài văn tế cổ sưu tầm được ở đây đã cho chúng ta biết rõ hơn về lịch sử của Mỹ Xuyên và Mỹ Cang: “Ô hô! Đa Cảm, Dõng Xuyên trăm năm còn tạc thẻ. Mỹ Cang đây, Mỹ Xuyên đó mới một bộ mà phân đinh. Cũng đất Đồng Hầm, cũng đồng Kẻ Né (Ma Nê). Cũng một đời qua, cũng trăm năm lẽ...” Khi phân chia thành hai đơn vị độc lập, Mỹ Xuyên có diện tích và dân số lớn hơn nên gọi là Mỹ Xuyên xã tức là làng Mỹ Xuyên, còn Mỹ Cang chỉ được gọi là thôn. Đặc biệt trong các văn tự Hán Nôm ở đây, khi viết về hai đơn vị này lại có điều khác lạ: Chữ Mỹ trong địa danh Mỹ Xuyên có bộ Thuỷ, còn chử Mỹ trong Mỹ Cang không có bộ Thuỷ. Cụ Nguyễn Văn Bảo, người Lý trưởng cuối cùng của làng Mỹ Xuyên đã cho biết: Sở dĩ chữ Mỹ của Mỹ Xuyên có bộ Thuỷ vì Mỹ Xuyên có ruộng, còn Mỹ Cang không có ruộng nên không có bộ Thuỷ. Khi nghiên cứu về tên các địa danh viết bằng Hán Nôm, chúng tôi phát hiện chữ Cang trong Mỹ Cang được viết bộ Thổ + chữ Cương. Chữ này tuyệt nhiên không có trong bất cứ tự điển chữ Hán nào xuất bản ở Việt
. Đây là một chữ Hán cổ chỉ có trong các bộ tự điển lớn của Trung Quốc. Phiên thiết âm đọc của chữ này là “Cư lang thiết”, “Cổ lang thiết” tức phải đọc là cang. Chữ cang này có nghĩa là đồ đất nung như: gốm, gạch ngói... Có một số bản dịch sử liệu triều Nguyễn phiên âm tên thôn này thành Mỹ Cương là không đúng.
Thứ ba, về quan hệ họ tộc, trong một văn bản phân chia đất đai giữa hai làng Mỹ Xuyên và Mỹ Cang thời Tự Đức, lý trưởng của làng Mỹ Cang lúc đó có tên là Lương Thanh Tự. Hiện nay, họ Lương Thanh chỉ có ở làng Phước Tích chứ không có ở Mỹ Xuyên. Trường hợp họ Hồ của hai làng Phước Tích và Mỹ Xuyên đều trùng nhau về ngày giỗ tổ 12 tháng 8 âm lịch hàng năm. Tổng hợp những dữ liệu trên, ta có thể đặt vấn đề thời kỳ “tiền Phước Tích” là ở khu vực Mỹ Cang, nay thuộc làng Mỹ Xuyên. Địa danh cồn Trèng ở Mỹ Cang, Truông Độôc ở rú cát Mỹ Xuyên nơi từng an táng mộ các vị tổ của Phước Tích là điều minh chứng thêm. Như vậy ta có thể ghi nhận rằng thời kỳ “tiền Phước Tích” xuất phát từ khu vực các lò gốm cổ ở Mỹ Cang.
Sách Ô Châu cận lục đã từng ghi nhận cùng lúc hai làng nghề gốm nổi tiếng nằm sát cạnh nhau. Nhưng vì sao về sau này chỉ có làng gốm Phước Tích phát triển, còn làng gốm Mỹ Xuyên lại mai một. Thậm chí người dân ở Mỹ Xuyên cũng không biết đến chuyện nơi đây từng là một làng gốm nổi tiếng thuở xa xưa. Vì vậy, khi trận lũ năm 1990 làm xói lở khu vực Cầu Máng (gần Cồn Trèng), làm xuất lộ các hiện vật gốm cổ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là gốm Chăm. Một số khác cho là gốm Việt. Kết luận trong đợt khai quật khảo cổ học cho biết đây là gốm Việt. Theo chúng tôi, gốm Chăm và gốm Việt chỉ khác biệt nhau ở cách chế tác. Người Chăm chế tác công cụ gốm không cần bàn xoay, với đôi bàn tay khéo léo, họ có thể chế tác bất cứ nơi nào có loại đất nung được gốm, thậm chí khi nung họ không cần xây dựng lò lớn như người Việt. Gốm ở Mỹ Cang có thể là sự giao thoa giữa gốm Chăm và gốm Việt thông qua bàn xoay và kỹ thuật lò nung. Thêm một điều ghi nhận khác về văn tự thì chữ cang trong địa danh Mỹ Cang có nghĩa là vật liệu đất nung như gạch ngói, gốm...
Trong một văn bản Hán Nôm được lập vào thế kỷ XVII, niên hiệu Hoàng Định thời Lê, hiện lưu giữ tại nhà thờ họ Lê Văn làng Mỹ Xuyên, ghi nhận về các cuộc tranh chấp khá gay gắt về nguồn củi giữa hai làng. Lúc đó làng Mỹ Xuyên có tên là Dõng Xuyên, làng Phước Tích có tên là Phúc Giang. Có thể những sự kiện trên đã khiến cho những người thợ gốm Mỹ Cang đã dần dần chuyển sang cư trú với người thân của mình ở Phước Tích để cùng tiếp tục phát triển nghề gốm. Lớp người sau ở Phước Tích chỉ nghe các bô lão trong làng kể lại rằng ngày xưa vùng Truông Đôột bên Mỹ Xuyên là đất của tổ tiên mình, chứ câu chuyện liên quan sâu xa giữa Phước Tích - Mỹ Cang thì chẳng còn ai nhớ rõ. Ngay cả những người trong họ Hồ của hai làng vẫn thường xuyên đi lại với nhau trong các dịp tế lễ nhưng chắc rằng họ cũng chưa từng nghe về lịch sử di dân lập làng mở nước một thời của cha ông. Thế hệ con cháu của họ Lương Thanh ở Phước Tích hiện nay khi nghe chúng tôi kể về người lý trưởng Mỹ Cang mang họ Lương Thanh họ cũng lấy làm ngạc nhiên vì chưa từng được nghe ông bà kể lại. Trại sáng tác Phước Tích tháng 9/ 2006 N.T
(nguồn: TCSH số 215 - 01 - 2007)
|