Những vấn đề di sản
Đoản khúc chưa có tựa đề về tinh thần tự tôn dân tộc
16:19 | 29/11/2012

HẢI TRUNG

Cách đây không lâu, khi hợp tác với Bảo tàng Cố cung Quốc gia Hàn Quốc thực hiện cuốn sách “Báu vật triều Nguyễn ở Việt Nam”, chúng tôi đã có dịp tranh biện với các nhà chuyên môn của bảo tàng này về cách dịch sang tiếng Anh khái niệm “vua” của triều Nguyễn.

Đoản khúc chưa có tựa đề về tinh thần tự tôn dân tộc
Ấn Sắc mệnh chi bảo bằng vàng ròng, dùng để đóng trên các sắc phong thời Nguyễn (chế tác năm 1827 dưới triều Minh Mạng)

Phía Hàn Quốc theo “lệ của họ” đã dịch thành King (vua), tôi và đồng nghiệp Việt Nam cứ dứt khoát phải là Emperor (Hoàng đế). Cuối cùng qua nhiều lập luận và bằng chứng trưng dẫn, chúng tôi đã làm cho phía Hàn Quốc nhận thức chính xác rằng, Emperor (Hoàng đế) là một khái niệm chính danh của các vua Nguyễn. Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi có được những lý lẽ thuyết phục, mà thực chất phải xuất phát từ những cơ sở lịch sử khách quan của vấn đề.

1. Quốc hiệu và chân mệnh Thiên tử

Các vua Nguyễn đầu triều xuất phát từ truyền thống đã bày tỏ một tinh thần tự tôn dân tộc để đề cao dân tộc, để đề cao vị thế quốc gia. Trong lịch sử, Trung Hoa luôn xem Việt Nam và các nước khác trong khu vực là một nước nhỏ, như một chư hầu và vua Việt Nam phải chịu “thụ phong”.

Văn kiện ngoại giao của Trung Hoa gửi Việt Nam trước đây thường xuất hiện cụm từ An Nam quốc vương (安 南 國 王); đến thời Nguyễn thì Việt Nam quốc vương (越 南 國 王) - quốc vương là một khái niệm chỉ vua các nước chư hầu của Trung Hoa. Ngay từ khi mới lên ngôi, vua Gia Long đã cử sứ giả là Lê Quang Định sang Trung Hoa xin đặt quốc hiệu mới - thay quốc hiệu Đại Việt (大 越) thành Nam Việt (南 越) - nhưng vua Trung Hoa không đồng ý vì sợ nhầm lẫn với địa danh ở Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc thời bấy giờ1. Liên quan đến vấn đề này, Quốc sử quán triều Nguyễn cũng từng ghi nhận phản ứng của vua Gia Long: “Nếu không cho đổi quốc hiệu thì không thọ phong. Vua Tàu sợ mất lòng nước ta, mới cho đặt hiệu là Việt Nam2.  Do vậy, từ năm 1804 quốc hiệu Việt Nam (越 南) chính thức được sử dụng cho đến năm 1838. Sau khi  “chấp thuận” để nước ta đổi quốc hiệu, vua Trung Hoa “ban” cho Việt Nam một chiếc ấn bằng bạc khắc các chữ Việt Nam quốc vương chi ấn (越 南 國 王 之 印), mặc nhiên xem nước ta như một chư hầu. Nhưng thực tế, chiếc ấn này chỉ dùng để sử dụng trong các loại công văn, giấy tờ gửi sang Trung Hoa mà thôi, công văn trong nước và gửi đi nước khác không dùng ấn này 3.

Đến năm 1838 dưới triều Minh Mạng, nhà vua lại chủ động (nghĩa là không quan tâm đến sự đồng thuận của Trung Hoa) đổi quốc hiệu thành Đại Nam (大 南): “Mậu Tuất, Minh Mệnh thứ 19. Mùa xuân, tháng 3, ngày Giáp Tuất, mới định quốc hiệu gọi là nước Đại Nam4 với lý do: “Trước xưng là Việt Nam, nay xưng là Đại Nam, danh nghĩa đều rõ, mà chữ Việt đã cũng có trong nghĩa chữ ấy [tức nghĩa trong chữ Đại, người viết] rồi. Kinh thi có câu: Chu tuy cựu bang kỳ mệnh duy tân (nhà Chu tuy là nước cũ, mà mệnh trời thời mới) thực là đúng cả danh thực nước ta5.

Đó là cách để triều Minh Mạng tự khẳng định và cũng như nhiều triều đại trước, bằng cách công bố tính cách “đế” với chân mệnh “thiên tử” qua ngôn ngữ hành chính và ngôn ngữ nghệ thuật, triều Nguyễn cũng đã tiếp tục khẳng định vị thế của đất nước trong quan hệ với các nước khác. Đó còn là cách để khẳng định sự chính danh trong quan điểm Nho giáo, sự vật phải ứng với tên gọi, mỗi người phải làm đúng với chức phận của mình. Trong điều hành đất nước, chính danh thể hiện qua việc hướng xã hội đến một tôn ti, trật tự rõ ràng.

Có thể thấy rằng, trong đặc điểm ngôn ngữ, cùng với các văn bản hành chính có tính chất quản lý nhà nước vào thời Nguyễn thuộc thẩm quyền ban hành của nhà vua như: chiếu, lệ, lệnh, chỉ, dụ, sắc cùng một số công văn khác, ngôn ngữ thơ trên điện Thái Hoà (太 和 殿) thường xuất hiện từ đế vương, thiên tử, thánh nhân đã biểu hiện rõ những ý đồ của triều Nguyễn, nhắm vào hai mục đích: một là, trong quan hệ đối nội, khiến cho trăm họ thấy rằng đây là triều đại mới thiết lập, sự lên ngôi chính thống của vị vua mới, xã hội đã được xác lập tôn ti; hai là thực hiện ý đồ đối ngoại, công bố về quyền tự chủ của đất nước đối với các nước khác.

Đặc điểm sử dụng chữ với tần suất cao hơn mức trung bình trước hết có thể thấy, thơ trên điện Thái Hòa có nhiều chữ đế (帝, 22 lần), thánh nhân (聖, 19 lần), chữ hoàng (皇, 19 lần). Điều này đồng nghĩa rằng có khoảng 60 bài thơ liên quan đến khái niệm vua với nghĩa tường minh biểu niệm hoàng đế. Quy luật nhận thức về chính danh phần nào cũng đã phản ảnh qua việc phát triển một hệ thống các từ ngữ có tính đặc trưng như thế. Điều này ắt hẳn phải xuất phát từ tinh thần tự tôn dân tộc trong gốc rễ truyền thống của “Nam quốc sơn hà” vậy:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư                 南 國 山 河 南 帝 居

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư             截 然 定 分 在 天 書           

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm               如 何 逆 虜¸ 來 侵 犯         

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư              汝 等 行 看 取 敗 虛        

Và ngay đến cả triều Đồng Khánh, một triều đại Nguyễn mất hết quyền tự chủ, khi ngự chế bài thơ răn dạy các quan phải chăm chỉ chức phận, cùng phải chia sẻ và suy nghĩ về tình thế khó khăn của đất nước với triều đình, nhà vua cũng phải nhắc lại cái chân lý “Nam quốc sơn hà” đó:

Nam quốc sơn hà Nam đế đô                  南 國 山 河 南 帝 都        

Thần truyền, thánh kế tráng hoàng đồ 6    神 傳 聖 繼 奘 皇 圖

Sông núi nước Nam là kinh đô của Hoàng đế nước Nam

Thần truyền, thánh nối, cơ đồ rộng mở.

Lịch sử còn chứng minh rằng, nếu như các vua Nguyễn (cũng như các vua thời trước ở Việt Nam) đều khẳng định tính cách “đế”, thì so với Triều Tiên, Hàn Quốc thời Cao Ly các vua chỉ là vua nước nhỏ (vương), ví như: “Cheonsu (천 수, 天 授: 918 - 933, King Taejo); Gwangdeok (광 덕, 光 德: 950 - 951, King Gwangjong); Junpung (준 풍, 峻 豊: 960 - 963, King Gwangjong)” thời nhà Triều Tiên cũng tương tự, ví như: “Gaeguk (개 국, 開 國: King Gojong 1894 - 1895); Geonyang (건 양, 建 陽z: King Gojong 1896 - 1897)” Đến thời Đế quốc Đại Hàn mới bắt đầu xưng đế, ví như: “Gwangmu (광 무; 光 武: Emperor Gojong, 1897 - 1907); Yunghui (융 희; 隆 熙: Emperor Sunjong, 1907 - 1910)7.

Chính tính cách “đế” đã làm cho vị thế của đất nước được nâng cao, do vậy mà từ các triều đại trước cho đến triều Nguyễn, các thời hoàng đế đều đặt niên hiệu. Liên tục trong lịch sử các chế độ phong kiến, quân chủ Việt Nam đã trải qua 144 niên hiệu8.
 

Một bài thơ trên điện Thái Hòa


2. Những câu thơ về lòng tự tôn dân tộc

Tự hào về truyền thống văn hóa từ trong gốc rễ sâu xa của tinh thần dân tộc, chính vua Thiệu Trị cũng từng cho rằng: “Nước của ta vốn có tiếng văn hiến”, “Văn vật ở nước ta không kém gì Trung Quốc9. Những tư tưởng này cũng góp phần hình thành nên những cách lập luận có tính lý tưởng hoá về triều đại. Điều này thể hiện rất rõ trong các bài thơ khắc trên điện Thái Hoà10:

- Tự hào về truyền thống văn hoá (văn hiến và văn vật) của nước ta lúc bấy giờ đã toả sáng, có nhiều điểm vượt trội so với các nước (mà ở đây là so với Trung Hoa):

+ Lễ nhạc siêu Tam Đại/ Thông minh khuếch tứ môn (禮 樂 超 三 代/ 聰 明 廓 四 門): lễ nhạc vượt cả thời Tam Đại11 / Sự thông minh khuếch tán ra bốn cửa;

+ Võ liệt quang thiên cổ/ Văn phong phiến Cửu châu (武 烈光 千 古/ 文 風 扇 九 州): võ thì oanh liệt, sáng cả ngàn năm/ văn thì hay, lan khắp chín châu; 

+ Thiên tải khiết minh lương (千 載 契 明 良): muôn đời (luôn) có bậc hiền tài;

+ Quy mô tiểu Hán Đường (規 模 小 漢 唐): quy mô khiến cho Hán, Đường12 cũng trở nên nhỏ bé;

- Khẳng định về vị thế của đất nước (so với các nước khác):

+ Vạn quốc nhập đình trừ (萬 國 入 庭 除): vạn nước đều vào chầu trước sân;

+ Thê hàng lai vạn quốc (梯 航 來 萬 國): muôn nước trèo non, vượt biển tới đây v.v.

Rõ ràng là, sự bày tỏ những “phấn khích”, cùng những niềm tự hào tột bậc của triều đình đối với cơ đồ sự nghiệp, đối với giang sơn xã tắc là cơ sở để hình thành lên những lối lập luận như thế và chủ đích của lập luận không ngoài ý thức tạo một cách khác để tự khẳng định, đây cũng thể hiện phần nào quan điểm trong chiến lược đối ngoại của triều Nguyễn.
 

Một sắc phong thời Duy Tân đóng ấn Sắc mệnh chi bảo


3. Biểu tượng tối thượng của quyền lực

Cùng với Thượng phương bảo kiếm, chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” của triều Nguyễn là hai biểu tượng tối thượng của quyền lực nhà nước. Bên cạnh “Hoàng đế chi bảo”, triều Nguyễn còn định chế nhiều loại ấn để sử dụng vào nhiều mục đích, tính chất khác nhau trong quá trình điều hành đất nước. Ấn triều Nguyễn trong mục đích hành chính có thể quy thành ba dạng chất liệu bằng vàng, bằng bạc và bằng ngọc.

Điều đáng nói là những biểu hiện thẩm mỹ từ những chiếc ấn này cũng góp phần để nhà Nguyễn tự khẳng định triều đại và vị thế đất nước. Biểu tượng chủ yếu trên ấn là con rồng, chân có năm móng. Trong văn hoá phương Đông, đây là linh vật tượng trưng cho nhà vua, sự chính thống của ngôi vị: Long phi càn cửu ngũ (龍 飛 乾 九 五): Rồng bay trên trời (biểu thị cho) ngôi vua (thơ trên điện Thái Hoà). Cửu ngũ là hào thứ năm của quẻ Kiền trong Dịch học, tượng trưng cho vua hoặc giai đoạn thành công của kẻ sĩ. Quẻ này lý giải về ngôi vua là Phi long tại thiên lợi kiến đại nhân (飛 龍 在 天 利 見 大 人): rồng bay trên trời, ra mắt đại nhân thì có lợi. Hào Cửu ngũ ứng với mạng thiên tử, sánh với đức thánh nhân, ở vào vị trí tột đỉnh trong xã hội (cư tôn vị). Do vậy, nơi vua ngồi, vua ở thường được gọi là cửu trùng, địa vị của vua gọi là cửu ngũ chi tôn (hoặc tôn cư cửu ngũ). Điều này rất sát hợp với thực tế ở không gian điện Thái Hòa, trên vị trí ngai vua có bửu tán với hình ảnh tiêu biểu là 9 con rồng được chạm lọng, thếp vàng rực rỡ, thể hiện uy quyền của bậc đế vương.

Biểu tượng rồng trên các chiếc ấn của triều Nguyễn thật sự đã tạo nên một sự khác biệt so với các nước đồng văn khác. Ấn của các vua Triều Tiên (hiện đang bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Cố cung Quốc gia Hàn Quốc) đều hình linh quy (rùa), định chế này chỉ sánh ngang với chiếc ấn Quốc mẫu chi bảo (國 母 之 寶) vào thời Nguyễn mà thôi. Và, chỉ có bậc hoàng đế mới có ấn có biểu tượng hình rồng như thế. Đây là minh chứng về “văn vật” đầy thuyết phục về tinh thần tự tôn dân tộc.

4. “Vĩ thanh” sau 143 năm

Năm 2010, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Báu vật Hoàng cung” nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, nội dung chính là trưng bày các cổ vật như kim ngọc bảo tỷ, kiếm vàng và một số hiện vật bằng vàng của triều Nguyễn (được tiếp quản đưa ra Hà Nội từ năm 1945).

Tại dịp này, tác giả bài viết có dịp gặp gỡ trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Lân Cường, Phó Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam. Ông cho biết, năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tuần Lễ Vàng (từ ngày 04/9/1945) nhằm khuyến khích người dân đóng góp ngân sách quốc gia để tháo gỡ sự khó khăn tài chính của đất nước. Bấy giờ ông Nguyễn Lân13 - là một trong những người của ban điều hành Tuần Lễ Vàng - đã đưa ý kiến của nhiều người trong ban điều hành là nên đưa các chiếc ấn và các hiện vật bằng vàng này để nấu chảy thành ngân lượng bổ sung vào ngân khố quốc gia để thỉnh thị ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ đã dứt khoát và phân tích rằng: “Nấu chảy các chiếc ấn và các cổ vật bằng vàng này là điều không thể. Vì đây là bằng chứng vật chất còn lại để thế hệ mai sau biết về văn hiến nước nhà, để con cháu còn có bằng chứng để tự hào với các nước. Các chiếc ấn này không riêng gì của chế độ phong kiến mà còn là tài sản của nhân dân, nó là sản phẩm đúc kết từ trí tuệ của người thợ thủ công”.

Những điều ấy thật đáng để chúng ta cùng suy ngẫm.

Huế vào hạ, 2012
H.T
(SH285/11-12)




......................................................

1 Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chính biên, Sài gòn, 1972, trang 58.

2 Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chính biên, Sài gòn, 1972, trang 59.

3 Theo Delvaux trong “Phái bộ Pháp ở Huế và những phái viên đầu tiên” thì chiếc ấn Việt Nam quốc vương chi bảo này đã bị thực dân Pháp nấu chảy trước khi ký hiệp định Patenôtre (1884). Dẫn theo Nguyễn Thế Long, Chuyện đi sứ, tiếp sứ ngày xưa, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001, trang 384.

4 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, bản dịch của Viện Sử học, Nxb.KHXH, Hà Nội, 1968, tập XX, trang 65.

5 Nội các Triều Nguyễn , Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 5,6, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1993, trang 152.

6 Bài thơ này của vua Đồng Khánh dài 80 câu. Dẫn theo Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đồng Khánh- Khải Định chính yếu, bản dịch của Nguyễn Văn Nguyên, Nxb. Thời đại, Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, 2009, trang 104.

7 Dẫn theo Wikipedia tiếng Việt, tập tin “Niên hiệu Triều Tiên”.

8 So sánh với Hàn Quốc, nhiều di tích, bia mộ ở Hàn Quốc vào các thời kỳ đều thấy ghi niên đại trên đó là niên hiệu của các hoàng đế Trung Hoa (Tác giả bài viết đã đến Hàn Quốc 3 lần và từng có dịp tham quan tại nhiều di tích).

9 Quốc Sử quán triều Nguyễn (1978), Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử học, Nxb. KHXH, Hà Nội, Tập XXIV, trang 137, 409.

10 Điện Thái Hòa là công trình quan trọng nhất trong Hoàng Thành Huế, làm nơi đặt ngai vua và tổ chức các lễ đại triều từ năm 1805 (từ khi xây dựng) đến năm 1945 (từ khi chấm dứt chế độ quân chủ ở Việt Nam).
Trên các chi tiết gỗ ở điện tập trung nhiều tại các vị trí trong nội thất (gồm 148 bài hiện còn trên các liên ba), các bài thơ đều mang nội dung chủ yếu là khẳng định ngôi vua, khẳng định triều đại, khẳng định về vị thế đất nước. Những điều này cho thấy tính chất trang trí ở đây đã tạo nên một ý nghĩa có sự đối lập, thể hiện một mục đích khá rõ: thơ ở ngoại thất điện có xu hướng hướng ra bên ngoài, hướng về việc tổ chức đất nước, quan tâm đến đời sống nhân dân; thơ ở nội thất điện có xu hướng hướng vào bên trong, hướng vào triều thần, quan lại, hướng vào việc tổ chức bộ máy, chế độ. Cả hai xu hướng này đều được thống nhất trong mục đích “ngôn chí” của chủ thể sáng tạo, mà ở đó, có thể thấy chủ đề về tự tôn dân tộc là một giá trị tinh thần có thể tạo nên động lực để thúc đẩy phát triển.

11 Tam đại: ba đời vua Trung Quốc (Hạ, Thương, Chu) ứng với ba đời vua TQ là vua Hạ, vua Thang và vua Văn Võ vương). Đây là thời kỳ có nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp, nhất là bày điển chế Nhạc lễ rất quy củ.

12 Hán Đường: hai triều đại được xem là kiểu mẫu ở Trung Quốc. Nhà Hán (Đông Hán và Tây Hán) từ năm 206 tr.CN đến năm 219 s.CN; nhà Đường từ 618 đến 906 s.CN.

13 Là thân sinh của PGS, TS. Nguyễn Lân Cường. Nguyễn Lân (1906-2003) là Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, nhà biên soạn từ điển, học giả nổi tiếng của Việt Nam. Ông đã cống hiến trọn đời mình cho nền giáo dục Việt Nam và là người có công trong việc xây dựng bộ môn và khoa tâm lí học, giáo dục học của hệ thống các trường Sư phạm ở Việt Nam (theo Wikipedia tiếng Việt).








 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mảnh hồn Chàm (09/03/2010)