Những vấn đề di sản
Festival Huế 2014 với di sản đúc đồng Cố đô
17:12 | 26/05/2014

NGUYỄN VĂN DẬT

Du khách các nước về tham dự Festival Huế, chắc chắn không thể không tham quan các sản phẩm đúc đồng ở Cố đô Huế và các sản phẩm hiện đang trưng bày tại các gian hàng ở phố chợ, nhất là tại Trung tâm làng nghề ở Phường Đúc - đường Bùi Thị Xuân và các cơ sở đúc đồng quanh Phường Đúc.

Festival Huế 2014 với di sản đúc đồng Cố đô
Cửu Đỉnh ở Thế Miếu - Huế

Nhân đây, chúng tôi xin trình bày vài nét đặc thù về sự hình thành các di sản đúc đồng ở Hoàng thành Cố đô, đáng để ý nhất là súng thần công và vạc cùng cửu đỉnh, chuông, tượng, lư đồng v.v, có liên quan đến thợ đúc đồng trong và ngoài nước.

Đầu tiên, sản phẩm đúc đồng được trưng bày ngay hai bên cột cờ, lối đi ra vào tham quan Đại Nội là Cửu vị thần công, to dài trên 5m, nặng trên chục tấn (177.200 - 188.400 cân) được đúc vào đầu thời Gia Long (1803). Kỹ thuật đúc đồng các sản phẩm đó đã đạt đến mức điêu luyện và tinh xảo, đủ tượng trưng cho sức mạnh của một vương triều độc lập, tự chủ…

Vào Thế Miếu lại thấy Cửu đỉnh sừng sững cao trên 2,5m, cũng nặng trên tấn, tượng trưng cho uy quyền của chín vị vua trị vì, được đúc vào thời Minh Mạng (1835). Một sản phẩm đúc đồng truyền thống Việt Nam trước đây và cả bây giờ, toát lên được kỹ thuật tạo hình, cùng mỹ thuật trang trí hoa văn tuyệt hảo, mà cho đến bây giờ nhiều nghệ nhân đúc đồng Việt Nam và Huế không dễ tự tay sáng tác và chế tạo được. Ở đây đã nói lên sức mạnh công nghệ cả kỹ thuật lẫn mỹ thuật hoa văn tinh xảo điêu luyện đã chế tác nên sản phẩm, mang đậm nét văn hóa, lịch sử, dáng hình non sông gấm vóc.

Xưa hơn một chút là những chiếc vạc thời các chúa Nguyễn, được đúc từ năm 1659 đến 1684, nặng từ 500 - 2000kg. Tuy hoa văn trên vạc không đẹp lắm nhưng những chiếc vạc với kích cỡ lớn bé khác nhau được đúc sau mỗi lần thắng trận cũng đã nói lên được sức mạnh chống Trịnh và Nam tiến của Nguyễn quân Đàng Trong thời đó.

Từ ban đầu, Đoan quận công Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn kế vị đã chuẩn bị binh lương vũ khí để chống chúa Trịnh khi mới vào Ái Tử (Quảng Trị) lần thứ hai (1600), rồi vào Phước Yên (1631) chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã lập hai đội, Nội pháo tượng và Tả hữu Pháo tượng, lấy dân hai xã Phan xá, Hoàng Giang huyện Phong Lộc (Quảng Bình) giỏi nghề rèn đúc vũ khí để chế tạo vũ khí, nhất là súng (trường); báng súng thợ mộc làm, cò súng thợ bạc làm, quân hai đội chỉ sản xuất nòng súng mà thôi (1).

Đến năm 1636, Chúa Nguyễn Phúc Lan, dời Dinh vào Kim Long thì các đội Pháo tượng đã chuyển thành ‘Tượng cục’ rõ ràng mà sách Phủ biên Tạp lục của Lê Quý Đôn vào kinh lý năm 1776 ở Thuận Hóa đã nêu rõ:

Ở Thuận Hóa có hai Ty đội thợ đúc, đều 30 người. Có Phường Đúc ở bờ Nam sông Phú Xuân, đều là người kiều ngụ ở lộn,…”.

Cũng biết đúc súng đồng, vạc và chảo, nồi xanh cây đèn, cây nến mọi vật”.

Còn ở trang 204 lại ghi: “Có Ty thọ đúc người Kinh 30 người, người Bản bộ 30 người”…(1)

Những câu văn trên đủ để xác định nguồn gốc thợ đúc và sản phẩm họ làm ra. Lúc đầu (1631) chỉ làm súng trường cầm tay nên có báng súng, sau về Phường Đúc thì đúc súng đồng lớn hơn, đúc vạc, chảo, xanh nồi, cây đèn cây nến mọi vật. Nói chung sản phẩm bằng đồng thì hai Ty đội trên đều có khả năng đúc được, nhất là súng thần công và vạc, cùng đại hồng chung v.v.

Phường Đúc hình thành từ năm 1636, ở đối diện với dinh chúa Kim Long, là một loạt công thự, phòng thủ và công xưởng cùng nơi an cư cho thợ. Từ Ga Huế đến gần nhà máy xi măng Long Thọ, hình thành một loạt công thự, đó là:

Trường súng (kho và súng thử súng, Kho thuốc (súng), Giang dinh, Giang tiền (các doanh trại thủy binh), Kinh nhơn (nơi ở của thợ Kinh bắc,) Bản bộ (nơi ở thợ bản địa), Trường đồng (xưởng đúc đồng), Kho than: dự trữ than củi cho việc đúc súng và ngự dụng.

Theo tài liệu ghi ở Đại Nam hội điển sử lệ thì lúc đúc Cửu đỉnh và Cửu vị Thần công có nhiều thợ các nơi về: Thợ Bắc Ninh, thợ Quảng Nam - Quảng Ngãi. Nhưng thợ Thừa Thiên vẫn đông đến 100 người, trong đó có Chú Tượng Kinh Nhơn Ty do một Cai quan trông coi. Lại có vị trong Kinh Nhơn Ty giữ chức Chú tượng ngũ Ty cai đội tước chiêu nhật hầu, trông coi đến 5 Ty đội thợ đúc thời Gia Long.

Cở sở đúc của triều đình lúc này tập trung ở Vũ khố Nội thành Huế. Còn thời chúa thì ít hơn mỗi đội chỉ 30 người mỗi nhóm và thực hiện ở Phường Đúc theo nhân lực cơ hữu ở Đàng Trong thôi. Kinh Nhơn Ty từ thời chúa đến thời vua đều tham gia sản xuất được nhiều sản phẩm như đã nêu trên và rất được ưu ái nên hay có tiền mừng. Sau khi người Pháp đô hộ nước ta thì Thừa Thiên Huế có Những người bạn Cố đô Huế (BAVH) do L. Cadière chủ biên, đã viết về một số di tích vùng Phường Đúc Huế như bài ‘Khu Vực Hổ Quyền’ năm (1914 - 1924?). Nhưng đã bỏ sót hay cố ý không hề đề cập gì về thợ đúc Kinh Nhơn, Bản Bộ, mà chỉ biết có Trường đồng, và người Bồ Đào Nha lai thôi.

Bài viết có sự thiếu sót căn bản đó, nên phản ánh không đúng sự thật về thợ đúc người Kinh Bắc đã từng đến đó sinh hoạt vào đầu thế kỷ thứ XVII cho đến bây giờ (1636 - 2014), tức trước khi người Bồ Đào Nha đến chừng 30 năm, lại đã theo chúa Nguyễn Hoàng từ buổi đầu (1600) là thợ từ Bắc Ninh vào Đàng Trong, đến Ái Tử, đến Phước Yên rồi đến Thuận Hóa năm 1636, nên được gọi là thợ Kinh Nhơn (Người Kinh Bắc, Bắc Ninh).

Năm 1776, nhà sử học Lê Quý Đôn đến kinh lý Đàng Trong, trước Cadière gần 145 năm đã ghi về Thợ đúc Kinh Nhơn (Chú Tượng Kinh Nhơn Ty) và Bản Bộ Ty đầy đủ có khả năng đúc nhiều sản phẩm kể cả súng mà phần trên đã ghi(2).

Còn tác giả L. Cadière là người Âu châu, lại đến muộn hơn Lê Quý Đôn gần 145 năm, nhưng có lẽ chủ quan, ít để ý đến văn hóa lịch sử truyền thống nghề nghiệp Việt Nam, nên chỉ biết khen người Âu Bồ Đào Nha một cách hơi quá lời, trong lúc người Âu Bồ Đào Nha lại đến xứ Thợ đúc sau hai nhóm thợ Kinh Nhơn và thợ Bản bộ gần 30 năm, tức sau hơn một thế hệ. Họ do các Thủ hiệp trông coi với đầy đủ cơ cấu tổ chức sản xuất. Liệu người Âu đó có làm việc và hợp tác hữu hiệu với các Chú tượng ty có nghề nghiệp truyền thống lâu đời trong khi ông chỉ một mình?

Theo bài viết thì tác giả có phần chủ quan xem các thợ Việt Nam chỉ là học việc hay phụ giúp thôi là thiếu sót lớn, không phản ánh đúng sự thật đã diễn ra, vì họ học nghề truyền thống từ Tổ sư Dương Không Lộ - Nguyễn Minh Không nhiều đời trước, nhiều năm trước rồi.

Thợ đúc truyền thống đã đúc được cả trống đồng từ ngàn xưa và con trai Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng đã đúc súng thần công từ thế kỷ XV rồi.

Thợ đúc truyền thống Việt Nam khi ‘có mẫu’ súng từ chiến lợi phẩm thu được từ các tàu chiến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha bị chìm hoặc được xem vẽ kiểu là có thể chế tác thành công ngay.

Cả vạc cũng vậy, cách đúc không khác đúc Đại hồng chung là mấy. Cái khó là lò nấu thủ công, đúc sản phẩm lớn phải dùng nhiều lò nấu liên tục.

Chúng tôi nhận thấy công nghệ đúc thủ công truyền thống từ ông cha xưa cho đến những năm 50 thế kỷ trước vẫn là khuôn đất và hai ống bệ thụt thổi cùng lò nấu và chứa đồng đều làm từ đất sét pha trấu. Thế mà đúc nên sản phẩm lớn ở Triều đình và tượng chùa Trấn Vũ ở Hà Nội, tượng Phật A Di Đà ở chùa Vạn Phước (Huế).

Cho đến nay vẫn gần như thế, chỉ cải tiến thêm về cơ khí gia cố nhiều sắt trong các khuôn và lò nấu lớn, dùng quạt điện, hay máy nổ. Cho nên công nghệ vẫn như xưa mà đã đúc nên chuông Linh Mụ 1710 nặng đến 3200 cân sau Khi Joao da Cruz chết (1682). Rồi sau này đúc Cửu vị Thần công, Cửu đỉnh, và đại hồng chung chùa Diệu Đế nữa.

L.Cadière nói đến người Bồ Đào Nha đó một cách khá hấp dẫn trên Tập san BAVH thì theo Le febvre trong hồi ký của mình đã ghi đơn giản:

Một người lai Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha, đến ‘đề nghị’ làm việc cho chúa và được chấp nhận vào sinh hoạt ở xứ Thợ Đúc, nơi những người thợ đúc đã từng sinh hoạt”(4).

Câu hồi ký này nói rõ xứ thợ đúc đã sinh hoạt trước đó khá lâu rồi. Lại nữa, theo tài liệu của Linh mục Nguyễn Văn Quý, giáo xứ Phường Đúc thì trong tư liệu L’Etat Presente de L’ Eglise de Cochinshina tr,147 (Tình hình công giáo ở Đàng Trong) thì “Jean de la Croix (Joao da Cruz) biết đúc súng được vua Miên cho làm quan. Năm 1658, ông bị bắt ở mặt trận Miên Việt tại phía Nam đưa về Phường Đúc làm việc”.

Trong Luận văn của Tiến sĩ Li Tana ở chương II phần quân đội cũng được các tư liệu từ Bồ Đào Nha cho hay là:

“Cả Cadière, Maybon và Lê Thành Khôi lúc đầu đều ghi rằng Joao da Cruz đến lập xưởng đúc súng ở Thuận Hóa vào năm 1614. Tuy nhiên khi nghiên cứu kỹ càng Manguin kết luận rằng: Joao da Cruz không hề đặt chân đến trước năm 1658, điều này có vẻ chính xác hơn”(4).

Trong bài viết (KVHQ) Cadière cũng tin chắc không có người Âu nào đến Đàng Trong sớm hơn A. de Rhode,1620 - 1625; cho nên không thể tin là Joao dá Csuz đến sớm trước năm 1658 được, lại nữa:


“Vào năm 1651 Manquez nhận thấy họ Nguyễn đã gửi 3000kg đồng sang Ma Cao nhờ người Bồ Đào Nha ở đó đúc súng cho chúa’. Đến năm 1658, Manquez, nhà truyền giáo dòng Tên lại nhận 1000 lạng bạc của chúa Hiền để sang Ma Cao mua vũ khí. Năm 1659 về trễ bị triệt hạ nhà thờ, sau đó đem súng về được, nên cho truyền giáo trở lại”. Có lẽ sau thời kỳ mua, mới tự chế tạo súng lớn (4 sđd tr26).

Theo chúng tôi nhận định thì năm 1614, Dinh chúa còn ở Ái Tử xa xôi và chưa lập các xưởng chế tạo vũ khí tại Phường Đúc vì ở đây còn hoang vu, khó khăn, chưa có người Âu đến đây trước A.de Rhode như chính Cadière đã xác định.

Khi dời Dinh vào Phước Yên thì chúa Nguyễn Phúc Nguyên, năm 1631 mới thành lập hai đội Nội pháo tượng và Tả hữu pháo tượng mà trong Đại Nam tạp lục tiền biên đã ghi và sách Lê Quý Đôn cũng có ghi. Nhưng ở đây chỉ chế tác súng trường, có ‘báng súng’, ‘cò súng’, khác với súng đồng thần công. Các vị viết không để ý đã ghép chung vào thành một việc là ‘đúc súng’, nên sự kiện trở thành phức tạp, khó hiểu, khó lý giải cho rõ được.

Đến đây chúng tôi xin nêu đến ‘Năm dãy thợ đúc’ của Phường Đúc xưa mà trong BAVH chỉ nêu có địa danh Trường đồng thôi, làm sao mô tả đầy đủ được? Năm dãy là:

Giang Dinh, Giang Tiền, Kinh Nhơn, Bản Bộ và Trường Đồng đã nói lên nơi ở, nơi làm việc của hai nhóm thợ đúc hàng trăm năm rồi. Ngoài các doanh trại ở ven sông thì trong kiệt lên tới gò đồi đều rải rác có thợ đúc tư nhân sinh hoạt và thường cũng có chân trong Tượng cục làm việc luân phiên theo định kỳ, nên có câu đồng dao là:

“Kinh Nhơn, Bản Bộ, Trường Đồng,
Ba o con gái quá chồng cả ba”

Quá chồng hay ế chồng là các vị khai như vậy để dễ đi buôn bán phế liệu đồng nát, rủi bị bắt vì mua nhầm hàng bất hợp pháp không liên lụy đến gia đình nhà chồng.

Ở huyện Siêu loại Bắc Ninh xưa cũng có chợ Cầu Nôm buôn bán đồng nát và sản phẩm đúc đồng làm ra từ các xã đúc đồng ở Đề Cầu, Đông Mai, Đồng Xá nên cũng có câu:

“Đồng nát thì về Cầu Nôm/ Con gái nỏ mồm về ở với cha.

Hay:

“Ra đi mặt đỏ má hồng/ Quê cha em bỏ quê chồng em theo,

“Bây giờ tuổi tác đã già/ Quê chồng em bỏ, em tìm quê cha mà về” (tả nồi đồng).

Thật thế, Thợ người Kinh xứ Kinh Bắc có nguồn gốc đúc đồng trong gia phả họ Nguyễn nầy, theo chúa Nguyễn Hoàng năm 1600, hiện còn lưu bằng chữ Hán là:

“Ngã gia quán Bắc Ninh tỉnh, Siêu Loại huyện Đồng Xá tổng, Đồng Xá xả, Tự Trịnh gia cường tiếm, thất truyền vô do khảo cứu. Chí lục đợi Tổ, lục tùng Nguyễn chúa, cư quan tại Thừa Thiên phủ, Hương Thủy huyện, Cư Chánh tổng, Dương Xuân Hạ xã, Kinh Nhơn ấp
. Cai quan Nguyễn Văn Lương (tự Nhân) cụ túc tánh danh ký vi thủy Tổ.”

Đây là gia phả tục soạn thời Tự Đức (1847) nên có giản lược một đoạn từ 1600 - 1636, đúng ra Gia phả đã khởi ghi từ thời Cảnh Hưng (1740 - 1786), Gia Long, Minh Mạng, mới đến Tự Đức (1847 - 1883) khi tục biên chỉ ghi chép gọn từ năm 1636 thôi.

Nên Tổ Nguyễn Văn Lương theo Nguyễn Hoàng từ năm 1600 và đã qua đời ở Phước Yên. Đến Kim Long, Thuận Hóa (1636) chỉ có con là Thủ Hiệp Cường đức tử Nguyễn Văn Đào, (đời thứ hai) và (cháu Thủ hiệp Nguyễn Văn Xuy sinh năm 1647 - đời thứ ba) cùng các cháu khác. Nên nay nhà nước chỉ công nhận vị Nguyễn Văn Đào này là Tổ đúc đồng, Phường Đúc, Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tuy nhiên con cháu vị này cũng đã ở Thuận Hóa trước người Bồ Đào Nha 30 - 40 năm rồi với chức là Thủ hiệp trông coi toán thợ đúc 30 người Kinh Nhơn chưa kể 30 thợ bản địa như đã nêu trong sách
Phủ Biên Tạp Lục như vậy các vị ấy là quan chức.

Họ tộc này có nguồn gốc nghề đúc ở Bắc Ninh: làng Đồng xá, làng Đông Mai, làng Đề Cầu, quê gốc của thợ đúc Ngũ Xã (Hà Nội) ngày nay. Một nơi có nghề đúc đồng được Dương Không Lộ -Nguyễn Minh Không truyền dạy từ thời Lý Trần
(3).

Theo Tập san BAVH trong Khu vực Hổ Quyền thì chỉ nêu và khen một người Bồ Đào Nha lai Ấn, đúc súng rồi đúc vạc, trong lúc ông ta đến muộn hơn nhóm thợ Việt nhiều năm (1665, theo hồi ký của Le Febvre)(4). Hơn nữa nhóm thợ đúc ở Đồng Xá này còn có một nhánh khác theo Nguyễn Kim ở Thanh Hóa đúc vũ khí chống nhà Mạc từ năm 1553 - trên 60 năm. Cho nên họ Nguyễn vùng này là những thân cận của chúa, được phong chức tước từ lâu đời, và đã làm nên nhiều sự việc kể cả đúc súng đồng và vạc chuông lớn chùa Linh Mụ năm 1710 khi không có mặt người Bồ Đào Nha (đã chết năm 1682) như Lê Quý Đôn đã từng nêu trong sách Phủ biên Tạp lục và cả sau thời vua Nguyễn nữa.

Qua đó thợ đúc Kinh Nhơn nêu trên và cả Thợ Bản Bộ không học nghề với người Âu lai Ấn đó (Jean de la Croix) mà học nghề từ tổ tiên và nhất là Tổ sự Dương Không Lộ từ thời Lý - Trần. (Có chăng chỉ là sự cố vấn, góp ý, mà thôi.)

“Nam mô Không Lộ Như Lai, đúc nên tứ khí để làm chân tâm, đó là:
Tháp chùa Báo Thiên, Tượng chùa Quỳnh Lâm, Chuông Quy Điền, Vạc Phổ Minh


Bây giờ xin bàn về công nghệ đúc của Âu tây và nghề đúc truyền thống của ta, các sản phẩm súng vạc, v.v.

Người Âu châu có truyền thống đúc bằng ‘khuôn cát, và dùng bay sắt, còn người châu Á, nhất là Việt Nam cho đến ngày nay đúc đồng vẫn dùng ‘khuôn đất’ và dùng bay tre làm khuôn rồi nung đốt trong hay nung đốt từ ngoài vào tùy lúc, tùy nhu cầu. Khi nhìn sản phẩm, nhất là sản phẩm ít làm nguội, dũa, mài là nhận diện được ngay.

Vị Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên Huế có cho chúng tôi xem ba khẩu súng khai quật từ cửa biển Thuận An mấy năm trước đây, dài trên 2m nặng cỡ 2 tạ?

- Đầu tiên nhận diện được ngay là mặt ngoài da súng còn nhám của khuôn cát.

- Kế đến là đề tên Cochinshine (Đàng Trong) bằng tiếng Âu châu.

Hai chi tiết đó xác định không phải người Việt Đàng Trong đúc vì đúc bằng ‘khuôn cát’ da sần sùi như cát nổi, lại đề tiếng Âu, không đề tiếng Hán - Nôm như Cửu vị Thần công và các súng gang thời Minh Mạng đều đề chữ Hán Nôm kể cả Cửu đỉnh, đều làm từ khuôn đất sét.

Các khẩu súng ở Bộ Quân sự Thái Lan cũng nhận định như vậy, không phải súng đúc ở Đàng Trong vì đề tiếng nước ngoài chữ (Latinh). Có thể chủ nhân thuê đúc hay đúc đâu đó ngoài Việt Nam, như đã nêu ở trên là chúa gửi đồng và bạc nhờ mua hay đúc ở Ma Cao thì họ đề tiếng nước ngoài.

Bây giờ xin bàn về vạc, đây là sản phẩm người miền Trung hay dùng để kho nấu tùy theo kích cỡ to nhỏ, nhỏ gọi là xanh, chảo to gọi là vạc, còn hoa văn thì cũng như trên trống đồng cả hơn ngàn năm trước Tổ tiên thợ ta đã khắc ngược trên vỏ khuôn đất (âm bản), đúc ra sẽ đúng hình dạng mình muốn, lớn bé không là vấn đề quan trọng.

Khuôn lại làm bằng đất theo truyền thống Việt Nam, gồm hai ba khoanh chồng lên nhau rất dễ nhận; lại đề chữ Hán - Nôm. Cho nên không thể nói là Jean de la Croix đúc, khi chỉ có một mình mà làm theo công nghệ khuôn cát và ghi tiếng Âu tây?

Trong lúc thợ ta là các Ty đội thợ đúc làm theo khuôn đất lại ghi chữ Hán - Nôm.

Nên người Bồ Đào Nha đó chỉ là cố vấn không hơn, còn thao tác là thợ Việt theo công nghệ cổ truyền của ta từ ngàn xưa thôi.

Khuôn đất thích hợp cho các sản phẩm mỏng như xanh chảo vạc, trống đồng.

Năm 1994, họ Nguyễn Kinh Nhơn, Phường Đúc Huế đã đúc thành công phiên bản Trống đồng Phong Mỹ, Phong Điền cũng từ khuôn đất và giờ đây Thanh Hóa cũng đã đúc Trống đồng bằng khuôn đất mà chúng ta đã có dịp xem sản xuất tại Festival làng nghề tại sân trường Hai Bà Trưng Thừa Thiên Huế mấy năm trước đây.

Vị Phó cục trưởng cục Bảo tồn di sản văn Hóa Việt Nam đã nói với chúng tôi là Hà Nội đã đúc trống đồng theo công nghệ Âu tây không thành công, phải quay lại đúc theo truyền thống.

Tại chùa Sùng An ở Phú Vang (Huế) có một quả chuông đúc năm 1667 cao 1,3m, rồng và hoa văn rất đẹp theo kiểu Bắc pha hoa văn Huế, phản ánh sự giao lưu nghệ thuật bắt đầu từ đây.

Năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho đúc đại hồng chung lớn ở chùa Linh Mụ, nặng đến 2300 cân, cao gần 3m chỉ toàn nhóm thợ Kinh Nhơn và Bản Bộ. Đến thời vua Nguyễn còn đúc chuông lớn ở chùa Diệu Đế và Cửu vị Thần công, Cửu đỉnh như đã nêu và bây giờ đúc cả Chuông trên 30 tấn, tượng cao 10m v.v., đều bằng khuôn đất.

Có một điều cần bàn bạc chút xíu là thợ đúc Huế tuy cũng từ Bắc vào lâu đời, nhưng sản phẩm đúc ra nhẹ cân hơn thợ miền Bắc. Ví dụ:

Tượng Phật ở Sóc Sơn - Hà Nội đúc cả Tòa sen nặng đến 60, 70 tấn, còn thợ đúc miền Trung đúc tượng tương tự như vậy ở Gia Lai, ngồi cả tòa sen cao trên 6m chỉ trong vòng dưới 10 tấn, và tượng đức Trần Hưng Đạo Đại Vương ở Nam Định cao 10,2m cũng nặng ở mức 23 tấn theo thiết kế.

Bây giờ xin bàn sang Tổ nghề dạy nghề truyền thống một chút:

Một số người ở Giáo xứ Phường Đúc tin rằng, ông Tây Bồ Đào Nha dạy nghề đúc cho dân Phường Đúc Huế và cũng xem như là ‘Tổ nghề đúc’ tại đây.

Cả Viện Nghiên cứu Văn hóa Lịch sử Hà Nội, khi đọc BAVH cũng phân vân phải đưa người vào Phường Đúc tìm hỏi chúng tôi. Vị trưởng Tộc họ Nguyễn Kinh Nhơn (Bắc Ninh), bác cố Nguyễn Văn Tửu cùng nghệ nhân ưu tú và chúng tôi cho các vị xem gia phả như trên là có nguồn gốc, có nghề từ Bắc Ninh rồi theo chúa Nguyễn Hoàng vào khi chúa Trịnh hà khắc dân. Vào đây hình thành nên Ty đội thợ đúc Người Kinh Bắc với nhiều chức tước như Cai quan, Chánh Ty quan, Thủ hiệp, Chú Tượng Kinh Nhơn ty chánh cai quan v.v, (tức là thủ trưởng chỉ đạo). Họ làm theo công nghệ truyền thống, tức sản xuất thích hợp bằng khuôn đất thôi mà kết quả cũng rất đạt yêu cầu như đã thấy.

Chúng tôi cũng kết giao được với họ Nguyễn từ làng Đồng Xá ra đi vào Thanh Hóa rồi theo Nguyễn Kim đúc vũ khí chống nhà Mạc trong 60 năm mà phần trên có nêu. Tổ tiên chúng tôi đã được Tổ sư Dương Không Lộ - Nguyễn Minh Không khi tu ở chùa Phả Lại (Bắc Ninh) truyền thừa từ Hai chú Tiểu là Phạm Quốc Tài vùng Đề Cầu, và Trần Lạc vùng Đông Mai (Cầu Nôm, Đồng Xá). Ngũ Xã (Hà Nội) cũng như chúng tôi được truyền nghề từ đây rồi ra đi vào Thuận Hóa,Thanh Hóa, lên Thăng Long - Hà Nội. Nên chúng tôi nay phải thờ Tổ nghề là:

Thiền sư Không Lộ thôi”.

Ông Lê Xuân Quang, hội viên hội khoa học văn hóa Việt Nam từ năm 1957 - 1986 đã khảo sát và ghi lại là Tổ có 3 nghề rèn, đan và đúc đồng nên được tôn vinh là Minh Không, Không Lộ Vương Bồ Tát. Theo bài viết thì hai tên chỉ là một vì tu nhiều nơi có nhiều tước hiệu, nhiều danh hiệu(3).

Một số vị tin rằng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã công nhận Lăng mộ và nhà thờ ông NGUYỄN VĂN ĐÀO là Tổ đúc đồng Phường Đúc thành Phố Huế tỉnh Thừa Thiên Huế là đủ rồi không thờ kính ai nữa, nên có ý không chịu thờ Tổ Dương Không Lộ, vì nghe ai đó nói mà chưa thấu đáo rằng: “Huế không có miếu thờ Tổ Sư nghề.” Trong lúc đó:

Ông Nguyễn Hữu Thông viết trong Sách Nghề và Làng nghề ở Thừa Thiên Huế là:

Phường Đúc không có miếu thờ Tổ sư, một số lò tiến hành thờ cúng ông tổ nghề một cách mù mờ, văn cúng không cụ thể. Có nơi thờ Không Lộ thiền sư, (có nơi thờ Cao Đình Hương, Cao Đình Độ). Có lò chỉ vái tiên sư tổ sư bổn nghề trong phạm vi từng lò riêng” nên cho rằng Thợ đúc Huế không thờ Tổ xa.

Điều này phản ảnh sự sơ suất thiếu sót của nhóm Thợ đúc Phường Đúc đi tha phương từ Bắc Ninh vào Đàng trong lập nghiệp,chỉ cúng vái một cách mù mờ, văn cúng không cụ thể, chỉ vái Tiên sư, Tổ sư bổn nghề…”. Tác giả Nguyễn Hữu Thông còn chỉ rõ về Tổ sư Dương Không Lộ ở cước chú số (66) cho chúng ta nữa(6).

Đây là một sự chê trách rõ ràng và bày vẽ cho thợ đúc Phường đúc Huế không biết thờ phụng vị thầy dạy nghề vì:

Không Thầy đố mầy làm nên, Ai cũng phải học nghề cả” còn nói tôi học cha và gia đình tức chưa đủ, vì học nghề là từ trên truyền xuống hay nói ngược lại là con có thể học theo cha, cha học theo ông nội, ông nội học ông cố, ông cố học ai? và Tổ tiên chúng ta học ai? mới truyền dạy lại lần lần chứ? Đó là học từ Sơ Tổ mà ra thôi.

Học nghề hay học Đại học các ngành cũng là học nghề đều có khoa trưởng và giáo viên chỉ dạy, không thể không có thầy mà thành tài rồi quên thầy được”.

Nghề đúc ta cũng có vị thầy. Thiền sư Dương Không Lộ tu ở nhiều nơi biết nhiều nghề Rèn, nghề Đan nghề Đúc đồng và đã đúc nên tứ khí đã nêu trên kia.

Thời Lý - Trần Sư tu ở chùa Phả Lại (Bắc Ninh) đã truyền nghề cho hai chú tiểu như trên đã đề cập.

Ta có nguồn gốc ở vùng Đông Mai, Đồng Xá, Cầu Nôm bên cạnh vùng Đề Cầu (quê gốc Ngũ Xã - Hà Nội) đã thờ Tổ sư Dương Lộ và hai chú tiểu. Chúng ta là hậu duệ mười mấy đời sau phải theo Tiên sư Tổ sư đó thôi, không thể làm khác hơn.

Không thể quên ơn Sơ Tổ được, Không ai uống nước mà không nhớ nguồn cả.

Thờ Cai Quan Nguyễn Văn Lương, Thủ hiệp Nguyễn Văn Đào là thờ hậu tổ và là Tổ huyết thống, là Tổ vùng Phường Đúc thôi. Chúng ta vào Thuận Hóa chỉ từ đời thứ sáu, còn trước đó năm đời nữa đã học ai, ta mới có nghề hôm nay? Đó là học theo Sơ Tổ Không Lộ.

Sơ Tổ chung các vùng và Việt Nam mà Tổ chúng ta theo học ban đầu là Minh Không - Dương Không Lộ một vị Thánh Tổ, trong đạo giáo; một Bồ Tát trong Phật giáo đa tài đức, giúp đời nên hầu như cả nước thờ phụng, chiêm bái và tôn vinh là:

“Không Lộ - Minh Không Vương Bồ Tát”.

Một vị Thiền sư lỗi lạc, đã lưu danh sử sách xưa nay, hiện nay gần như cả nước đều biết và tôn thờ theo ước vọng của họ, vì hay giúp đời, chữa bệnh và dạy nghề.

N.V.D
(SH303/05-14)


...................................................
(1), (2) Phủ biên Tạp lục, Lê Quý Đôn Nxb. Hà Nội 1964, tr 204,357,358.
(3) Vũ Ngọc Khánh, Thần tổ các ngành nghề, Nxb. Hà Nội 1991, tr50-60.
(4) Ghi chú số 1 của BAVH: KVHQ: Memoire Lefebvre, Boret ghi chép lại.
(5) Luận văn Tiến sĩ Litana, tr26, bản dịch; Đàng Trong, Nguyễn Văn Huệ 1997.
(6) Nguyễn Hữu Thông, Sđd Nxb. Thuận Hóa 1997, tr 72 cước chú số 66 tr87.  








 

Các bài mới
Các bài đã đăng