Những vấn đề di sản
Thư viện kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn những dấu ấn một thời
10:14 | 26/03/2009
TRƯƠNG THỊ CÚCCách đây gần tròn 50 năm, từ Đại hội Anh hùng Chiến sĩ Thi đua lần thứ 3 năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động chiến dịch “Vì miền Nam ruột thịt”. Thực hiện chủ trương nầy, năm 1957 Bộ Văn hoá và Thư viện Quốc gia Việt Nam đã chính thức chỉ đạo 26 thư viện các tỉnh và thành phố ở miền Bắc xây dựng trong lòng mỗi thư viện một “Thư viện Kết nghĩa” vì miền Nam ruột thịt theo quan hệ kết nghĩa giữa các tỉnh, thành Bắc-Nam.

Từ đó ở các thư viện cấp tỉnh khắp miền Bắc đã xuất hiện mô hình thư viện kết nghĩa như các Thư viện Kết nghĩa Thanh Hoá - Quảng Nam, Nghệ An - Quảng Ngãi, Hải Phòng - Đà Nẵng, Lào Cai - Lâm Đồng, Hà Đông - Cần Thơ, Nam Định - Mỹ Tho v.v... Từ phong trào vận động xây dựng thư viện kết nghĩa cũng đã xuất hiện những lời kêu gọi bằng thơ rất mộc mạc nhưng đầy nghĩa tình:

Dù cho sông cạn đá mòn
Mối tình - Bắc vẫn còn thắm tươi
Về nhà lấy sách ai ơi!
Gởi vào trong ấy tặng người anh em.

Đặc biệt, đối với hai thành phố có vị trí lịch sử quan trọng ở miền Nam là Huế và Sài Gòn, Thư viện Kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn vừa do Thư viện Quốc gia trực tiếp phụ trách, vừa do Thư viện Hà Nội xây dựng theo quan hệ kết nghĩa gắn bó keo sơn Hà Nội - Huế - Sài Gòn.

Theo chỉ đạo của Bộ Văn hoá, các thư viện kết nghĩa phải được xây dựng theo đúng chuẩn mực nghiệp vụ, có kho sách dự trữ, có cán bộ riêng và được đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên.

Tại Thư viện Quốc Gia, việc xây dựng Thư viện Kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn được phân công trách nhiệm rất cụ thể: phòng Hành Chính lo kinh phí, phòng Bổ sung mua sách báo, đăng ký tài liệu, phân chia tài liệu về các kho Sài Gòn và Huế, phòng Phân loại - Biên mục mô tả, phân loại sách báo, tổ chức mục lục theo chữ cái và loại sách. Kho sách thư viện kết nghĩa phân thành hai: kho sách Thư viện Sài Gòn, kho sách Thư viện Huế. Thời gian đầu, mỗi tên sách được mua 12 bản, phân đều mỗi kho 6 bản, sau đó mua 10 bản, phân đều mỗi kho 5 bản. Ngoài ra, sách tiếng nước ngoài cũng được chia theo tỷ lệ tối thiểu mỗi kho 1 bản.

Từ năm 1959, thực hiện chủ trương của Ban Thống nhất trung ương, ngành thư viện đã chọn một số con em miền Nam đang học tập, công tác trên miền Bắc gởi đi đào tạo chuyên ngành đại học thư viện tại Liên Xô. Thư viện Kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn đã chọn các anh chị Nguyễn Ngọc Aánh, Đào Hoàng Thuý, Nguyễn Kim Tuyên, Nguyễn Văn Hoài cử đi du học tại Liên Xô để chuẩn bị cán bộ cho hai Thư viện Kết nghĩa Huế và Sài Gòn sau nầy.

Trong khói lửa ác liệt của cuộc chiến tranh phá hoại do Mỹ tiến hành ở miền Bắc, công việc thầm lặng xây dựng hệ thống thư viện kết nghĩa vì miền ruột thịt càng diễn ra cẩn trọng hơn. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, để tăng cường hiệu quả xây dựng Thư viện Kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Thư viên Quốc gia đã thành lập “Tổ miền ” từ 6 đến 7 người, chủ yếu do những cán bộ quê ở miền phụ trách. Sau khi xử lý kỹ thuật xong, toàn bộ sách báo được đóng gói và chuyển dần lên kho an toàn khu thuộc xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc) để tránh bị bom Mỹ phá hoại.

Năm 1972, khi cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ diễn ra ở miền Bắc, Thư viện Quốc Gia đã tổ chức đưa một nhóm cán bộ nữ có con nhỏ lên hẳn an toàn khu để làm nhiệm vụ xử lý kỹ thuật kho sách báo và sơ tán các cháu nhỏ của Thư viện Quốc Gia rời khỏi Hà Nội. Sau khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết, hoà bình được lập lại ở miền Bắc, tổ công tác đặc biệt nầy mới được cơ quan đón về Hà Nội.

Tại Thư viện Hà Nội, được sự phối hợp có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, Thư viện Hà Nội đã chuẩn bị cho Thư viện Kết Nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn theo một kế hoạch dài hơi: vừa xây dựng hai kho sách hoàn chỉnh cho hai thư viện Thừa Thiên Huế và thư viện Sài Gòn, thường xuyên xử lý kỹ thuật cho toàn bộ số sách báo được bổ sung, vừa chuẩn bị lực lượng cán bộ sẵn sàng đưa toàn bộ số sách báo vào miền Nam một khi Huế và Sài Gòn được giải phóng.

Năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, trong bối cảnh vừa kết thúc cuộc chiến tranh, hệ thống thư viện sẵn có ở miền Nam ngưng hoạt động, nhu cầu tìm đọc sách báo và tìm hiểu về các tư liệu thư tịch về chính trị, lịch sử, kinh tế, xã hội; nhất là nhu cầu tìm đọc các tác phẩm văn học nghệ thuật, nhận diện về vóc dáng của các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu ở miền Bắc, nhu cầu đọc sách báo ở các khu vực đô thị, đặc biệt là ở hai thành phố Sài Gòn và Huế, nơi tập trung nhiều trường đại học, có số đông trí thức, giáo chức, sinh viên, học sinh,... càng trở nên bức thiết.

Trong bối cảnh đó, ngay khi Huế vừa giải phóng, từ cuối tháng 4-1975, Thư viện Hà Nội đã phân công chị Nguyễn thị Yến đưa 14.358 cuốn sách báo vào Huế cùng với một số cán bộ là cơ sở cách mạng của Thành uỷ Huế khẩn trương chuẩn bị hình thành Thư viện Huế để đáp ứng nhu cầu của người đọc. Ngày 19 - 5 - 1975 Thư viện Nhân dân thành phố Huế đã chính thức mở cửa tại cơ sở số 20 Lê Lợi, thu hút đông đảo văn nghệ sĩ, trí thức và sinh viên Huế. Từ địa điểm nầy, những sách báo cách mạng, những tác phẩm nghiên cứu lịch sử, lý luận văn học, văn thơ một thời của các tác gia lớn như Đặng Thai Mai, Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Thanh Tịnh,... đã đến với bạn đọc, xua tan ám ảnh mà các thế lực phản động đã gieo rắc, xuyên tạc.

Không lâu sau khi Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Thư viện Hà Nội đã kịp thời cử anh Tạ Đình Đô và chị Nguyễn Thị Hiếu, Phó giám đốc Thư viện Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh mang theo 20.075 cuốn sách báo để hình thành Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

Tiếp sau đó, tháng 11-1975 Thư viện Quốc gia Việt Nam cũng đã cử 3 cán bộ đưa 62.000 bản sách, 300 loại báo và tạp chí vào Huế xây dựng Thư viện tỉnh Thừa Thiên Huế.

Sự có mặt của các Thư viện Nhân dân thành phố Huế, Thư viện tỉnh Thừa Thiên Huế, Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, với số lượng sách báo đa dạng và phong phú, ngay từ những ngày đầu miền Nam hoàn toàn giải phóng, với hệ thống các kho sách, phòng đọc, phòng mượn, phòng báo và tạp chí... luôn thu hút đầy ắp bạn đọc là các tầng lớp trí thức, cán bộ, sinh viên, học sinh... là hình ảnh đẹp của đô thị miền Nam ngay những ngày mới giải phóng; thể hiện tầm nhìn chiến lược về văn hoá, gắn với tình cảm cao đẹp, với nghĩa tình Bắc-Nam thắm thiết trong quá trình đất nước bị tạm thời chia cắt.

30 năm sau ngày giải phóng, Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế (hợp nhất từ Thư viện Thừa Thiên Huế và Thư viện Nhân dân thành phố Huế) đã có bước trưởng thành, lớn mạnh, nhưng dấu ấn khởi đầu gần 50 năm trước đây của Thư viện Kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn vẫn còn là kỷ niệm lịch sử không quên của một thời, thể hiện khát vọng hoà bình, thống nhất và phát triển, được biểu hiện dưới hình thái cao đẹp của văn hoá Việt Nam.

T.T.C
(198/08-05)

Các bài mới
Các bài đã đăng