Những vấn đề di sản
“Tàng Thư lâu ký” - công trình bi ký độc đáo về lầu Tàng Thư
14:10 | 03/11/2014

VÕ VINH QUANG

Trong nỗ lực phục dựng các di tích đặc biệt trong quần thể di tích Cố đô Huế, vừa qua, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô đã đầu tư 24,8 tỷ đồng trùng tu di tích lầu Tàng Thư. Đây là một tín hiệu Cực kỳ đáng quý, có tác dụng không nhỏ đối với việc xiển dương vị thế của vùng đất Cố đô cũng như góp phần giáo dục truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc.

“Tàng Thư lâu ký” - công trình bi ký độc đáo về lầu Tàng Thư
Lầu Tàng Thư đang phục dựng - Ảnh: khamphahue

Hòa chung niềm hân hoan chờ đợi công trình độc đáo này hoàn thành, chúng tôi cũng muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình cho việc tìm hiểu về nguồn gốc của lầu Tàng Thư. Việc phát hiện, dịch thuật và công bố bản văn bia Tàng Thư lâu ký không nằm ngoài mục đích đó.

1. Vài nét về Lầu Tàng Thư

Việc lưu trữ tư liệu thành văn trên nhiều phương diện như lịch sử, văn hóa, địa bạ, địa chí… của Việt Nam từ xưa rất được các triều đại quân chủ quan tâm mạnh mẽ. Trong đó, triều Nguyễn là vương triều có công sức rất lớn trong quá trình gìn giữ thư tịch văn hiến của dân tộc. Dưới triều Nguyễn, không ít thư viện từ trung ương đến địa phương được hình thành và ngày càng lớn mạnh, điển hình như Quốc Sử quán (1821), Tàng Thư lâu (1825), Đông Các (thư viện Nội Các, 1826), Tụ Khuê thư lâu (1852), Tàng Bản đường (1857), Tân Thư viện (1909), Bảo Đại thư viện (1923), Thư viện Viện Cổ học, thư viện của Hội Đô thành hiếu cổ, Phúc Giang thư viện (Thư viện của Dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu), Long Cương thư viện (Thư viện của gia đình Cao Xuân Dục)… “Trong số các thư viện, kho lưu trữ kể trên, Tàng Thơ lâu giữ một vai trò đặc biệt. Theo một quyển thư mục nhan đề “Tàng Thư Lâu bạ tịch” viết năm 1907, đây là nơi cất giữ, bảo quản các văn kiện của các bộ: Lại, Hình, Lễ, Công, Học… đã được thực hiện từ thời Gia Long trở đi; những hiệp ước ký kết với Pháp về đất đai, quyền cai trị tại Bắc, Trung, Nam; Các tài liệu ngoại giao với triều đại Trung Quốc, hồ sơ các lễ tấn phong của các vua Tàu cho các vua Việt thời đó… Ngoài ra, trong kho còn có nhiều bản thảo sách Nho, Y, Lý, Số; các bộ Quốc sử, cùng rất nhiều bản gỗ (mộc bản) in các tài liệu nói trên… Trước năm 1945, chỉ tính số sổ địa bạ của Bộ Hội thời Gia Long và Minh Mạng ở đây đã lưu trữ đến 12000 tập”(1). Như thế, có thể thấy rằng Tàng Thư lâu là một trong những Thư viện cấp Quốc gia có vị thế cực kỳ đặc biệt, với những giá trị đặc sắc và độc đáo về lịch sử, văn hóa.

Theo Đại Nam nhất thống chí, Tàng Thư lâu “ở địa phận phường Phong Doanh và phía đông hồ Tĩnh Tâm, trong Kinh thành, dựng từ năm Minh Mệnh thứ 6. Thể chế: lầu xây dựng bằng gạch, tầng trên 7 gian 2 chái, tầng dưới 12 gian, xung quanh xây lan can, bốn mặt là hồ vuông, gọi là hồ Học Hải, phía tây hồ bắc cầu, để ra vào. Phàm sổ sách các năm trước của các nha môn, lục bộ đều cất ở đấy”(2).

Hình ảnh về Tàng Thư lâu cũng từng được người Pháp đương thời miêu tả như Michel de Chaigneau (khoảng 1825 - 1826) viết trong cuốn Hồi ký Souvernirs de Hué (Những kỷ niệm về Huế)(3).

Sau các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ cho đến nay, lầu Tàng Thư đã mất đi vị thế của một trung tâm lưu trữ đặc biệt, khiến cảnh quan kiến trúc ngày càng xuống cấp và không ít lần bị sử dụng với những chức năng, mục đích khác.

Gần đây, nhờ sự đẩy mạnh khôi phục các di tích kiến trúc trong quần thể di tích Cố đô, Tàng Thư lâu cuối cùng cũng đã được xúc tiến phục dựng. Đây là điều đáng trân trọng, đáp ứng được lòng mong mỏi của toàn dân.

2. Về văn bia Tàng Thư lâu ký

Trong quá trình tìm hiểu về thư tịch hiện tồn của Thừa Thiên Huế, chúng tôi tình cờ phát hiện được thác bản Tàng Thư lâu ký, ký hiệu: No.5672 tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Văn bia có hình dáng đặc trưng của mỹ thuật triều Nguyễn, với trán bia được trang trí bằng hình mặt trời viền bằng đao lửa, xung quanh bao bọc bằng hình những đám mây cách điệu. Diềm bia được chạm trổ dây leo hoa lá sống động; lòng trong thân bia là bài ký, nét chữ chân phương, rõ ràng điêu luyện. Bài ký có 11 dòng, dòng ít nhất 3 chữ, nhiều nhất 24 chữ. Văn bia được soạn vào tháng 10 năm Mậu Tuất, niên hiệu Minh Mạng thứ 7 (1826) nhưng không ghi tên người soạn. Nhận thấy đây là thác bản của văn bia Tàng Thư lâu ký rất độc đáo, có thể cung cấp thêm phần tư liệu về sự ra đời của lầu Tàng Thư, cũng như hiểu thêm sự quan tâm sâu sát và công lao to lớn của vua Minh Mạng đối với mọi mặt đời sống chính trị, xã hội Đại Việt, chúng tôi xin được chép lại nguyên văn, phiên âm, dịch nghĩa tác phẩm ấy.

Nguyên văn:   

藏書樓記
臣聞: 國家冊籍所以垂憲來, 茲必有總滙積 儲之, 處以謹避水火,乃可傳諸久遠, 而著為典 常。奉我皇上萬幾之暇, 厪念及此特命起樓于 皇城之東北, 砌築並用磚石, 周圍浚湖。湖之外 繚以垣墻支帑項何啻鉅萬。落成之後, 敕有司檢 撰典籍蠲吉, 舁藏於樓之。上層二, 以闡鴻猷於 賁飭留永鑑於豐詒。樓為藏書建也, 因奉以命名 云。
明命柒年歲次丙戌孟冬月穀旦

Phiên âm: TÀNG THƯ LÂU KÝ
Thần văn: quốc gia sách tịch sở dĩ thùy hiến lai, tư tất hữu tổng hối tích trữ chi, xử dĩ cẩn tị thủy hỏa nãi khả truyền chư cửu viễn, nhi trứ vi điển thường. Phụng ngã hoàng thượng vạn kỷ chi hạ, cần niệm cập thử đặc mệnh khởi lâu vu hoàng thành chi đông bắc,  thế trúc tịnh dụng chuyên thạch, chu vi tuấn  hồ. Hồ chi ngoại, liêu dĩ viên tường chi thảng hạng hà thí cự vạn. Lạc thành chi hậu, sắc hữu ty kiểm soạn điển tịch quyên cát dư tàng ư lâu chi. Thượng tằng nhị, dĩ xiển hồng du ư bí sức, lưu vĩnh giám ư phong di. Lâu vị tàng thư kiến dã, nhân phụng dĩ mệnh danh vân.
Minh Mệnh thất niên, tuế thứ Bính Tuất mạnh đông nguyệt cốc đán.

Dịch nghĩa:
BÀI KÝ VỀ LẦU TÀNG THƯ

Thần nghe rằng: Sách vở thư tịch của quốc gia sở dĩ được ban bố đến nay, tất có sự tích chứa tổng hợp ở nhiều nguồn, rồi cẩn thận tránh xa nước lửa, có thể truyền đến mai sau, mà ghi ghép rõ làm điển thường(4). Vâng theo ý của Hoàng thượng ta bất kỳ lúc nào cũng thường trực lòng mong muốn xây lầu tàng thư, nay ngài đặc biệt ban lệnh xây lầu ở phía đông bắc của hoàng thành, đắp đất tạo nền và dùng gạch đá dựng lên, bao bọc xung quanh là hồ sâu. Bao bọc bên ngoài hồ là các bức tường thấp, các khoảng kho chứa ngàn vạn quyển. Sau khi công việc xây cất hoàn thành, Hoàng thượng bèn sắc lệnh cho bọn chức trách kiểm kê, biên soạn sách vở kinh điển sạch đẹp, khiêng đến chứa vào hai dãy tầng lầu, để xiển dương rực rỡ đạo thánh cao vời, lưu giữ “tấm gương soi” tốt lành, sáng ngời muôn thuở. Lầu được dùng để cất giữ thư tịch, nhân đó vâng mệnh là gọi tên (Tàng Thư lâu).

Ngày tốt tháng 10 năm Bính Tuất, niên hiệu Minh Mạng thứ 7 (1826).

*

Bài bia ký về lầu tàng thư được biên soạn và khắc đá dựng lên vào cuối năm Minh Mạng thứ 7 (1826), công trình này cùng một loạt công trình trong và ngoài kinh thành như sông Ngự Hà, cầu Khánh Ninh… đã liên tiếp được xây dựng hoàn thành và khắc bài ký trên đá bia để lại. Đấy là dấu ấn quan trọng, thể hiện tầm nhìn bao quát mọi mặt của bậc quân vương kỳ tài Minh Mạng. Do vậy, văn bia trên vừa góp phần khẳng định giá trị của lầu Tàng Thư, lại vừa cung cấp thêm một tư liệu quan trọng cho việc tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp hiển hách của vị vua thứ 2 triều Nguyễn.

Mặc dù tấm văn bia hiện nay không thể tìm được, song với thác bản trên, nếu có điều thuận lợi, các ban ngành chức năng có thể dùng nó để khắc bản lại và giữ nguyên vẹn kiểu cách vốn có của tấm văn bia cũ, để cùng khẳng định vị thế đặc biệt của lầu Tàng Thư đối với mọi người, cũng như góp phần giáo dục truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc chúng ta. Điều đấy rất phù hợp với tinh thần “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế” và đóng góp thiết thực cho công cuộc “xây dựng nên văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của nước nhà.

V.V.Q  
(SH308/10-14)

.............................................
(1) Phan Thanh Hải - Lê Thị Toán (2007), “Tàng Thơ lâu và dự án xây dựng thư viện Cố đô”, Di sản  văn hóa Huế - nghiên cứu và bảo tồn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản, tr.299.  
(2) Quốc Sử quán triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2007), Đại Nam Nhất thống chí tập 1, Nxb. Khoa  học Xã hội, tr.59.
(3) Câu chuyện này được Nguyễn Đình Hòe và L.Cadière viết lại trong mục LA BIBLIOTHÈQUE  DE ARCHIVES (Thư viện lưu trữ) của bài “Quelques coins de la citadelle de Hué”, Tập san Bulletin des  Amis du Vieux Hué, No .3, 1922, 198-199.P
(4) Điển thường 典常: tức thường đạo 常道, thường pháp 常法: các đạp lý, điển lệ, pháp độ… thường  hằng, được mọi người dùng làm kim chỉ nam cho cuộc sống. Tiết 4, chương VIII, mục Hệ Từ Hạ trong  Kinh Dịch có câu “初 率 其 辭,而 揆 其 方,既 有 典 常”. Sơ suất kỳ từ nhi quĩ kỳ phương. Ký hữu điển  thường; nghĩa là: ban đầu noi theo các lời nói [đinh điển, chân lý] ấy mà tìm hiểu sâu sắc ý nghĩa của  nó [nắm được mọi lý bao quát của nó] ấy gọi là điển thường. Như vậy, điển thường là chân lý kinh điển  thường hằng trong vũ trụ này.








 

Các bài mới
Các bài đã đăng