Những vấn đề di sản
Công bố Sử thi bahnar trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
15:50 | 25/04/2015

Tối 24/4, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã tổ chức lễ công bố Quyết định đưa Sử thi Bahnar vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Buổi lễ diễn ra tại Bảo tàng tỉnh (TP Pleiku, Gia Lai).

Công bố Sử thi bahnar trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Các nghệ nhân nhận quà của UBND tỉnh Gia Lai trong buổi lễ

Sử thi của người Bahnar được gọi là hơmon (hơamon), là một hình thức sinh hoạt dân gian được lưu truyền theo cách truyền khẩu, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đó là những câu chuyện dài, có khi đến dăm bảy đêm hát kể, nội dung là những chiến công kì vĩ của các anh hùng dân tộc, liên quan đến những biến động lớn lao của cộng đồng trong lịch sử, dưới hình thức những huyền thoại.

Những nghệ nhân sử thi Bahnar là những người nông dân có trí nhớ và giọng hát kể đặc biệt. Họ có thể diễn xướng nhiều giờ, nhiều câu chuyện với niềm đam mê kì lạ.

Sử thi dân gian được xem là bộ sách “bách khoa”, ghi lại nhiều giá trị lịch sử, văn hóa của chính tộc người sở hữu nó. Cho đến thời điểm hiện tại, tỉnh Gia Lai hiện có 20 nghệ nhân sử thi Bahnar tiêu biểu, đang sinh sống tại các làng của huyện Đăk Pơ, Đăk Đoa, Kbang và Kông Chro. Họ là những người đang sở hữu sống khoảng 70 tác phẩm sử thi dân gian của dân tộc mình. Nhiều câu chuyện trong số đó đã được khảo sát, sưu tầm, công bố.

Sau những năm 1980, lần đầu tiên sử thi Đăm Noi đã được phát hiện tại Kông Chro hiện tại (An Khê cũ). Tiếp đó, từ sau năm 2000 đến nay, các tác phẩm cùng loại đã lần lượt được tìm thấy ở các khu vực cư trú của người Bahnar; đã được biên dịch song ngữ và xuất bản như: Dyông Dư, Dăm Noi, Diớ hao jrang, Bia Brâu…

Năm 2014, có 4/15 người là nghệ nhân hát kể sử thi Bahnar được Bộ VHTT xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân.

Tiết mục văn nghệ chào mừng buổi lễ
Tiết mục văn nghệ chào mừng buổi lễ

Việc đưa sử thi Bahnar vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thêm một lần nữa khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc của loại hình nghệ thuật này. Đồng thời đặt ra trách nhiệm nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch, công bố và đặc biệt là truyền dạy hơmon trong cộng đồng, để sử thi mãi là tài sản sống vô giá của kho tàng văn hóa của dân tộc Bahnar tỉnh Gia Lai.

Theo Thiên Thư - Dân Trí

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng