TRẦN VĂN DŨNG
Trong dòng chảy lịch sử hàng trăm năm, Ca Huế đã tiếp thu, kế thừa và ảnh hưởng nhiều sắc thái, tinh hoa của nhiều vùng đất khác nhau để trở thành một trong những loại hình âm nhạc truyền thống đặc sắc của Việt Nam.
Trải qua biết bao biến cố thăng trầm, có lúc Ca Huế tưởng chừng như không thể tồn tại, nhưng với những đặc trưng về loại hình nghệ thuật độc đáo, sự phối hợp tuyệt vời giữa ca từ và giọng hát hòa cùng các nhạc khí tam, tỳ, nhị, nguyệt… đã đi vào lòng người mộ điệu nghệ thuật Ca Huế từ xưa đến nay. Năm 2015, Ca Huế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhưng ít ai biết đến Cổ Nhạc Từ, nơi tôn thờ các bậc tổ sư Ca Huế và những người có công lao đối với nghệ thuật Ca Huế đã khuất.
1. Từ Dục Đức Đường đến Cổ Nhạc Từ
Cổ Nhạc Từ tọa lạc trên mảnh đất trước đây đã từng tồn tại phủ hoàng tử, rồi sau này chuyển thành biệt miếu của hoàng gia thờ phụng vua Dục Đức. Ngược dòng lịch sử, Dục Đức Đường là một biệt phủ do vua Tự Đức cho xây dựng vào năm 1870 để ban cho hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Chân (sau là vua Dục Đức) đến ở và học hành, đồng thời giao cho hoàng quý phi Vũ Thị Duyên (sau này là hoàng hậu Lệ Thiên Anh) trông coi, dạy bảo hoàng tử. Vua Tự Đức tuyển chọn những vị quan đại thần có trình độ học vấn uyên thâm để giảng dạy cho hoàng tử Ưng Chân. Sách Đại Nam thực lục của Quốc Sử Quán triều Nguyễn chép rằng: Vua Tự Đức phê “chuẩn cho làm nhà ở phía ngoài cửa Hiển Nhân, đặt tên là Dục Đức Đường để cho hoàng trưởng tử ra ở đọc sách. Lại nghị chuẩn cho đặt quan đại thần đi lại dạy dỗ và giảng tập cho đến các viên, thuộc trưởng sử, tư vụ. Khi hoàng trưởng tử ra vào chầu hầu, đều có chuẩn cho phái biền binh đi hộ vệ (Định đến thàng 7 năm nay cho ra ở)” [7, tr. 339 - 340]. Trong công trình khảo cứu Kinh thành Huế: Địa danh học của tác giả L. Cadière đăng trên Bulletin des Amis du Vieux Hué, 1933 (Tập san Những người bạn Cố đô Huế) còn cho biết: “Vua Tự Đức đã cho đặt ở cung này một tấm hoành có hai chữ Hán Dục Đức, do đó người ta lấy tên cung này để chỉ vị hoàng thân ấy” [3, tr. 154].
Năm 1891, vua Thành Thái, con vua Dục Đức, đã cho tôn tạo Dục Đức Đường và khởi công xây dựng thêm một số công trình kiến trúc mới theo quy định của một biệt miếu thờ vua Dục Đức gồm một tòa nhà kép đặt ở giữa trong thờ thần khám vua Dục Đức, trước có hai nhà Túc Gia, sau có nhà Tòng Viện. Quanh miếu có tường gạch bao bọc, có hệ thống cửa theo kiểu “tứ khẩu” đặt trên tường ở cả bốn phía, trong đó cửa chính ở phía nam, làm kiểu tam quan-môn lâu, ba cửa còn lại là các nguyệt môn. Sách Đại Nam nhất thống chí soạn dưới thời vua Duy Tân ghi rõ về điều này như sau: “Miếu chính có một nóc chính và nóc tiền, trong thờ thần khám Cung Tôn Huệ Hoàng Đế, tứ thời kỵ hưởng cũng như lệ ở Thế Miếu; trước dựng Túc Gia ở tả hữu, ở sau dựng Tòng Viện, ngoài xây thành gạch, trổ 1 cửa, trước là cửa tam quan trên có lầu, trong xây Tắc Môn (bình phong) phía tả, hữu và hậu đều mở cửa nách, có từ - tế - phụng thủ, ấy là biệt Miếu vậy” [6, tr.31]. Sau khi xây dựng xong ngôi miếu, vua Thành Thái sai khắc biển ngạch Hoàng Khảo Miếu treo ở chính đường, danh xưng miếu Hoàng Khảo (còn gọi là Tân Miếu) ra đời từ đây. Mọi lễ nghi thờ cúng vua Dục Đức trong năm đều được tổ chức ở đây. Năm 1892, vua Thành Thái truy tôn cha mình là Cung Tông Huệ Hoàng đế. Năm 1897, nhà vua đổi tên miếu là Cung Tông Miếu (do húy chữ Tông, tên vua Thiệu Trị nên vẫn đọc là Cung Tôn Miếu). Miếu Cung Tôn là biệt miếu của hoàng gia, được xếp ở bậc đại tự (trong ba bậc đại tự, trung tự và quần tự), nghi lễ tế tự sánh ngang hàng với các miếu như: Miếu Phụng Tiên (thờ các vị vua Nguyễn), Cung Khánh Ninh (thờ vua Minh Mạng), Cung Bảo Định (thờ vua Thiệu Trị).
Vào năm Thành Thái thứ 11 (1899), nhà vua cho xây dựng điện Long Ân phía hữu lăng mộ, làm nơi thờ cúng vua cha. Từ đây, Tân Miếu trở thành nơi tu hành thờ Phật, làm nơi nương tựa tinh thần của hoàng thái hậu Từ Minh (vợ chính của vua Dục Đức). Sau khi hoàng thái hậu Từ Minh qua đời, triều đình mai táng thi hài của bà bên phải mộ phần vua Dục Đức theo thế “Càn, Khôn hiệp đức” như ở lăng vua Gia Long. Đồng thời, bài vị vua Dục Đức và hoàng hậu Từ Minh cũng được đưa về thờ phụng ở An Lăng. Tân Miếu cũng không còn lý do để tồn tại. Năm 1916, miếu bị triệt hạ.
Triều Nguyễn chấm dứt vai trò lịch sử của mình sau 143 năm trị vì (1802 - 1945), các công trình kiến trúc còn sót lại của Tân Miếu không còn được sử dụng như công năng của nó nên dần rơi vào cảnh hoang tàn, đổ nát và dần chìm vào quên lãng.
Trong tác phẩm Đường xưa Thành nội, nhà nghiên cứu Võ Hương An đã miêu tả cảm giác ngậm ngùi, xót xa khi nhìn đống gạch vụn của Tân Miếu xưa: “Khi đi qua khu Tân Miếu, miếu thờ vua Dục Đức, do vua Thành Thái (1889 - 1907) lập nên, thấy sao âm u quá; sau 1945, chỉ còn là đống gạch vụn”. Lúc này, cảnh vật Tân Miếu đã trở thành phế tích, chỉ còn đọng lại trong ký ức những người dân sống trong Thành nội Huế.
Người gìn giữ và bảo tồn Cổ nhạc, đầu tiên phải kể đến đức Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại, vợ vua Khải Định). Sau năm 1945, bà đứng ra bảo trợ và duy trì đội Nhã nhạc cung đình dưới biên chế của đoàn Ba Vũ cổ nhạc. Đặc biệt, để thực hiện ý nguyện xây dựng ngôi nhà thờ Tổ nghề của các nghệ nhân Cổ nhạc, đức Từ Cung đã đồng ý chuyển giao mặt bằng sở đất Tân Miếu tại phường Tri Vụ, phía tây bắc ngoài Hoàng thành cho Ban Cổ nhạc Đại Nội để xây dựng nhà thờ Cổ nhạc. Căn cứ vào những dòng ghi chép bằng chữ Hán trên văn bia hiện nay vẫn còn lưu giữ tại nhà thờ Cổ Nhạc cho biết thời điểm xây dựng chính thức nhà thờ Cổ Nhạc vào ngày 11 tháng 8 năm Bính Ngọ (25/09/1966), công việc tổ chức xây dựng nhà thờ do ông Nguyễn Ngọc Cung làm trưởng ban, thủ quỹ Nguyễn Hiếu Lại, thư ký Trần Tẩu, cùng các huấn luyện viên và các nhạc sinh trong Ban Cổ nhạc.
2. Kiến trúc và hệ thống thờ tự
Nhà thờ Cổ Nhạc hiện nay tọa lạc tại số 05, kiệt 127 đường Nguyễn Trãi, phường Thuận Hòa, thành phố Huế. Trong cái nhìn đối sánh với Thanh Bình Từ Đường (nhà thờ tổ ngành nghệ thuật hát Tuồng truyền thống) thì nhà thờ Cổ Nhạc có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn. Nhà thờ Cổ Nhạc được kiến trúc trên bình đồ hình chữ nhật với các hạng mục công trình như: cổng, nhà thờ, tường thành và sân vườn. Kiến trúc chính của nhà thờ nằm ở giữa khuôn viên khu đất gồm hai hạng mục là chính đường và tiền đường. Tiền đường có diện tích khoảng 34m2, trong những dịp lễ tế tổ Ca Huế, tiền đường là nơi những người hành lễ chỉnh đốn y phục, chuẩn bị lễ vật trước khi dâng cúng lên các vị tổ sư và nghệ nhân Ca Huế quá cố. Chính đường tiếp sau tiền đường, nối với tiền đường bằng hệ thống máng đưa nước mưa từ mái sau tiền đường và mái trước chính đường đổ sang hai bên. Chính đường có diện tích khoảng 39m2, nội thất chính đường chia thành 3 gian có thiết trí các bệ thờ lịch đại tổ sư ngành Cổ Nhạc. Ở gian giữa nội thất chính đường có đắp nổi nề họa bức hoành phi dạng cuốn thư đề 3 chữ Hán: “古 樂 祠 Cổ Nhạc Từ”. Trên các vách gian thờ đều có trang trí các câu đối chữ Hán viết bằng mực tàu. Hệ thống câu đối do trải qua thời gian dài, cộng thêm thời tiết nóng ẩm xứ Huế khiến phần lớn các câu đối chữ Hán bị mờ hoặc mất nét nên không đọc và hiểu được rõ ràng tường tận nội dung thâm thúy của các bậc tiền nhân muốn gửi gắm cho thế hệ hậu sinh hôm nay. Đặc biệt, hai bên vách tường tả hữu nội thất chính điện có lưu lại hai văn bia viết chữ Hán bằng mực tàu: Bia vách tả viết về phương hướng, ngày kỷ niệm sự kiện đặt đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Cổ Nhạc vào ngày 11 tháng 8 năm Bính Ngọ (25/09/1966) và danh tánh những người đứng ra tổ chức điều hành, đóng góp tiền công đức xây dựng nhà thờ Cổ Nhạc.
Theo các nghệ nhân Cổ nhạc cao tuổi, nhà thờ Cổ Nhạc là nơi tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân đã khai sáng, truyền bá và phát triển bộ môn nhã nhạc, bộ môn Ca Huế đến thế hệ hôm nay và mai sau. Hệ thống thờ phụng gồm tổ tiên chế nhạc liệt vị tôn sư, lịch đại thánh hiền giáo truyền nhạc nghệ, chư hương linh tiền hậu nhạc sĩ, ca công quá cố, các vị thánh tổ khai sáng âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Đó là một hình thức thờ cúng nói lên lòng biết ơn của những người đời sau đối với lịch đại tổ sư, các nghệ nhân có tài, có đức, đồng thời cũng là niềm an ủi cuối cùng cho những người suốt đời phục vụ nghệ thuật Ca Huế đã khuất. Theo chúng tôi, người ta không thể xác định được một cách rõ ràng và chính xác danh tính các vị tổ nghề là ai? Họ đành phải tôn xưng một cách chung chung là các Thánh sư, Tổ sư, Thiên sư và lấy đó làm đối tượng thờ cúng tại nhà thờ Cổ Nhạc. Muốn tìm hiểu tổ sư ngành Cổ Nhạc là ai (?), chúng tôi tiến hành khảo sát danh sách các vị Thánh tổ, Tổ sư và Thiên sư trong bản văn tế còn lưu tại nhà thờ Cổ Nhạc liệt kê rất nhiều nhân vật như: Đào Duy Từ, Cửu Thiên Huyền Nữ, Đoàn Thanh Xà, Đạo Đức Thiên Tôn, Hiên Viên Hoàng Đế, Thọ Kỳ Bá, Cao Tiệm Ly, Bạch Hoa Công Chúa... Đặc biệt, Đào Duy Từ (1572 - 1634) là một nhân vật lịch sử có thật, có sự cống hiến lớn lao trên nhiều lĩnh vực (chính trị, quân sự, văn học, kiến trúc, sân khấu…) đã đưa ông vào hàng các danh nhân trong lịch sử dân tộc. Chính Đào Duy Từ là người đầu tiên tạo tiền đề cho múa hát cung đình Huế sau khi quyết tâm vào Nam phò giúp chúa Nguyễn. Ông đã lập ra Hòa Thanh Thự, luyện tập một ban vũ và nhạc để múa hát vào những ngày khánh lễ. Đào Duy Từ là người có công sửa lại các điệu múa cung đình cổ trước đó và sáng tác ra một số điệu múa khác còn lưu truyền đến ngày nay. Tác giả sách Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam viết: Duy Từ có công ngoài đánh chúa Trịnh, trong mở đất Chiêm Thành, làm cho dân giàu nước thịnh. Về nghệ thuật, ông sửa lại các lối hát và các điệu múa cổ; đặt ra điệu múa Song quang, điệu múa Nữ tướng xuất quân, điệu múa Tam quốc - Tây du dùng khi quốc gia đại lễ. Trong nhà ông lúc nào cũng nuôi một bọn ca vũ để múa hát [4, tr. 442-443]. Sau khi qua đời, để tưởng nhớ công lao, đóng góp của Đào Duy Từ, chúa Nguyễn và các vua triều Nguyễn đã truy phong ông nhiều chức tước quan trọng. Triều vua Gia Long thứ 4 (1805) xếp ông vào hàng “Thượng đẳng khai quốc công thần” cho thờ ở Thái Miếu. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), ông được truy tặng “Hàm đông các Đại học sĩ”, chức Thái sư, phong tước Hoằng quốc công. Đồng thời, nhân dân đã lập đền thờ tự ông ở nhiều nơi.
Trở lại danh xưng các vị tổ sư được tôn thờ tại nhà thờ Cổ Nhạc, nhà nghiên cứu Tôn Thất Bình trong bài viết “Nguồn gốc sự hình thành và các giai đoạn biến chuyển ca Huế” đã đưa ra lời nhận định mang tính chất gợi mở như sau: “Lòng văn tế tổ ngành cổ nhạc ở Huế có ghi tên tổ sư Bạch Hoa công chúa, vốn là tổ cô đầu của hát ả đào ở Bắc. Hẳn đó không phải là điều ngẫu nhiên mà do ý thức “Uống nước nhớ nguồn” của những người hoạt động nghệ thuật ở Huế. Cùng thờ chung một vị tổ sư, đó là điều trùng hợp giữa ca trù và ca Huế, gợi cho chúng ta một sự liên tưởng về những điểm tương đồng trong hai bộ môn nhà thơ đầy dân tộc tính này” [2, tr. 64]. Qua danh xưng tổ sư Bạch Hoa công chúa cho thấy có một mối liên hệ giữa Ca Huế và Ca trù trong dòng chảy âm nhạc cổ truyền dân tộc. Tóm lại, có một điều cần phải khẳng định rằng, dù cho những nhân vật kể trên có thật hay không, là người Việt hay người Hoa, họ vẫn được tôn xưng là những vị tổ sư ngành Cổ Nhạc và được tôn thờ ở vị trí trang nghiêm trên các bệ thờ tại nội thất chính đường nhà thờ Cổ Nhạc.
3. Lễ tế các vị tổ sư Ca Huế
Trước đây, lễ tế các vị tổ sư Ca Huế tại nhà thờ Cổ Nhạc được tổ chức vào ngày 16/10 Âm lịch. Công việc tổ chức lễ tế tổ do Hội Ca nhạc truyền thống Huế - tiền thân là Hội Ái Hữu Cổ Nhạc Thừa Thiên được thành lập chính thức vào năm 1974. Hội đứng ra làm Ban tổ chức, cùng với sự tham gia đông đảo của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và những người có niềm đam mê Cổ nhạc. Song ngày 16/10 Âm lịch hàng năm, thời tiết ở xứ Huế thường xuyên diễn ra tình trạng mưa bão lụt lội, nên công tác tổ chức và người dân đi lại tham dự kỳ lễ tế tổ gặp rất nhiều khó khăn nên từ năm 1996, Ban tổ chức lễ tế đã quyết định chuyển kỳ lễ tế tổ Ca Huế sang ngày 16/3 Âm lịch. Tuy nhiên, Ban tổ chức vẫn tiếp tục tổ chức lễ tế tổ Ca Huế vào ngày 16/10 Âm lịch theo thông lệ truyền thống nhưng với quy mô buổi lễ tế đơn giản.
Nghi thức lễ tế tổ Ca Huế diễn ra tại nhà thờ Cổ Nhạc suốt cả ngày với hai phần quan trọng: lễ tế tổ và sinh hoạt nghệ thuật Ca Huế. Không gian tổ chức lễ tế tổ diễn ra trang nghiêm từ hiên ngoài tiền đường đến các bệ thờ trong chính đường. Các nghệ nhân cao tuổi và có uy tín trong ngành Cổ nhạc đóng vai quan viên tế. Họ đều mặc theo phẩm phục nghi lễ truyền thống chỉnh tề, sắp hàng đứng hai bên. Các gian chính đường đều có chiếu dành cho chủ tế và hai bồi tế. Dàn nhạc bát âm đứng tập trung ở gian tả chính đường nhà thờ. Ngoài hiên tiền đường có hai nghệ nhân đánh trống chiêng. Bàn thờ nào cũng khói hương nghi ngút, đèn nến sáng choang, hoa quả sắp đầy. Dàn nhạc khí chỉ cử trong từng tiết lễ. Các loại dàn nhạc tham gia diễn tấu trong lễ tế tổ Ca Huế như: Đăng đàn đơn, xàn xê, kèn chiến, long ngâm được tấu bằng kèn, trống, sinh tiền... Điểm nhịp cho từng hồi xướng lễ là chiêng và trống lớn.
Sau khi lễ tế tổ kết thúc, các thành viên tham dự lễ tế tổ trao đổi kinh nghiệm biểu diễn nghệ thuật Ca Huế, trình diễn nhạc cụ, các bài ca, điệu đàn tâm đắc nhất sau một năm xa cách. Đặc biệt, những nghệ nhân Ca Huế lão thành có uy tín, đức cao vọng trọng sẽ trình diễn những bài bản Ca Huế cố đặc sắc với tất cả tài năng và tâm hồn của mình để hầu tổ nghề và giao lưu với khách mời.
Đa số nghệ nhân, diễn viên, nhạc công Ca Huế xem lòng thành quan trọng hơn lễ nghi, nên dù bận rộn, thì đến ngày giỗ tổ cũng phải nghỉ để đến nhà thờ Cổ Nhạc thắp nén nhang và khấn vái nhằm bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đến các vị tổ nghề, nghệ nhân quá cố đã có công khai sáng, phát triển ngành Cổ nhạc với nhiều tác phẩm bất hủ, lưu danh sử sách. Lễ tế tổ ngành Cổ nhạc là một hoạt động sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng truyền thống rất đáng trân trọng, thể hiện đậm đà giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc, cần bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống đương đại. Bởi vì nơi ấy, trong tận cùng sâu thẳm của tâm thức, nhà thờ Cổ Nhạc vẫn luôn được xem là nơi linh thiêng, là mái nhà chung, là nơi tụ họp của con cháu trong bộ môn Ca Huế mỗi dịp tế tổ nghề hàng năm. Niềm tin đối với các vị tổ nghề giúp người trong nghề qua các thế hệ sống tốt hơn cả trong nghệ thuật âm nhạc lẫn cuộc sống đời thường. Với nghề nghiệp, họ phải cố gắng trau dồi kỹ năng thực hành ca và đàn Huế để vươn xa trong nghề nghiệp, trao truyền tri thức cho thế hệ trẻ để duy trì và phát triển nghệ thuật Ca Huế, sao cho xứng đáng với công lao khai mở và phát triển nghề nghiệp của các vị tổ sư. Giữa cuộc sống trần tục, họ phải giữ gìn sự trong sạch, không được làm những điều xấu xa để tránh bị các chư vị tổ nghề quở phạt, hướng thiện trong đời sống hằng ngày của mình.
Với những giá trị đặc sắc về lịch sử - văn hóa, ý nghĩa nhân văn, nhà thờ Cổ Nhạc đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 160/QĐ-UBND ngày 20/01/2010. Do bị ảnh hưởng của khí hậu thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên hứng chịu thiên tai, bão lũ nên di tích nhà thờ Cổ Nhạc đang trong tình trạng xuống cấp, cần được trùng tu, tôn tạo để giữ gìn một di sản văn hóa tâm linh độc đáo của mảnh đất Cố đô. Sau khi nhà thờ Cổ Nhạc được trùng tu hoàn thành sẽ là nơi thờ phụng các vị tổ Ca Huế một cách trang nghiêm, đồng thời thiết nghĩ có thể kết hợp trưng bày tại tiền đường nhà thờ Cổ Nhạc những tư liệu liên quan đến di sản nghệ thuật Ca Huế như: chân dung các nghệ nhân lão thành, soạn giả, nhà nghiên cứu Ca Huế có đóng góp lớn qua các thời kỳ lịch sử; các loại nhạc cụ, trang phục và công trình nghiên cứu về Ca Huế; các Câu lạc bộ Ca Huế nên tổ chức các đêm biểu diễn nghệ thuật Ca Huế thính phòng tại nhà thờ Cổ Nhạc để các nghệ nhân lão thành tâm huyết có cơ hội thể hiện tài năng qua việc trình diễn các bài bản lớn như: Quả phụ, Nam xuân, Nam ai, Phú lục, Tứ đại cảnh… Qua đó, nhằm làm sống lại di tích nhà thờ Cổ Nhạc và trao truyền kỹ năng, bí quyết trình diễn nghệ thuật Ca Huế cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế xứng tầm di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nếu thực hiện có hiệu quả những ý tưởng nêu trên, di tích nhà thờ Cổ Nhạc sẽ kết nối với các di tích khác trong Kinh thành Huế trở thành tuyến du lịch hấp dẫn thu hút du khách tham quan trong và ngoài nước.
Qua bài viết này, chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh một điều: Trong tương lai, khi xây dựng hồ sơ khoa học di sản nghệ thuật Ca Huế đệ trình UNESCO công nhận Kiệt tác văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần lưu ý đề cập đến kiến trúc nhà thờ Cổ Nhạc gắn liền với lễ tế tổ Ca Huế như là một trong những thành tố quan trọng góp phần tạo nên nét đặc sắc, độc đáo của nghệ thuật Ca Huế.
Từ Dục Đức Đường đến Cổ Nhạc Từ là một hệ quả của những cơ duyên lịch sử, minh chứng cho chiều sâu giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Cố đô Huế. Hiện tượng di tích chồng lớp lên di tích này liên quan mật thiết đến cuộc đời và hành trạng của vua Dục Đức, hoàng hậu Từ Minh và vua Thành Thái, làm tăng lên ý nghĩa và giá trị của di tích. Nhà thờ Cổ Nhạc gắn với lễ tế tổ Ca Huế thể hiện đạo lý biết ơn các bậc tiền nhân đã có công khai sáng, truyền dạy; đồng thời cũng là dịp để khuyến khích, phát triển bộ môn Ca Huế hiện nay.
T.V.D
(SH322/12-15)
------------------
1. Tôn Thất Bình (2003), Huế, lễ hội dân gian, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
2. Tôn Thất Bình (1999), “Nguồn gốc sự hình thành và các giai đoạn biến chuyển ca Huế”, Tạp chí Sông Hương, Số 121/03, tr. 61 - 69.
3. L.Cadière (2006), Kinh thành Huế: Địa danh học, Những người bạn cố đô Huế; B.A.V.H, tập XX, 1933, bản dịch Hà Xuân Liêm, hiệu đính Nhị Xuyên, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
4. Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề (1968), Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam, Hoa Lư.
5. Nhà Bảo tàng Huế (2009), Lý lịch Di tích lịch sử văn hóa nhà thờ Cổ Nhạc, Bản lưu tại Phòng tư liệu Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế.
6. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1964), Đại Nam nhất thống chí, Tập Kinh Sư, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hóa Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn.
7. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam thực lục chính biên Đệ lục kỷ phụ biên, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh.