Những vấn đề di sản
Đánh thức hồn đá
14:56 | 15/03/2017

Di sản Thành nhà Hồ và Khu di tích Phủ Trịnh - Nghè Vẹt tại Vĩnh Lộc, Thanh Hóa vốn có sẵn tiềm năng, nếu được đánh thức, đầu tư bài bản, sẽ trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch không chỉ trong tỉnh mà còn ở phạm vi quốc gia, quốc tế.

Đánh thức hồn đá
Thành nhà Hồ ở Thanh Hóa - Nguồn: ITN

Du lịch một mùa

 “Dẫu chỉ tồn tại trong 7 năm (từ 1400 - 1407), nhưng triều đại nhà Hồ đã để lại cho lịch sử dân tộc dấu ấn đậm nét về tư tưởng đổi mới, canh tân đất nước và những công trình xây dựng đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật kiến trúc. Điều đó nói lên rằng, những câu chuyện lịch sử, những truyền thuyết sau thành đá cổ nhất, duy nhất ấy mới là điểm mạnh cần giới thiệu cho du khách. Cho nên, khai thác hiệu quả di tích này cần đẩy mạnh tuyên truyền văn hóa, lịch sử”.

 PGS. TS. Nguyễn Đức Nhuệ Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam

Từ đầu thế kỷ XIX, khi giới thiệu về vùng đất địa linh nhân kiệt xứ Thanh, đã từng có tác giả ngợi ca: “Ôi! Thanh Hóa là một châu truyện của các bậc vua chúa, (thì) Vĩnh Lộc là một danh ấp trong châu ấy. Núi, sông, danh thắng, hiền tài, khôi khoa, hào kiệt cùng với sản vật quý là nơi tốt nhất trong châu”. Nơi đây từng là kinh đô nước Đại Ngu dưới vương triều Hồ và là nơi phát tích của 12 đời Chúa Trịnh nối tiếp nhau trị vì đất nước, ở đó cũng ẩn chứa các truyền thuyết về xây Thành nhà Hồ, huyền thoại chùa Tường Vân, chùa Du Anh, đền nàng Bình Khương... với những di chỉ khảo cổ làng Còng, di chỉ bản Thủy, di chỉ Đa Bút... nhiều danh nhân như Trần Khát Chân, Tống Duy Tân, Trịnh Khả… Qua hơn 600 năm, Vĩnh Lộc hôm nay còn đó kho tàng văn hóa vô giá, cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Theo Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc Vũ Thị Hương, với tài nguyên du lịch phong phú, giao thông thuận lợi, Vĩnh Lộc được xác định nằm trong tuyến du lịch quốc gia và quốc tế, là trung tâm tuyến du lịch quan trọng từ thành phố Thanh Hóa qua Vĩnh Lộc lên Cẩm Thủy, Quan Sơn sang Lào…

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, do điều kiện khách quan và chủ quan, những năm qua, tiềm năng du lịch tại Vĩnh Lộc nói riêng, Thanh Hóa nói chung chưa được khai thác có hiệu quả. Tại hội thảo Di sản Thành nhà Hồ và Khu di tích Phủ Trịnh, Nghè Vẹt trong quy hoạch bảo tồn gắn với phát triển du lịch huyện Vĩnh Lộc sáng 14.3, ông Phạm Tấn, Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa cho rằng, trong các hành trình và tour, tuyến du lịch đến Thanh Hóa, các đơn vị lữ hành trong nước chủ yếu theo lộ trình quen thuộc là đưa du khách đến tắm biển và nghỉ dưỡng ở Sầm Sơn, sau đó mới đưa khách đi tham quan, thưởng ngoạn một số di tích trọng điểm trong tỉnh như Thành nhà Hồ, Lam Kinh và suối cá Cẩm Lương... “Đáng lo ngại, trong lộ trình quen thuộc này, du khách chỉ được nhìn ngắm, thưởng thức nhanh di tích, thắng cảnh để rồi trở về nơi xuất phát khi chiều buông. Trong khi đó, địa phương cùng các doanh nghiệp lữ hành lại chưa có sự liên kết trong xây dựng tour, tuyến bài bản, chuyên nghiệp, hoạt động kiểu mạnh ai nấy làm. Vì vậy, trong nhiều năm, sau ba tháng hè kết thúc, Sầm Sơn vãn khách, thì hành trình du lịch đến Xứ Thanh với những trọng điểm di tích thắng cảnh trên cũng vắng bóng theo” - ông Phạm Tấn cho hay.
 

Bảo quản kết hợp phục chế

Nhằm khắc phục “hội chứng du lịch một mùa”, các công ty du lịch đã đề xuất nhiều giải pháp cho du lịch Thanh Hóa, phối hợp, liên kết quảng bá, tuyên truyền nhằm bảo tồn và phát triển du lịch. Ông Nguyễn Hữu Tam, Giám đốc Công ty Du lịch và sự kiện Tam Phát cho rằng, du khách vượt một chặng đường xa, bỏ ra thời gian, tiền bạc để đến với di sản Thành nhà Hồ và các khu, điểm di tích, danh thắng vùng đất này không phải để tìm đến không gian đã rất quen thuộc trong đời sống thường nhật. Vì vậy, ngoài khám phá bức thành đá nguyên khối đồ sộ, du khách còn muốn có nhận thức trực quan về những cấu trúc cơ bản tạo nên sự kỳ vĩ của một kinh đô, một ngôi thành quân sự vào bậc nhất Việt Nam lúc bấy giờ. “Tôi nghĩ cần phục chế một đoạn hào bảo vệ thành đá ở vòng ngoài, một đoạn La thành, thành đá (Hoàng thành), hào nước là 3 yếu tố cơ bản tạo nên Thành nhà Hồ; bảo quản hố khai quật khảo cổ trong Nội thành theo phương pháp giống như kỹ thuật bảo quản Hoàng thành Thăng Long” - ông Nguyễn Hữu Tam nói.

Từng đưa khách đi nhiều tuyến, điểm trong nước cũng như quốc tế, ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc Công ty Du lịch Mai Việt nhận xét: “Đây là vùng đất có rừng, đồi núi thấp, đồng bằng trải dài, dày đặc danh thắng cổ, tạo nên vùng đất Tây Đô đậm sắc thái văn hóa chính là tiền đề phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái cộng đồng... Tuy nhiên, muốn khách trong nước và quốc tế quay lại cần nghiên cứu các bài thuyết minh sâu hơn, để từ góc độ văn hóa, có thể khẳng định ảnh hưởng và đóng góp của các bậc danh nhân đã làm nên nét đặc sắc của vùng địa linh này”. Bà Đặng Bích Thọ - Phó Tổng Giám đốc Hanoi Res Tours gợi ý: Đặc sản của Thành nhà Hồ và vùng phụ cận là những kiến trúc đá cổ, song cần đánh thức những tấm đá ấy. Khách có thể tham quan di tích đá, thành đá, giếng đá, kết hợp mua sản phẩm tại làng nghề đá mỹ nghệ Vĩnh Minh... Và để gây ấn tượng sâu sắc hơn, cần xây dựng một kịch bản bằng đồ họa, hoạt hình, dựa trên những kết quả nghiên cứu khảo cổ, thư tịch cổ và những di vật về di tích đá.     

Theo Hương Sen - ĐBND
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng