Trong các vũ khúc cung đình còn lại đời Nguyễn, điệu múa cung đình “Bát tiên hiến thọ” thuộc thể loại múa chúc tụng, thường được múa vào những ngày lễ vạn thọ, thánh thọ, tiên thọ.
Đạo diễn La Thanh Hùng (con trai cố nghệ nhân La Cháu, nghệ nhân tuồng cung đình cuối cùng của triều Nguyễn) cho rằng, điệu múa cung đình “Bát tiên hiến thọ” được các nghệ nhân cung đình lấy tích truyện từ Trung Quốc để xây dựng thành điệu múa phù hợp với văn hóa Việt Nam và tám vị tiên trong điệu múa xuất hiện nghĩa là họ đem điềm lành đến cho đối tượng thưởng thức.
Theo các nghệ nhân từng được học và trình diễn điệu múa này, các nhân vật trong điệu múa cung đình “Bát tiên hiến thọ” được quy định xuất hiện theo tám hướng khác nhau, đó là các nhân vật: Hán Chung Ly xuất hiện từ hướng Đông; Trương Quả Lão xuất hiện từ hướng Bắc; Lữ Đồng Tân xuất hiện từ hướng Tây Bắc; Tào Quốc Cữu xuất hiện từ hướng Đông Bắc; Lý Thiết Quày xuất hiện từ hướng Nam; Hàn Tương Tử xuất hiện từ hướng Đông Nam; Lam Thái Hòa xuất hiện từ hướng Tây và Hà Tiên Cô xuất hiện từ hướng Tây Nam.
Khi xuất hiện, các vị tiên thể hiện thông qua hai bài hát “bạch” (mỗi bài có 4 câu, mỗi câu có 2 vế) với nội dung giới thiệu về nơi chốn họ đang tu luyện. Sau đó, mới nói đến lời chúc. Và khi trình diễn điệu múa cung đình “Bát tiên hiến thọ”, các nghệ nhân múa bằng cách kết hợp vũ đạo cũng như cách sắp xếp đội hình chính theo các tuyến hàng ngang, vòng cung. Tất cả đều hướng về đối tượng thưởng thức (nhà vua) để nhằm chuyển tải nội dung cần thể hiện (chúc tụng).
Trong điệu múa cung đình “Bát tiên hiến thọ”, ngôn ngữ thể hiện là ca từ đi kèm với bộ điệu được diễn viên chuyển tải đến người xem bằng cách vừa múa, vừa hát nhưng so với các điệu múa cung đình khác nó vẫn mang một nét chung, bởi trình thức của nó cũng áp đặt từ chính thực tế cuộc sống của các ông hoàng, bà chúa trong chốn cung đình.
Trong điệu múa cung đình “Bát tiên hiến thọ”, diễn viên sử dụng nhuần nhuyễn vũ đạo tuồng, như: bộ khai, bộ lĩa, bộ khán, bộ chao, bộ ký, bộ cầu, xoan, xỏ, vuốt râu, gói râu… kết hợp với sự di chuyển đội hình theo các tuyến, ngang, dọc, xéo… đã làm nên nét đặc trưng. Ngoài ra, để điệu múa cung đình này đạt đến độ tinh tế của nghệ thuật, các nghệ nhân cung đình đã sử dụng âm nhạc múa được nhào nặn dựa trên cơ sở các bài bản nhã nhạc, các bài bản tán, tụng của Phật giáo và một số bài bản, làn điệu của tuồng cung đình triều Nguyễn. Đây là một sự tinh tế, tài tình của các bậc tiền nhân khi chọn lọc các bài bản âm nhạc trong hàng trăm bài bản âm nhạc có yếu tố “nghi lễ và chúc tụng” để làm thước đo “xúc cảm” trong sáng tạo. Chính những đặc điểm này nên điệu múa cung đình “Bát tiên hiến thọ” cũng có một trình thức thể hiện phù hợp với nội dung của nó.
Sau một thời gian dài nghiên cứu, phân tích, điền dã để thu thập cứ liệu lịch sử… những người làm nghiên cứu ở Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã hoàn thành việc lập hồ sơ khoa học về điệu múa cung đình “Bát tiên hiến thọ” với đầy đủ thông tin về âm nhạc, ca từ, vũ đạo, trang phục… và nguồn gốc xuất xứ điệu múa. Tuy nhiên, vấn đề phục hồi và phát huy điệu múa này vẫn còn là một chặng đường gian nan, đòi hỏi những người làm công tác chuyên môn phải có tâm và có tầm đối với loại hình nghệ thuật này.
Nguồn: Trọng Bình - TTH