Những vấn đề di sản
Đệ tử xuất sắc của Phật Hoàng Trần Nhân Tông
14:40 | 30/03/2017

Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông là người vạch ra phương hướng và đặt viên đá đầu tiên, nhưng người đứng ra hoàn thành xuất sắc hoài bão ấy chính là Tổ sư Pháp Loa.

Đệ tử xuất sắc của Phật Hoàng Trần Nhân Tông
Toàn cảnh hội thảo.

Ngày 29/3, tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt - chùa Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Giang), Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bắc Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo khoa học: "Đệ nhị Tổ Thiền Phái Trúc Lâm Pháp Loa với việc kế thừa và phát triển di sản văn hóa Thiền Phái Trúc Lâm" nhân kỷ niệm 687 năm ngày Tổ sư Pháp Loa viên tịch (3/3/1330 – 3/3/2017).

Theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội di sản Văn hoá Việt Nam, Hội thảo khoa học: "Đệ nhị Tổ Thiền Phái Trúc Lâm Pháp Loa với việc kế thừa và phát triển di sản văn hóa Thiền Phái Trúc Lâm" nhằm một lần nữa góp phần khẳng định công lao to lớn của Thiền sư Pháp Loa trong việc xây dựng và phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, làm sáng tỏ hơn nữa các tư liệu, các sự kiện có liên quan tới cuộc đời và sự nghiệp của Ngài. 

Trình bày tham luận tại Hội thảo, PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết: "Tổ sư Pháp Loa là vị chân tu thấu hiểu lẽ biến dịch của trời đất và bằng quan điểm "nhập thế" tiến bộ của Đệ nhất Tổ Trần Nhân Tông. Ngài đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa đạo pháp và nhân sinh, góp phần xây dựng và phát triển mô hình Phật giáo Trúc Lâm mang đậm nét bản sắc văn hóa Đại Việt. Đệ nhị Tổ Pháp Loa bắt đầu sự nghiệp với tâm nguyện vô cùng trong sáng là: "Chư Phật và Bồ Tát có những hạnh nguyện nào, tôi xin học và thực hành theo, dù chúng sinh khen hay chê, dù khinh hay trọng, dù bố thí hay cướp đoạt, khi mắt thấy tai nghe cũng đều hỉ xả, khiến cho tất cả cùng bước lên nấc thang giác ngộ". Đây thực sự là hạnh nguyện cao cả của một bậc Đại sư".

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia khẳng định: "Sau khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn, Pháp Loa chính thức được suy tôn là Tổ thứ 2 Thiền Phái Trúc Lâm, trở thành người lãnh đạo Phật tử trong cả nước. Uy tín của ông với chúng tăng và trong xã hội không ngừng tăng lên. Với tư cách người đứng đầu giáo phái có đầu óc thông tuệ, có kiến thức uyên bác, Pháp Loa đã đảm nhiệm công việc giảng các bộ kinh lớn như: Kim Cương, Lăng Nghiêm; Hoa Nghiêm; Lăng Già; Viên Giác…".

Các tham luận cũng khẳng định, Thiền sư Pháp Loa đã có những cải cách đáng kể về mặt tổ chức, là người đầu tiên tổ chức Giáo hội Phật giáo một cách có hệ thống, lập sổ bộ tăng ni và tự viện trong cả nước, góp phần vào việc phát triển nhanh chóng lượng người xuất gia và quy y học đạo. Tổ sư Pháp Loa cũng rất chú trọng chăm lo việc mở giảng các lớp thuyết Pháp về Phật pháp; chú giải nhiều kinh điển, viết nhiều sách giáo khoa Phật học, đặc biệt là ấn hành Đại Tạng Kinh, một tác phẩm quan trọng của Phật giáo tại Việt Nam.

Ngoài ra, trong thời Tổ sư Pháp Loa lãnh đạo phật tử trong cả nước, phong trào tu học được đẩy mạnh trong các thành phần xã hội, đặc biệt đã thu hút được các tầng lớp quý tộc, nhờ vậy, tiềm lực kinh tế của của các cơ sở giáo hội Trúc Lâm ngày càng lớn mạnh. Bên cạnh đó, nhiều chùa, tháp được xây dựng và trùng tu; đúc hàng nghìn tượng Phật; Thiền sư đã để lại dấu ấn đặc biệt trong việc thành lập các trung tâm, học viện Phật giáo, các cơ sở Phật giáo tiêu biểu của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử… 

Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phân tích: "Công lao nổi bật nhất của Tổ sư Pháp Loa là in Đại tạng Kinh với hơn 5.000 quyển và xây dựng Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm. Với Giáo hội Trúc Lâm, tuy Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông là người vạch ra phương hướng và đặt viên đá đầu tiên, nhưng người đứng ra hoàn thành xuất sắc hoài bão ấy chính là Tổ sư Pháp Loa. Dẫu rằng công việc đó tiến hành thuận lợi, một phần là nhờ vào uy tín và ảnh hưởng của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, nhưng chính bản thân Tổ sư Pháp Loa nếu không đủ đức độ, tài năng thì làm sao cảm hóa và khiến cho mọi người noi theo được".
 

Thiền phái Trúc Lâm ra đời vào thời nhà Trần (1226-1400). Lịch sử của Thiền phái Trúc Lâm gắn liền với tên tuổi của Trúc Lâm Điều Ngự - Trần Nhân Tông. Cùng với Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa và Thiền sư Huyền Quang được lịch sử gọi là Trúc Lâm Tam Tổ. Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần khẳng định công lao to lớn của Thiền sư Pháp Loa trong việc xây dựng và phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; làm sáng tỏ hơn nữa các tư liệu, các sự kiện có liên quan tới cuộc đời và sự nghiệp của Tổ sư Pháp Loa; qua đó, đặt ra những vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, bảo vệ và phát huy trong thời gian tới.

Thiền sư Pháp Loa tên thật là Đồng Kiên Cương, sinh ngày 7/5/1284, quê ở làng Cửu La, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Thiền sư Pháp Loa hưởng dương 47 tuổi, có 26 năm hành đạo trong đó có 23 năm, từ năm 1308 đến năm 1330 giữ cương vị Đệ nhị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm. 

29 tham luận công phu, tâm huyết của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, Phật giáo tại Hội thảo đều thống nhất rằng, Đệ nhị Tổ Pháp Loa là người kế thừa và phát triển xuất sắc tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông, có công lao to lớn đưa Thiền phái Trúc Lâm đạt tới đỉnh cao mới.

Theo VietNamNet

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng