Những vấn đề di sản
Để Huế luôn luôn mới
14:54 | 09/06/2009
NGUYỄN KHOA ĐIỀMTrong các di sản văn hoá ở nước ta, Huế giữ một vị trí đặc biệt. Chính vì thế mà ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giữa bộn bề công việc, Đảng và Nhà nước ta vẫn dành cho di sản văn hoá Huế sự quan tâm thích đáng. Dù chưa tập hợp được hồ sơ đầy đủ, chưa có được nguồn kinh phí thoả đáng, nhưng từ năm 1979, Nhà nước ta đã có văn bản đặc cách quy định việc bảo vệ di tích thành nội Huế.

Ngót 10 năm tiếp theo, giữa muôn vàn những khó khăn, thiếu thốn do hậu quả của chiến tranh, bao vây cấm vận, cơ chế tập trung bao cấp, năm 1983 bản Luận chứng kinh tế - kỹ thuật nhằm bảo tồn tôn tạo 20 điểm quan trọng của Cố đô Huế, vẫn được phê chuẩn để triển khai. Đây là bước đi rất có ý nghĩa để đến năm 1991, bốn năm sau ngày Nhà nước ta phê chuẩn Công ước Bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, Huế là một trong những di sản được lựa chọn để đăng ký với UNESCO công nhận di sản văn hoá thế giới. Tháng 12/1993 điều ấy đã thành hiện thực. Kể từ đó, di sản văn hoá Huế không chỉ là của Huế, của Việt Nam, mà là một trong những tài sản quý giá của nhân loại. Quan tâm đến Huế, UNESCO và các Chính phủ cùng các tổ chức của các nước Nhật Bản, Ba Lan, Pháp, Anh, Đức đã có nhiều giúp đỡ hiệu quả. Năm 1996 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế 1996 - 2010 với tổng mức đầu tư tới 720 tỷ đồng. Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá X đã thông qua luật Di sản văn hoá. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hoá Huế nói riêng và các tài sản văn hoá của nước ta nói chung trong thời kỳ mới.

Thưa các đồng chí, các bạn.
Như các đồng chí đều biết, di sản văn hoá, bao gồm cả di sản vật thể và di sản phi vật thể, là dấu ấn của mỗi thời đại in đậm lên mỗi giai đoạn lịch sử nhất định của một quốc gia. Đó là tài sản vô giá. Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay thì di sản văn hoá càng có ý nghĩa đặc biệt. Là xu thế tất yếu, toàn cầu hoá đang tạo ra sự giao lưu và hội nhập giữa các dân tộc về mọi mặt trước hết là về kinh tế. Quá trình hội nhập giao lưu này vừa là một cơ hội để nhân dân các nước tiếp cận nhanh chóng với những nhân tố tích cực và tiến bộ của nhân loại; mặt khác cũng tạo ra nguy cơ xa rời, thậm chí đánh mất những giá trị truyền thống, phá vỡ bản sắc dân tộc. Bởi vậy, cùng với việc tiếp thu những tinh hoa văn hoá từ bên ngoài thì việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, giữ gìn di sản văn hoá là một trong những nhiệm vụ cấp bách đối với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam ta.

Nhìn lại, mười năm sau ngày được công nhận là di sản văn hoá thế giới, với niềm tự hào chính đáng, chúng ta khẳng định đã làm được nhiều việc cho Huế. Từ một thành phố hoang tàn đổ nát sau nhiều thập kỷ chiến tranh, Huế đã trở thành di sản văn hoá thế giới với diện mạo của một cố đô lịch sử ngày càng rạng rỡ. Nhiều hạng mục đã được trùng tu, phục hồi chẳng những đưa Huế thoát khỏi tình trạng "cứu nguy khẩn cấp" mà như đánh giá của các chuyên gia UNESCO, từ năm 1998, di sản văn hoá Huế đã đi vào thế ổn định để phát huy giá trị của mình. Huế nhanh chóng trở thành điểm du lịch, thu hút ngày càng nhiều khách từ nhiều vùng trong nước, từ nhiều quốc gia trên thế giới. Hoạt động du lịch sôi nổi đã góp phần đáng kể vào việc quảng bá hình ảnh Việt Nam đổi mới, đồng thời thúc đẩy sự phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Để có được thành tựu như vậy, trước hết là do sự nỗ lực của cán bộ, nhân dân Thừa Thiên-Huế đã kiên trì vượt khó khăn, vừa tự phấn đấu vừa tranh thủ nguồn đầu tư của Nhà nước, sự ủng hộ giúp đỡ của các ngành Trung ương cùng các Chính phủ, các tổ chức và cá nhân nước ngoài. Từ một đơn vị quản lý nhỏ bé, ngày nay Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã có một đội ngũ cán bộ chuyên viên đông đảo với trình độ chuyên môn vững vàng, trang thiết bị hiện đại cùng những kinh nghiệm quý trong quản lý, trùng tu và phát huy vẻ đẹp của di tích. Các giá trị văn hoá phi vật thể cũng bước đầu được khôi phục, giới thiệu. Những nghệ nhân Huế bước ra từ truyền thống được xã hội chào đón nồng nhiệt. Ngày nay, Huế đã có đủ cơ sở để tiến hành những hoạt động lớn. Thành công của Festival các năm 2000 và 2002 đã chứng tỏ điều đó. Chúng ta tin tưởng rằng, nếu được tiếp tục quan tâm, đầu tư hơn nữa, nhất định Huế sẽ trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Đó sẽ là một lễ hội văn hoá vượt ra khỏi không gian địa phương để đạt tới quy mô quốc gia và quốc tế. Hiện nay, Thừa Thiên Huế đang chuẩn bị cho Festival 2004 với chủ đề lý thú "Di sản văn hoá với hội nhập và phát triển" chắc chắn là một cuộc trùng phùng được mọi người chờ đợi. Nhân cuộc hội thảo kỷ niệm trọng thể này, cho phép tôi nhiệt liệt hoan nghênh và chúc mừng cán bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế đã làm hết sức mình cho di sản văn hoá đất nước, đem lại vẻ đẹp văn hoá tinh thần và niềm tự hào chính đáng cho mỗi người Việt Nam và bạn bè chúng ta.

Thưa các đồng chí, các bạn.
Sắp tới đây Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ tiến hành kiểm điểm 5 năm thực hiện nghị quyết TW 5 (khoá VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là một sinh hoạt chính trị quan trọng được triển khai sâu rộng, nhằm đánh giá đầy đủ những việc đã làm được, những việc phải khắc phục và những việc cần phải làm tiếp trong thời gian tới. Với Thừa Thiên-Huế cũng vậy, tôi đề nghị sau Hội thảo này, các đồng chí cần tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết văn hoá nói trên và chắc chắn vấn đề giữ gìn di sản văn hoá sẽ được đảng bộ dành sự quan tâm thích đáng. Tôi cũng hy vọng rằng qua Hội thảo này, với các ý kiến sâu sắc của các đại biểu, Hội thảo sẽ đề ra được những giải pháp hữu hiệu cho việc bảo vệ, trùng tu và phát huy di sản văn hoá Huế đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa. Riêng phần mình, tôi xin lưu ý các đồng chí mấy điểm sau đây:

- Một là, trong quá trình giữ gìn, tôn tạo di sản Huế chúng ta hết sức coi trọng nhân tố chuyên môn, vai trò của các chuyên gia, tuy nhiên với việc bảo vệ một kinh thành cổ rộng lớn như thế này, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xã hội hoá, bởi chỉ có xã hội hoá chúng ta mới tập hợp và huy động được tối đa sức mạnh tổng hợp cả về vật chất lẫn tinh thần, của các chuyên gia văn hoá và mỗi người dân trong việc giữ gìn khuôn mặt lịch sử của kinh đô xưa trong khung cảnh đời sống hiện đại.

- Hai là, cần tiếp tục tổng kiểm kê khoa học, đánh giá lại toàn bộ các tài sản văn hoá vật thể và phi vật thể của Huế. Trên cơ sở đó tiến hành sắp xếp, phân loại để lưu giữ và phát huy thích hợp với từng loại hình di tích.

- Ba là, phải phối hợp chặt chẽ với các ngành, đặc biệt là với du lịch để vừa phát huy nguồn tài nguyên du lịch to lớn của Huế, vừa không để thị trường làm mất đi những gì di sản vốn có.

- Bốn là, hình thành một đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, những nhà nghiên cứu có tài năng và phẩm chất sẽ làm việc hết mình cho di sản Huế cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Để làm tốt những việc trên, một mặt chúng ta phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, mặt khác phải chú trọng tuyên truyền giáo dục nhân dân đề cao ý thức tự hào, góp sức xây dựng quê hương, tạo nên một môi trường văn hoá Huế ngày càng lành mạnh, văn minh. Trong khi chăm lo cho các giá trị truyền thống không để mất, chúng ta cần coi trọng công tác quy hoạch, tổ chức diện mạo thành phố hôm nay thật hợp lý, để cho cái cũ và cái mới tồn tại hài hoà, thân thiện, làm đẹp lẫn nhau và đó là cái cách để "Huế luôn luôn mới".
Trên đây mới chỉ là một số suy nghĩ và gợi ý. Một lần nữa xin chúc sức khoẻ các đồng chí, các bạn. Chúc Hội thảo thành công.

N.K.
Đ
(Bài phát biểu của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương tại Hội thảo khoa học kỷ niệm 10 năm quần thể di tích Huế được công nhận là di sản văn hoá thế giới)

(176/10-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng