Những vấn đề di sản
Bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể - một yếu tố cơ bản làm cho giá trị quần thể di tích Huế luôn được tỏa sáng
15:50 | 26/06/2009
PHAN TIẾN DŨNGHuế một vùng non sông kỳ tú, với sự sáng tạo của con người đã lưu giữ trong lòng mình những tài sản vô cùng quý giá. Một trong những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu là Quần thể Di tích Huế đã được công nhận vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới (World Heritage List) ngày 11-12-1993. Bên cạnh đó, Huế còn là hội điểm về những di sản vật thể vừa phong phú vừa đa dạng. Từ mảnh đất này đã hình thành nên những phong cách, tạo nên nhiều loại hình nghệ thuật, đã sinh thành nhiều tài năng, đã hội tụ nhiều danh nhân để góp phần nên một Huế vừa mang đặc trưng bản sắc Việt Nam, vừa có sắc thái riêng của một vùng đất Cố đô.
Bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể - một yếu tố cơ bản làm cho giá trị quần thể di tích Huế luôn được tỏa sáng
(Ảnh: Internet)

Trong các di sản để lại, hệ thống di tích không chỉ tự thân là những tài sản độc đáo có giá trị mang tính nổi bật toàn cầu được thế giới đã công nhận, thì chính ở trong lòng giá trị đó còn hàm chứa sự kín đáo sâu xa một tâm hồn, một nội dung của vùng đất lịch sử mà Nhã nhạc cung đình là sự độc đáo - di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được ghi tên vào Kiệt tác Di sản Văn hóa phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại (Masterpieces of the Oral and Intangible Heritage of Humanity) ngày 7/11/2003. Bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể là một công việc vô cùng lớn lao, đầy gian truân nhưng cũng rất vinh quang. Hiệu quả to lớn mang lại sẽ là bồi đắp cho Huế có được một diện mạo và tâm hồn sâu sắc, một vùng đất luôn hấp dẫn mọi người đến tìm tòi, khám phá.

* DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ BIỂU HIỆN TẬP TRUNG NĂNG LỰC SÁNG TẠO CỦA CON NGƯỜI VIỆT NAM.

1. Một trong những loại hình nghệ thuật đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật đó là âm nhạc truyền thống Huế, thể hiện qua nhiều loại hình phong phú như: Tuồng cung đình với hàng trăm vở tiêu biểu như Sơn Hậu, Vạn Bửu Trình Tường, Quần Phương Hiến Thụy... mỗi vở gồm hằng trăm hồi, mỗi hồi diễn một đêm. Múa cung đình với nhiều làn điệu như: Vũ Phiến, Bát Dật, Lục cúng hoa đăng, Phụng vũ, Lân vũ... mà trong đó có nhiều vũ điệu quy mô huy động 80-90 người.

Dòng Nhạc cung đình là một điển hình cho âm nhạc bác học, đây là sự kế thừa và phát triển đến đỉnh cao của âm nhạc Việt Nam trong các triều đại quân chủ. Lễ nhạc cung đình gồm các loại như Nhã nhạc, Đại nhạc, Tiểu nhạc, hệ thống này chứa đựng những tư duy triết học, vũ trụ quan và nhân sinh quan của con người Việt Nam. Hàng trăm nhạc chương còn lưu lại đây là những áng văn chương bất hủ, những ngôn từ bác học có tính nhân văn sâu sắc.

2. Lễ hội văn hóa là một trong những nội dung phong phú của vùng Huế. Đây là sự thể hiện giá trị chân xác, sức sống mãnh liệt gắn với truyền thống lịch sử một vùng đất. Các lễ hội gắn liền với các di tích lịch sử như: Lễ Truyền lô, lễ Ban sóc, lễ Tế giao... Bên cạnh lễ hội cung đình, có các lễ hội dân gian tiêu biểu khác như: lễ hội điện Huệ Nam, lễ hội Cầu Ngư, lễ hội làng Chuồn, lễ Thu Tế của những làng nghề truyền thống... Ngoài ra, còn các lễ hội khác như: Hội Hoa Xuân, hội Đua thuyền, hội Vật làng Sình, hội Thả diều... lại có một đời sống gần gũi với đại đa số người dân xứ Huế.

3. Ở Huế, do nhu cầu của công việc kiến thiết xây dựng, phục vụ sinh hoạt của vương triều Nguyễn, nên ở đây đã sớm hình thành các tượng cục và phường hội của các nghề truyền thống riêng biệt. Có thể kể đến các làng nghề như: phường Đúc, điêu khắc Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích, rèn Hiền Lương, tranh làng Lại Ân... Những làng nghề này hiện đang còn bảo lưu và phát triển, đáp ứng cho công tác trùng tu và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ khách du lịch và các sinh hoạt tiêu dùng của người dân.

4. Một trong những nét đặc trưng của đời sống tinh thần của Huế là sự ra đời của nghệ thuật ẩm thực, đây là một nghệ thuật vừa mang tính khoa học vừa khái quát được mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người. Các nhà nghiên cứu ẩm thực đã thống kê ở Việt Nam có hơn 1.700 món ăn, nhưng riêng ở Huế đã chiếm 1.300 món. Một số tư liệu để lại đã cho biết có những yến tiệc cung đình đã có đến hơn 150 món ăn. Ngày nay, Huế còn lưu truyền hơn 700 món ăn khác nhau, bao gồm các món ăn cung đình, các món ăn dân gian và các món ăn chay. Rõ ràng, ẩm thực Huế, tự thân đã là lịch sử, đã là văn hóa, nó không chỉ đơn thuần là sự ngon, sự dở mà còn biểu hiện những thuộc tính văn hóa của tính cách con người Huế vốn tế nhị, khiêm nhường. Mặc dù trải qua nhiều giai đoạn và những khó khăn do chiến tranh, kinh phí... nhưng các giá trị phi vật thể còn lưu truyền đến ngày nay đã thể hiện sự sáng tạo và sức sống lâu bền của một vùng đất văn hóa.

* THÀNH QUẢ BƯỚC ĐẦU TRONG VIỆC BẢO TỒN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ.

Việc bảo tồn văn hóa phi vật thể gặp những khó khăn do các tài liệu, tư liệu đề cập đến từng lĩnh vực lưu giữ không nhiều, bên cạnh đó, số tài liệu còn lại hiện đang nằm rải rác ở nhiều nơi trong nước và nước ngoài chưa có điều kiện sưu tầm, tập hợp. Các nghệ sĩ, nghệ nhân am tường chuyên môn đã lớn tuổi và lần lượt ra đi, mang theo các kinh nghiệm cũng như kỹ năng nghề nghiệp.

Đối với các ngành nghề truyền thống, nhiều làng nghề đã dần bị tàn lụi, số còn lại cũng đang ở tình trạng không có điều kiện sản xuất, đang bị sức ép cạnh tranh của các loại hàng hóa hiện đại.

Trong những năm qua, kể từ khi Quần thể Di tích Huế được công nhận là Di sản Thế giới ngày 11.12.1993, đặc biệt khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế 1996-2010, các công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể được tổ chức triển khai đồng bộ và mang lại hiệu quả thiết thực. Hoạt động nghiên cứu được chú trọng, quy tụ các nhà khoa học có uy tín, nhiều đề tài đã tập trung giải quyết những vấn đề thực tiễn theo từng chuyên ngành. Bên cạnh đó, hàng chục cuộc hội thảo như: Hội thảo quốc tế bảo vệ văn hóa phi vật thể vùng Huế, Hội thảo bảo tồn và phát huy Tuồng cung đình, Hội thảo bảo tồn và phát huy Âm nhạc cung đình, Hôị thảo bảo tồn và phát huy di sản Hán Nôm... đã được tổ chức nhằm hoạch định các chương trình và biện pháp cụ thể để bảo tồn.

10 năm qua, tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế với sự phối hợp của nhiều cơ quan, hơn 30 nhạc chương trong các lễ tế, 40 nhạc khúc được diễn tấu với nhiều loại tiểu nhạc, đại nhạc, gần 20 điệu múa cung đình đã được phục hồi, dựng được 3 vở tuồng cổ đáp ứng cho các lễ hội và giao lưu văn hóa. Bên cạnh đó đã tiến hành sưu tầm, nghiên cứu các vở tuồng cổ như: Kim Thạch Kỳ Duyên, Trung hiếu thần tiên, Văn duyên diễn hý... từng bước làm rõ nghĩa những điển tích, điển cố, biên tập và đang dàn dựng làm cho mọi người cùng thưởng thức. Triển khai phục hồi các điệu múa cung đình Tam quốc Tây du, Long hổ hội và hàng chục điệu múa khác phục vụ cho khách du lịch cùng các kỳ Festival tổ chức tại Huế... Để chuẩn bị cho đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ kế thừa, tại Huế các cơ quan đã kết hợp với nhiều cơ sở đào tạo các nghệ nhân, tổ chức được 4 lớp diễn viên với nhiều chương trình như nhã nhạc, tuồng, múa cung đình...

Nhằm khẳng định các giá trị âm nhạc truyền thống, bộ hồ sơ Âm nhạc cung đình Việt Nam: nhã nhạc (triều Nguyễn) đã được thiết lập và ngày 7/11/2003, UNESCO đã công nhận Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (triều Nguyễn) vào Kiệt tác Di sản Văn hóa phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại. Trong phần nhận định về Nhã nhạc, Hội đồng thẩm định quốc tế đã đánh giá: Nhã nhạc Việt Nam mang ý nghĩa “Âm nhạc tao nhã”, Nhã nhạc đã đề cập đến âm nhạc cung đình Việt Nam được trình diễn tại các lễ thường niên bao gồm các lễ kỷ niệm và những ngày lễ tôn giáo cũng như các sự kiện đặc biệt như: Lễ Đăng quang, Lễ tang hay những dịp đón tiếp chính thức. Trong các thể loại phong phú đã từng phát triển tại Việt Nam chỉ có Nhã nhạc mang tầm quốc gia...

Trong bảo tồn, các ngành nghề truyền thống, việc lựa chọn lập ra Xưởng phục chế vật liệu cổ là một dự kiến chuẩn xác, một quyết định đúng hướng và mang tính chiến lược cao. Ngoài ưu điểm có sự chủ động trong tu bổ, Xưởng còn phục hồi một số ngành nghề truyền thống đã bị thất truyền từ lâu, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội.

Có thể nói, việc bảo tồn văn hóa phi vật thể đã từng bước nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật của người dân, kích thích sự sáng tạo của các nghệ nhân, các nghệ sĩ. Hoạt động văn hóa cũng đã làm cho di tích Huế trở thành một địa chỉ hấp dẫn đối với khách du lịch và tạo ra nguồn thu kịp thời đáp ứng công cuộc bảo tồn di tích. Mặt khác, hoạt động này đã góp phần mở rộng các quan hệ kinh tế, văn hóa với các nước trong khu vực và thế giới.

* NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG BẢO TỒN PHI VẬT THỂ CHO GIAI ĐOẠN TIẾP THEO.

1. Tiếp tục xây dựng các chương trình nghiên cứu, liên kết với các cơ quan, Viện nghiên cứu, các trường Đại học để triển khai các đề tài khoa học theo hướng chuyên sâu, ưu tiên tập trung vào các loại hình phi vật thể gắn với di tích. Tiến hành điều tra từng lĩnh vực như âm nhạc cung đình để tiến hành xác định kế hoạch đào tạo, phục hồi các nội dung tác phẩm, tu bổ các địa điểm diễn xướng. Thẩm định các giá trị lễ hội nhằm xây dựng các kế hoạch để bảo tồn phù hợp, tránh phục hồi tràn lan ít hiệu quả.

Chuẩn bị đầy đủ các yếu tố về tư liệu, nhân lực, kinh nghiệm để phục hồi các lễ hội, kiên quyết loại bỏ những sự cải biên tùy tiện làm giảm các giá trị đích thực của văn hóa.

Trước mắt, nghiên cứu để từng bước phục hồi lễ Truyền lô (Lễ xướng danh Tiến sĩ Tân khoa), lễ Tế Nam Giao (Cầu quốc thái dân an), lễ Tịch Điền (khuyến khích cho nghề nông chăm chỉ cày cấy). Việc phục hồi các lễ hội sẽ góp phần làm cho mọi người hiểu được các giá trị cội nguồn truyền thống và làm phong phú hệ di sản văn hóa.

2. Tranh thủ các nguồn đầu tư, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhất là các nhà khoa học để bảo tồn các ngành nghề liên quan mật thiết đến tu bổ di tích như sản xuất vật liệu, quy trình công nghệ vữa vôi truyền thống, phục chế y phục, phục chế các đồ sứ ký kiểu... Đây là những nghề vừa hỗ trợ góp phần đem lại cho di tích tính chân xác lịch sử, đảm bảo các yếu tố màu sắc, kích thước, chất liệu, vừa tăng thêm nội dung trưng bày ở các không gian lịch sử mà hiện vật đã tồn tại.

3. Xây dựng cơ chế nhằm tôn vinh công lao đóng góp của các nghệ nhân, nghệ sĩ. Có chính sách đãi ngộ đúng mực để khích lệ họ chuyển giao tích cực hơn sự truyền nghề cho lớp trẻ. Tranh thủ sự hỗ trợ của giới khoa học, các nhà chuyên môn vào việc hoạch định các chương trình, giải pháp bảo tồn. Huế là vùng đất có khí hậu thời tiết khắc nghiệt, do vậy sớm xây dựng kế hoạch sưu tầm tư liệu, bảo quản cất giữ để khi có kinh phí và điều kiện khác, có thể triển khai kịp thời.

4. Bảo tồn các di sản phi vật thể hướng tới phục vụ phát triển du lịch. Thường xuyên cung cấp cho công chúng những tri thức cần thiết để họ nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật làm cho mọi người yêu mến và đóng góp những hành động thiết thực, cụ thể, mở rộng công tác tuyên truyền đến khách du lịch, làm cho họ hiểu được ở Huế đang lưu giữ một tài sản văn hóa phi vật thể phong phú và đặc sắc. Từng bước nghiên cứu để tiếp tục triển khai các phòng trưng bày, các bảo tàng chuyên đề mang tính độc đáo của vùng đất lịch sử văn hóa như: Sưu tập các mẫu hình vật liệu xây dựng truyền thống, Khoa cử giáo dục dưới triều Nguyễn, Di sản Hán Nôm Huế, Sưu tập y phục cung đình, Sưu tập trang phục sân khấu và nhạc cụ truyền thống... kết hợp trưng bày với việc minh họa bằng biểu diễn các động tác nghề nghiệp, chế tác sản phẩm tại chỗ. Cách làm này sẽ tạo nên những điểm tham quan mới hấp dẫn, giảm bớt mật độ khách ở các điểm tập trung, đồng thời làm cho di sản văn hóa phi vật thể được khách tiếp cận nhanh nhất. Nhấn mạnh về sự cần thiết của yếu tố này, đúng như ông Dominique Bouchart tại Hội nghị Bảo vệ di sản phi vật thể vùng Huế đã khẳng định: “Đã đến lúc phải ghép nó lại với nhau, cuốn hút những nghệ nhân tài giỏi các mặt về trong hoàng cung, thuyết phục họ, chứng minh họ làm được những gì, cùng làm với nhau trong môi trường đã có những kiểu mẫu về nghệ thuật trước đây... Sự liên hệ giữa bảo tàng với công chúng sẽ giúp cho nghệ nhân sống lại, đồng thời giúp cho các kiến trúc lịch sử cùng sống lại. Vì dù cho kiến trúc đó có sống lại thì cũng chỉ là những cái vỏ rỗng, nếu trong đó không có hoạt động gì. Vì vậy, Hoàng cung phải trở thành một bảo tàng sống và sẽ kích thích đời sống kinh tế văn hóa”.

Di sản văn hóa Huế là niềm tự hào của cộng đồng, vì thế phải được cộng đồng thể hiện trách nhiệm giữ gìn và phát huy. Bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể không phải chỉ dựa vào trí tuệ một cá nhân, một tập thể, cũng không phải là một sớm một chiều mà phải có sự nỗ lực của các nhà khoa học, các nghệ nhân, nghệ sĩ, các nhà quản lý và của mọi người. Rõ ràng, đứng trước các giá trị văn hóa phi vật thể đang bị mai một, ngay hôm nay chúng ta không có những chính sách hữu hiệu, không đầu tư thích đáng thì những giá trị trên sẽ không còn và các thế hệ mai sau cũng sẽ không có các cơ sở để bảo tồn cho dù có khả năng về tài chính. Do vậy, dù khó khăn đến mấy cũng phải huy động mọi nguồn lực để tập trung giữ gìn, bảo vệ và phát huy những di sản lớn lao mà các thế hệ đã trao truyền lại, có như thế giá trị văn hóa Huế mới luôn được tỏa sáng.

P.T.D
(178/12-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng