PHAN THANH HẢI
Trong xu thế xây dựng Cố đô Huế trở thành một đô thị di sản đặc thù, thành phố di sản trực thuộc Trung ương theo chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiện nay, vấn đề quy hoạch, phát triển đô thị Huế cho giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở nên hết sức quan trọng và mang tính quyết định trên nhiều bình diện.
Việc xây dựng và triển khai một quy hoạch mang tính chiến lược như vậy đòi hỏi trí tuệ, công sức của rất nhiều người với nhiều chuyên môn khác nhau. Nhưng dù muốn hay không, việc xây dựng quy hoạch phát triển đô thị Huế theo hướng này thì không thể không nghiên cứu và kế thừa các di sản văn hóa lịch sử.
Đô thị Huế được quy hoạch và xây dựng gắn liền với trục sông Hương từ đầu thế kỷ XVII trên nền tảng của quá trình đô thị hóa đã diễn ra hàng trăm năm trước đó, gắn liền với quá trình Nam tiến của người Việt. Từ năm 1626, Huế trở thành thủ phủ của Đàng Trong, rồi kinh đô của hai triều đại Tây Sơn (1788 - 1801) và triều Nguyễn (1802 - 1945). Cũng theo đó, quy hoạch của đô thị Huế ngày càng được mở rộng, từ thượng nguồn sông Hương ra biển theo chiều Tây - Đông, từ An Hòa, Hương Sơ đến núi Ngự Bình, hướng ra tận đầm phá Tam Giang, Cầu Hai theo chiều Bắc - Nam. Nguyên Tổng giám đốc UNESCO Amadou Matah M’Bow đã đánh giá rất cao cách quy hoạch này:
“Những người đầu tiên xây dựng Huế đã có dụng ý đóng khung Huế trong phong cảnh kỳ diệu, từ núi Ngự Bình đến đồi Vọng Cảnh, đến phá Tam Giang và phá Cầu Hai. Và chính nhờ thế họ đã sáng tạo ra một kiến trúc tinh vi, trong đó mọi nhân tố đều bắt nguồn từ cảm hứng thiên nhiên gần gũi, thành phố Huế chính là nghệ thuật được vẻ đẹp của thiên nhiên bổ sung, tô điểm thêm”.
Cho đến nay, những di sản vật chất, tinh thần cùng không gian cảnh quan văn hóa gắn liền với các di sản ấy còn bảo tồn được của đô thị Phú Xuân - Huế trong lịch sử đều gắn liền với trục sông Hương, trong đó nổi bật là quần thể di tích Cố đô Huế với Kinh thành, cung điện và các thiết chế liên quan đến hoạt động của triều Nguyễn ở phía Đông (phần Dương cơ) và các đền miếu, lăng tẩm, chùa quán… tọa lạc ở hai bên bờ sông Hương ở phía Tây (phần Âm cơ). Vì vậy, dù Kinh thành Huế được quy hoạch với trục chính là Tây Bắc - Đông Nam (tọa Càn, hướng Tốn), nhưng sông Hương mới là trục mềm trọng yếu để kết nối các công trình kiến trúc chính của triều Nguyễn. Cũng bởi vậy, Huế là một đô thị có cách quy hoạch cân bằng Âm - Dương rất hiếm có và độc đáo. Bên cạnh đó, trong trục không gian này còn có các di tích rất nổi tiếng gắn liền với các giai đoạn lịch sử thời chúa Nguyễn hay tiền Nguyễn như Thành Lồi, phố cổ Bao Vinh, phố cảng Thanh Hà, thành Hóa Châu… Đề án quy hoạch phát triển đô thị Huế giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến 2045 phải đặc biệt chú ý đến việc bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa quan trọng trong khu vực này. Vì vậy, việc mở rộng không gian thành phố Huế mà chúng ta đang xúc tiến hiện nay là việc làm phù hợp để có thể quy hoạch, quản lý một cách toàn diện, thống nhất các di sản văn hóa, lịch sử tiêu biểu của một đô thị di sản đặc thù như Huế.
Nhưng các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, và đặc biệt là các di sản tự nhiên của Thừa Thiên Huế không chỉ nằm trong phạm vi thành phố Huế mà phân bố trải rộng trên địa bàn của nhiều địa phương khác. Trong khoảng gần 1.000 di tích đã được kiểm kê của Thừa Thiên Huế với 181 di tích đã được xếp hạng (trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 88 di tích cấp quốc gia và 90 di tích cấp tỉnh) thì chỉ có khoảng 30% số lượng di tích nằm trong không gian của thành phố Huế, nghĩa là khoảng 70% số di tích còn lại nằm ở các huyện, thị xã. Có những di tích rất nổi tiếng không nằm trong phạm vi thành phố như hệ thống đường Hồ Chí Minh, cầu ngói Thanh Toàn, chùa Thánh Duyên, tháp Chăm Linh Thái, hành cung Tĩnh Viêm, Hải Vân Quan, tháp đôi Liễu Cốc, làng cổ Phước Tích…, cùng nhiều di sản tự nhiên độc đáo và vô cùng quý giá như hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, rừng quốc gia Bạch Mã, vịnh Lăng Cô - Chân Mây… Như vậy, một đô thị di sản phải được quy hoạch như thế nào để vừa bảo vệ được các di sản văn hóa và thiên nhiên, vừa có không gian cho sự phát triển?
Bài toán này có thể tìm được lời giải từ các di sản lịch sử cùng những kinh nghiệm quý báu trong quá khứ.
Ngay từ thời các chúa đầu tiên vào trấn giữ và khai thác Thuận Quảng, việc quy hoạch một trung tâm chính trị - kinh tế cho vùng đất này đã được sáng tạo rất độc đáo, để vận dụng tối đa những lợi thế của cả hai vùng đất ở hai bên đèo Hải Vân, đó là công thức: Trung tâm chính trị nằm ở Thuận Hóa (do Chúa đóng đô) và trung tâm kinh tế ở Quảng Nam (do Thế tử trấn giữ). Sự kết nối tiêu biểu nhất giữa hai trung tâm này là mối quan hệ giữa cảng quốc tế Hội An và thủ phủ Kim Long - Phú Xuân thông qua cảng nội địa Thanh Hà. Và như vậy, đô thị Phú Xuân - Huế tuy chỉ nằm trên đất phủ Triệu Phong nhưng đã là một đô thị lớn, đóng vai trò trung tâm của cả dải đất từ Quảng Bình đến Phú Yên. Các chúa Nguyễn đời sau vẫn tiếp tục kế thừa hoàn hảo công thức này. Thời Tây Sơn, mà đặc biệt là từ đầu triều Nguyễn, đô thị Phú Xuân - Huế nằm trên đất Quảng Đức/Thừa Thiên vẫn là trung tâm kết nối của cả vùng đất “ngũ Quảng” rộng lớn (Quảng Bình, Quảng Trị ở phía Bắc, Quảng Nam, Quảng Nghĩa/Ngãi ở phía Nam). Đặc điểm này lí giải vì sao Phú Xuân - Huế luôn được xem là một đô thị lớn, có tiềm lực mạnh mẽ về nhiều mặt, là nơi đóng đô lí tưởng của các triều đại quân chủ trong suốt hàng trăm năm lịch sử.
Bởi vậy, việc quy hoạch và phát triển đô thị di sản Huế với định hướng đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương không chỉ dựa trên nền tảng của các di sản văn hóa vật chất, tinh thần mà Huế đang sở hữu mà cần kế thừa cả các di sản về đô thị vốn dĩ đã được các thế hệ tiền bối sáng tạo và kiến lập nên. Với quan điểm này, việc quy hoạch xây dựng đô thị Thừa Thiên Huế cần đặt trong sự liên kết vùng và mối quan hệ rộng lớn của cả khu vực Bắc - Trung và Nam Trung bộ, trong đó trọng tâm là mối quan hệ liên kết với Đà Nẵng, Quảng Nam ở phía Nam, Quảng Trị, Quảng Bình ở phía Bắc. Điều này cũng rất phù hợp trên góc độ di sản và du lịch vì Cố đô Huế hiện nay là một phần rất quan trọng của “Con đường di sản miền Trung” kết nối các di sản thế giới: Mỹ Sơn - Hội An - Huế - Phong Nha - Kẻ Bàng.
Kế thừa các di sản lịch sử trong quy hoạch và phát triển đô thị sẽ giúp Thừa Thiên Huế vừa bảo tồn bền vững các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú cùng không gian cảnh quan đặc sắc của các di sản ấy, vừa tạo lập được những không gian khác dành cho sự phát triển, trong đó “không gian phát triển” này bao gồm cả phần bên trong và bên ngoài địa hạt của tỉnh.
Một chiến lược phát triển đúng đắn cùng các chính sách phù hợp sẽ giúp Thừa Thiên Huế vững vàng bước tới mục tiêu trở thành một đô thị di sản đặc biệt - Thành phố di sản cấp quốc gia đầu tiên của Việt Nam.
P.T.H
(TCSH407/01-2023)