Những vấn đề di sản
30 năm bảo tồn di sản Huế
10:03 | 30/06/2023


PHAN THANH HẢI

30 năm bảo tồn di sản Huế
7 di sản đã được UNESCO vinh danh - Ảnh: tư liệu

Huế là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử phát triển đô thị Việt Nam: từ một vùng đất biên viễn nổi danh là xứ “Ô Châu ác địa” biến thành một trung tâm đô thị và văn minh mới của người Việt trên con đường Nam tiến từ thế kỷ XVII -XVIII, trở thành kinh đô của đất nước thống nhất trong suốt thời Nguyễn ở thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, rồi thành cố đô cuối cùng còn được bảo lưu nguyên vẹn nhất tại Việt Nam. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, cho đến nay Cố đô Huế vẫn là một trong những đô thị có quỹ kiến trúc di sản giàu có nhất không chỉ trong phạm vi khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, Cố đô Huế có 7 di sản đã được UNESCO vinh danh: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016), Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017), và có hơn 1000 công trình được kiểm kê, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 94 di tích cấp tỉnh và 3 di sản đã được Bộ VH, TT&DL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhưng điều quan trọng nhất là tính nguyên vẹn có hệ thống của các di sản. Ít có nơi nào như ở Huế vẫn còn bảo tồn được gần như hoàn hảo một hệ kiến trúc thành trì pha trộn phong cách truyền thống và phong cách phương Tây; một hệ cung điện độc đáo với điện, đình, lầu, các, lăng, tạ…; một hệ đàn miếu với đủ cả đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, đàn Sơn Xuyên, miếu thờ Tổ, miếu thờ Thần…; một hệ lăng tẩm với quy mô to lớn và phong cách độc đáo; một hệ thống cầu cống, thủy đạo cổ vẫn vận hành qua hàng thế kỷ; một hệ thống vườn cung đình tập trung tinh hoa nghệ thuật làm vườn của cả đất nước; ngoài ra là hệ thống hành cung, chợ búa; hệ thống phủ đệ, nhà vườn phân bố gần như đều khắp trong khu đô thị cổ...

Hòa quyện và tôn vinh thêm cho các di sản vật thể đó là cả một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng. Bên cạnh Nhã nhạc cung đình đã được tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Huế còn có cả hệ thống lễ hội cung đình với Lễ tế Nam Giao, tế Xã Tắc, tế hưởng ở miếu Tổ, nghi thức đại triều, Lễ Truyền lô, Lễ Ban sóc… Các loại hình nghệ thuật cung đình như Tuồng cung đình, múa cung đình vẫn còn được bảo tồn hay đủ cơ sở để bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị. Huế còn cả hệ thống lễ hội và nghệ thuật dân gian phong phú, hệ thống làng nghề thủ công truyền thống độc đáo, nghệ thuật ẩm thực tinh tế, nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài ngũ thân truyền thống…

Chính vì vậy, Huế được mệnh danh là một đô thị di sản đặc thù. Năm 1981, Tổng giám đốc UNESCO, ngài Amadou Mahtar M’Bow đã dành cho Huế sự ngợi ca đặc biệt: “Nằm giữa miền Trung Việt Nam, Huế trong một thời gian dài là kinh đô lịch sử. Có sông Hương ru vỗ du dương, bao bọc bởi những đồi cây xanh tốt, trang trí thêm bằng những vườn tược sum suê, có những dòng kênh bao quanh như chạm khắc, thêu ren, thành phố Huế là một kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị”.

Năm 1993, Quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO ghi tên vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới; mười năm sau đó, năm 2003, Nhã nhạc cung đình Huế lại được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cố đô Huế vinh dự và tự hào vì cả hai lần công nhận trên đều là sự công nhận đầu tiên của UNESCO đối với các di sản văn hóa tại Việt Nam. Sau 30 năm trở thành Di sản văn hóa thế giới, Cố đô Huế đang có sự hồi sinh mạnh mẽ. Rất nhiều di sản đã được cứu vãn, bảo tồn và phục hồi, vẻ đẹp xưa như đang trở lại nhưng lấp lánh dưới một ánh hào quang mới - hào quang của thành phố di sản, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Đồng thời ra sức phấn đấu, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế”.

Huế ngày nay đã trở thành một địa chỉ du lịch nổi tiếng trên thế giới, được mệnh danh là điểm không thể không đến nếu bạn muốn hiểu về Việt Nam. Khi công nhận Huế, UNESCO đã tặng cho thành phố này một slogan tuyệt vời và đầy ý nghĩa: “Huế luôn luôn mới”.

P.T.H
(TCSH412/06-2023)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng