Những vấn đề di sản
Tuyến thượng đạo Thừa Thiên Huế - Lịch sử, chiến công và khát vọng phát triển
15:21 | 09/10/2023


NGUYỄN THẾ

Tuyến thượng đạo Thừa Thiên Huế - Lịch sử, chiến công và khát vọng phát triển
Khu vực núi Bân và tượng đài Quang Trung nhìn từ núi Ngự Bình ở T.T. Huế - Ảnh: tư liệu

LI GIỚI THIỆU

Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức hai trại sáng tác văn học nghệ thuật đã mang lại nhiều giá trị, ý nghĩa thiết thực.

Trên cơ sở những thành tựu đạt được của tỉnh cùng với khát vọng và niềm tin trong quyết tâm phấn đấu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, và để góp phần quảng bá những giá trị đặc sắc về văn hóa, con người và di sản Cố đô Huế; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức Trại sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng” với sự tham gia 15 văn nghệ sĩ từ 4 Hội chuyên ngành trực thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, trong thời gian từ ngày 15/4 đến ngày 20/5/2023; đã có hơn 100 tác phẩm văn học nghệ thuật.

Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Trại sáng tác “Công an Thừa Thiên Huế - Vì bình yên cuộc sống” lần thứ II, diễn ra từ 16/5 đến cuối tháng 7/2023, với sự tham gia của 21 văn nghệ sĩ của các Hội: Âm nhạc, Nhà văn và Nhiếp ảnh thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Kết quả có 135 tác phẩm bao gồm các thể loại bút ký, ghi chép, truyện ngắn, thơ, âm nhạc và nhiếp ảnh.

c phẩm ở hai trại sáng tác văn học nghệ thuật viết về vẻ đẹp của vùng đất Cố đô năng động; một thành phố bình yên, mạnh mẽ cùng những giá trị tiềm ẩn. Tạp chí Sông Hương số Đặc biệt kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 02/9, trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một số tác phẩm từ hai trại sáng tác trên.

                           TẠP CHÍ SÔNG HƯƠNG


Tuyến thượng đạo Thừa Thiên Huế - Lịch sử, chiến công và khát vọng phát triển


Tháng 3/1994, một sự kiện thu hút sự quan tâm của Nhân dân Thừa Thiên Huế và các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa trong và ngoài nước. Lần đầu tiên trống đồng Đông Sơn được phát hiện ở Thừa Thiên Huế.

Ngày 18/3/1994, một nhóm người chuyên dò tìm phế liệu chiến tranh ở xã Phong An, huyện Phong Điền đã tìm thấy một trống đồng tại ven bờ thượng nguồn sông Ô Lâu (bản Hạ Long, xã Phong Mỹ). Do trống bị vùi lấp lâu ngày và những người phát hiện không biết giá trị của hiện vật nên đã đào bới nặng tay làm cho thân trống bị tách rời thành nhiều mảnh, riêng mặt trống còn giữ được gần như nguyên vẹn. Đến ngày 21/3/1994, ông Dương Đăng Năm, một thành viên trong nhóm đã đưa số phế liệu thu được (trong đó có mặt trống và những mảnh vỡ của trống đồng) về bán cho điểm thu mua “đồng nát” nằm cạnh đường Quốc lộ 1A, đoạn km 26 thuộc xã Phong An. Tình cờ, anh Phan Đức Thái, công an huyện Phong Điền nhìn thấy và báo cho Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phong Điền. Nghe được thông tin tấm đồng hình tròn, có hoa văn như trên hình hiệu của Đài Truyền hình Việt Nam khi bắt đầu chương trình phát sóng, tôi vội đạp xe cùng anh Phan Đức Thái vào ngay địa điểm bán “đồng nát”. Tôi sững sờ khi nhìn thấy mặt trống đồng cùng những mảnh vỡ. Sau khi biết được số tiền mà người thu mua phế liệu định giá cho chiếc trống đồng vỡ là 70.000 đồng, tôi đã xin được nhượng lại. Sau khi trả tiền, tôi đã viết giấy thỏa thuận mua bán và đưa hiện vật trống đồng về phòng làm việc, kiêm phòng ở của tôi tại Phòng Văn hóa Thông tin huyện Phong Điền (vì lúc đó tôi và gia đình đang cư trú tại làng Văn Xá, huyện Hương Trà). Thời điểm đó tôi được phân công phụ trách công tác bảo tồn, bảo tàng ở Phòng Văn hóa Thông tin huyện. Từ hồi đó, tôi đã mua được khá nhiều sách, tài liệu liên quan đến lịch sử văn hóa. Trong đó có một số sách và tài liệu về văn hóa Đông Sơn. Vì vậy, khi tiếp cận với chiếc trống đồng này, tôi đã tự mày mò nghiên cứu, chụp ảnh, đo đạc, phân loại và xác định được niên đại của trống. Tôi đã viết lý lịch sơ lược và đặt tên là trống đồng Ô Lâu. Tôi đã được báo cáo kết quả nghiên cứu về trống đồng này tại Đại hội thành lập Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế; công bố trên Tạp chí Xưa & Nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và bán nguyệt san Kiến thức ngày nay số 140 tháng 5/2004. Đây là chiếc trống đồng đầu tiên được phát hiện tại Thừa Thiên Huế. Mặt trống có đường kính 63cm, chính giữa mặt trống có hình ngôi sao 12 cánh, xen giữa là các hình lông công đơn giản. Từ trong ra ngoài mặt trống có chín vành với những hoa văn đặc trưng của trống đồng Đông Sơn. Căn cứ vào kích thước, họa tiết, hoa văn trên mặt trống và kiểu dáng hoa văn trên các mảnh vỡ của các phần thân trống, tôi đã kết luận, đây là trống đồng Đông Sơn (loại I theo phân loại chung về trống đồng của Frans Heger) và xếp vào nhóm C kiểu 2 theo phân loại trống Đông Sơn. Đây là một trống nhóm C có niên đại sớm, vì rìa mặt trống không có các khối tượng cóc, nên có thể xác định niên đại trống từ khoảng thế kỷ II - I trước Công nguyên (cách đây khoảng hơn hai ngàn năm). Việc phát hiện trống đồng Đông Sơn tại Thừa Thiên Huế không những làm tăng thêm giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất kinh sư, nơi đóng đô của vương triều nhà Nguyễn, mà còn giúp cho chúng ta hiểu biết thêm về ảnh hưởng và mối liên quan của “mạng lưới tam giác văn hóa” cùng thời kỳ bao gồm: Văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, Văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung và Văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ. Chủ nhân của trống đồng Đông Sơn này là ai? Phải chăng đây là biểu tượng uy quyền của tộc người có quan hệ văn hóa với Lạc Việt, hay là vật thiêng dùng để biếu tặng, trao đổi nhằm tạo sự hòa hiếu của người dân Lạc Việt đối với các tộc người lân cận?

Việc phát hiện trống đồng Đông Sơn ngay lưu vực đầu nguồn sông Ô Lâu, huyện Phong Điền đã cho chúng ta biết thêm về lịch sử văn hóa xa xưa của vùng đất. Di tích văn hóa Đông Sơn tồn tại ở nơi đây đã minh chứng cho địa điểm cư trú của các tộc người bản địa. Cũng có thể đây cũng là nơi giao lưu của người dân bản địa với dân tộc Việt. Vì vậy, có thể xác định tuyến thượng đạo ở khu vực phía Tây Nam huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế từng là một trung tâm hoạt động về kinh tế, văn hóa - xã hội của người xưa. Vị trí tìm thấy trống đồng gần với địa điểm Hầm Heo, nơi khai thác du lịch của đồng bào dân tộc Pa Hy ở thượng nguồn sông Ô Lâu của xã Phong Mỹ. Đây cũng là vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền. Vì vậy có thể nói rằng, vùng đất này là nơi có tiềm năng phát triển về kinh tế, văn hóa và cả lĩnh vực an ninh quốc phòng.

Ngày xưa, tuyến đường chạy ven chân núi gọi là thượng đạo. Đây là tuyến đường quan trọng trong chiến lược quân sự của các triều đại phong kiến. Lịch sử từng ghi nhận, năm 1774, khi Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc, dưới danh nghĩa vua Lê chúa Trịnh, đã kéo quân vào Thuận Hóa đánh chúa Nguyễn. Đội quân này đã vượt qua thác Ma, thác Trầm của thượng nguồn sông Tho Lai (Mỹ Chánh, Quảng Trị) theo tuyến thượng đạo tiến vào thượng nguồn Ô Lâu, rồi kéo vào làng Cổ Bi, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền. Tại đây, Hoàng Ngũ Phúc đã chia quân thành hai cánh. Một cánh quân rẽ qua làng Hiền Sĩ, tiến về theo dọc bờ bắc sông Bồ; một cánh quân vượt sông Bồ qua làng Lại Bằng rồi kéo về dọc bờ nam sông Bồ về làng Phú Ốc. Hai cánh quân này đã tạo thành gọng kìm đánh bại đội quân của chúa Nguyễn đóng ở Bái Đáp (nay là làng Thủ Lễ, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền). Hành quân theo tuyến thượng đạo, không chỉ là đi theo con đường ven núi phía ngoài mà đôi khi còn luồn sâu phía sau núi rồi tiến ra đánh địch. Dụng binh theo tuyến thượng đạo thường khó khăn, vất vả hơn, nhưng giữ được bí mật quân sự, gây bất ngờ trong chiến thuật tấn công tiêu diệt địch.

Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22/12/1788), chỉ sau một ngày nhận được tin quân Thanh chiếm thành Thăng Long, Nguyễn Huệ tổ chức lên ngôi tại núi Bân (nay thuộc phường An Tây, thành phố Huế), xưng hiệu là Quang Trung Hoàng đế.

Hiện nay, núi Bân đã được công nhận là Di tích lịch sử đặc biệt. Để tưởng nhớ công lao của người anh hùng áo vải đất Tây Sơn, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng tượng đài Hoàng đế Quang Trung cao 21 mét (thân tượng cao 12 mét, bệ tượng cao 9 mét). Phía sau tượng là bức phù điêu dài khoảng 60 mét với các mảng họa tiết miêu tả quá trình từ lúc khởi nghĩa đến lúc Quang Trung phát lệnh tiến quân ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh. Ở giữa bức phù điêu có câu trích chiếu lên ngôi của Quang Trung “Nhân, Nghĩa, Trung, Tín là đầu mối lớn lao của đạo làm người. Nay cùng nhân dân đổi mới (…) sẽ cùng dìu dắt dân lên con đường lớn, đặt vào đài xuân…”.

Bên trái bức phù điêu là trích khắc lời hiển dụ của Hoàng đế Quang Trung với ba quân tướng sĩ tại địa điểm hội quân ở Nghệ An trước khi tiến đánh Thăng Long: “…Đánh cho để tóc dài/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ…”.

Ngay sau khi lên ngôi, Hoàng đế Quang Trung đã chỉ huy đội quân gồm khoảng 100.000 quân cùng 300 thớt voi chiến để tiến ra Bắc đánh quân Thanh. Đoàn quân này, một nửa là từ vùng Tây Sơn thượng đạo, một nửa là tuyển bổ sung trên đường từ Huế ra Tam Điệp. Từ Phú Xuân ra Thăng Long với đoạn đường dài 1.200 dặm, nhưng đoàn quân của Quang Trung chỉ mất 40 ngày là ra đến mục tiêu đầu tiên để đánh hạ đồn Ngọc Hồi. Như vậy, bình quân một ngày, đội quân của Hoàng đế Quang Trung đi được 30 dặm (tương đương với 48km), và phải đi liên tục. Có người cho rằng, quân lính của Quang Trung đã chia từng tốp 3 người, một người nằm trên võng, hai người cáng võng, thay nhau suốt trên chặng đường để ai cũng có thể được nghỉ ngơi. Sở dĩ họ đưa ra giả thiết này là để giải thích vì sao cuộc tiến binh của quân Tây Sơn lại thần tốc như vậy. Thậm chí có người còn cho rằng, trò chơi thi nấu cơm, vừa đi vừa thổi cơm có xuất xứ từ cuộc hành quân của Hoàng đế Quang Trung.

Để có thể đưa ra những “giả thiết” gần đúng cho cuộc hành quân thần tốc này, chúng ta cần tìm hiểu thêm về con đường tiến quân sau khi Nguyễn Huệ lên ngôi ở núi Bân. Chúng ta biết rằng, căn cứ ban đầu của quân đội Tây Sơn là vùng Tây Sơn thượng đạo, nằm ở khu vực Tây Nguyên. Binh lính của Tây Sơn phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó có đội binh tượng với hàng trăm con voi chiến. Quân số xuất phát ban đầu ở núi Bân chỉ khoảng 5 vạn cùng với đội binh tượng hùng hậu đã tập kết sẵn sàng ở các làng bản ven tuyến thượng đạo, vùng đồi núi Thừa Thiên Huế.

Tuyến đường chính từ Huế ra Thăng Long thời điểm đó là con đường Thiên lý, còn gọi là tuyến Lai Kinh. Tuyến đường này đã được Hồ Hán Thương cho sửa chữa từ năm 1402, các triều phong kiến đã đặt nhiều dịch trạm từ Bắc vào Nam trên con đường này. Đường Thiên lý gần như chạy song song và có đoạn trùng với Quốc lộ 1A hiện nay. Song một điều chắc chắn là đội binh tượng của Hoàng đế Quang Trung chỉ di chuyển theo tuyến thượng đạo ven chân núi. Vì các nguồn sông sát với chân núi thường cạn, lòng sông chỉ có đá và cát nên voi có thể đi qua dễ dàng. Hơn nữa, chỉ có vùng ven rừng núi mới đủ nguồn thức ăn cung cấp cho đội quân voi. Lực lượng bộ binh thiện chiến của Quang Trung phần lớn là người dân tộc thiểu số, quen di chuyển ở rừng núi nên họ sẽ cùng với đội binh tượng đi theo tuyến đường thượng đạo; còn lực lượng bộ binh tuyển mộ đồng bằng vẫn di chuyển theo đường Thiên lý. Tấm bia Hồ hướng Tây sơn khởi (Hướng khởi binh của quân Tây Sơn) để chỉ hướng cho quân binh Tây Sơn được tìm thấy ở làng Lai Trung, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền đã cho chúng ta biết được điều đó. Tấm bia Hồ hướng Tây sơn khởi hiện đang được lưu giữ tại Trung tâm Văn hóa thành phố Huế. Thành phố Hồ Chí Minh khi tổ chức chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 231 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử (1789 - 2020) vào tối 29/01/2020, đã từng biểu diễn tiết mục ca cảnh Hồ hướng Tây Sơn khởi.

Theo tôi, sở dĩ quân đội của Hoàng đế Quang Trung tiến quân nhanh là nhờ áp dụng lối “hành quân tiếp sức” trên tuyến đường thượng đạo từ Huế ra Bắc. Để thực hiện được điều này, Quang Trung phải có một đội quân “tiền trạm” giỏi. Đội quân tiền trạm này sẽ đi trước để vận động tuyển mộ binh lính, voi, lương thực và vũ khí… ở vùng đồng bào các dân tộc ít người. Đồng thời động viên thêm “sức người và sức của” đối với bà con người Kinh ở gần tuyến thượng đạo. Tùy theo lực lượng quân binh và voi tuyển mộ được mà ấn định cung đường nghỉ ngơi và hành quân tiếp sức vào ban đêm hay ban ngày. Ở những cung đường dừng chân để nghỉ ngơi và “hành quân tiếp sức” đã có sẵn đội quân voi và dân binh bản địa mới tuyển mộ. Khi hành quân đến địa điểm “tiếp sức”, đoàn quân sẽ ăn uống và nghỉ ngơi. Song chủ tướng và đội quân tùy tùng thân tín sẽ nghỉ ngơi thời gian ngắn hơn, rồi sau đó tiếp quản đội quân voi cùng số binh lính mới tuyển mộ để tiếp tục hành quân. Voi và binh lính mới đang sung sức và thạo đường tuyến thượng đạo nên sẽ hộ tống chủ tướng và đoàn tùy tùng tiếp tục tiến quân một cách nhanh chóng. Còn đại quân, sau thời gian nghỉ ngơi và dưỡng sức theo quy định, sẽ tiếp tục hành quân cách đội quân của chủ tướng một buổi, hoặc một ngày đường. Cuộc hành quân tiếp sức sẽ được tiếp tục diễn ra ở một số cung đường mà đội quân tiền trạm đã tổ chức sẵn. Khi đến cung đường “tập kết”, đội quân mệt nhọc sẽ được nghỉ ngơi. Đội tượng binh mới sẽ đưa chủ tướng cùng tùy tùng tiếp tục hành quân. Trên bành voi, chủ tướng và tùy tùng có thể vừa tiến quân, vừa tranh thủ thời gian để nghỉ ngơi. Nếu cứ áp dụng lối “hành quân tiếp sức” thì đội “tiền quân” phía trước luôn có mặt của chủ tướng nên tạo được khí thế hăng hái cho các đội quân mới tuyển mộ ở các cung đường tiếp theo và cùng hành tiến ra Bắc Hà. Sau mấy ngày hành quân, Hoàng đế Quang Trung cho tổ chức hội quân tại Nghệ An. Lần hội quân này bao gồm quân binh di chuyển theo tuyến đường thượng đạo và tuyến đường Thiên lý từ Đàng Trong ra. Các đội quân này sẽ nghỉ ngơi lấy sức, rồi cùng với lực lượng quân binh vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh kéo ra Tam Điệp. Đến ngày 20/12 năm Mậu Thân (15/1/1789) khi lực lượng quân đội đã tập kết đầy đủ tại Tam Điệp, Quang Trung đã cho tổ chức, chỉnh đốn và biên chế lại quân số và tổ chức thao duyệt lực lượng. Để đảm bảo sức khỏe cho quân đội, Quang Trung đã tổ chức khao quân và cho binh tướng tiếp tục nghỉ ngơi, dưỡng sức cho đến ngày 30 tháng Chạp (25/01/1789) tổ chức xuất quân, tấn công tiêu diệt quân Thanh ở trận Ngọc Hồi - Đống Đa và tiến vào giải phóng thành Thăng Long.

Trong chính biến thất thủ Kinh đô 23/5/1885, vua Hàm Nghi và quan binh phải rút ra khỏi kinh thành Huế. Các bà hậu, bà phi, cung nữ, thái giám cùng tùy tùng… đã theo con đường Thiên lý để ra vùng Quảng Trị. Song vua Hàm Nghi đã được Tôn Thất Thuyết và tùy tùng thân tín đưa theo đường thượng đạo qua làng Hòa Mỹ (xã Phong Mỹ) để ra Tân Sở, Quảng Trị ban dụ Cần Vương chống Pháp. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22/12/1788), Nguyễn Huệ tổ chức lên ngôi tại núi Bân (Thừa Thiên Huế). 166 năm sau đó, vào ngày 22/12/1944, tại tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Lịch sử Việt Nam đã ghi dấu chiến công của Hoàng đế Quang Trung đánh thắng quân Thanh và sau này trong kháng chiến chống Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ, "lừng lững năm châu, chấn động địa cầu". Chiến thắng quân Thanh dưới triều đại Tây Sơn và chiến thắng thực dân Pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là hai mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), tại Thừa Thiên Huế, quân và dân ta đã đồng loạt tiến công vào các vị trí đóng quân của thực dân Pháp ở Huế trong suốt 50 ngày đêm. Song do lực lượng còn non trẻ, chưa thể đối đầu với đội quân Pháp được trang bị hiện đại, có cả máy bay, xe tăng, tàu chiến... quân taphải tạm thời rút lui an toàn khỏi thành phố Huế.

Ngày 12/3/1947, Thường vụ Tỉnh ủy họp tại Nam Dương, Quảng Điền dưới sự chủ trì của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh đã quyết định chọn vùng “thượng đạo” ở đồi núi phía Tây của huyện Phong Điền để làm căn cứ kháng chiến lâu dài của tỉnh. Chiến khu Hòa Mỹ được xây dựng gồm 7 khu vực theo phiên hiệu CK từ CK1 đến CK7. Từ đây, quân ta đã chủ động được về hậu cần, chiến lược phòng thủ, chiến thuật tác chiến, thông tin liên lạc… Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập Chiến khu Hòa Mỹ, quân ta đã tiến quân theo tuyến thượng đạo về thành phố Huế đánh đồn Hộ Thành ở Thành nội vào đêm 23/3/1947. Quân Pháp thấy được khả năng lớn mạnh của Chiến khu Hòa Mỹ nên đã đưa tới đây một tiểu đoàn quân tinh nhuệ có phiên hiệu là Tiểu đoàn 13 bộ binh sơn cước, với những tên lính chuyên được huấn luyện để đánh ở vùng đồi núi, địa thế hiểm trở. Một bộ phận của đơn vị này đã đóng quân ngay nhà ông Hoàng Văn Kỷ, gần đồn điền ông Lý Cảnh ngay tại Hòa Mỹ, gọi là đồn Đất Đỏ, với mục đích đánh phá và ngăn chặn sự phát triển của chiến khu. Thế nhưng, với sự mưu trí và dũng cảm của quân và dân vùng chiến khu, đồn Đất Đỏ đã bị tiêu diệt vào đêm 29 rạng ngày 30/3/1947. Chiến thắng đồn Đất Đỏ đã được Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp biểu dương: “Chiến thuật của ta lúc này cũng phải tranh thủ tấn công… Trong tấn công ta phải đánh tiêu diệt. Trận Đất Đỏ là một trận đánh tiêu diệt”1. Chiến thắng liên tục từ Hộ Thành (Thành nội Huế, đêm 23/3/1947) đến đồn Đất Đỏ, đã làm cho quân Pháp vô cùng căm tức. Chúng đã quyết tâm đưa quân theo nhiều mũi cả đường thủy lẫn đường bộ để tấn công tiêu diệt cho bằng được Chiến khu Hòa Mỹ. Trong một trận tập kích quân Pháp ở khu vực Độn Rang (cách trung tâm chiến khu 5km về phía Đông Nam), bộ đội ta đã tiêu diệt được tên Đại úy - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 13 bộ binh sơn cước Desserteaux. Đây là một chiến công lớn mà quân ta không ngờ tới. Chính nhờ tên chỉ huy bị tiêu diệt mà gần một năm sau đó quân Pháp không còn tiến đánh lên chiến khu một trận nào. Đánh bại được Tiểu đoàn 13 Bộ binh sơn cước Pháp chính là nhờ vào lòng dũng cảm, mưu trí và khôn ngoan của quân và dân Chiến khu Hòa Mỹ, trong đó đội quân chủ lực Trung đoàn Trần Cao Vân do Trung đoàn trưởng Hà Văn Lâu chỉ huy. Thắng lợi đồn Đất Đỏ đã làm nức lòng quân và dân Thừa Thiên Huế, tạo thêm thời cơ thuận lợi và niềm tin tất thắng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong một lần tình cờ tiếp cận với một hiện vật bằng đồng do một người dò tìm kim loại tìm thấy vùng này, tôi đã đọc nội dung được khắc trên đó và phát hiện đây chính là hiện vật liên quan đến cái chết của tên Đại úy - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 13 bộ binh sơn cước Desserteaux trong trận quân ta tập kích ở Độn Rang (trước đó chúng ta chưa hề biết đã diệt được tên này) và những sĩ quan, hạ sĩ quan của đơn vị này bị quân ta tiêu diệt ở đồn Đất Đỏ. Tấm đồng dài 29,5cm rộng 19,5cm dày khoảng 1,8cm có trọng lượng 7kg. Tôi đã mua lại hiện vật này và hiến tặng cho Đảng bộ và Nhân dân xã Phong Mỹ để trưng bày trong Nhà truyền thống của xã.

Chiến khu Hòa Mỹ đã gây cản trở lớn đối với mưu đồ xâm lược của thực dân Pháp. Vì vậy, chúng đã ra sức điều động nhiều đợt bao vây và tấn công chiến khu bằng cả thủy, lục, không quân trong nhiều tháng liền. Chúng dùng máy bay oanh tạc nhiều cứ điểm quan trọng của chiến khu, đồng thời bao vây, ngăn chặn triệt để tất cả những con đường tiếp tế lương thực vào chiến khu Hòa Mỹ cả đường bộ lẫn đường thủy. Nhằm bảo toàn lực lượng để tiếp tục kháng chiến chống Pháp, tháng 5/1948, Thường vụ Tỉnh ủy quyết định chuyển cơ quan lãnh đạo chiến khu vào vùng núi Dương Hòa, huyện Hương Trà. Chiến khu Hòa Mỹ trở thành địa điểm đóng quân của cơ quan Phân khu Bình Trị Thiên (1948 - 1949); lực lượng vũ trang địa phương và Nhân dân vùng chiến khu vẫn tiếp tục xây dựng nơi đây thành hậu cứ vững chắc của cách mạng. Năm 1954, Chiến khu Hòa Mỹ trở thành điểm tập trung của bộ đội ta trước khi tập kết ra miền Bắc theo Hiệp định Giơnevơ. Bộ đội tập kết đã theo tuyến thượng đạo để hành quân ra miền Bắc.

Từ giữa năm 1965, Mỹ bắt đầu thi hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Quân Mỹ và quân một số nước đồng minh của Mỹ đã nhảy vào miền Nam. Tại Thừa Thiên Huế, Phú Bài là căn cứ đóng quân đầu tiên của quân đội viễn chinh Mỹ. Cuối năm 1966, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 26 Thủy quân lục chiến 26 của Mỹ chính thức đổ quân xây dựng căn cứ Đồng Lâm.

Quân đội Mỹ gọi căn cứ này là Camp Evans (Doanh trại Evans), lúc đó nằm ở khu vực giáp ranh của các xã Phong An, Phong Sơn và Phong Nguyên, quận Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Nay là vùng đồi nằm giữa 3 xã Phong An, Phong Xuân và thị trấn Phong Điền. Tháng 1/1968, quân Mỹ tăng cường thêm một Sư đoàn Kỵ binh bay (Sư đoàn Không kỵ số 1), sân bay dã chiến ở đây đã được mở rộng để chứa thêm các loại máy bay lớn hơn như: máy bay vận tải quân sự C130; CH-47 Chinook… nhằm phục vụ cho hoạt động chiến sự ở khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên và chiến trường Lào.

Vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, với phương châm “bám thắt lưng địch mà đánh”, nhằm tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch; Vành đai diệt Mỹ Sơn - An - Nguyên được thành lập từ năm 1966 đến năm 1973; bằng khối liên kết các làng xã, thôn ấp chiến đấu của 3 xã Sơn - An - Nguyên và các địa phương lân cận; có hệ thống tổ chức lãnh đạo, chỉ huy; hệ thống công sự, trận địa; bố trí và phối hợp giữa các lực lượng; bảo đảm công tác hậu cần, thông tin, liên lạc…, tạo chỗ dựa cho các đơn vị bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương tổ chức nhiều trận tấn công tiêu diệt sinh lực địch.

Đặc biệt nhất là trận pháo kích bằng tên lửa 122 ly của quân ta vào căn cứ Đồng Lâm đêm 19/5/1968, cách đây 55 năm. Tôi và những người dân đang sinh sống ở Phong Điền lúc đó, đều nhớ về cái đêm nghe một loạt tiếng nổ, rồi lửa bốc cháy ngùn ngụt, sáng cả vùng căn cứ Đồng Lâm, bom đạn nổ rầm trời, kéo dài cho đến sáng và cả ngày hôm sau. Sự kiện này đã được ghi trong cuốn Trung đoàn 6 (Đoàn Phú Xuân) 1965 - 2005: “Vừa bị thất bại ở A Lưới về, bọn lính dù Mỹ chưa kịp hoàn hồn thì đêm 19/5/1968, Tiểu đoàn 35 (pháo ĐKB) do đồng chí Hồ Sĩ Lãm - Tiểu đoàn trưởng tổ chức đánh tập kích hỏa lực vào sân bay dã chiến và sinh lực địch tập trung ở căn cứ Đồng Lâm, bắn cháy, phá hủy nhiều máy bay lên thẳng, diệt nhiều lính Mỹ”2.

Hầu như chẳng ai biết rõ thiệt hại thực tế của Mỹ ở căn cứ Đồng Lâm lúc đó như thế nào? Sau này, khi đọc bộ sách Việt Nam những sự kiện lịch sử (1945 - 1975), tôi thấy có đoạn chép về sự kiện này như sau: “Đêm 20 rạng ngày 21 tháng 5 năm 1968, QGP Thừa Thiên Huế đã tiến công một loạt căn cứ của Sư đoàn “kỵ binh bay” Mỹ ở Đồng Lâm phá hủy 150 máy bay, hàng trăm tên lính “kỵ binh bay” Mỹ bị tiêu diệt.3

Là người quan tâm đến lịch sử văn hóa địa phương, tôi cố gắng tìm kiếm sách báo, tư liệu (kể cả trên Internet) để tìm hiểu về sự kiện này. Rất may, tôi đã tìm được Ebook mang tên: Combat Operations STAYING THE COURSE October 1967 to September 1968 (Hoạt động chiến sự tại thời điểm từ tháng 10/1967 đến tháng 9/1968) của Erik B. Villard, do Trung tâm Lịch sử quân sự quân đội Hoa Kỳ ấn hành năm 2017, tại Washington. Từ bản sách điện tử này, tôi đã tìm được thông tin về chiến công của quân đội ta vào hôm 19/5/1968, nguyên văn như sau:

“On 19 May, the 1st Brigade, 1st Cavalry Division, was in the midst of refueling its helicopters and taking on supplies when twelve 122-mm. rockets slammed into Camp Evans. The incoming rounds hit an open-air ammunition dump, igniting 3,400 tons of ordnance and causing a fire that spread to the nearby airfield, eventually damaging or destroying 124 aircraft. The catastrophic loss of helicopters and ammunition rendered the cavalry brigade ineffective for at least a week until replacement aircraft could be obtained”4.

Tạm dịch:

[Vào ngày 19 tháng Năm (1968), Lữ đoàn 1, Sư đoàn 1 Kỵ binh, đang giữa lúc nạp nhiên liệu cho máy bay trực thăng và nhận hàng tiếp tế. Khi đó, mười hai hỏa tiễn 122 ly dội xuống Doanh trại Evans. Trọn cả loạt (hỏa tiễn) đánh trúng vào kho đạn dự trữ tạm ở ngoài trời, đốt cháy 3.400 tấn hàng tiếp tế, vật liệu quân sự, và gây cháy lan đến sân bay gần đó, rốt cuộc đã gây thiệt hại hoặc phá hủy 124 máy bay. Sự mất mát thảm khốc của máy bay trực thăng và đạn dược đã khiến cho Lữ đoàn kỵ binh bị vô hiệu hóa trong ít nhất một tuần sau đó, cho đến khi có được máy bay thay thế].

Như vậy, từ tư liệu này ta biết được kết quả trận tập kích bằng hỏa lực mạnh của Tiểu đoàn 35 (pháo ĐKB) vào đêm 19/5/1968, đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề đối với quân đội Mỹ tại căn cứ Đồng Lâm. Họ đã viết rất đúng về loạt 12 hỏa tiễn 122 ly dội xuống căn cứ Đồng Lâm. Đây chính là loại pháo phản lực kiểu mang vác A12 được quân đội ta cải tiến từ pháo phản lực BM-14 của Liên Xô; có thể phóng cùng lúc 12 quả đạn nhờ một hệ thống điện điểm hỏa dùng pin con thỏ. Chiến công của Tiểu đoàn 35 (pháo ĐKB) đúng vào hôm kỷ niệm 78 năm sinh nhật Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/1968).

Sự kiện lịch sử này xảy ra tại căn cứ Đồng Lâm, Phong Điền, Thừa Thiên Huế đến nay đã 55 năm. Sau 50 năm (2017), Trung tâm Lịch sử quân sự quân đội Hoa Kỳ mới công bố. Nhưng họ vẫn không cho biết quân số lính Mỹ bị thương vong hôm đó. Song chúng ta tự hào rằng trong lịch sử chiến tranh chống Mỹ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã từng lập một chiến công lừng lẫy. Chiến tích này cần phải được dựng bia ghi công để thế hệ con cháu chúng ta mai sau có được niềm tự hào về cha ông một thời đánh Mỹ.

Suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ sau đó, tuyến thượng đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn được phát huy tốt trong chiến thuật tấn công quân Mỹ và chư hầu. Các địa phương ở vùng thượng đạo phía Tây Nam của Thừa Thiên Huế như: A Lưới, Phú Lộc, Nam Đông, Dương Hòa, Bình Điền, Khe Điên, Thai - Trò - Trái, Ồ Ồ, Hòa Mỹ… là những nơi đóng quân và địa bàn hoạt động quan trọng của bộ đội và quân chủ lực tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ. Quân đội ta nhiều lần tiến quân từ vùng thượng đạo về đánh địch ở thành phố Huế và các quận lỵ. Các tuyến đường 71, 72, 73, 74 nối liền đường Hồ Chí Minh (A Lưới) là những con đường huyết mạch giúp cho bộ đội ta tiến quân về giải phóng Huế năm 1975.

Di tích đường 71 bắt đầu từ xã Hồng Vân, A Lưới; điểm cuối nằm ở xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền. Đây là tuyến đường trọng điểm dùng để phát triển lực lượng xuống đồng bằng và tiếp tế vật chất, khí tài chi viện cho các huyện nam Quảng Trị, bắc Thừa Thiên Huế, lực lượng chủ lực của Trung đoàn 6. Năm 1975, đây là đường tiến quân của các đơn vị phía Bắc Huế như Trung đoàn 4, Tiểu đoàn pháo cao xạ tiến đánh giải phóng quận lỵ Phong Điền và các vùng ở Thừa Thiên Huế.

Di tích Bia chiến thắng Ngã ba Ràng Bò thuộc địa phận xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc là điểm nối Quốc lộ 1A với đường 74 qua con đường 10C - một nhánh của đường Hồ Chí Minh. Trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng mùa Xuân 1975, đây là hướng tiến công chủ yếu của lực lượng Quân đoàn 2 đánh sân bay Phú Bài, giải phóng thành phố Huế.

Sau khi đất nước thống nhất, tuyến thượng đạo Thừa Thiên Huế vẫn được xác định là vùng trọng yếu đối với việc phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng. Ngay từ khi còn là tỉnh Bình Trị Thiên, những vùng đất ở tuyến thượng đạo đã được rà phá, tháo gỡ bom mìn và khai phá đất đai, đưa dân đến xây dựng vùng kinh tế mới. Một bộ phận người dân trong tỉnh đã được vận động đến các vùng như: Nam Đông, A Lưới, Bình Điền -Khe Điên, Đồng Chầm, Ồ Ồ, Hòa Mỹ… để xây dựng cuộc sống mới. Nhằm ổn định đời sống kinh tế - xã hội của người dân, nhà nước đã đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, trường học và các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh khác.

Ngày 14/12/1976, hai huyện Phong Điền và Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên mở công trường khai hoang tại vùng Phong Sơn - Ồ Ồ - Hòa Mỹ, gọi là công trường 14/12. Hàng ngàn lao động, đặc biệt là lứa tuổi thanh niên của hai huyện Phong Điền, Quảng Điền đã thay phiên nhau lên vùng Phong Sơn - Ồ Ồ - Hòa Mỹ trong thời gian gần 3 tháng để phát, cốt, đốt, dọn để cho đội máy cày MTZ cày “vỡ đất”. Sau khi đất được cày vỡ xong, lực lượng lao động của công trường tiếp tục làm bờ vùng, bờ thửa… được khoảng trên 1.200 ha. Đến tháng 02/1977, người dân từ các xã, thôn của hai huyện Phong Điền và Quảng Điền bắt đầu tiến hành nhận đất để đưa gia đình đến xây dựng vùng kinh tế mới.

Nhớ lại, khi mở công trường khai hoang ngày 14/12, ông Nguyễn Sĩ Hạc, nguyên Chủ tịch UBND huyện Phong Điền làm Chỉ huy trưởng công trường. Ông Hạc nguyên là Trung tá quân đội tăng cường. Ngoài công việc điều hành trên cương vị một Chủ tịch UBND huyện và Chỉ huy trưởng công trường, ông còn làm thơ, viết nhạc… để động viên phong trào. Công trường khai hoang chỉ mới hoàn thành một nửa, nhưng ông đã làm bài thơ: Ồ Ồ đổi mới mô tả về vùng đất, khí thế lao động của lực lượng thanh niên và dự báo về tương lai của vùng đất mới:

“Ai từng qua đây, những ngày còn giặc,
Hẳn không quên mảnh đất kiên cường,
Ồ Ồ, Hòa Mỹ, Phong Sơn
Lổ loang bom đạn, hoang tàn cỏ cây,
Từng tấc đất chứa đầy uất hận,
Mỗi dấu chân in tận đáy lòng,
Đất với người chung một ý mong,
Quyết vùi xác giặc cho dòng suối xanh…”

Tuy là bài thơ viết vội trên công trường, nhưng tác giả đã mô tả được diện mạo của một vùng đất hoang hóa sau chiến tranh, ca ngợi tinh thần hăng say lao động của những người tham gia khai hoang và xây dựng những công trình trên đất mới. Đặc biệt, bài thơ còn mang “tính dự báo”, một chức năng trong sáng tác văn học nghệ thuật:

“Sức này ta san núi xẻ đồi,
Bắt dòng nước chảy thay trời làm mưa”

Và đúng như ước mơ của tác giả, mấy năm sau, công trình thủy lợi Hồ Quao tại nơi đây đã hình thành. Dòng nước mát của Hồ Quao đã tưới khắp những cánh đồng của 3 xã: Phong Mỹ, Phong Xuân và Phong Sơn cho lúa màu được tươi xanh, đời sống của bà con nhân dân vùng kinh tế mới Ồ Ồ - Hòa Mỹ ngày một ổn định. Khổ cuối của bài thơ Ồ Ồ đổi mới cách đây 40 năm của Nguyễn Sĩ Hạc là một “khát vọng về sự phát triển” của vùng đất mà chúng ta được chứng kiến hôm nay:

“Bom mìn, dây thép, bãi hoang,
Phải chịu khuất phục tay nàng, tay anh,
Để cho luống thẳng màu xanh,
Cho nhà mới mọc vây quanh lưng đồi,
Xe thuyền đón khách ngược xuôi,
Đất này tỏa sáng, núi đồi kết hoa”.

Hiện nay, một khu vực khe, suối, thượng nguồn các dòng sông dọc theo tuyến thượng đạo của Thừa Thiên Huế đã bắt đầu được các địa phương quan tâm đầu tư để phát triển thành các điểm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng: Suối nước khoáng nóng Thanh Tân, thượng nguồn sông Ô Lâu… là những nơi có tiềm năng thu hút lượng du khách lớn.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền là vùng duy nhất trên thế giới có gà lôi lam mào trắng sinh sống. Ngoài ra, nhiều loài chim quý khác cũng được ghi nhận ở đây như gà so Trung Bộ (hay gà so ngực gụ), trĩ, sao... Các nhà điểu học trên thế giới xác định đây là vùng chim đặc hữu của vùng đất thấp và khu vực sinh sống của những loài chim quan trọng của thế giới. Nhiều loài thú quý hiếm như: sao la, mang lớn, hổ, báo gấm, gấu ngựa, vượn đen má hung, cầy vằn... cũng được ghi nhận có mặt ở nơi đây. Ngoài ra còn có nhiều loài động vật bò sát, lưỡng cư… và nhiều thực vật quý hiếm khác cũng đã được ghi nhận ở Khu Bảo tồn này. Chú hổ Lâm Nhi đã được cứu thoát tại nơi đây vào tháng 6/1988 và đưa ra vườn thú Hà Nội. Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền là nơi ẩn chứa nhiều giá trị đa dạng sinh học độc đáo và có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái gắn với nét văn hóa bản địa đặc sắc của bà con đồng bào dân tộc Pa Hy, Vân Kiều… đang sinh sống ở nơi đây. Bên cạnh đó, phải chú ý đến việc xây dựng mô hình làng sinh thái lâm nghiệp tại một số xã vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn bắt đầu tại Quốc lộ 9, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị nối với điểm cuối tại xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế dài hơn 98,3km, đi qua nhiều đồi núi và các sông suối lớn trên dọc tuyến thượng đạo, kết nối trung tâm kinh tế, chính trị của hai tỉnh, mở ra nhiều cơ hội đầu tư, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho các địa phương và liên vùng. Tiếp theo cao tốc Cam Lộ - La Sơn, nhiều dự án trọng điểm quốc gia về giao thông ở Thừa Thiên Huế như: đường ven biển, đường kết nối cảng biển đến cửa khẩu quốc tế với nước bạn Lào… sẽ góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đặc biệt là thực hiện quyết tâm của Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế trong tiến trình đưa toàn tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

N.T
Trại sáng tác “Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”.
(TCSH50SDB/09-2023)

----------------------------
1 Ngô Kha (chủ biên), ThừaThiên Huế kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945 - 1954, Nxb. Thuận Hóa, H, 1993, tr 70.
2 Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung đoàn 6 (Đoàn Phú Xuân) 1965 - 2005, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2005, tr.138.
3 Viện Sử học, Việt Nam những sự kiện lịch sử (1945 - 1975), Nxb. Giáo dục, HN, 2004, tr.351.
4 https://history.army.mil/html/books/091/91-15-1/cmhPub_91-15-1.pdf (Tr.539)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng