Những vấn đề di sản
Tân Thư Viện và Cổ Học Viện: tiền thân của Musée Khải Định
16:10 | 16/08/2024

NGUYỄN PHƯỚC QUÝ KHANH

Musée Khải Định (nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) được thành lập vào năm 1923 dưới thời vua Khải Định với nhiệm vụ “tập hợp các tác phẩm nghệ thuật biểu hiện đời sống xã hội, nghi lễ và chính trị của nước Đại Nam”1.

Tân Thư Viện và Cổ Học Viện: tiền thân của Musée Khải Định
Musée Khải Định - Ảnh: manhhai/flickr

Tiền thân của Musée Khải Định là Tân Thư Viện và Cổ Học Viện, nơi lưu trữ sách vở, tài liệu phục vụ cho việc học tập của học sinh trường Quốc Tử Giám đồng thời nghiên cứu, phiên dịch sách chữ Hán sang chữ Quốc ngữ để dạy cho lớp trẻ.

Ra đời trong giai đoạn thực dân Pháp can thiệp sâu vào việc điều hành đất nước của chính quyền Nam triều, tuy nhiên Tân Thư Viện và Cổ Học Viện vẫn gìn giữ được những tinh hoa của các thư viện ra đời trước đó (Tàng Thư Lâu, Thư viện Đông Các, Thư viện Tụ Khuê) đồng thời cũng tiếp thu những phương thức mới trong việc quản lý và cất giữ sách vở, tài liệu để hai thư viện này trở thành nơi lưu trữ văn hóa phẩm của dân tộc và là cầu nối giữa các nền văn hóa Đông - Tây trên các lĩnh vực giáo dục, văn học, nghệ thuật.

1. Tân Thư Viện

- Sự ra đời

Năm 1908, để đáp ứng cho nhu cầu học tập và tra cứu sách vở của học sinh trường Quốc Tử Giám, Khâm sứ Pháp Lévecque2 đã đề nghị với vua Duy Tân về việc “tháo dỡ, lấy gỗ ván điện Long An làm thư viện”3; nhà vua đã đồng ý và chi “4.779 đồng 8 hào thuê thợ tháo dỡ gỗ ở điện Long An, dùng để xây dựng thư viện tại khu đất trong cửa Đông Nam đối diện viện Cơ Mật”4, đặt tên là Tân Thư Viện. Để phù hợp với chức năng mới, điện Long An đã được cải tạo một số chi tiết cho phù hợp như tháo bỏ các lớp ván ngăn giữa các gian chính để không gian thống nhất và rộng rãi, thay hệ thống vách gỗ bằng kính trắng để tăng thêm ánh sáng cho nội thất, các phần ván lát được đánh vecni châu Âu, các cửa được đóng thêm móc sắt, khóa Pháp và trang bị thêm một số bàn ghế cho thư viện.

Năm 1909, Toàn quyền Klobukowski5 đến dự lễ khánh thành Tân Thư Viện và vua Duy Tân đã chính thức hạ lệnh định chương trình hoạt động cho thư viện này.

Về tổ chức nhân sự và hoạt động của Tân Thư Viện gồm 7 khoản như sau6:

Khoản1: chức Kiểm biện chọn viên quan thuộc hàng Ngũ, Lục phẩm; Tùy biện chọn viên quan thuộc hàng Bát, Cửu phẩm; mỗi chức 1 người. Suất đội 1 người, quân binh 4 người. Lương bổng chiếu theo phẩm hàm ở các bộ nha chi cấp.
Khoản 2: chọn một viên quan người Pháp trông coi công việc.
Khoản 3: thư tịch tàng trữ phải lên danh sách và ghi số phiếu.
Khoản 4: đặt bàn ghế ở hai chái Đông - Tây.
Khoản 5: điều lệ đọc sách.
Khoản 6: ngày sóc, ngày vọng hàng tháng viên Kiểm biện chiếu số kiểm điểm, cuối tháng trình chiếu. Mỗi sáu tháng Bộ Ủy nhiệm đường quan tra kiểm một lần, mỗi cuối năm sai quan Hội biện hội đồng cùng Đô Sát Viện tra kiểm một lần.
Khoản 7: sách nào hiện trữ từ 2 đến 3 bộ mới cho mượn xem, nếu chỉ có 1 bộ thì phải cẩn thận gìn giữ để khỏi bị rách mất.

Năm 1913, với sự ra đời của hội Những người bạn cố đô Huế, (Association des Amis du Vieux Hué) theo đề xuất của linh mục Léopold Cadière cùng sự chung tay xây dựng của những người bạn trong giới trí thức Pháp - Việt, Tân Thư Viện đã được chọn làm trụ sở hội họp của tổ chức này.

Ngày 24/8/1923, vua Khải Định đã ký dụ thành lập Musée Khải Định tại Kinh đô Huế. Khi Tân Thư Viện trở thành bảo tàng thì toàn bộ sách vở của thư viện này được chuyển sang dãy nhà bên trái phía sau Di Luân Đường - giảng đường chính của trường Quốc Tử Giám.

- Hoạt động lưu trữ

Với tính chất là một thư viện của trường học nên các loại sách, tài liệu lưu trữ ở Tân Thư Viện cũng bám sát theo chương trình giảng dạy7. Bên cạnh các đầu sách Trung Quốc ở đây còn lưu trữ sách Việt Nam và phương Tây để đáp ứng những vấn đề mới mà triều đình đặt ra qua các kỳ thi hằng năm.

Sách, tài liệu Trung Quốc, phương Tây và Việt Nam trong Tân Thư Viện được phân loại, lưu trữ theo hình thức Tứ khố: Kinh, Sử, Tử, Tập. Đây là một quy tắc phân loại sách của Trung Quốc, ngày xưa gọi là Tứ Bộ Phân Loại Pháp (四部分類法), là cách chia sách làm bốn bộ: Kinh (經), Sử (史), Tử (子), Tập (集). Cách phân loại này được hoàn chỉnh vào đầu thời nhà Đường (618 - 907).

- Bộ Kinh: gồm các sách về chính trị, đạo đức, luân lý, chủ yếu là sách của Nho giáo.

- Bộ Sử: gồm các loại sách về lịch sử, địa lý, chế độ chính sách.

- Bộ Tử: gồm các loại sách do các triết gia viết (gọi chung là Bách Gia Chư Tử), sách Phật giáo và Đạo giáo.

- Bộ Tập: gồm sách của các cá nhân (hoặc tập thể) viết từ đời này sang đời khác với thể loại thơ, văn xuôi, biền văn, bình luận văn học, v.v.

Thông qua 2 quyển tổng mục trùng tên Tân Thư Viện thủ sách (新書院 守冊) hiện đang được lưu giữ tại Viện Hàn lâm Khoa học - Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ghi chép về thư tịch lưu trữ tại Tân Thư Viện dưới thời vua Duy Tân chúng ta có thể có cái nhìn cụ thể hơn về cách thức lưu trữ của thư viện này.

Theo quyển Tân Thư Viện thủ sách ký hiệu A.1024, biên soạn vào năm Duy Tân thứ 6 (1912), do Kiểm biện Tân Thư Viện Nguyễn Tính Ngũ, Bát phẩm Tùy biện Hoàng Hữu Khải, Cửu phẩm Tùy biện Nguyễn Khắc Nhu thực hiện, dày 262 trang, ghi chép tên của 2640 bộ sách. Sách của thư viện được chia thành các kho: Kinh, Sử, Tử, Tập, Quốc thư, Tây thư; trong đó, các thư tịch được thống kê, phân loại theo các yếu tố: chép tay hoặc in (có hoặc không), số bộ, số bản, tác giả (có hoặc không), hiện trạng: khuyết góc, rách nát, bị côn trùng cắn v.v.8

Quyển Tân Thư Viện thủ sách ký hiệu A.2451/1-3: gồm 3 phần, dày 616 trang, ghi chép sách lưu trữ tại Tân Thư Viện vào năm Duy Tân thứ 6 (1912), tổng cộng có: 30 tủ sách, 384 tên sách, 6532 bản và 504 bộ.

- Phần 1: Quốc thư.
- Phần 2: Tây thư.
- Phần 3: các sách còn lại phân chia theo hình thức Tứ khố.

Mặc dù vẫn phân loại sách theo hình thức Tứ khố nhưng thư mục thống kê sách ở Tân Thư Viện không hoàn toàn phụ thuộc vào phương thức này mà còn tùy thuộc vào tình hình thực tế. Cụ thể như trong Tân Thư Viện thủ sách có ký hiệu A.1024 có riêng một kho Tây thư ghi chép sách phương Tây hoặc sách dịch từ sách phương Tây sang chữ Hán thì có riêng kho Quốc thư. Đây là phần khác biệt và tân tiến hơn so với những quyển thư mục của các thư viện ra đời trước đó.

2. Cổ Học Viện

- Sự ra đời

Dưới thời vua Duy Tân (1907 - 1916), khi “văn minh ngày càng tiến triển, cách học cách thi đều đã lần lượt cải lương”9, Khâm sứ Pháp Fernand Ernest Lévecque đã đề nghị “đặt thêm một bộ cạnh Lục bộ, gọi là Bộ Học”10 để giúp triều đình quản lý, theo dõi hoạt động giáo dục một cách hiệu quả và xây dựng các quy chế đào tạo nhân tài cho đất nước, tổ chức các cuộc thi tại kinh đô và địa phương như: thi Hương, thi Hội, thi Đình. Vua Duy Tân đã đồng ý và Bộ Học chính thức ra đời vào năm 1907, được đặt tại Dục Đức Đường, vị trí đối diện dãy Lục Bộ Đường, nằm phía đông Hoàng thành, thuộc phường Nhân Hậu, nay là phường Thuận Thành, thành phố Huế. Hiệp biện Đại học sĩ sung Tổng tài Quốc sử quán kiêm quản Quốc Tử Giám An Nam Cao Xuân Dục được cử làm Thượng thư Bộ Học.

Đến năm Khải Định thứ 5 (1920), nhà vua cho thành lập sở Phiên dịch11, nhằm phiên dịch những bộ sách chữ Hán ra chữ Quốc ngữ, đặt dưới sự quản lý của Bộ Học và cử Tổng đốc viện Thượng thẩm Hiệp tá Đại học sĩ Thân Trọng Huề làm Thượng thư. Bộ Học đã trình lên nhà vua, xin khoảng 5 đến 6 viên quan giỏi chữ Hán đến Tân Thư Viện để làm việc. Sở này đã dịch được một số sách như: Luận ngữ thích nghĩa diễn ca, Quốc triều chính biên toát yếu, Danh thần liệt truyện, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nữ phạm diễn nghĩa, Quốc ngạn.12

Sau 2 năm hoạt động, Thượng thư Thân Trọng Huề nhận thấy rằng: “sở ấy chỉ chuyên phiên dịch những sách chữ Hán cũ, từ khi cải lương cách học trở đi, nghĩa lý cựu học không lấy đâu ra mà phát minh, nghĩ nên đổi làm Cổ Học Viện để nghiên cứu các khoa học luân lý, triết học, văn chương cổ học, kiêm dịch các sách chữ Hán thiết yếu ra chữ Quốc ngữ để dạy người tân học trẻ tuổi”13. Vua Khải Định cho là sáng suốt nên đã chuẩn ý và cho lấy tạm dãy nhà phía đông của Tân Thư Viện làm Cổ Học Viện14.

Tổ chức nhân sự của Cổ Học Viện gồm: 1 viên Toản tu, hàm từ tòng Nhị phẩm đến chánh Nhị phẩm, chuyên quản tất cả các việc trong viện; 6 Biên tu, hàm từ chánh Thất phẩm đến chánh Tứ phẩm, chuyên về khảo cổ và biên tập; 1 Thu chưởng, hàm chánh Bát phẩm, phụ trách về quản lý tài liệu, sách vở và thu chi; 4 Thừa phái chuyên việc sao chép thư tịch15.

Năm 1923, khi cơ sở của Tân Thư Viện và Cổ Học Viện trở thành bảo tàng Musée Khải Định, thì toàn bộ sách của Tân Thư Viện đã được chuyển qua đặt ở dãy nhà nằm bên trái phía sau Di Luân Đường nhưng sách ở Cổ Học Viện mãi đến năm 1925 mới được chuyển sang cất giữ tại trường Uyên Bác16 ở ngoài thành. Dưới thời vua Bảo Đại, công trình này bị bỏ hoang và sụp đổ. Năm 1933, tài liệu, sách vở của Cổ Học Viện được chuyển sang tòa nhà nằm trong khuôn viên Quốc Tử Giám và đổi tên thành Thư viện Bảo Đại.

- Hoạt động lưu trữ

Về mặt cơ cấu tổ chức, Cổ Học Viện được chia làm 2 bộ phận: bộ phận phụ trách khảo cứu cổ học (nghiên cứu về lịch sử, địa lý, văn học, phong tục, điển lễ, chính trị... của Việt Nam) và bộ phận chuyên sắp xếp chỉnh đốn sách vở (kiểm kê, phân loại, sắp xếp, bảo quản và lập thư mục).

Cổ Học Viện đã đề ra một chương trình hoạt động rất cụ thể như: tìm mua sách sử do tư nhân chép hiện đang còn tàng trữ tại các tư gia; khảo cứu các di tích và bi ký trong cả nước; thành lập ban khảo cứu, tuyển chọn học sinh và cấp kinh phí để học khảo cổ; chọn những người giỏi chữ Hán học ở sở Phiên dịch trước đây sung vào Cổ Học Viện.

Năm Khải Định thứ 9 (1924), các viên quan ở Cổ Học Viện trình lên Bộ Học kế hoạch: “hội kiểm các hạng sách vở lưu giữ ở viện, làm lại thủ sách”17. Sau đợt kiểm kê đó, sách Quốc ngữ lưu trữ thư viện Viện Cổ Học có khoảng “300 bộ sách ta, phần nhiều là sách chữ Nôm, sách tuồng hát. Tổng cộng sách cũ và mới trong viện ấy ước có khoảng 50 tủ sách và số sách ước hơn 60 ngàn quyển”18.

Hiện nay, tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ quyển thư mục Cổ Học Viện thư tịch thủ sách (古學院書籍守冊) ký hiệu A.2601/1-10, gồm 10 bản viết, được biên soạn từ năm 1924 - 1925, do Tá lý Học Bộ kiêm Toản tu Cổ Học Viện Nguyễn Bá Trác hiệu duyệt, Thị giảng Học sĩ kiêm Cổ Học Viện nhất hạng Biên tu Nguyễn Tiến Khiêm kiểm biên, cùng với Học Bộ phái viên Tư vụ Lê Doãn Thăng, Cổ Học Viện Chức chưởng Ưng Bình và Cổ Học Viện Đằng tả thần Nguyễn Nhân Hiệp thực hiện.

Quyển Cổ Học Viện thư tịch thủ sách dày 2747 trang, ghi chép sách lưu trữ tại Cổ Học Viện được phân chia thành các kho như sau:19

Bản A.2601/1 (T1): ghi chép sách lưu trữ trong kho Tân thư, gồm 262 bộ sách, báo chí mới in.

Bản A.2601/2 (T2): ghi chép sách lưu trữ trong kho Kinh, gồm 47 bộ kinh, truyện, loại, điển.

Bản A.2601/3 (T3): ghi chép sách lưu trữ trong kho Sử, gồm 430 bộ kỷ sự, biên niên, địa dư, chính trị, bình luận, truyện ký.

Bản A.2601/4-6 (T4, T5, T6): ghi chép sách lưu trữ trong kho Tử, gồm 6550 bộ pháp gia, vũ bị, nông tang, y thuật, thư pháp, họa pháp, tiểu thuyết...

Bản A.2601/7-8 (T7, T8): ghi chép sách lưu trữ trong kho Tập, gồm 562 bộ thi, từ, phú, văn biểu, sách, chế, nghĩa, thi văn tổng.

Bản A.2601/9-10 (T9, T10): ghi chép sách lưu trữ trong kho Quốc thư, gồm 601 tập bộ Ngự chế thư, Pháp học khoa, Quốc sử khoa, Văn học khoa, Quốc âm thư...

Mỗi đơn vị thư mục gồm có các phần: tên sách, tình trạng sách đủ hoặc thiếu, nội dung, người soạn, số quyển cũ, số hiện đóng, ký hiệu; khắc in hay viết, lai lịch, cách đóng.

Bên cạnh các thư tịch được phân loại theo hình thức Tứ khố: Kinh, Sử, Tử, Tập biên chép sách Trung Quốc như đã trình bày ở phần trên, Cổ Học Viện thư tịch thủ sách còn có riêng một kho Quốc thư miêu thuật tình hình sách Hán Nôm của Việt Nam được chia thành 16 mục:

- Ngự chế thư
- Pháp học khoa
- Quốc sử
- Địa học khoa
- Văn học khoa
- Văn chương khoa
- Quốc âm thư
- Báo học khoa
- Truyện ký thư (Tạp kí)
- Diễn truyện
- Y học
- Bắc kinh học khoa
- Bắc sử khoa
- Bắc văn học khoa
- Thuật học khoa
- Thí quyển

Cổ Học Viện thư tịch thủ sách là quyển tổng mục kết hợp giữa thư mục học Trung Quốc và Việt Nam. Xét về phương pháp biên soạn đây là bộ thư khoa học và hoàn chỉnh nhất. Hơn nữa, vì ra đời muộn lại tập hợp được tài liệu, sách vở từ nhiều nơi chuyển đến nên thư tịch được phản ánh trong bản tổng mục này có thể nói là phong phú và đa dạng nhất.

Tạm kết

Tân Thư Viện và Cổ Học Viện ra đời và phát triển trong giai đoạn tình hình đất nước có nhiều biến chuyển, chịu tác động từ thể chế chính trị, đặc biệt là các chính sách về văn hóa, giáo dục nhưng thiết chế văn hóa này vẫn nhận được sự lưu tâm học thuật từ người đứng đầu đất nước thông qua việc ban hành các chiếu, dụ, chỉ về việc trang cấp vật dụng và sửa chữa kiến trúc sao cho phù hợp với chức năng lưu trữ của thư viện; việc lưu trữ, kiểm kê tài liệu, sách vở vẫn được tiến hành theo đúng quy chuẩn.

Dưới sự can thiệp của người Pháp trong việc điều hành đất nước, một số chức quan phụ trách thư viện thời kỳ này được giao cho người Pháp đảm nhiệm và phần nào đã tạo nên sự đổi mới trong cách thức điều hành công việc. Hoạt động lưu trữ tại Tân Thư Viện và Cổ Học Viện ngày càng phát triển giúp cho việc bảo quản, tra cứu, tìm kiếm tài liệu, sách vở được nhanh chóng và tiện lợi hơn. Bên cạnh đó cùng với sự ảnh hưởng, giao lưu và tiếp biến văn hóa, các loại hình tài liệu, sách vở cũng có nhiều thay đổi. Sự thay đổi đó không chỉ tập trung vào sự đa dạng về hình thức mà cả về nội dung và số lượng. Khối lượng tài liệu, sách vở trong thư viện cung đình thời kỳ này phong phú hơn với các đầu sách tiếng Pháp, tiếng Anh cùng các loại sách dịch. Việc biên soạn và cách thức ghi chép thư mục đã có những bước tiến rõ rệt: tài liệu, sách vở được phân loại theo từng chủ đề, từng bộ, từng tập rất chi tiết, cụ thể. Lúc này, thư viện trở thành trung tâm lưu trữ văn hóa phẩm của dân tộc, cầu nối giữa các nền văn hóa Đông - Tây trên các lĩnh vực giáo dục, văn học, nghệ thuật.

Tuy nhiên, do các chính sách thuộc địa của thực dân Pháp áp đặt lên trên mọi lĩnh vực đời sống từ kinh tế, văn hóa, xã hội cho đến giáo dục và thư viện cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng của các chính sách trên, dẫn đến một số hạn chế trong tổ chức và hoạt động. Thời kỳ này, triều đình chỉ trưng dụng các công trình sẵn có và chuyển đổi công năng chứ không xây mới, đây được xem như một bước lùi so với lịch sử phát triển của thư viện. Số lượng sách lưu trữ tại các thư viện cũng không tăng lên nhiều so với giai đoạn trước đó. Trong bộ máy tổ chức của thư viện có sự tham gia của người Pháp, sự khác biệt về ngôn ngữ và tư duy phần nào tạo nên rào cản và bất cập trong cách thức điều hành công việc.

Trải qua thời gian và chiến tranh, thư tịch triều Nguyễn đều bị hư hỏng, mất mát, thất thoát khá nhiều, số còn lại đã trải qua một hành trình thiên di biến động mang đậm dấu ấn của lịch sử. Hiện nay, các thư tịch của triều Nguyễn hiện còn phần lớn đang được lưu giữ tại một số trung tâm lưu trữ, thư viện, viện nghiên cứu, bảo tàng của nước ta: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, II, III, IV; Thư viện Quốc gia Việt Nam; Thư viện Viện Sử học; Viện Nghiên cứu Hán Nôm; Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế;... Bên cạnh đó, không ít những tài liệu quý hiếm đang được gìn giữ tại các đình làng, trong các bộ sưu tập các nhà sưu tập tư nhân trong và ngoài nước.

Trên nền tảng kế thừa và phát huy thành quả của những triều đại trước, tổ chức và hoạt động lưu trữ của thư viện triều Nguyễn trong đó có Tân Thư Viện và Cổ Học Viện đã để lại những dấu ấn lớn trong hành trình lưu giữ, bảo tồn và phổ biến các giá trị văn hóa của quốc gia, dân tộc; trong đó, nguồn tư liệu về triều Nguyễn xưa thực sự là những di sản tinh thần vô giá đối với hiện tại và tương lai.

N.P.Q.K
(TCSH425/07-2024)

-----------------------
1 P. Jabouille (1929), “Ký sự của Bảo tàng”, Những người bạn Cố đô Huế, B.A.V.H, tập XVI, bản dịch Nguyễn Cửu Sà, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2003, tr. 161.
2 Khâm sứ Pháp Fernand Ernest Lévecque (1852-1947), có thời gian tại nhiệm từ năm 1906-1908.
3 Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam thực lục Chính biên đệ lục kỷ Phụ biên. Bản dịch: Cao Tự Thanh, Nxb.Văn hóa - Văn nghệ, tr. 537.
4 Châu bản thời Duy Tân, tập 12, tờ 111. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.
5 Toàn quyền Antony Wladislas Klobukowski (1855 - 1934), có thời gian tại nhiệm từ tháng 9/1908 - 1/1910.
6 Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Sđd, tr. 567 - 586.
7 Chương trình giảng dạy được chia thành các mảng: kinh điển Nho gia (Tứ thư, Ngũ kinh, Bắc sử và Nam sử), thơ Đường, thơ Tống, các học thuyết của Bách gia Chư tử, luật pháp...
8 Nguyễn Tô Lan (2008), “Thư tịch Hán Nôm Việt Nam trong sở tàng thư triều Nguyễn qua các bộ thư mục”, Tạp chí Hán Nôm (5), tr.12-26.
9 Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Sđd, tr. 531
10 Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Sđd, tr. 531.
11 Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Sđd, tr. 280.
12 Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Sđd, tr. 280.
13 Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Sđd, tr. 391.
14 Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Sđd, tr. 391.
15 Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Sđd, tr. 418.
16 Trường Uyên Bác có tên đầy đủ là trường Cao đẳng Kinh tế Uyên Bác, thành lập vào tháng 9 năm Khải Định thứ 7 (1922). Về sau ở Hà Nội đặt thêm trường Cao đẳng có chương trình giống trường này nên đến tháng 12 năm Khải Định thứ 9 (1924) thì trường này bị bãi bỏ. Đến năm 1925, Cổ Học Viện được chuyển về đây. Nguyên xưa, địa điểm tọa lạc của ngôi trường này là Viện Thương Bạc, xây dựng vào năm Tự Đức thứ 27 (1875) để làm nơi tiếp các sứ đoàn. Trước tòa nhà có xây một ngôi đình gần bờ sông để tiếp các thương nhân. Đến năm 1911, công trình này trở thành cơ sở hoạt động của trường Hậu Bổ - nơi bổ túc kiến thức hiện đại cho các bậc “cựu học” trong thời gian 3 năm, trước khi được bổ nhiệm làm quan trong ngành học hành chính thuộc bộ máy của Chính phủ Nam triều.
17 Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Sđd, tr. 492.
18 Nguyễn Công Trí (2014), “Cổ Học Viện Huế”, Tạp chí Xưa & nay (454), tr. 44-46.
19 Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội - Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

 

Các bài mới
Các bài đã đăng