VÕ VINH QUANG
1. Lời dẫn
Trong quá trình nghiên cứu về hệ thống di vật, di tích gắn liền với di sản văn hóa các triều đại ở miền Trung, chúng tôi không ít lần phát hiện ra những dấu tích, di văn khá độc đáo bao hàm những “lớp cắt quá khứ”, mang sắc thái rất riêng và dấu ấn lịch sử từng thời kỳ. Bên cạnh di sản tiêu biểu của văn hóa Chăm-pa (với những bức tượng thờ, hệ thống đền tháp Chăm...), những ngôi mộ và thiết chế văn hóa tiêu biểu của người Hoa Kiều xưa và nay, rải rác khắp nơi trong các địa phương ở Trung và Nam Bộ là những đền thờ, ngôi mộ nhuốm màu thời gian, ẩn khuất trong các không gian trầm mặc và chứa đựng nhiều “ẩn ngữ” thú vị cần được khám phá.
Thời gian qua, bằng những khảo cứu công phu, đối chứng thực địa kỹ lưỡng, các nhà nghiên cứu tại Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế đã cho ra đời cuốn sách Mỹ thuật thời Chúa Nguyễn dẫn liệu từ di sản lăng mộ (NNC Nguyễn Hữu Thông chủ biên, Nxb. Thuận Hóa, năm 2014)1 rất có giá trị.
Đây là công trình nghiên cứu đặc biệt quan trọng, được giới học thuật quan tâm và xem như “sách gối đầu” khi tiếp cận đến các dấu hiệu motif mỹ thuật thời tiền Nguyễn (nhất là thời chúa Nguyễn và Tây Sơn). Tuy nhiên, vì chưa thể tiếp cận được đầy đủ nguồn di vật triều đại Tây Sơn tại miền Trung, nên mặc dầu đạt thành tựu cao về mỹ thuật lăng mộ thời Chúa Nguyễn, song tự thân công trình Mỹ thuật thời Chúa Nguyễn dẫn liệu từ di sản lăng mộ vẫn cần được bổ khuyết bằng những phát hiện và nghiên cứu cập nhật sau 10 năm (2014 - 2024).
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng motif mỹ thuật ở các triều đại nối tiếp nhau thì bị chi phối bởi tay nghề, bởi thói quen thẩm mỹ và tâm thức của những người thợ điêu khắc, cũng như quan niệm của chủ nhân dựng lập các ngôi mộ ấy. Bởi vậy, motif mỹ thuật có tính liên thông qua các triều đại, chứ không bị ảnh hưởng và ngắt quãng bởi yếu tố chính trị. Chúng ta có thể thấy rõ điều ấy khi đối chiếu dạng thức mộ hình và kiểu thức trang trí tương đối giống nhau ở các ngôi mộ thời chúa Nguyễn, thời Tây Sơn và giai đoạn đầu triều Nguyễn.
Cũng vì thế, khi nghiên cứu về lăng mộ triều Tây Sơn, bên cạnh các dấu hiệu văn bản tiêu biểu khác, chúng tôi cũng căn cứ vào hệ thống tư liệu ở công trình Mỹ thuật thời Chúa Nguyễn dẫn liệu từ di sản lăng mộ để trưng dẫn về sự đồng dạng của các motif mỹ thuật. Duy rằng, ở “xứ Đàng Trong” (từ Nam sông Gianh - Quảng Bình vào Nam Bộ) sự khác biệt giữa các ngôi mộ triều Tây Sơn so với thời chúa Nguyễn được thể hiện ở dấu hiệu “Nam cố” 南故(người quá cố ở triều Tây Sơn và theo nhà Tây Sơn) và “Việt cố” 越故(sinh ra ở thời chúa Nguyễn và theo chúa Nguyễn).
Về nội hàm ý nghĩa của “Việt cố”, chúng tôi đã từng công bố bài viết “Về niên đại và cách dùng từ “Việt cố” trên bia mộ”2, trong đó nhấn mạnh đến đặc điểm rõ nét nhất chính là: “Việt cố” dùng chỉ người quá cố của nước Việt, tức thuật ngữ “Việt cố” mang nội hàm phiếm chỉ những người sinh ra ở thời Chúa Nguyễn [có thể mất vào thời chúa Nguyễn và cũng có thể qua đời ở các thời vua Nguyễn] và theo nhà chúa Nguyễn. Các ngôi mộ xuất hiện “Việt cố” có phạm vi phân bố khá rộng, từ phía nam đất Quảng Bình vào đến Nam Bộ.
Để phân định rõ với “Việt cố” thì các ngôi mộ triều Tây Sơn ở “xứ Đàng Trong” thường phổ biến sử dụng “Nam cố”. Đây cũng chính là vấn đề chúng tôi sẽ giải quyết cụ thể ở bài viết này.
2. Nội hàm ý nghĩa của “Nam cố” trên bia mộ
Trước hết, có thể khẳng định rằng hiện nay loại hình bia “Nam cố” trên bia mộ được phát hiện khá ít và nằm rải rác ở nhiều nơi từ tỉnh Quảng Trị cho đến tỉnh Quảng Nam3. Chưa có một sự kiểm kê cụ thể nào về bia “Nam cố” tại các địa phương; nhưng qua khảo sát thực địa cùng những công bố khoa học trên báo chí về thông tin bia mộ triều Tây Sơn ở các tỉnh thì số lượng bia “Nam cố” chỉ tầm trên dưới 10 bia đá4.
Về ý nghĩa của “Nam cố”, cũng giống như dạng thức “Việt-cố” 越故, bia mộ “Nam-cố” 南故 dùng chỉ những người quá cố (qua đời) thuộc xứ/phương Nam, với ý nghĩa phiếm chỉ những người (hoặc dòng tộc của người đã khuất) thuộc triều Tây Sơn và theo nhà Tây Sơn.
Căn cứ khoa học chuẩn xác để xác lập “Nam cố” thuộc triều Tây Sơn chính là văn bia “Lập mộ chí bi” của dòng họ Phạm Quang ở thôn Tân Trại, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Cụ thể, văn bia “Lập mộ chí bi” do Uy Nghị hầu Phạm Quang Chương - một viên quan triều Tây Sơn - biên soạn và dựng lập vào năm Giáp Dần niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 2 (1794). Phần nội dung văn bia có đoạn ghi rõ: “Quyến duy: Hiển khảo Nam cố chánh tiến hiển linh Cao Bằng quận tiền cựu triều Nguyễn chúa tòng Thủy quân Phạm tướng công, tự Cương Trực phủ quân thần vị... Quyến duy: Hiển tỷ Nam cố chánh tiến hiển linh tiền Phạm công chánh thất” 眷惟顯考南故正荐顯 灵高憑郡前舊朝阮主從水軍范相 公,字剛直府君神位... 眷惟顯妣南 故正荐顯灵前范公正室 (Mến nghĩ: Hiển khảo Nam cố chánh tiến hiển linh Cao Bằng quận5 Phạm tướng công, vốn triều chúa Nguyễn trước đây, ngài theo nghiệp Thủy quân, tên tự [thụy] Cương Trực phủ quân thần vị... Mến nghĩ: Hiển tỷ là bà họ Phạm, vợ cả của ngài Nam cố chánh tiến hiển linh là ngài Phạm tướng công đã khuất...).
Như vậy, chữ “Nam cố” 南故 được chép 2 lần trên bia “Lập mộ chí bi” năm Cảnh Thịnh thứ 2 (1794) là cơ sở khoa học vững chắc nhất để khẳng định loại hình bia đá “Nam cố” thuộc triều Tây Sơn.
Dấu hiệu “Nam cố” với niên đại tuyệt đối là năm Giáp Dần, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 2 (Dương lịch là năm 1794) trên bia Lập mộ chí bi6 |
Văn bia “Lập mộ chí bi” cũng là cơ sở quan trọng để khẳng định rằng những người quá cố ở ngôi mộ ấy dẫu là quan viên thuộc “tiền cựu triều Nguyễn chúa” (như trường hợp Phạm tướng công là viên quan Thủy binh thời chúa Nguyễn), nhưng con trai của ông là Uy Nghị hầu Phạm Quang Chương (tác giả văn bia) bấy giờ đang đảm nhiệm chức Chưởng cơ, Đô ty của triều Tây Sơn, nên sử dụng “Nam cố” - một thuật ngữ đặc trưng cho “người quá cố xứ/phương Nam” để định vị.
Về motif hoa văn trang trí trên bia đá triều Tây Sơn, qua khảo sát cụ thể ở các tấm bia hiện tồn, chúng tôi thấy đa phần khá trùng khít với motif hoa văn thời chúa Nguyễn và giai đoạn đầu triều Nguyễn ở “xứ Đàng Trong” với các đặc điểm tiêu biểu như dạng thức bia “nhún vai”, dây leo hoa lá khắc sâu, motif đao lửa, motif “liên hóa” thành đài sen cách điệu... Cá biệt, văn bia “Lập mộ chí bi” thì mang dạng thức (motif) trang trí của những văn bia triều Lê Trịnh ở Đàng Ngoài (từ Bắc sông Gianh trở ra). Sở dĩ có điều này, theo suy đoán của chúng tôi, là do Uy Nghị hầu Phạm Quang Chương sau khi trở về từ đất Bắc đã thuê những người thợ khắc bia miền Bắc, đưa vào để xây dựng lăng mộ cho cha mẹ mình.
Toàn văn thác bản “Lập mộ chí bi” (Ảnh: NNC Lê Đức Thọ cung cấp) |
Đặc trưng của dạng thức rồng chầu mặt trời lửa và thả góc nhẹ trên trán bia, kết hợp với hoa lá điểm nhẹ trên diềm bia và chân bia, đặc biệt là motif dùng 4 chữ tiêu đề “Lập mộ chí bi” bố trí ở 4 hình tròn trên phần cổ bia được giật góc nhẹ (chia tách bia thành 3 phần rõ rệt, tạo nên hình tượng ngôi nhà có mái hiên đầy đủ)... là dạng motif tiêu biểu của loại hình bia đá ở Đàng Ngoài.
Ngoại trừ tấm bia “Lập mộ chí bi”, những bia đá “Nam cố” còn lại thường mang dáng dấp của motif tiêu biểu thời tiền Nguyễn (đã nêu ở trên). Chẳng hạn như các tấm bia mộ dưới đây thể hiện rõ kiểu bia “nhún vai”, trán bia mặt trời đao lửa có 2 rồng chầu (motif lưỡng long triều nhật), dây leo long hóa khắc sâu, chân bia là dạng thức đài sen cách điệu:
Bia “Nam cố đặc tặng... Trấn quốc Đại tướng quân, Trụ quốc Đô đốc Hồ quận công chi mộ” 南故特贈... 鎮國 大將軍柱國都督胡郡公之墓 lập vào mùa hạ năm Kỷ Dậu (1789). Hiện ở tại làng Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. (Nguồn ảnh: NNC Lê Đức Thọ, Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị cung cấp) |
Dạng thức bia “Nam cố” ở ngôi mộ vị Đô đốc Hồ quận công tại làng Nhan Biều - Triệu Thượng trên đây gần như tương đồng với dạng thức bia “Nam cố” triều Tây Sơn tại lăng mộ Đương Nhậm hầu Lê Viết Sinh (làng Nguyệt Biều, phường Thủy Biều, thành phố Huế) mà chúng tôi đã từng công bố7. Hai bia đá này chỉ hơi khác một chút, đó là kiểu thức “dây leo hóa rồng” ở diềm bia Đô đốc Hồ quận công (Nhan Biều) được thay thế bằng hình tượng dây leo điểm đóa hoa cúc tròn ở bia mộ ngài Lê Viết Sinh (Nguyệt Biều, Huế). Đấy cũng là nét vừa tương đồng vừa pha dị biệt của mỗi thực thể văn bia; nhằm thể hiện rằng dù motif tương đối giống nhau, song ở mỗi bia đá sẽ có một số điểm nhấn, tạo nên sự đa dạng, phong phú cho loại hình này.
Ảnh bia mộ “Nam cố” ở lăng mộ ngài Lê Viết Sinh (Nguyệt Biều), với biểu tượng mặt trời đao lửa, motif “nhún vai”, dây leo hoa lá sâu đậm ở diềm bia, motif “liên hóa” thành đài sen ở chân bia, chất liệu đá sa thạch đã bị phong hóa... tất cả đều thể hiện tính đặc trưng của mỹ thuật thời Tiền Nguyễn. (Ảnh: ông Lê Viết Bằng cung cấp). |
Cùng motif thời Tiền Nguyễn của các bia mộ “Nam cố” 南故nói trên, tấm bia “Nam cố Hiển tỷ y phu Thống suất Lê hầu phối thất Nguyễn quý nương, thụy Trinh Thục chi mộ” 南故 顯妣依夫統率黎侯配室阮貴娘謚貞 淑之墓 lập năm Giáp Thìn 1784 nằm tại ấp An Bang (nay là khối An Bang, phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã góp phần khẳng định tính đồng dạng về kiểu thức lăng mộ thời Tây Sơn, tương ứng với giai đoạn mỹ thuật lăng mộ từ thời Tiền Nguyễn đến đầu triều Nguyễn. Bia mộ này cũng được phối trí với motif mặt trời đao lửa, hoa văn dây leo và đài sen cách điệu.
Ảnh bia “Nam cố Hiển tỷ y phu Thống suất Lê hầu phối thất Nguyễn Quý Nương, thụy Trinh Thục chi mộ 南故顯妣依夫統率黎侯配室阮貴娘謚貞淑 之墓” lập năm Giáp Thìn 1784, tọa lạc tại ấp An Bang - Hội An (nguồn: Võ Hồng Việt).8 |
Phát hiện của tác giả Võ Hồng Việt và nhóm khảo cổ học thuộc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An về bia mộ “Nam cố” của bà Nguyễn Quý Nương tại An Bang (Thanh Hà, Hội An) ở trên không chỉ cung cấp thêm nguồn tư liệu về bia mộ “Nam cố” tiêu biểu thời Tây Sơn đang tồn tại rải rác ở các nơi, mà còn xem là “chìa khóa” quan trọng, góp phần giải mã một số vấn đề chưa được làm sáng tỏ về thời đại này.8
Trong nghiên cứu trước đây, khi lý giải về dạng thức bia mộ “Nam cố” trong quan hệ với “Việt cố”, các tác giả sách Mỹ thuật thời Chúa Nguyễn dẫn liệu từ di sản lăng mộ (năm 2014) đã có sự lược khảo và cho rằng: “Qua tấm bia có niên đại tuyệt đối này [tức bia Lập mộ chí bi ở Vĩnh Linh - đã dẫn], chúng ta có thể hình dung, hai chữ “Nam cố” trên bia mộ xuất hiện dưới thời Tây Sơn (1788 - 1802). Điều này tương ứng với quốc hiệu nước ta, lúc bấy giờ là An Nam. Dưới triều Tây Sơn, nhà Thanh chỉ thừa nhận Quang Trung, Quang Toản là An Nam quốc vương (vua nước An Nam)”.
Sau 10 năm, nhận thức đó đã được bổ khuyết bằng chính bia mộ “Nam cố” của Nguyễn Quý Nương tại An Bang (Giáp Thìn 1784) ở triều Tây Sơn nhưng thuộc niên hiệu Thái Đức (1778 - 1788) triều hoàng đế Nguyễn Nhạc. Trong khi đó, thời điểm vua nhà Thanh sắc phong An Nam quốc vương cho hoàng đế Quang Trung triều Tây Sơn là vào đầu năm Kỷ Dậu (1789), tức sau cuộc chiến đánh dẹp quân Thanh vào Tết Kỷ Dậu (bấy giờ vua Quang Trung sai sứ đem biểu cầu phong, vua Thanh mới ban phong làm An Nam quốc vương).
Như thế, “Nam cố” 南故hiện hữu trên bia mộ thuộc triều Tây Sơn sớm nhất được phát hiện ở thời điểm hiện nay là năm Giáp Thìn - 1784. Dấu hiệu này cho thấy dạng thức bia mộ “Nam cố” đã xuất hiện trước triều vua Quang Trung, chứ không phải bắt đầu từ khi vua Quang Trung chính thức được phong là An Nam quốc vương năm Kỷ Dậu - 1789.
Vì vậy, theo chúng tôi, nội hàm của “Nam cố” dùng để chỉ người quá cố (người đã khuất) thuộc xứ/phương Nam - một cách phiếm xưng, dùng chỉ người thuộc triều Tây Sơn và theo nhà Tây Sơn, trong thế đối trọng với “Việt cố” (người đã khuất ấy được sinh ra và sống ở thời chúa Nguyễn, theo nhà chúa Nguyễn). Bởi lẽ, “Việt cố” và “Nam cố” chỉ xuất hiện trên bia mộ (có thể có ở các bài vị, thần chủ) của những ngôi mộ thuộc “xứ Đàng Trong” (từ Nam sông Gianh trở vào), tức mộ của những người Việt mà tổ tiên họ theo bước đường “Nam tiến” vào khai phá vùng đất mới thuộc xứ Nam Hà. Đến khi qua đời, con cháu họ lập bia “Việt cố”, “Nam cố” để ghi dấu, với hàm ý hướng về “quê cha đất tổ” để không quên cội nguồn mình là người gốc Đại Việt hay gốc An Nam.
Một trong những bia đá dạng “Nam cố” rất cuốn hút chúng tôi đó là bia mộ “Nam cố - Thị nội Chưởng cơ Đinh hầu chi mộ ” 南故侍內掌奇丁侯之墓tại đồi Dương Xuân, phường Thủy Xuân, thành phố Huế (Một trong hai tấm bia mộ “Nam cố” được tìm thấy tại Huế hiện tại) được lập vào tháng 8 năm Kỷ Dậu (1789).
Bia Nam cố - Thị nội Chưởng cơ Đinh hầu chi mộ (đồi Dương Xuân, Huế)9. |
Tấm bia mộ ngài Đinh hầu này có kiểu thức “nhún vai” nhẹ, với hình tượng “mềm hóa ánh hào quang” bao quanh mặt trời ở trán bia. Phần trán bia khá lớn, được chạm trổ tinh vi làm hiện rõ nên những hình tượng dây leo hoa lá và các bông hoa đối xứng chính chuẩn. Theo đó, chúng tôi thấy rằng tấm bia này xứng đáng được xem là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của thời đại Tây Sơn trên đất Huế.
Trong quá trình tìm hiểu về “Nam cố”, chúng tôi có tham khảo bài viết “Mộ bà thứ phi triều Tây Sơn” trên trang web của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An. Theo đó, tác giả dựa vào tư liệu và gia phả họ Trần Công - Hội An và mộ hình, bia mộ hiện tồn để xác định đây là bia mộ bà tổ cô Trần Thị Quý phi thuộc triều Tây Sơn (hiện mộ tọa lạc trong quần thể di tích văn hóa tại thôn 5 xã Cẩm Thanh). Tuy nhiên, căn cứ vào hình ảnh bia mộ và nội dung chữ nghĩa trên bia, mặc dù có chữ “Nam cố”, song tấm bia này được khắc lại khá muộn về sau trên chất liệu ximen và nhiều chữ chưa chính xác (ví dụ như cụm từ “...Tiền triều hoàng hậu thứ phi” 前朝皇后次妃không chính xác về ý nghĩa. Bởi lẽ hoàng hậu 皇后 và thứ phi 次妃thuộc hai vị trí, đẳng cấp khác nhau: hoàng hậu 皇后là vợ chính, vợ cả của hoàng đế, còn thứ phi 次妃 thuộc hàng phi tần, là hàng vợ thứ, vợ lẽ của bậc đế vương. Do đó, cách ghi hoàng hậu thứ phi 皇后次妃trên bia này là sự sai sót, nhầm lẫn của người lập và khắc bia mộ). Vậy nên, chúng tôi xếp bia mộ này vào dạng tồn nghi, và sẽ có những hướng nghiên cứu tiếp theo để xác lập căn cứ khoa học.
Ảnh bia mộ “Nam cố” tương truyền là mộ bà Thứ phi triều Tây Sơn bằng ximen, đăng tải trên trang web của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An10 |
Nhằm khảo cứu kỹ hơn về tư liệu “Nam cố”, chúng tôi đã tìm hiểu thêm thông tin từ Tập san B.A.V.H (Bulletin des Amis du Vieux Hué). Qua bài viết “Tombeaux Annamites dans les environs de Hué” (Lăng mộ người An Nam trong phụ cận Huế) đăng tải tại B.A.V.H N01 năm 192811, linh mục L.Cadière (Dòng Thừa sai Paris) công phu khảo cứu thực địa và miêu tả rất kỹ càng về hệ thống lăng mộ ở vùng lân cận kinh thành Huế. Trong đó, tác giả công bố 2 ngôi mộ và 1 bài vị có dạng thức “Nam cố”.
Cụ thể, L.Cadière cho biết tại cụm mộ số “32. Làng Phú Xuân, thôn Bình An - Đồ bản A. Văn khắc: Nam cố Hiển khảo Lương quý công chi mộ; Nam cố Hiển tỷ y phu Lương môn Trần thị quý nương chi mộ”12 và mộ - bài vị số “291. Làng An Cựu, thôn Nhất Tây, phường Trú Sa Thượng. Đồ bản C. Mộ của bà Tống Thị Hân, cựu cung nữ trong cung vua. Văn khắc dưới đây không phải sao ở trên bia, mà trên bài vị người quá cố thờ trong miếu thờ bà. Văn khắc: Kỷ Dậu niên nhuận tứ nguyệt cốc nhật tu tạo. Nam cố Hiển tổ cô bà Tiên triều Gián phụ Nội thị tặng Chính Nội đường Tống thị chi vị. Tự tôn Tống tộc đồng phụng lập”13.
Như vậy, sự hiện diện của bia mộ và bài vị có dạng thức “Nam cố” ở Huế từ đầu thế kỷ XX (theo khảo tả của L.Cadière ở trên, gồm 2 bia mộ - 1 bài vị, tọa lạc tại thôn Bình An và thôn Nhất Tây - An Cựu) cùng 2 bia mộ được chúng tôi phát hiện và công bố thời gian qua, tổng cộng là 5 bia mộ - bài vị đã từng và đang hiện hữu tại Huế. Điều ấy góp phần khẳng định rằng loại hình bia mộ “Nam cố” thời Tây Sơn ở Huế vốn dĩ cũng khá phong phú. Tiếc rằng đến nay thì chúng tôi chưa phát hiện thêm được bia mộ “Nam cố” nào tại vùng đất Cố đô (ngoài 2 tấm bia đã công bố).
3. Kết luận
Cùng với dạng thức “Việt cố”, loại hình bia mộ “Nam cố” với motif mỹ thuật thời Tiền Nguyễn từ lâu đã là đối tượng nghiên cứu rất đáng quan tâm. Sự xuất hiện bia mộ, bài vị “Nam cố” mang đầy đủ yếu tố gốc về chữ nghĩa, hoa văn trang trí, chất liệu đá... trên bia mộ góp phần xác định chuẩn xác về lăng mộ triều Tây Sơn trong thế đối sánh với lăng mộ ở thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn.
Mặc dù hiện nay số lượng bia mộ “Nam cố” khá ít và tồn tại rải rác ở nhiều địa phương, tập trung từ Quảng Trị đến Quảng Nam, song cũng đủ để xác lập căn cứ khoa học khách quan, chứng thực đấy là bia mộ thuộc triều Tây Sơn (tiêu biểu là nội dung “Nam cố” trên bia Lập mộ chí bi ở Quảng Trị), gợi mở thêm hướng tiếp cận và cung cấp các nhận thức mới (với trường hợp bia mộ “Nam cố Hiển tỷ y phu Thống suất Lê hầu phối thất Nguyễn Quý Nương, thụy Trinh Thục chi mộ” 南故顯妣依夫統率黎侯配室阮貴娘謚貞淑之墓lập năm Giáp Thìn 1784, tọa lạc tại ấp An Bang - thành phố Hội An cho chúng ta thấy bia mộ “Nam cố” thời Tây Sơn có trước khi vua Quang Trung được phong An Nam quốc vương). Đồng thời, thông qua motif bia mộ “Nam cố” thời Tây Sơn, chúng ta sẽ thấy rõ “dòng chảy mỹ thuật” xuyên suốt từ thời chúa Nguyễn đến triều Tây Sơn và triều Nguyễn, chứ không hề đứt đoạn theo sự biến động của lịch sử, chính trị và thời cuộc.
Thông qua việc nghiên cứu và giải mã về thuật ngữ “Nam cố” đặc trưng tiêu biểu cho các ngôi mộ thời Tây Sơn hiện hữu trên đất miền Trung, chúng tôi mong muốn góp một phần công sức của mình nhằm làm minh bạch hơn, đem lại cơ sở quan trọng giúp tìm hiểu sâu hơn về loại hình di sản lăng mộ các triều đại, mà tiêu biểu ở đây là lăng mộ của triều Tây Sơn - một triều đại khá ngắn ngủi song lại hàm chứa nhiều vấn đề và câu chuyện lịch sử chưa được giải quyết với đầy đủ các cứ liệu khoa học.
Huế, ngày 07 tháng 08 năm 2024
V.V.Q
(TCSH430/12-2024)
-----------------------
1 Nguyễn Hữu Thông (Cb) (2014), Mỹ thuật thời Chúa Nguyễn - dẫn liệu từ di sản lăng mộ, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
2 Võ Vinh Quang - Đỗ Minh Điền, “Về niên đại và cách dùng từ “Việt cố” trên bia mộ”. Bài gửi Hội nghị Khảo cổ học toàn quốc năm 2018, sau đó đăng tải tại trang web của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (link: https:// www.hueworldheritage.org.vn/desktopmodules/DNNTinBai/PrintTinBai.aspx?newsid=E1AC01EA-DDF3-4626-ACEB-792AB3D798D9) và đưa lên trang blog cá nhân: (link: https://vovinhquang.wordpress.com/2020/06/29/ ve-nien-dai-va-cach-dung-tu-viet-co-tren-bia-mo/).
3 Các địa phương từ Quảng Ngãi vào đến Nam Bộ thì chúng tôi chưa có điều kiện khảo sát kỹ, nhưng đối chiếu với các công bố trên báo chí hiện tại, chúng tôi chưa thấy có một bia mộ “Nam cố” nào ở những vùng đất ấy. Cũng theo khảo sát và tham vấn của chúng tôi, các địa phương từ Quảng Bình ra đến các tỉnh Bắc Bộ hiện tại vẫn chưa phát hiện bất cứ tấm bia “Nam cố” nào, mặc dù bia đá thời Tây Sơn ở miền Bắc có số lượng khá lớn (khoảng 359 tấm bia).
4 Theo thống kê tạm thời của chúng tôi về loại hình bia “Nam cố” hiện nay thì Quảng Trị có 2 văn bia, Thừa Thiên Huế có 2 bia đá, Đà Nẵng và Quảng Nam có khoảng từ 3 đến 5 bia mộ “Nam cố” nằm rải rác ở nhiều địa phương như Đà Nẵng, Hội An, Duy Xuyên...
5 Cao Bằng quận là quận âm của họ Phạm (theo Bách gia tính百家姓,tức vùng đất gốc gác của họ Phạm ở Trung Quốc), không phải là xứ hay tỉnh Cao Bằng của Việt Nam hiện nay.
6 Ảnh thác bản do NNC Lê Đức Thọ - Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị cung cấp. Nhân đây, xin kính cám ơn ông Lê Đức Thọ.
7 Xin xem: Võ Vinh Quang, “Văn bia triều Tây Sơn quý giá trên đất Huế: bài minh văn trên mộ Vũ Huân tướng quân Lê Viết Sinh”, Tạp chí Sông Hương, số 388 (tháng 06/2021), tr.77-83. Link online: http://tapchisonghuong. com.vn/tin-tuc/p2/c15/n30493/Van-bia-trieu-Tay-Son-quy-gia-tren-dat-Hue-Bai-minh-van-tren-mo-Vu-huan-tuong-quan-Le-Viet-Sinh.html
8 Nguồn: Võ Hồng Việt, “Vùng đất cổ tên là An Bang ở Quảng Nam, đào khảo cổ phát lộ hiện vật cổ, có cả mộ cổ, giếng cổ” (Báo Quảng Nam. Báo Dân Việt đăng tải online ngày 03/07/2024. Link: https://danviet.vn/vung-dat-co-ten-la-an-bang-o-quang-nam-dao-khao-co-phat-lo-hien-vat-co-co-ca-mo-co-gieng-co-20240630003835595.htm (truy cập ngày 23/07/2024).
9 Nguyễn Hữu Thông (Cb) (2014), Mỹ thuật thời Chúa Nguyễn dẫn liệu từ di sản lăng mộ, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.140.
10 Link: http://www.hoianworldheritage.org.vn/vi/news/Diem-di-tich/Mo-ba-thu-phi-trieu-Tay-Son-480.hwh
11 L.Cadière, “Tombeaux Annamites dans les environs de Hué”, Bulletin des Amis du Vieux Hué. Année N0.1, (Janv-Mars 1928, 01-99pp), Hanoi, IDEO, 1928; Và bản dịch: L.Cadière, “Lăng mộ của người An-nam trong phụ cận Huế” (người dịch Hà Xuân Liêm), Những người bạn cố đô Huế, tập XV năm 1928, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2004, tr.5-248.
12 L.Cadière, “Lăng mộ của người An-nam trong phụ cận Huế”, Tl.đd, tr.61.
13 L.Cadière, “Lăng mộ của người An-nam trong phụ cận Huế”, Tl.đd, tr.109.