Đề tài thảo luận rất nhiều. Nhưng chỉ có một số quyết định đã được thông qua để đề nghị Đại hội ghi vào Chương trình thường trực của Unesco về mặt văn hóa.
Về nội dung thì đã chắc rằng Chương trình Văn hóa trong hai năm tới, bắt đầu thiên kỷ thứ 3, sẽ tập trung vào công việc "Phát triển Văn hóa: Di sản và Sáng tạo" (Développement culturel: Héritage et Création).
Chương trình được xây dựng chung quanh hai cột trụ:
1. Bảo vệ và làm sống lại những di sản văn hóa.
2. Phát huy những nền văn hóa đang sống động.
Sau khi đọc những điểm ghi trên trang đầu của chương trình, tôi rất xúc dộng, vì từ năm 1961 trong Hội nghị Hội đồng Quốc tế Âm nhạc tại Téhéran (Ba Tư), tôi đã đưa ra đề nghị: "Nên bảo vệ truyền thống âm nhạc của các nước trên thế giới trước sự đe dọa của "nạn Âu hóa".
Từ đó đến năm 1994 trong Hội nghị Unesco tổ chức tại Huế, hơn 10 lần tôi đã tham luận về đề tài "Bảo vệ và phát triển truyền thống âm nhạc" tại châu Á hay tại Việt Nam: Tây Bá Linh năm 1965 và 1967, Lisbonne (Bồ Đào Nha (năm 1971, Montreal (Gia Nã Đại) năm 1975, Téhéran (Ba Tư) năm 1976, Manila (Phi Luật Tân) năm 1976 và 1978, Baghdad (Iraq) năm 1979, Adelaide" (Úc Châu) năm 1979, Nữu Ước (Mỹ), năm 1982, Dakar (Sénégal) năm 1985, Antatanarivo (Madagascar) năm 1985.., và Huế năm 1994. Tôi đã trả lời những câu hỏi "Bảo vệ những gì"? Tại sao phải bảo vệ"?, "Bảo vệ bằng cách nào"? Tôi đã thuyết trình về hai cách bảo vệ tiêu cực, và bảo vệ tích cực v.v...
Lúc ấy tôi nói đi lập lại một đề tài, mà có cảm giác mình đang gào to trong một bãi sa mạc. Ai là người hữu trách sẽ lắng tai nghe mình để đem thực hiện trong thực tế những điều mình đề nghị? Bạn bè thân thích có khi chọc tôi và hỏi: "Bộ anh hết đề tài tham luận sao mà đi đâu cũng nghe anh lập đi lập lại, "bảo vệ, phát triển, phổ biến, phát huy truyền thống"? Và hơn cả chục lần anh kết luận:"Bảo vệ vốn cổ không phải là nệ cổ. Tiến bộ không đồng nghĩa với ngoại lai hay Âu hóa." Tôi trả lời: "Quảng cáo lập đi lập lại hằng ngàn lần câu" "Sữa con chim (Nestlé) ngon nhứt" thuở nhỏ tôi nghe mãi. Đến lớn, khi sang Pháp, có nhiều loại sữa, tôi vẫn tìm cho được sữa con chim (Nestlé) mà mua. Tôi lập lại như vậy mãi, biết đâu ngày nào đó có người hữu trách nghe lọt vào tai và chương trình "Bảo vệ, phát triển truyền thống" sẽ được đem ra thực hành.
Thì từ năm 1961 đến nay, chưa đến 40 năm, tôi còn sống, để thấy những đề nghị của tôi trước kia chỉ vang trong phòng họp, ghi vào báo cáo hội nghị âm nhạc, ngày nay; được ghi vào chương trình văn hóa của Unesco trong năm 2000-2002. Một số biện pháp do nhiều đại biểu các nước đưa ra, không khác những điều tôi đã đề nghị từ hơn một phần tư thế kỷ! Hay nhứt là một số đông các nước Á Phi đồng ý với đề nghị của Unesco là nên giữ những "dị biệt văn hóa", chống lại xu hướng "hoàn cầu hóa" văn hóa theo một mẫu nào đó. (mondialisation trong bản tiếng Pháp và "globalisation" trong bản tiếng Anh).
Như thế, những ai "vọng ngoại", vì "tự ti mặc cảm" không dám, hay không muốn giữ nguyên vẹn truyền thống của mình, "tôn thờ" văn hóa nước ngoài, nhứt là các nước phương Tây, họ sẽ mất rất nhiều "đồng minh" và biết đâu, họ sẽ "thức tỉnh".
Nhưng cũng không phải thi hành chánh sách "bế môn tỏa cảng" vì phải có những cuộc "đối thoại giữa những nền văn minh, những dòng văn hóa".
Năm 2000 sẽ là "Năm Văn hóa cho Hòa bình´và năm 2001 sẽ là "Năm đối thoại giữa những nền văn minh "Đối thoại tức là trao đổi ý kiến giữa những nước, những dân tộc ngang hàng với nhau, có thể thảo luận hay tranh luận, mà không nước nào, dân tộc nào có thể nghĩ rằng mình hơn dân tộc khác.
Không thể kể hết tất cả những đề nghị của các đại biểu. Và đề nghị hay cả nghị quyết của "Tiểu ban văn hóa", chưa chắc sẽ được Đại hội đưa hết vào chương trình của Unesco. Tôi chỉ ghi lại một vài đề nghị được đại đa số đại biểu tán thành, ủng hộ.
1- Ngày 21 tháng 3 dương lịch mỗi năm sẽ là "Ngày thi ca" cho thế giới (Journée mondiale de la Póesie). Ngày đó, hoặc các nước thành viên của Unesco sẽ tổ chức những buổi họp về thi ca, tặng giải thưởng cho những nhà thơ xuất sắc, hoặc Unesco tổ chức buổi họp quốc tế tại trụ sở
Paris
, đọc những bài thơ được tuyển lựa. Chưa biết ngày đó sẽ được tổ chức thế nào, nhưng các nước đều thú vị khi nghĩ rằng thi ca nước mình có thể vượt biên giới quốc gia để lên "đài quốc tế".Âm nhạc, từ năm 1975, đã chọn ngày mùng 1 tháng 10 làm ngày quốc tế về âm nhạc. Lúc cố giáo sư Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn sinh tiền, bạn đã tổ chức nhiều lần những buồi hòa nhạc, những buổi nói chuyện về âm nhạc, để hưởng ứng với Hội đồng quốc tế âm nhạc mà Việt Nam là một thành viên. Tôi có dịp dự những buổi ấy trong những chuyến về nước làm việc. Bây giờ thì sau Nhạc đến Thơ. Quanh năm suốt tháng tôi sống với Nhạc và Thơ. Nay lại được có dịp hòa tiếng nhạc giọng ngâm với các bạn tri âm trên thế giới thì vui biết mấy!
Đối với các nghệ nhân lão thành, để ghi ơn những người suốt đời giữ gìn, phát triển, phổ biến, giảng dạy nghệ thuật truyền thống, sẽ có một chánh sách tôn vinh các vị bằng một danh hiệu "Trésor humain vivant" tương tự như "Quốc gia chi bửu" của Nhật Bổn hay Đại Hàn, "Padma Shri", "Padma Bushan" của Ấn Độ, người làm nghệ thuật còn sống quí như bảo vật. Không phải đợi đến lúc qua đời rồi mới được đời biết ơn. Của quí đó không riêng cho một quốc gia hay một dân tộc nào, mà là của nhân loại. Tôi tạm dịch là "Nhân loại đương sinh chi bửu". Và tôi nhớ lại sau khi Unesco xuất bản đĩa hát về ca trù do tôi ghi âm tại Hà Nội năm 1976, Hội đồng quốc tế âm nhạc thuộc Unesco có tặng bằng danh dự cho bà cụ Quách Thị Hồ trong đó có câu:"Cám ơn Bà đã giữ vốn cổ quí báu không những cho Việt Nam mà cho cả nhân loại". Đó là cử chỉ đẹp của Hội đồng quốc tế âm nhạc riêng cho âm nhạc. Nay đề nghị mới sẽ mở rộng cho tất cả các loại nghệ thuật, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, vũ điệu v.v.. Đẹp hơn và vui hơn biết bao!
Còn nhiều đề nghị khác về "Bản sắc dân tộc, về "Quyền tác giả", về "Vai trò của phụ nữ trong việc bảo vệ và truyền lại văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau", có dịp tôi sẽ trở lại các vấn đề ấy trong chi tiết.
Chỉ vui mừng là nhân loại đã tiến bộ và thảo luận rất nhiều về kỹ thuật. Nay, đã bắt đầu bàn đến văn hóa, nghệ thuật một cách rất sâu sắc và nghiêm túc. Nhưng từ thảo luận, đề nghị đến thực hành các biện pháp, con đường có xa không các bạn?
T.V.K (132/02-2000)
|