Vào chiều 30.8.1945, trên lầu Ngũ Phụng cửa Ngọ Môn, trước hàng vạn nhân dân Huế, vua Bảo Đại đã trịnh trọng đọc Chiếu thoái vị. Đọc xong ông đã - như ông Trần Huy Liệu kể lại - “giơ hai tay dâng lên chiếc kiếm dài nạm ngọc và sau đó là chiếc ấn vàng hình vuông. Tôi (tức Trần Huy Liệu) thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tiếp nhận hai vật tượng trưng của chế độ phong kiến. Cùng với ấn kiếm còn có một chiếc túi gấm đựng một bộ quân cờ bằng ngọc và những thứ lặt vặt quý giá khác”.
Ngay hôm sau đó phái đoàn đại diện Chính phủ VNCDCH mang quốc ấn và quốc kiếm về Hà Nội để kịp dự lễ Độc lập 2.9.1945. Từ đó toàn dân Việt Nam
đinh ninh quốc ấn và quốc kiếm đã được những người có trách nhiệm gìn giữ như những món quốc bảo của dân tộc.
Cuối năm 1996, sang Pháp tìm tài liệu cũ, một chuyện bất ngờ đã đến với tôi. Bà Bùi Mộng Điệp - “thứ phi” của Cựu hoàng Bảo Đại, cho biết: Cặp ấn kiếm mà ông Bảo Đại đã trao cho đại diện Chính phủ VNDCCH về sau đã lọt vào tay người Pháp và họ đã trả lại cho ông Bảo Đại từ năm 1952. Năm 1953 bà Mộng Điệp được ông Bảo Đại giao nhiệm vụ đem ấn kiếm và một số tài sản quý khác sang Pháp giao lại cho Hoàng hậu Nam Phương. Năm 1963, Hoàng hậu Nam Phương qua đời cặp ấn kiếm đó về tay Cựu hoàng thái tử Bảo Long và hình như “mới đây ông Bảo Long đã bán cây kiếm”.
1. Các loại tỷ, ấn của vua:
Dấu của vua có hai loại là tỷ và ấn. Ty làm bằng ngọc nên gọi là ngọc tỷ, bửu ty. Ấn đúc bằng vàng gọi là ngự ấn, bửu ấn. Ấn, tỷ của nhà vua đều có hình vuông. Các vua Nguyễn có rất nhiều tỷ, ấn. Ông Trần Viết Ngạc và ông Văn Đình Hy viết: Triều Gia Long có 6 chiếc ấn bằng vàng; triều Minh Mệnh, chế thêm 8 chiếc, cả hai triều có 14 chiếc. Tên gọi và qui định sử dụng của 14 chiếc (ngự ấn hay bửu ấn) ấy như sau:
1.Hoàng đế chi bửu: đóng trên giấy tờ liên quan đến lễ khánh tiết, ghi ân, dụ thân huân, tuần du các địa phương, ban sắc thư cho nước ngoài.
2.Hoàng đế tôn thân chi bửu: dùng trong dịp kính dâng huy hiệu.
3.Ngự tiền chi bửu: đóng vào chỉ dụ, chương tấu, sổ sách.
4.Tri lịch minh thời chi bửu: đóng vào lịch ban cho các quan.
5.Sắc mệnh chi bửu: đóng vào các sắc, dụ, chỉ ban cấp cho bá quan văn võ, sắc phong thần, phong tặng người.
6.Mệnh đức chi bửu: đóng vào các dụ chỉ khen thưởng người có công lao chiến tích.
7.Chế cáo chi bửu: đóng vào các sắc dụ sai phái các quan, ban cấp chiếu lệnh, chiếu văn thăng cấp, giáng cấp, dụ chỉ răn dạy. (ĐN Sử lược)
8.Quốc gia tín bửu: dụ chỉ gọi phát quân lính, tuyên gọi tướng soái.
9.Sắc chính vận dân chi bửu: sắc dụ dạy bảo quan dân, răn bảo các nơi, khen thường thiết phụ, hiếu tử...
10.Thảo tội an dân chi bửu: chiếu dụ, lệnh sai tướng ra quân, đánh dẹp giặc.
11.Thủ chính thiên hạ văn võ quyền hành: đóng vào đầu trang giấy. về sau bỏ không dùng nữa.
12. Văn lý mật sát: dấu kiềm, đóng vào tấu sớ, sách.
13. Khâm văn chi ty: chỉ dụ về việc học, khoa cử, cầu hiền tài.
14. Duệ võ chi ty: sắc chỉ trưng binh, xét quân, mở khoa thi võ, chấn chính võ bị.
Nhưng theo ông Paul Boudet - người đã được ông Phạm Quỳnh, với sự đồng ý của vua Bảo Đại, cho xem các tỷ, ấn của các vua Nguyễn được bảo quản trong điện Càn Thành, thì các vua Nguyễn có đến 46 chiếc tỷ, ấn mà phần lớn được chế tạo sau thời Minh Mạng cho đến thời hiện đại. Paul Boudet dẫn ra một danh sách 11 chiếc. Đem danh sách của Paul Boudet so với danh sách 14 chiếc của Trần Viết Ngạc và Văn Đình Hy nêu trên thấy chỉ có 4 chiếc trùng nhau, (số 2, số 5, số 6, số 7), còn lại bảy chiếc chưa được biết đến. Bảy chiếc đó là:
1.Đại Việt quốc Nguyễn chủ vĩnh trấn chi bửu, ấn được đúc dưới thời Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) dùng để truyền ngôi;
2.Đại Nam hoàng đế chi ty, làm bằng ngọc thạch màu lục, làm vào tháng 3 năm Thiệu Trị thứ tư (4.1844), khuôn hình vuông, mỗi cạnh dài 102 mm, dày 42 mm, nuốm ấn hình con rồng nằm, để đóng vào những bằng sắc chiếu chỉ khi nhà vua đi tuần du và các văn thư gởi ra ngoại quốc. (Quốc thư của vua Tự Đức gởi cho Chính phủ Pháp)
3.Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bửu, đúc thời vua Thiệu Trị (8.1847); nặng 125 lạng 5 chỉ phân (# 4kg7), khuôn ấn vuông, mỗi cạnh 11 mm, mép viền 12 mm, đế dày 13 mm. Núm chạm hình kỳ lân đứng, ấn nầy chỉ đóng trên các cuốn lịch.
4. Đại Nam
thọ thiên vĩnh mạng truyền quốc tỉ,
5. Vạn thọ vô cương ngọc tỷ,
6. Sắc chính vạn dân chi ty
7. Hoàng đế chi bửu, đúc năm Minh Mạng thứ tư (17.3.1823),
Mới đây ông Hồ Vĩnh theo tài liệu điền dã đã lập được một danh sách 11 tên bửu ấn triều Nguyễn. Trong 11 tên ấy chỉ có 1 tên không trùng với 2 bản danh sách trên. Chiếc ấn có tên không trùng đó là Ngự tiền chi bảo. Hồ Vĩnh cũng phát hiện một tờ sắc phong có dấu ấn Sắc tặng chi bảo đóng năm minh Mạng nguyên niên (1820) (nhưng không hiểu vì sao tác giả không đưa vào bản thống kê).
Qua Văn bản Hán Nôm làng xã ở Huế, chúng tôi đọc được trên Tập quy định chế độ quân cấp ruộng ra đời từ năm Gia Long 3 (1804) ấn Công đồng chi ấn.
Đọc 4 tài liệu trên chúng ta có thể biết được 24 tên tỷ, ấn ngự của các vua Nguyễn.
2. Nơi tàng trữ các báu vật:
Các tỷ, ấn bằng ngọc, bằng vàng cùng với các loại kim sách, ngân sách, phù tín (hổ phù) bằng vàng, bằng bạc để trong các trắp, các hòm được tàng trữ trong điện Cần Chánh. Đến đời Khải Định và Bảo Đại, một số báu vật được lưu giữ tại điện Càn Thành (Theo Paul Boulet và bà Mộng Điệp). Tất cả những báu vật nầy được bảo mật tuyệt đối. Nếu không có lịnh vua thì không một người nào được tự tiện mở ra xem. Hằng năm, trước khi nghỉ tết, được lệnh vua, các quan trong văn thư phòng mặc áo rộng xanh làm lễ Phất thức mở các hòm, các trắp kiểm kê các báu vật rồi dùng nước thơm (nước nấu với hoa thơm) để rửa từng cái tỷ, ấn, các quyển sách bằng vàng bằng bạc đoạn dùng khăn vải đỏ lau khô và sắp đặt vào chỗ cũ theo danh sách viết bằng chữ Hán.
Theo ông Phạm Khắc Hoè: tất cả các loại tài sản quý giá ấy đều được giao lại cho Chính quyền nhân dân đầy đủ và có giấy tờ minh bạch. Người thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời để kiểm nhận tài sản (của triều Nguyễn) là ông Bô trưởng Lê Văn Hiến. Sau đó chính quyền chuyển tất cả những báu vật của quốc gia ra lưu giữ tại Hà Nội. Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19.12.1946) không rõ số phận những báu vật cất giữ tại Hà Nội ra sao. Kết thúc bài Sách kim loại triều Nguyễn, trên t/c Khảo cổ học (1/1996, tr.74-75), nhà Huế học Phan Thuận An đặt câu hỏi:” Chẳng hay chúng (kim sách, ngân sách) đang được giữ gìn ở một bảo tàng tư gia hay quốc gia trong nước hoặc trên thế giới hay là đã bị nấu chảy thành kim loại cả rồi?”. Nhưng nỗi băn khoăn của anh Phan Thuận An đã được giải tỏa phần nào ngay khi bài viết của anh được đăng trên t/c Khảo cổ học với một chú thích của Giáo sư Hà Văn Tấn” Hiện nay viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam còn giữ được một số kim sách mang từ Huế ra”. (T/c đd.tr.76). Còn số phận của các tỷ, ấn của các vua Nguyễn ra sao? Câu hỏi nầy đến nay vẫn còn là một câu hỏi “bên trời”!
3. “ Nguyễn đi rồi Nguyễn lại về”:
Chiếc ấn được vua Bảo Đại trao cho đại diện Chính phủ VNDCCH vào ngày 30.8.1045, chỉ là một trong 46 chiếc tỷ, ấn mà Paul Boudet đã thấy trong điện Càn Thành năm 1942 và là một trong 24 chiếc đã tìm thấy tên được nêu trên.Nó được quan tâm vì chính cái giá trị lịch sử có một không hai của nó trong cách mạng Tháng tám 1945.
Như nhiều sách sử, báo chí đã viết, vào tháng 12.1946, nhiều tài liệu quan trọng, các báu vật của nhà nước được mang theo hoặc chôn giấu ở Hà Nội. Cuối năm ấy, thực dân Pháp chiếm Hà Nội. Trong lúc đào đất xây dựng đồn bốt ở ngoại thành, lính Pháp thấy một cái thùng dầu hỏa bằng sắt Tây, bên trong đựng một cái ấn và một cái kiếm bị bẻ gảy làm đôi, sơn màu đen. Về thời gian và địa điểm lính Pháp bắt gặp ấn kiếm, Bác sĩ - luật gia Nguyễn Hữu Nhơn cho biết đã xảy ra vào ngày 28.2.1952 tại làng Nghĩa Đô (ngoại thành Hà Nội). Cây kiếm bị gãy “do lúc đào xới chạm vào”. Nhưng tác giả không cho biết đã căn cứ vào tài liệu nào nên không kiểm chứng được. Theo nhiều nguồn tư liệu khác, thời điểm lính Pháp phát hiện cặp ấn kiếm sớm hơn ngày 28.2.1952 nhiều. Việc Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho ông Bảo Đại theo hai ông Jacques Massu và Jean Julien Fonde cho biết đã diễn ra vào ngày 8.3.1952 và được báo Paris Match dành một số đặc biệt đăng bài tường thuật và nhiều hình ảnh hấp dẫn.
Qua những tư liệu hiện có, người Pháp không vô tư trong việc trả lại ấn kiếm cho ông Bảo Đại Năm 1951, Chính phủ Pháp đã cử tướng De Lattre de Tassigny qua Đông Dương với sự phấn đấu cao nhất để chiến thắng Việt Minh bằng vũ lực. Nhưng De Lattre không làm được. De Lattre cố kéo người Mỹ vào, nhờ Mỹ giúp lập ngụy quyền “Chính phủ quốc gia” của Bảo Đại. De Lattre đang thực hiện chiến lược ấy thì bị bệnh nặng phải đưa về Pháp và mất vào đầu năm 1952. Sau khi tướng De Lattre mất, tướng De Linarès tổ chức rầm rộ lễ trả lại ấn kiếm cho Bảo Đại để gây cho quần chúng vùng tạm chiếm tâm lý: ” Nguyễn đi rồi Nguyễn lại về”. Tức là Bảo Đại thoái vị (đi) 8/1945 đến nay Bảo Đại đã trở về làm “Quốc trưởng”. Nhưng điều trớ trêu là trong buổi lễ trả ấn kiếm cho Bảo Đại lại không có mặt Bảo Đại. Người nhận ấn kiếm là mẹ ông và bà vợ thứ của ông.
Bà Mộng Điệp kể: “Họ trả lại ấn kiếm cho nhà Nguyễn nhưng ông Bảo Đại lúc ấy đang nghỉ mát ở bên Tây, không ai đủ tư cách để nhận lại cả. Ông Lê Thanh Cảnh làm việc cho Pháp thấy thế gọi giây nói lên Buôn Mê Thuột gặp tôi. Nhưng tôi chưa thấy những báu vật ấy bao giờ, không biết có đúng hai cái ấn kiếm mà ông Bảo Đại đã trao cho ông Trần Huy Liệu năm 1945 hay không (!) Tôi phân vân nên đã mời Đức Từ Cung ở Huế đi tàu bay lên. Hôm đón ấn kiếm, Đức Từ bắt phải đặt lên một cái bàn ở sân bay Buôn Mê Thuột, phủ khăn đỏ, lạy ấn và kiếm năm lạy rồi mới được phép đưa về dinh. Sau đó ông Bảo Đại về, tôi nói: "Ấn kiếm Ngài đã trao cho phái đoàn ông Trần Huy Liệu, không hiểu sao lại rơi vào tay người Pháp. Vừa rồi họ gọi trả lại cho Ngài". Ông bảo Đại đến giật cái khăn đỏ ra và bảo: "Ờ! Đúng rồi.. Ngày xưa những thứ nầy ra đi nó cứu mạng anh. Bây giờ tự nhiên nó lại về có lẽ mình sắp chết rồi!" Tôi nói:" Sao lại chết? Đáng lẽ Ngài mừng mới phải?" Ông nói đùa với tôi: "Mừng vì nó gần 13 ký lô vàng chứ gì? Bởi thế em mới cho người canh gác cẩn thận!" Để khỏi sợ mất một lần nữa, ông Bảo Đại giao cho Nguyễn Duy Trinh (em ruột Nguyễn Duy Quang) ở Sài Gòn đóng một cái cốp sắt đem lên để giữ hai báu vật nầy và một cái mũ của vua Gia Long do Đức Từ mang từ Huế lên. Cái mũ nầy bện bằng tóc, có kết chín con rồng tí tí bằng vàng.
Năm 1953, chiến tranh trở nên ác liệt, không dám đem cặp ấn kiếm về Huế. Cuối cùng ông Bảo Đại viết giấy giao cho tôi mang sang Pháp cùng với một số tư trang. Sau đó tôi giao hai báu vật ấy lại cho Hoàng hậu Nam Phương và Hoàng tử Bảo Long. Khi tôi đem sang giao có mặt các ông Nguyễn Đệ, Nguyễn Duy Quang, Nguyễn Tiến Lãng, Phạm Bích (con ông Phạm Quỳnh). Bốn người bưng hai cái ấn kiếm lên và giúp bà Nam Phương đưa vào tủ sắt.
4. Cặp ấn kiếm lịch sử hiện ở đâu?:
Bà Bùi Mộng Điệp cho biết sau khi Hoàng hậu Nam Phương qua đời (1963), cặp ấn kiếm lịch sử đó nằm trong tay Hoàng thái tử Bảo Long. Năm 1980, ông Bảo Đại xuất bản tập hồi ký Le Dragon d’ Annam (Con rồng An Nam), ông muốn dùng con dấu lịch sử đó để làm vi-nhét đặt vào cuối các chương hồi ký của ông nhưng Bảo Long không cho mượn. Ông Bảo Đại hết sức bực mình nhưng không làm gì lay chuyển được Bảo Long. Cuối cùng ông Bảo Đại phải dùng con dấu Việt Nam ngự tiền văn phòng của ông Nguyễn Đệ thay cho khuôn dấu của vị Hoàng đế nước Nam (Xem ảnh). Theo hai tác giả sách Những ngày cuối cùng của Tổng thống Ngô Đình Diệm, cặp ấn kiếm Bảo Long giữ được gởi Tủ sắt của Liên hiệp Ngân hàng châu Âu (Union des banques européennes). Sau ngày xuất bản Le Dragon d’ Annam (1980) và sau ngày Bảo Đại làm giấy hôn thú với bà Monique Baudot (1982), ông Bảo Đại làm đơn kiện con trai Bảo Long đòi lại cặp ấn kiếm. Kết quả Toà xử Bảo Long được giữ cây kiếm và giao lại chiếc ấn cho Bảo Đại. Đó chính là chiếc ấn lịch sử mà cả dân tộc Việt Nam
đang quan tâm. Chiếc ấn đã “đi” rồi lại “về” với Bảo Đại hai lần. Nhưng về lần nầy lại lọt vào tay một bà đầm không có một chút liên hệ nào với quê hương Việt Nam
của ông Bảo Đại cả.
5. Hình dáng, tên gọi, năm đúc và trọng lượng chiếc ấn lịch sử:
Bà Bùi Mộng Điệp kể: “Chính tay tôi đã lau chùi (cho cặp ấn kiếm) khi ông Lê Thanh Cảnh đi tàu bay từ Hà Nội đem lên Ban Mê Thuột giao cho tôi. Cái kiếm bị bẻ làm đôi. Tôi nhờ hai người hầu cận là anh Tứ Lang và anh Thừa Tể đi hàn lại. Hai anh đem cái kiếm đi hàn rồi nhờ người ta mài để không còn thấy dấu vết gãy. Còn cái ấn bằng vàng, chính tay tôi cân nặng 12,9 kg. Cái núm ấn hình con rồng. Con rồng uốn cong và ngóc đầu lên. Con rồng không được sắc sảo lắm, có đính hai hạt ngọc đỏ, trông giống như con rắn. Tôi lật nó lên có 4 chữ Triện ở dưới. Theo một người biết đọc chữ Hán thì 4 chữ ấy là Nguyễn triều chi bảo. Sau khi chùi rửa sạch sẽ tôi cho ngâm vào ăm-mô-nhắc và nó sáng ra ngay”.
Phải chăng trọng lượng chiếc ấn là 12 Kg 9 và có tên là Nguyễn triều chi bảo?
Hai tác giả sách Những ngày cuối cùng của Tổng thống Ngô Đình Diệm viết ấn chỉ nặng 13 cân ta tức độ 6 kg9 ;
Ông Trần Huy Liệu - người đại diện cho Chính phủ VNDCCH nhận ấn kiếm từ tay Bảo Đại trao, cho biết ấn nặng 7 kg vàng.
Ông Phạm Khắc Hoè - Ngự tiền Văn phòng của Bảo Đại, người đã tham gia vận động vua Bảo Đại thoái vị, thì viết “chiếc quốc ấn bằng vàng (ấy) nặng gần 10 kilôgam”.
Ông Lê Văn Lân căn cứ vào tài liệu mới tìm được khẳng định chiếc ấn nặng 280 lượng 9 chỉ 2 phân vàng mười tuổi = 10kg534 vàng. Chiếc ấn lịch sử ấy có tên là Hoàng đế chi bửu, hình vuông, mỗi cạnh dài 12 cm; dày 2 cm; cuốn núm hình con rồng lượn cong. Ấn Hoàng đế chi bửu có trong danh sách thống kế của Trần Viết Ngạc - Văn Đình Hy và Paul Boudet. Thời điểm đúc ấn là năm Minh Mạng thứ tư (17.3.1823).
6. Cây kiếm lịch sử:
Chiếc ấn Hoàng đế chi bửu đúc từ đầu triều Minh Mạng (1823) khiến cho người ta nghĩ chiếc kiếm đi đôi với ấn chắc cũng ra đời từ thời Gia Long Minh Mạng. Nhưng sự thực khác xa. Theo tài liệu của Lê Văn Lân, trên vỏ chiếc kiếm lịch sử ấy có khắc dòng chữ “Khải Định niên chế”, tức là chiếc kiếm ra đời trong khoảng 1916-1925 (thời gian vua Khải Định làm vua). Cho đến ngày được trao cho chính quyền cách mạng (30.8.1945), chiếc kiếm chưa đến tuổi ba mươi. So với chiếc ấn (ra đời năm 1823) thì chiếc kiếm quá sức mới. Lưỡi kiếm bằng thép. Trên vỏ kiếm còn ghi: “Trọng kim tứ lạng thất ngũ phân” nghĩa là trọng lượng vàng 4 lạng 7 chỉ 5 phân, tức là khoảng 178 gr vàng. Không rõ số vàng ít ỏi nầy trộn lẫn trong thép hay sử dụng làm một bộ phận nào đó trên vỏ kiếm hay trên chuôi kiếm không thấy chỉ dẫn. Chuôi kiếm được nạm ngọc. Hình dáng chung của kiếm rất đẹp. Như thế giá trị vật chất cũng như tuổi tác của cây kiếm không bao nhiêu nhưng sở dĩ nó dược xem như quốc bảo vì giá trị lịch sử của nó.
Sau gần 55 năm chúng ta mới biết được cụ thể chân dung và lý lịch cặp ấn kiếm của triều Nguyễn trao cho Chính phủ Cách mạng vào ngày 30.8.1945 tại Huế. Tuy còn phải tiếp tục tìm địa chỉ thường trú của chiếc kiếm hiện nay, nhưng dù sao chúng ta cũng có thể yên tâm về chiếc ấn quốc bảo.
Để “Châu về hợp phố” bằng con đường ngoại giao hay con đường thương lượng chuộc lại bằng tiền? Giải pháp nào sẽ được lựa chọn? Nhưng nếu chọn giải pháp “những gì đã rơi vào quên lãng thì cho lãng quên luôn” là một sai lầm đáng trách đối với lịch sử văn hóa dân tộc và đối với Cách mạng Việt Nam.
Gác Thọ Lộc, đầu xuân năm 2000 N.Đ.X. (132/02-2000)
|