Những vấn đề di sản
Thành phố, di sản và phát triển địa phương
16:22 | 26/09/2008
NGUYỄN VĂN CAOLTS: “Thành phố và phát triển địa phương” là hai chủ đề tại Đại hội đồng lần thứ 27 của Hiệp hội Quốc tế các Thị trưởng nói tiếng Pháp (AIMF) tổ chức tại Huế từ ngày 24 đến ngày 26-10-2007, hội tụ trên 200 đại biểu là thị trưởng của các thành phố thành viên thuộc 46 nước trên thế giới. Đây là đại hội đồng lần đầu tiên tổ chức tại Việt và là lần thứ 2 diễn ra tại khu vực Đông Á (năm 2003 đã tổ chức tại Pnômpênh, Campuchia).

Tổ chức AIMF được thành lập vào năm 1979 theo sáng kiến của hai Thị trưởng Paris . Ông Jacque Chirac và Quebec ông Jean Pelletier. Thị trưởng Paris được bầu làm chủ tịch hiệp hội. Đến nay AIMF có 156 thành phố thành viên của 46 nước. Đại hội đồng AIMF lần này là điểm nhấn để nâng cao vai trò và uy tín chính trị của thành phố Huế nói riêng và của Việt Nam nói chung đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là cộng đồng khối Pháp ngữ phát huy những giá trị di sản vốn có.
Từ lâu, di sản đã là sự kế thừa của quá khứ mà ngày nay con người được thừa hưởng và sẽ tiếp tục truyền lại cho các thế hệ sau. Nhờ di sản, những di tích, chúng ta hiểu biết và cảm nhận rõ hơn giá trị của những công trình lịch sử, những di tích khảo cổ, tổng thể kiến trúc đô thị và nông thôn, những thắng cảnh cũng như chứng tích vật chất và phi vật chất của lịch sử và văn hoá loài người. Nhưng chúng ta vẫn luôn đứng trước những nguy cơ biến dạng và mất mát của di sản, có thể do sự kém hiểu biết, do chiến tranh, do ô nhiễm, do đô thị hoá không quy hoạch, do du lịch không được kiểm soát phù hợp.
Ngày nay di sản đang trở thành một chiến lược kinh tế và là chủ đề chính của những tranh luận về quy hoạch lãnh thổ, quy hoạch đô thị, được xem như một nhân tố, phát triển bền vững cho địa phương, tạo thành một yếu tố quan trọng đối với công nghiệp du lịch, văn hoá và hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động nhiều chiều đa dạng diễn ra hàng ngày ở các đô thị.
Chủ đề “Thành phố, di sản và phát triển địa phương” được lựa chọn trên cơ sở tham khảo thực tế của Huế, nơi có hai di sản: Di tích cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Hội nghị là cơ hội để các Thị trưởng trong AIMF cùng trao đổi, thảo luận về các vấn đề đề xuất những giải pháp hữu hiệu trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản theo hướng bền vững.
SÔNG HƯƠNG xin trân trọng giới thiệu phát biểu của ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND Thành phố Huế - thành phố đăng cai Đại hội đồng lần thứ 27 của AIMF.


... Thành phố Huế rất vinh dự được đón tiếp quý vị đại biểu đến tham dự phiên họp Đại hội đồng lần thứ 27 của Hiệp hội Quốc tế các Thị trưởng các thành phố và thủ phủ sử dụng tiếng Pháp. Tôi xin chân thành cảm ơn Ngài chủ tịch Hiệp hội đã đề nghị và ủng hộ Thành phố chúng tôi đăng cai tổ chức hoạt động có ý nghĩa này lần đầu tiên được diễn ra tại Việt .
Kể từ thời điểm gia nhập Hiệp hội cho đến nay, Thành phố Huế, cùng với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều dự án hợp tác với các thành phố thành viên khác của AIMF. Chính trong khuôn khổ các hoạt động của Hiệp hội, chúng ta đã cùng nhau chia sẻ nhiều kinh nghiệm chuyên môn quý báu, qua đó tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhằm cải thiện năng lực quản lý kinh tế, xã hội và văn hoá của mỗi địa phương chúng ta. Các cuộc gặp thường niên là cơ hội quý báu để chúng ta thể hiện sự năng động trong các hoạt động trao đổi chuyên môn này.

Hôm nay, chúng ta có mặt tại Thành phố Huế để cùng nhau tạo dựng sức sống cho Hiệp hội cũng như các giá trị di sản và văn hoá độc đáo của thành phố chúng tôi. Với bề dày nhiều thế kỷ hình thành và phát triển của mình, Huế sẽ là hình mẫu lý tưởng để chúng ta chọn lựa chủ đề thảo luận cho kỳ họp thường niên năm nay của chúng ta: “Thành phố, di sản và phát triển địa phương”.

Là cố đô cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam, Huế ý thức rất rõ rằng quá khứ của một đô thị, nhất là quá khứ văn hoá, chính là tiền đề để phát triển đô thị này trong tương lai. Thành phố chúng tôi may mắn được sở hữu hai di sản văn hoá thế giới được UNESCO công nhận: đó chính là quần thể di tích lịch sử Triều Nguyễn và Nhã nhạc cung đình Huế. Chính những di sản này đã góp phần giúp Huế trở thành một trong những trung tâm văn hoá và du lịch hàng đầu của quốc gia chúng tôi.

Truyền thống hiếu học cũng có thể được xem là một di sản quý báu của Việt mà chúng tôi thừa hưởng. Tiếng Pháp, vì những lý do lịch sử, cũng đã từ lâu bám rễ tại đất nước chúng tôi và đặc biệt là tại Thành phố Huế. Đây được xem là một công cụ quý báu để chúng tôi hội nhập với thế giới trong bối cảnh hiện nay. Cộng đồng Pháp ngữ nói chung là cầu nối ưu tiên cho các hoạt động giao lưu quốc tế của chúng tôi, đặc biệt là với Huế, nơi mà phần đông du khách là những người nói tiếng Pháp. Du lịch là một trong những ngành kinh tế đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của Thành phố Huế. Chính vì thế, chúng tôi mong muốn được xem kỳ họp Đại Hội đồng lần thứ 27 này của Hiệp hội Quốc tế các Thị trưởng nói tiếng Pháp như một sự tôn vinh các giá trị văn hoá vốn dĩ rất đa dạng và phong phú của địa phương chúng tôi mà Cộng đồng Pháp ngữ cũng đóng góp phần mình trong đó, bởi vì chính bản thân Cộng đồng này cũng đã là một di sản và đồng thời là phương tiện để phát triển di sản quý báu này.

Tôi vui mừng nhận thấy rằng tất các quý vị đại biểu, các bạn đồng nghiệp có mặt đông đủ tại đây trong hai ngày hôm qua và hôm nay đã cùng nhau làm việc, trao đổi trên tinh thần đoàn kết và bình đẳng. Chúng ta đã cùng nhau tôn vinh hoạt động của Hiệp hội chúng ta bằng việc đưa ra các giải pháp quản lý văn hoá mang tính đổi mới, đồng thời cùng nhau xây dựng và phát huy các nguồn lực đa dạng của các địa phương chúng ta.
Thay mặt lãnh đạo và nhân dân Thành phố Huế, tôi xin chúc quý vị đại biểu và các bạn đồng nghiệp có những ngày lưu lại tại Việt Nam thật vui vẻ và thoải mái và những ngày gặp gỡ, làm việc bổ ích vì sự lớn mạnh của đại gia đình Pháp ngữ chúng ta. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp và xin cảm ơn sự theo dõi của quý vị.
N.V.C

(nguồn: TCSH số 225 - 11 - 2007)

 


Các bài mới
Các bài đã đăng