Những vấn đề di sản
Giới thiệu một số văn bản có liên quan đến Bộ Học và Bộ Quốc dân giáo dục
10:46 | 12/01/2012

HỒ VĨNH

Để điều hành đất nước, từ năm 1802-1906, nhà Nguyễn đã thiết lập 6 bộ là: Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Công.

Giới thiệu một số văn bản có liên quan đến Bộ Học và Bộ Quốc dân giáo dục
Văn bằng của Bộ Quốc dân giáo dục cấp cho ông Nguyễn Trung Hối viết dưới đời vua Bảo Đại. (Ảnh do Hồ Vĩnh chụp từ bản gốc ngày 02.11.2011).
Đến đời vua Duy Tân, cách thức hoạt động của Lục bộ dần dần đã bị biến đổi: biến đổi về số lượng và tên gọi của bộ, biến đổi về thể thức hoạt động của các bộ.

Năm 1907 triều đình Huế cho thiết lập một bộ mới, mang tên Bộ Học. Bộ Học ra đời là do sự điều khiển của giới cầm quyền thực dân Pháp, thông qua tổ chức mang tên “Hội đồng Hoàn thiện giáo dục Bản xứ Trung Kỳ” thành lập theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 16.05.1906(1).

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một văn bản có liên quan đến Bộ Học; văn bản viết trên giấy gió, chữ Hán, khổ 0,33x0,30m, được phiên âm như sau:

Học Bộ vi tuân lục cấp sự.

Bản nguyệt nhật phụng chuẩn Ngọc Anh trường giáo sư Võ Quang Đạm (Thừa Thiên phủ, Ngọc Anh xã) thưởng thụ tòng cửu phẩm văn giai, nhưng sung đẳng, nhâm triếp tuân lục cấp. Tuân phụng. Tu chí tuân lục cấp. Tu chí tuân lục cấp giả.

Hữu tuân lục cấp.

Tòng cửu phẩm văn giai giáo sư Võ Quang Đạm cứ thử.

Khải Định tứ niên ngũ nguyệt sơ bát nhật.

Tạm dịch:

Bộ Học vâng chép tờ cấp.

Ngày tháng này, kính vâng chuẩn cho ông Võ Quang Đạm (người ở xã Ngọc Anh, phủ Thừa Thiên) là giáo sư trường Ngọc Anh, được thưởng thụ hàm tòng cửu phẩm văn giai, vẫn sung giáo sư trường ấy.

Nhân đó, vâng chép tờ cấp. Hãy kính tuân theo tờ cấp.

Trên đây là vâng chép tờ cấp.

Tòng cửu phẩm văn giai, giáo sư Võ Quang Đạm căn cứ vào đó.

Ngày 08 tháng 05 năm Khải Định thứ tư (1919).



Qua triều vua Bảo Đại thì Bộ Học được đổi tên thành Bộ Quốc dân giáo dục vào ngày 07 tháng 8 năm 1933; ông Phạm Quỳnh được cử làm Thượng thư Bộ Quốc dân giáo dục kiêm sung chức Ngự tiền Văn phòng Tổng lý đại thần(2). Chúng tôi xin cung cấp tiếp một văn bằng do Bộ Quốc dân giáo dục cấp cho ông Nguyễn Trung Hối. Văn bằng này chúng tôi đang lưu giữ được viết trên giấy gió, chữ Hán nét chân phương; khổ 0,52x0,39m, phiên âm như sau:

Quốc dân giáo dục bộ

Phụng chiếu: Thiệu Trị tứ niên chuẩn định.

Phụng chiếu: Tự Đức thập thất, thập cửu, nhị thập lục đẳng niên chuẩn định bổ nghị.

Phụng chiếu: Thành Thái tam, tứ, bát, thập nhị, thập nhất đẳng niên bổ nghị.

Phụng chiếu: Duy Tân cửu niên bổ nghị.

Vi bằng cấp sự.

Chiếu chỉ: Nguyễn Trung Hối (Niên canh Nhâm Tuất, thập bát tuế; quán Thừa Thiên phủ, Phú Vang huyện, Sư Lỗ tổng, Nam Trung thôn) hệ Tài chính bộ Tham tri Nguyễn Trọng Tĩnh quý chức chi thân tử, kinh hạch trúng Pháp Việt tiểu học văn bằng, lệ đắc tương vi ấm sinh bằng cấp chấp chiếu, trừ án quán tuân tương hạng ngoại. Tu chí bằng cấp giả.

Hữu bằng cấp.

Ấm sinh Nguyễn Trung Hối chấp chiếu.

Bảo Đại thập tứ niên lục nguyệt nhị thập tứ nhật.

Đăng ký đệ: tứ bách tam thập tam hiệu.

Tạm dịch:

Bộ Quốc dân giáo dục

Kính chiếu: Chuẩn định năm Thiệu Trị Thứ tư (1844).

Kính chiếu: Chuẩn định bổ nghị các năm Tự Đức thứ mười bảy (1864), mười chín (1866), hai mươi sáu (1873).

Kính chiếu: Bổ nghị các năm Thành Thái thứ ba (1891), tư (1892), tám (1896), mười hai (1900), mười bảy (1905).

Kính chiếu: Bổ nghị năm Duy Tân thứ chín (1915).

Nay cấp bằng.

Căn cứ theo đó, ông Nguyễn Trung Hối (sinh năm Nhâm Tuất, mười tám tuổi; quán ở thôn Nam Trung, tổng Sư Lỗ, huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên), là con trai ông Tham Tri bộ Tài chánh Nguyễn Trọng Tĩnh, từng thi đỗ bằng Tiểu học Pháp Việt, theo lệ được xếp vào hạng ấm sinh, hợp làm bằng cấp cho giữ lưu chiếu, trừ vào hạng do làng quán xếp. Hãy tuân theo bằng cấp này.

Trên đây là bằng cấp.

Ấm sinh Nguyễn Trung Hối giữ làm căn cứ.

Ngày 14 tháng 6 năm Bảo Đại thứ mười bốn (1939).

Số hiệu đăng ký: 433(3).

Tuy nhiên sách Từ điển Bách khoa Việt Nam có viết: “Sau cải tổ Nam triều năm 1933, Bộ Học đổi thành Bộ Quốc gia giáo dục (4). Nhưng căn cứ theo bản gốc được viết dưới triều vua Bảo Đại cho biết chính xác là Bộ Quốc dân giáo dục.

Sau khi triều Nguyễn cáo chung, chính phủ nước Việt Nam mới đã tiến hành thiết lập Bộ Quốc gia giáo dục và ông Vũ Đình Hòe - người giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục trong chính phủ lâm thời đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.                             

H.V

(SH275/1-12)




--------------------
(1) Dương Kinh Quốc, Chính quyền thuộc địa ở Việt Nam trước cách mạng Tháng Tám 1945, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988 tr. 157.
(2) Dương Quốc Anh, Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858-1945, Tập III: 1919-1935, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988, tr. 352.
(3) Lê Nguyễn Lưu dịch.
(4) Từ điển Bách khoa Việt Nam, Tập 1, Hà Nội, 1995, tr.261.










 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mảnh hồn Chàm (09/03/2010)