Di sản TG ở Việt Nam
Cung An Định - Trung tâm Festival thứ hai ở phía nam thành phố Huế
14:54 | 04/06/2008
LTS: Festival Huế 2002 diễn ra từ 04/05 đến 15/05/2002, là một lễ hội văn hoá du lịch có quy mô quốc gia và quốc tế. Ngoài Đại nội là trung tâm hạt nhân của Festival, tỉnh TT-Huế đang tiến hành chỉnh trang biệt cung An Định để tổ chức thành một trung tâm thứ hai ở phía nam thành phố với những buổi quảng diễn nghệ thuật hoành tráng, sôi động. Sông Hương xin giới thiệu với bạn đọc đôi nét về cung An Định.
Cung An Định - Trung tâm Festival thứ hai ở phía nam thành phố Huế


Cung An Định là biệt cung của vua Khải Định, nằm bên bờ sông An Cựu. Nhìn từ dưới bến sông, cung An Định hiện ra như một toà lâu đài thâm nghiêm, cổ kính và bề thế. Công trình kiến trúc của cung vừa có dấu ấn của phong cách trang trí truyền thống “lưỡng long tranh châu”, “cuốn thư”, câu đối chứ Hán; vừa mang đậm dấu ấn đặc trưng của mỹ thuật châu Âu thời trung cổ, thể hiện thành tựu của kiến trúc thời Khải Định, kiến trúc kết hợp Á- Âu, một chứng tích tiêu biểu cho quá trình phát triển của mỹ thuật triều Nguyễn trên đất Huế trong những năm đầu của thế kỷ XX.
Cung được khởi công xây dựng năm Đinh Tỵ (1917), hoàn thành mùa đông năm Mậu Ngọ (cuối 1918 đầu 1919) trên một khu đất rộng 23.253 m2, mặt quay về hướng nam, phía trước là dòng sông An Cựu.
Từ ngoài vào trong theo trục Nam-Bắc, toàn bộ cung An Định trước đây gồm có bến thuyền, cửa cung, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, đài Cửu Tư, các dãy nhà ngang, chuồng thú, hồ nước, vườn cung và cửa hậu. Trải qua nhiều biến động, đài Cửu Tư và chuồng thú không còn, vườn cung đã có phần biến đổi, nhưng hầu hết các công trình còn lại vẫn giữ được nét đặc trưng của một biệt cung đầu thế kỷ XX.
Cổng chính của cung gồm hai tầng xây bằng gạch và vôi vữa. Hai mặt cổng đều trang trí bằng nghệ thuật khảm sành sứ đắp nổi đa sắc, đăng đối, với các hình tượng rồng phụng, lân hổ và bầu rượu ở các đầu mái. Chính giữa là bức hoành cuốn thư có dòng chữ Hán “An Định cung” gắn bằng mảnh sành đắp nổi màu vàng đậm, hai bên có hai câu đối ghép chữ bằng sành sứ.
Sau cổng chính là đình bát giác Trung Lập với hai lớp mái, trang trí 12 hình rồng đắp nổi gắn mảnh sành, trên cùng là bầu rượu. Trước đây, ngay giữa đình Trung Lập là tượng đồng của vua Khải Định làm theo tỷ lệ 1/1 với hình tượng giống người thật.
Công trình chính là lầu Khải Tường ba tầng, thể hiện rõ lối kiến trúc lâu đài mô phỏng theo kiểu châu Âu. Mặt trước tầng một trang trí 8 bình hoa đắp nổi, có 6 bình gắn 12 tượng thiên thần có cánh; mô-típ trang trí chủ yếu là hoa, lá và chùm nho khá mềm mại.
Nội thất tầng một có 7 phòng, nổi bật ở sảnh chính là 6 bức tranh trang trí theo lối đồ hoạ trên các mảng tường. Những bức tranh bích hoạ được vẽ trực tiếp bằng sơn dầu lên mặt tường xi măng, có khung gỗ thếp vàng, chạm khắc hoa mai và lá sen cách điệu. Tranh tái dựng hình ảnh của các lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh… Ngoài 6 bức bích họa, trên các mảng tường và trần nhà, cửa đại sảnh đều có trang trí đồ hoạ với các mô típ hoa lá nhiều màu. Trần nhà chia thành 4 ô phân cách bởi các đường dầm, mỗi ô dầm trang trí các đường diềm dây lá, hoa mai. Sảnh đường có kê bàn dùng làm nơi tiếp khách, kế bên là các phòng tiếp cận với nhiều lớp cửa lớn, cửa sổ thếp vàng rực rỡ.
Từ sảnh đường lên tầng hai có cầu thang xi măng chia thành 2 lối với 20 bậc cấp có lan can. Trần cầu thang có trang trí hoa lá cách điệu nhiều màu. Tầng thứ hai có 8 phòng thông với nhau bằng nhiều cửa và hành lang, được dùng làm nơi ở. Phía sau có sân thượng nhìn ra vườn cung.
Ơ tầng ba, chính giữa mặt ngoài là bình phong đăp nổi 6 cột tròn với hình mặt trời có các tia sáng bao quanh, hai bên là hai bình hoa. Mặt bên trong bình phong, nơi có hành lang qua lại được trang trí theo phong cách một tấm bia cao 1,75 m, rộng 3 m có các đường dầm khảm hoa văn cách điệu, đắp nổi bài “Ngự chế An Định cung dẫn” bằng chữ Hán của vua Khải Định làm vào tháng 8 năm Canh Thân (1920) nói rõ: ”Cung An Định là tiềm để của Trẫm. Trẫm khi còn là thân phiên, tự đặt hiệu là An Định, xây phủ đệ tại nơi này. Mùa thu năm Quý Sửu (1913) hoàng trưởng tử chào đời. Mùa hè năm Bính Thìn (Trẫm) lên ngôi. Riêng nhớ chỗ phát điềm lành, bỏ tiền lương ra đổi dựng thành lầu (…­) sai đổi “để” làm “cung”. Nhân đó lấy hiệu cũ đặt tên cung (cung An Định) và gọi tên lầu là Khải Tường”(1).
Sau lầu Khải Tường là đài Cửu Tư, một trong những nhà hát cung đình của triều Nguyễn được xây dựng theo lối cách tân dưới triều Khải Định. Nhà hát Cửu Tư đài bị sụp đổ trong chiến tranh, dấu tích cũ nay đã không còn. Trên nền của nhà hát được thay bằng một sân khấu lộ thiên, chủ yếu để phục vụ các hoạt động văn nghệ cộng đồng.
Cung An Định lộng lẫy vàng son được xây dựng ngay lúc vừa mới lên ngôi, vào thời điểm vua Duy Tân bị Pháp bắt đi đày. Vua Khải Định không khỏi e ngại về dư luận và lo cho tương lai của dòng mình, nên ngay trong bài “An Định cung dẫn” nhà vua đã phân bua “Tất cả những bạc vàng châu báu cùng toàn bộ đồ đạc bàn ghế trong lầu đều xuất tiền lương của Trẫm để mua sắm, cả các sở khác cũng thế. Ay là tính về sau, hoàng trưởng từ lớn lên, sẽ cho làm của riêng. Hoặc nếu y không hưởng được lộc vị thì chuyển giao của riêng này cho anh em hay con cháu. Bởi vậy mà không dám xài phí đến sức dân và tiền công của nhà nước… Tuổi tác Trẫm đã cao mà hoàng tử còn thơ ấu, đạo trời khó thấy trước, việc người ắt phòng xa, biết đâu sau này hoàng trưởng tử chưa được như Trẫm thì lo trước là hơn…”
Từ nỗi lo sợ đó, năm 1922 vua Khải Định đã bỏ qua quy ước đặt ra từ thời vua Minh Mạng là vua nhà Nguyễn không lập thái tử, mà lại đề nghị chính phủ Pháp và Tôn nhân phủ cho lập Vĩnh Thụy làm Đông cung thái tử. Sáng ngày 28-4-1922, sau khi làm lễ nhận chiếu thư và kim sách, ấn vàng, Vĩnh Thụy đã được các quan triều Nguyễn và 200 lính Ngự lâm rước từ Đại nội về cung An Định. Một ngày sau, tại chiếc kỷ đặt ngay giữa tầng dưới cung An Định, Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy – lúc ấy 9 tuổi – được các đại thần từ tam phẩm trở lên làm lễ tam khấu và trước sân các quan viên từ tứ phẩm trở xuống ngóng vào làm lễ cúi đầu vái 3 vái tôn vinh Thái tử. (2)
Đăt trong hoàn cảnh của thời mất nước, cung An Định là một cái gai giữa đất Huế. Vì thế khi sang Pháp tháng bảy năm 1922, vua Khải Định đã nhận được một bức thư dài gởi qua đường bưu điện, ký tên “Việt quốc dân Phan Chu Trinh”. Thư vạch rõ bảy tội của Khải Định (3), trong đó Phan Chu Trinh đã nêu việc xây dựng cung An Định để hạch tội: “Sau khi bệ hạ làm vua rồi, thì đã đem lòng chán chê những cung điện cũ của ông bà đời trước để lại, liền làm ngay một sở cung điện nguy nga ở làng An Cựu, mua những đồ sứ của Tàu, mỗi lần vài ngàn bạc, đem về đập bể ra, lựa những miếng nào bông to đẹp, để gắn những hình long, lân, qui, phụng, cho thoả lòng xa xỉ của bệ hạ… Giả sử như bệ hạ lấy tiền làm cung điện đó mà lập một trường đại học tại Huế, lấy tiền mua đồ sứ đập bể ra mà mua đồ dùng cho nhà trường… thời hai cách dùng tiền lợi hại khác nhau biết là bao nhiêu! Thương hại thay! Quốc dân ta mỗi năm cần cù, đổ mồ hôi sa nước mắt, vợ kêu đói, con khóc lạnh cũng mặc, thân rách rưới, bụng xép ve cũng mặc, chỉ lo chạy ngược chạy xuôi cho có tiền để nạp thuế cho Nhà nước, là cũng có lòng mong cho Nhà nước làm được điều gì lợi ích chung. Nhưng mà khi thu thì vơ vét tận xương tuỷ, đến khi tiêu thì vãi vung như tro bụi, như thế thì quốc dân ta tội gì mà phải chịu cực khổ, dâng cả máu mủ, để cho một người u mê tiêu phí một cách dại dột như thế? “ (4).
Lịch sử diễn ra mãnh liệt hơn nỗi lo sợ của Khải Định và sự phẫn uất của Phan Chu Trinh. Cách mạng Tháng Tám thành công, chấm dứt cuộc đời “làm vua nô lệ” của Bảo Đại, đưa ông ta trở về cung An Định “làm dân một nước độc lập”. Nhưng sau đó, người công dân Vĩnh Thụy lại tiếp tục bị mê hoặc bởi con đường làm quốc trưởng bù nhìn, vẫn chạy theo ảo vọng và hư danh, để lại cung An Định cho người mẹ là Hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn – bà Từ Cung.
Sau 1954, cung An Định do chính quyền Ngô Đình Diệm quản lý. Sau ngày Ngô Đình Diệm bị lật đổ (01/11/1963) bà Từ Cung được giao lại quyền quản lý cung An Định nhưng bà vẫn sống tại khu nhà 79 Phan Đình Phùng. Cung An Định do những người thân của gia đình bà Từ Cung đến ở, với hơn 50 hộ và hàng trăm người. Chiến sự năm 1968 đã làm một phần di tích bị hư hỏng thêm.
Sau ngày thành phố được giải phóng, bà Từ Cung đã tự nguyện hiến toàn bộ biệt cung An Định cho chính quyền cách mạng. Năm 1977, Uy ban Nhân dân thành phố Huế đã đầu tư tu bổ tôn tạo, giải toả số hộ sống ở biệt cung, tu sửa, chỉnh trang lại cảnh quang cung An Định để tổ chức thành Câu lạc bộ lao động và sau đó nâng lên thành Nhà Văn hoá Lao động thành phố Huế. Nơi đây đã diễn ra nhiều hoạt động văn hoá thể thao sôi nổi trong những thập niên 1980 – 1990. Tuy nhiên từ 1990 trở lại đây, do cơ chế quản lý không phù hợp, cung An Định lại một lần nữa bị xuống cấp.
Trước tình hình này, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chủ trương chuyển giao cung An Định về Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô để quản lý và đầu tư tu bổ tôn tạo, khôi phục lại vẻ đẹp của một biệt cung, đưa vào phục vụ các hoạt động văn hoá du lịch.
Festival Huế 2002 lại đến, các nhà tổ chức Festival đã xây dựng phương án tập trung tu bổ lầu Khải Tường, chỉnh trang một bước cảnh quang sân vườn để đưa biệt cung An Định trở thành một trung tâm lễ hội văn hoá du lịch, nơi sẽ diễn ra nhiều sinh hoạt nghệ thuật hấp dẫn. Dự kiến ở đây sẽ hình thành một số sân khấu ngoài trời dành cho các đoàn nghệ thuật của khối Asean, sẽ có một sân khấu hoành tráng để đoàn kịch quảng diễn nổi tiếng của châu Au, Đoàn Royal de Luxe tổ chức một chương trình quảng diễn độc đáo vào mỗi buổi chiều trong dịp Festival.
Hy vọng cung An Định sẽ sớm được tu bổ, khôi phục, lấy lại vẻ đẹp lấp lánh vàng son của một biệt cung thời Khải Định.

TRƯƠNG THỊ CÚC
(nguồn: TCSH số 154 - 12 - 2001)

-------------------------------------
 (1) Ngự chế An Định cung dẫn, bản chữ Hán đắp nổi tại cung An Định,
(2) Đỗ Bằng Đoàn – Đỗ Trọng Huề, Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam, nxb Hoa Lư, Sài Gòn, 1968.
(3) Một là tội tôn quân quyền, “dám xem mình như thần thánh nghênh ngang trên đầu dân”. Hai là tội thưởng phạt không công bằng, “chẳng cần phép nước… để cho bọn côn đồ cậy thế làm điều phi pháp”. Ba là chuộng sự quỳ lạy, “xem dân như trâu ngựa, để người nước ngoài mĩa mai khinh rẽ nòi giống Việt ”. Bốn là tội xa xỉ vô độ, “ăn cắp tiền kho, tiền kín của nước xa xỉ bậy bạ, vứt tiền vào lỗ trống”. Năm là tội “ăn mặc lố lăng, làm nhục quốc thể”. Sáu là tội “làm vua mà ngày ngày chơi rong”. Bảy là tội “đi Pháp ám muội”.
(4) Phan Chu Trinh, Thư Thất điều, nxb Anh Minh, Huế, 1958.