Khảo cổ
Đi tìm kho báu Hoàng tộc Chăm trên đất Nam Tây Nguyên
15:25 | 05/10/2012

KHẮC DŨNG

Việc ông Đăng Thanh (86, Hoàng Diệu, Đà Lạt, Lâm Đồng) “tuyên bố” mua được một tấm xà rông của vua Chăm khiến chúng tôi phải “vào cuộc” truy tìm nguồn gốc của món hiện vật này. Cũng nói thêm, ông Đăng Thanh là hội viên CLB UNESCO Nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam tỉnh Lâm Đồng (Club for antique research and collection in Lam Dong), một trong những người chơi đồ cổ khá nổi tiếng ở Lâm Đồng. Từ tấm xà rông mà ông Thanh cho rằng “của hoàng tộc Chăm”, chúng tôi về xã Pró (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) để tiếp cận với một số gia đình, dòng họ có quan hệ với “vua Chàm” xưa kia.

Đi tìm kho báu Hoàng tộc Chăm trên đất Nam Tây Nguyên
Ông Đăng Thanh và tấm xà rông của vua Chăm (?) sưu tầm được

Tấm xà rông của vua Chăm?

Trước khi đi Pró, vào một buổi sáng, chúng tôi tìm đến nhà riêng của ông Đăng Thanh trên đường Hoàng Diệu, Đà Lạt. Tại đây, chúng tôi khá bất ngờ: Trong hơn hai mươi năm sưu tầm, hiện bộ sưu tập của ông Đăng Thanh có đến 10.000 món đồ, trong đó có không ít món đồ cổ rất quý; đặc biệt là trong các hiện vật này, hầu hết có liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có người Chăm. Tuy nhiên, mới nhất và “nóng” nhất vẫn là tấm “xà rông vua Chăm” mà ông vừa mua được ở một người đồng nghiệp tại Bảo Lộc chỉ với giá một triệu đồng.

Tuy nhiên, khi chúng tôi trực tiếp đặt câu hỏi về nguồn gốc tấm “xà rông vua Chăm”, ông Thanh lại tỏ ra dè dặt: “Cho tới lúc này, tôi chưa dám khẳng định đó là tấm xà rông của vị vua Chăm nào đã mặc. Nhưng xét về nhiều mặt, có thể đây là trang phục của hoàng gia Chăm”. Ông tiếp lời: “Tôi mua nó từ một người sưu tầm đồ cổ ở Bảo Lộc. Ông ấy là Kim Tú Hiệp ở khu 1, phường 2, Tp Bảo Lộc. Ông Hiệp nói rằng món đồ quý này được ông mua lại của một người dân ở xã Pró, huyện Đơn Dương. Người dân đó là hậu duệ của một dòng tộc người Churu được hoàng tộc người Chăm ngày xưa gửi gắm những đồ vật để cất giữ dùm”.

Bà Đoàn Bích Ngọ - Phó GĐ Bảo tàng Lâm Đồng, người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa vật chất người Churu - cho biết: “Trong lịch sử, vùng đất Nam Tây Nguyên (Lâm Đồng) này từng ghi dấu hoàng thân quốc thích Chămpa. Ngay như tộc người Churu, xét về nguồn gốc, họ cũng là một nhánh nhỏ của người Chăm từ duyên hải miền Trung “lưu lạc” lên vùng rừng núi. Sau đó, có thể, trong cuộc binh biến với đội quân của các nước lân cận, người Chăm đã thất thế và một bộ phận hoàng tộc Chăm đã nghĩ đến đồng tộc của mình ở miền rừng núi nên đã chạy lên đây nương nhờ”. Cũng theo bà Ngọ, người dẫn đầu đoàn quân Chăm lên miền đất Nam Tây Nguyên sau khi thất thế ở vương quốc Chăm chính là hoàng tử Môn Lai Phu Tử. Trong quyển 5 của Đại Nam thực lục chính biên và sơ tập quyển 33 Đại Nam chính biên liệt truyện có chép, đại ý rằng: Vào năm Canh Tuất 1790, con vua Chăm ở Thuận Thành là Môn Lai Phu Tử đã đem liên thuộc và dân chúng theo Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn. Sau, ông được phong chức chưởng cơ và đổi tên thành Nguyễn Văn Chiêu. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, Nguyễn Văn Chiêu bị cách chức vì phạm trọng tội. “Có lẽ, sau khi bị cách chức, Môn Lai Phu Tử cùng dòng dõi phiên vương đã dạt về phía núi Nam Tây Nguyên. Khi đi, họ mang theo không ít triều phục, ấn tín, đồ dùng bằng vàng và bằng bạc… để gửi lại cho đồng tộc phiêu dạt trước đó của mình là người Churu trên đất Lâm Đồng ngày nay…” - bà Đoàn Bích Ngọ phỏng định. Cũng theo bà Ngọ, một trong những loại hình hiện vật mà hoàng tử Môn Lai Phu Tử gửi lại cho người Churu ở Lâm Đồng cất giữ từ bao đời nay là trang phục của hoàng triều, trong đó có xà rông. “Tuy nhiên, vì tôi chưa một lần được nhìn thấy trang phục của vua Chăm nên không thể khẳng định tấm xà rông nói trên của ông Thanh có phải là trang phục của hoàng tộc Chăm hay không” - bà Ngọ nói.
 

Một hiện vật mang dấu vết văn hóa Chăm do ông Đăng Thanh sưu tầm được tại Lâm Đồng


Kho báu của hoàng tộc Chămpa

Bà Đoàn Bích Ngọ khẳng định: “Tôi đã nhiều lần đi tìm và tiếp cận được với các hiện vật mà người Churu ở Lâm Đồng khẳng định rằng là “đồ vật của hoàng tộc Chăm” gửi lại trước khi đi về một phương trời nào đó. Trong các đồ vật đó, có những thứ rất quý. Song, chiến tranh đã làm thất lạc khá nhiều…”. Cũng theo bà Đoàn Bích Ngọ, điều đặc biệt là thời Pháp, không ít nhà khoa học và thám hiểm đã tỏ ra quan tâm một cách đặc biệt đến kho báu nói trên của người Chăm tại Lâm Đồng (tỉnh Tuyên Đức cũ). Bà Ngọ lưu ý: “Năm 1905, trong kỷ yếu “École Francaise d’extrême-Orient (BEFEO)” tập 5, bài khảo cứu “Le trésor des rois Chams” của tác giả H. Parmentier I.M.E. Durand có nhắc đến những kho báu nói trên. Sau đó, hai tác giả người nước ngoài khác cũng có nhắc đến các kho báu này là Mner và Jacque Doumes. Đặc biệt, giữa tháng 12/1957, Chánh Sự vụ thuộc Viện Khảo cổ của chính quyền Sài Gòn, ông Nghiêm Thẩm - người phụ trách công tác bảo tồn - đã được cử đến Tuyên Đức (Lâm Đồng ngày nay) để “xem xét các bảo vật vua Chăm” và đã có báo cáo rằng “Ở Lơbui (thuộc huyện Đơn Dương ngày nay) có ba điểm cất giữ báu vật của người Chăm, gồm một nơi chứa các đồ vật quý, một nơi để đồ sứ và một nơi để y phục”… Đồng bào Churu ở đây còn cho biết, hằng năm, cứ đến tháng 7 và tháng 9 của người Chăm (tức tháng 9 và tháng 11 dương lịch), những đại diện của người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận đều lên đây làm lễ cúng tại các nơi chứa vàng bạc, xiêm y và đồ sứ…”.

Bà Đoàn Bích Ngọ nói tiếp: “Bảo tàng chúng tôi đã nhiều lần tổ chức các đoàn đi sưu tầm hiện vật ở Đức Trọng và Đơn Dương - nơi có người Churu sinh sống ở Lâm Đồng. Trong đó, ba địa điểm được cho là đang cất giữ bảo vật người Chăm mà chúng tôi đã đến là đền Sóp, đền Krayo và làng Lơ Bui ở huyện Đức Trọng và huyện Đơn Dương. Tại đền Sóp, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến thầy cúng Ya Tang kéo từ gầm phản ra một giỏ tre đựng các hiện vật của người Chăm đang “gửi” ở đây gồm 2 cái bát lớn bằng đồng màu đen, 15 hiện vật bằng gốm sứ…”. Bà Đoàn Bích Ngọ nhấn mạnh: “Chính thầy cúng Ya Tang kể cho chúng tôi nghe rằng trước đó có rất nhiều đồ dùng bằng vàng và bằng bạc của vua Chăm, có cả kho y phục của hoàng tộc Chăm, nhưng sau đó bị quân đội của chính quyền Sài Gòn đến cướp phá nên hiện chỉ còn lại rất ít…”. Bà Ngọ tiếp tục câu chuyện: “Theo các già làng người Churu thì trước đây, cứ vào dịp lễ cúng vào tháng chạp hằng năm thì các thầy cúng người Churu lấy những bộ đồ được cất giữ ấy ra mặc và làm lễ; làm lễ xong, họ cởi ra xếp lại rồi trả về chỗ cũ. Thầy cúng Ya Theng ở đền Krayo còn nói rằng, đền Krayo là đền thờ vua Chăm có tên là Poklong Kahul và hoàng hậu Poklong Naiqua. Trước, ở đền này có cả một kho đựng đồ bạc và y phục của vua Chăm; có cả những hộp klon bằng vàng đựng tro và xương của vua và hoàng hậu. Sau đó, vào những năm 1968 - 1969, đáng tiếc là quân đội Sài Gòn đã dùng máy bay ném bom phá hủy ngôi đền…”.
 

Tấm áo màu trắng tinh hiện còn lưu giữ tại gia đình ông Ya Goih ở xã Pró, huyện Đơn Dương


Dấu tích còn lại

Theo bà Đoàn Bích Ngọ, báu vật của hoàng tộc Chăm hiện vẫn còn được lưu giữ trong cộng đồng dân cư Churu ở Lâm Đồng cho đến ngày nay, đặc biệt là trong cộng đồng Churu ở xã Pró, huyện Đơn Dương.

Trong một lần đến Đạ Quyn (huyện Đức Trọng), chúng tôi đã được thầy cúng người Churu tên là Ya Bá (hơn 70 tuổi) cho xem bộ đồ hành lễ của ông: “Đây là bộ đồ lễ của người Chăm, do thầy cúng người Chăm để lại cho gia đình mình. Nó được lưu giữ qua nhiều đời; đến mình là đời thứ năm hay thứ bảy gì rồi chứ không ít…”. Ông Ya Goih, 71 tuổi, người Churu ở thôn Pró Trong, xã Pró (huyện Đơn Dương) xác nhận: “Mình là anh em bà con với thầy cúng Ya Bá. Trước đây, ông cố bà cao của dòng họ nhà mình có cất giữ một số hiện vật của người Chăm. Bộ đồ lễ của thầy cúng Ya Bá gồm áo quần, lục lạc, roi… đều là do người Chăm gửi giữ giùm để hành lễ… Giờ, ngay trong dòng họ mình cũng cất giữ một vài món đồ nhưng chỉ khi nào làm lễ mới được mang ra”. Anh Jơrông Nga - Phó Chủ tịch HĐND xã Pró, một hậu duệ người Churu nói với chúng tôi: “Ya Goih là anh rể của mình. Chị gái mình là người được trao truyền giao giữ mấy món đồ ấy của người Chăm. Mình không biết cụ thể đó là những món gì. Chỉ biết là chị gái mình và anh rể Ya Goih đang có một “gia phả” ghi lại mấy món đồ người Chăm. “Gia phả” ấy được viết bằng tiếng Chăm trên những tấm lá. Những tấm lá cổ ấy được cuộn tròn trong một ống nứa…”. Nhưng, “Chỉ khi nào làm lễ cúng thì mới được mang mấy món đồ ấy ra” là câu nói được Ya Goih lặp đi lặp lại với chúng tôi. Mãi hồi lâu sau, bà vợ của Ya Goih mới mang một vài tấm xà rông cổ của người Chăm mà gia đình mình đang cất giữ ra để “chứng minh” với khách rằng gia đình mình hiện đang cất giữ các món đồ cổ của người Chăm: “Tấm áo khoác này có màu trắng mịn là trang phục của tầng lớp quý tộc Chăm. Ông cao ông cố mình kể là ngày xưa, khi người nhà của vua Chăm lên đây, họ thường mặc áo bằng lụa, có trang trí hoa viền màu vàng; áo lót bằng vải trắng… Đây là tấm áo lót màu trắng của họ…”.
 

Ông Ya Goih kể chuyện về các hiện vật hoàng tộc Chăm


Bà Đoàn Bích Ngọ - Phó GĐ Bảo tàng Lâm Đồng nói: “Tôi chưa được nhìn thấy trang phục của vua Chăm nên không thể khẳng định rằng tấm xà rông nói trên của ông Đăng Thanh có phải là trang phục của vua hay không”. Và chúng tôi cũng vậy, vì chưa một lần nhìn thấy trang phục ấy nên thật khó phân định tấm xà rông của ông Đăng Thanh mua được, và kể cả món đồ vật lụa trắng tinh của gia đình ông Ya Goih có phải là trang phục của hoàng tộc Chăm hay không. Tuy nhiên, điều dễ dàng nhận ra là tấm vải màu trắng hiện do gia đình Ya Goih cất giữ rất khác với vải mặc thông thường của người Churu. Chúng tôi thử tìm trong google bằng cụm từ “Trang phục vua chúa Chăm”, một bài viết hiện ra: “Trang phục vua chúa Chăm ngày xưa rất phong phú và đa dạng. Thế nhưng, cho đến nay, do biến động của lịch sử, vua chúa Chăm đã mất đi kéo theo sự biến mất về trang phục của họ…”. Tuy nhiên, cũng bài viết này cho biết: “Từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau, trang phục vua chúa Chăm được mô tả như sau: “Y phục vua chúa Chăm gồm có áo bào bằng lụa, có hoa bằng vàng, trên nền đen hay xanh lá cây; áo lót bằng vải trắng, nhỏ sợi mịn màng, đôi khi có thêu dệt hay viền tua bằng vàng…”. Đường thư cũng có nói đến “vua choàng một tấm vải trắng mịn”…”.

Bằng mắt thường, thật khó có thể khẳng định được tấm xà rông của ông Đăng Thanh và cả tấm áo choàng màu trắng của gia đình Ya Goih có đúng là trang phục của hoàng tộc Chăm hay không. Ngay cả ông Tôrông Cường - Chủ tịch HĐND xã Pró, một người Churu - cũng tỏ ra khá dè dặt: “Mình biết ở La Bui (huyện Đơn Dương) có một gia đình còn giữ một số hiện vật của người Chăm gửi cất giữ từ hồi xa xưa. Bà cụ ấy vốn là người có dòng họ với bà con người Chăm ở Ninh Thuận. Nay, cụ bà ấy mất rồi. Mấy món đồ ấy giờ giao cho con cháu của cụ cất giữ…”. Chúng tôi đã lên đường tìm đến La Bui để gặp gia đình ấy, nhưng đáng tiếc là chỉ nhận được những cái lắc đầu “Không biết! Mình không biết gì hết!” của cháu con cụ bà nói trên. Bà Đoàn Bích Ngọ nói: “Bảo tàng chúng tôi đã có những ghi chép về các kho báu người Chăm được lưu giữ tại các ngôi đền ở Đức Trọng và Đơn Dương. Riêng nguồn hiện vật của hoàng tộc Chăm hiện đang được lưu giữ trong dân thì khó mà thống kê được. Tất nhiên là chưa thống kê được nhưng thông qua các nguồn tin, chúng tôi khẳng định nguồn hiện vật hoàng tộc Chăm hiện đang được người Churu ở Lâm Đồng cất giữ là không ít. Riêng tấm xà rông của ông Đăng Thanh thì cần có cơ quan chức năng thẩm định mới có thể khẳng định nó có phải là của vua Chăm hay của hoàng tộc Chăm hay không…”.

Thực tế sử sách còn chép lại là trên vùng đất Nam Tây Nguyên này đã diễn ra nhiều cuộc truy tìm kho báu của người Chăm cất giấu do thời cuộc biến động. Đó là những cuộc tìm kiếm của người Pháp lẫn người Việt, từ trước 1975 và cả sau 1975. Như vậy, kể từ văn bản đầu tiên mà Phó GĐ Bảo tàng Lâm Đồng, bà Đoàn Bích Ngọ, cung cấp là “Năm 1905, trong kỷ yếu “École Francaise d’extrême-Orient (BEFEO)” tập 5, bài khảo cứu “Le trésor des rois Chams” của tác giả H. Parmentier I.M.E. Durand có nhắc đến những kho báu nói trên” đến nay, đã hơn một thế kỷ trôi qua nhưng xem ra kho báu của vua Chăm và hoàng tộc Chăm trên vùng đất Nam Tây Nguyên (Lâm Đồng) này vẫn còn chìm trong bí ẩn.

K.D
(SĐB9-12)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ký ức Hoàng Sa (21/06/2012)