HỒ VĨNH
Mới đây trong quá trình sưu tầm tư liệu Hán Nôm tại Cố đô Huế, chúng tôi tìm thấy một quyển Kinh Phật khắc in vào năm Kỷ Dậu (1909).
Quyển kinh khổ 12 x 21cm in chữ Hán trên giấy dó từ bản khắc gỗ, gồm có 46 trang, được phiên âm như sau:
Cảm ứng Cao Vương Quán Thế Âm kinh.
Đại Nam đế quốc Kỷ Dậu đông chí hậu.
Mộc ân đệ tử đẳng cung thuyên...
Trợ khắc ấn tống phương danh dĩ hạ: Lễ bộ Lang trung Phạm Hằng phụng ngân nhị nguyên, cẩn tín ty Chủ sự Nguyễn Đức Hữu phụng ngân nhất nguyên, Hữu tứ vệ Chính quản Nguyễn Trí Cơ phụng ngân nhất nguyên, Tả tam vệ Chính quản Lê Văn Lợi phụng ngân nhị nguyên, Hộ thành vệ Phó quản Lê Viết Nghiêm phụng ngân tam nguyên, Tả tam vệ Phó quản Lê Nhã phụng ngân nhất nguyên, Nội vụ phủ Tư vụ Phạm Bang phụng ngân nhất nguyên, Binh bộ Tư vụ Võ Văn Đôn phụng ngân nhất nguyên, Thừa Thiên phủ Hậu Bổ Đỗ Lê Phổ phụng ngân nhất nguyên, Binh bộ Ty cửu phẩm Phan Như Thuấn phụng ngân tam nguyên, Ngũ đẳng Thị vệ Võ Bá Ngạn phụng ngân nhất nguyên, Công bộ cửu phẩm Phạm Xuyến phụng ngân nhất nguyên, Cửu phẩm Trần Như Hải phụng ngân nhất nguyên, Ấm sanh khiêu trúng Ngô Dự phụng ngân tam nguyên, Ấm sanh khiêu trúng Đặng Kiểm phụng ngân tam nguyên, Tư giáo Hồng Trọng Bao phụng ngân nhất nguyên, Binh ty thư lại Nguyễn Thành phụng ngân nhất nguyên, Kỳ lão Nguyễn Văn Phong phụng ngân nhất nguyên, Viên tử Hồ Quảng Thể phụng ngân nhị nguyên, Thí sanh Phạm Hữu Nam phụng ngân nhất nguyên, Sử quán thư khắc Nguyễn Thiên Trứ phụng ngân ngũ hào, An Tĩnh Tổng đốc Nguyễn phu nhân Thái Thị... pháp danh Như Huệ phụng ngân nhị nguyên, Hộ chính tòa Thông sự Phạm... thất trung Trần Thị An phụng ngân nhất nguyên, Hình ty bát phẩm thất trung Lê Thị Liên phụng ngân nhất nguyên, Hành nhân ty bát phẩm thất trung Trần Thị Lệ phụng ngân nhất nguyên, Hồng Thị Lâm pháp danh Trừng Hòa phụng ngân nhất nguyên, Lê Thị Chí pháp danh Thanh Ý phụng ngân ngũ hào, Lữ Thị Kiển pháp danh Trừng... phụng ngân tứ hào, Sử quán thất phẩm Nguyễn Quát phụng ngân nhất nguyên, Binh ty bát phẩm Hồ Văn Hạnh phụng ngân tam nguyên, Thanh Hóa bát phẩm Đặng Như Bá phụng ngân nhất nguyên.
Hợp cộng kinh chỉ tứ thập lục trương nhị thập tam phiến.
Sử quán thư khắc tượng mục Nguyễn Văn Tân kính khắc.
Tạm dịch:
Kinh Cảm ứng Cao Vương Quán Thế Âm.
Hoàng đế nước Đại Nam, sau ngày đông chí năm Kỷ Dậu (1909).
Tất cả đệ tử kính khắc... (nội dung văn bản Kinh Phật).
Dưới đây những người ấn tống khắc in:
Lang trung Phạm Hằng (làm việc ở) bộ Lễ cúng hai đồng, Chủ sự Nguyễn Đức Hữu ở ty Cẩn tín cúng một đồng, Chính quản Nguyễn Trí Cơ ở Vệ hữu tứ cúng một đồng, Chính quản Lê Văn Lợi ở Vệ tả tam cúng hai đồng, Phó quản Lê Viết Nghiêm ở Vệ Hộ thành cúng ba đồng, Phó quản Lê Nhã ở Vệ tả tam cúng một đồng, Tư vụ Phạm Bang ở phủ Nội vụ cúng một đồng, Tư vụ Võ Văn Đôn ở bộ Binh cúng một đồng, Hậu Bổ phủ Thừa Thiên Đỗ Lê Phổ cúng một đồng, cửu phẩm Phan Như Thuấn cúng ba đồng, Ngũ đẳng Thị vệ Võ Bá Ngạn cúng một đồng, cửu phẩm Phạm Xuyến ở bộ Công cúng một đồng, cửu phẩm Trần Như Hải cúng một đồng, Ấm sanh Ngô Dự thi hạch đậu (trúng tuyển kỳ thi) cúng ba đồng, Ấm sanh Đặng Kiểm, thi hạch đậu cúng ba đồng, Tư giáo Hồng Trọng Bao cúng một đồng, Thư lại Nguyễn Thành thuộc ty bộ Binh cúng một đồng, Kỳ lão Nguyễn Văn Phong cúng một đồng, Viên tử Hồ Quảng Thể cúng hai đồng, Thí sinh Phạm Hữu Nam cúng một đồng, thợ khắc ở Sử quán Nguyễn Thiên Tứ cúng năm hào, phu nhân Thái Thị... Tổng đốc An Tĩnh pháp danh Như Huệ cúng hai đồng, Thông sự tòa Hộ chính (họ) Phạm có vợ chính là Trần Thị An cúng một đồng, vợ chính của ông... hàm bát phẩm ở ty thuộc bộ Hình cúng một đồng, vợ chính của ông... làm việc ở ty Hành nhân là Trần Thị Lệ cúng một đồng, bà Hồng Thị Lâm pháp danh Trừng Hòa cúng một đồng, bà Lê Thị Chí pháp danh Thanh Ý cúng năm hào, bà Lữ Thị Kiển pháp danh Trừng... cúng bốn hào, ông Nguyễn Quát hàm thất phẩm làm việc ở Sử quán cúng một đồng, bát phẩm Hồ Văn Hanh làm việc ở ty thuộc bộ Binh cúng ba đồng, bát phẩm Đặng Như Bá (tỉnh) Thanh Hóa cúng một đồng.
Tổng cộng văn bản kinh gồm có 46 trang và mộc bản là 23 tấm (bản khắc gỗ).
Tượng mục (thợ cả) làm việc ở Sử quán là Nguyễn Văn Tân kính khắc.
Căn cứ vào bản kinh trên, trong phần ghi chép cuối cùng, cho biết có 31 vị đã phát tâm khắc bản Kinh Phật. Đặc biệt Kinh Cảm ứng Cao Vương Quán Thế Âm đã được in tại Sử quán triều Nguyễn - Kinh đô Huế.
H.V
(SDB13/06-14)