Khảo cổ
Bí ẩn xung quanh chiếc vạc đồng ở chùa Hội Thượng
09:21 | 28/08/2014

TRẦN VĂN DŨNG

Trong quá trình điền dã, khảo cứu hệ thống giá trị các di sản văn hóa vật thể trên địa bàn làng Thượng An, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi đã phát hiện tại chùa Hội Thượng (còn gọi là Niệm Phật Đường An Cát) đang lưu giữ một chiếc vạc đồng được đúc vào thời vua Minh Mạng (1820 - 1840).

Bí ẩn xung quanh chiếc vạc đồng ở chùa Hội Thượng
Chiếc vạc đồng ở chùa Hội Thượng

Về mặt hiện vật thì chiếc vạc đồng này được xem là một bảo vật của dân làng Thượng An song về lai lịch xuất   hiện của nó thì lại như một bức màn bí ẩn cần phải có sự tìm hiểu nghiên cứu nghiêm túc mới có thể giải đáp được một cách thấu đáo.

1. Chùa Hội Thượng và chiếc vạc đồng quý

Thượng An là một làng được thành lập khá sớm, dưới thời Mạc (1527 - 1593) có tên là Thượng Lộ thuộc huyện Đan Điền (nay là huyện Quảng Điền), phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Nhà sử học Dương Văn An - tác giả sách Ô Châu Cận Lục cho biết làng Thượng Lộ được lập trước năm 1555, là một trong 53 làng xã của huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong thời bấy giờ(1). Sau này, danh xưng Thượng Lộ đổi thành Thượng An và tên gọi này tồn tại cho đến ngày nay. Cũng giống như nhiều làng cổ khác thuộc khu vực Trung bộ, làng Thượng An giàu văn hóa, đặc biệt còn lưu giữ khá nhiều công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng độc đáo. Nằm trong hệ thống đình làng, miếu mạo cổ kính, chùa làng Hội Thượng là một trong những di tích có giá trị văn hóa lịch sử khi còn giữ lại được nhiều chứng tích của lịch sử.

Về mặt lịch sử xây dựng, thời điểm chính xác khởi dựng chùa Hội Thượng khởi dựng cho đến bây giờ vẫn chưa ai khẳng định được. Tuy nhiên, qua bức hoành phi còn bảo lưu tại chùa cho biết một thông tin là chùa Hội Thượng ra đời vào năm Nhâm Ngọ. Vì vậy, một giả thiết cho rằng chùa được các tộc trưởng của các họ trong làng xây dựng vào năm Nhâm Ngọ thời Lê Trung Hưng, cùng thời điểm khởi dựng chùa Giác Lương ở làng Hiền Lương, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền(2). Căn cứ vào minh văn chữ Hán khắc ở xà ngang của chùa cho biết chùa đã từng được trùng tu lớn vào đời vua Thành Thái thứ 18 năm Bính Ngọ (1906) và sau này còn được sửa chữa, tôn tạo thêm nhiều hạng mục kiến trúc.

Về kiến trúc và lễ hội liên quan: Khuôn viên chùa hiện nay rộng khoảng 5000m2. Chùa xây dựng theo kiểu thức nhà rường ba gian hai chái, nằm quay mặt về hướng Nam (phía dòng sông Bồ). Chùa Hội Thượng là một di tích kiến trúc nghệ thuật khá tiêu biểu ở Huế, có niên đại xây dựng tương đối sớm với nhiều giá trị đặc sắc. Đây là một nguồn sử liệu vật chất trực tiếp, một dấu ấn văn hóa sâu đậm góp phần đáng kể vào việc tìm hiểu kiến trúc gỗ dân gian truyền thống thế kỷ 19, mang phong cách nhà rường Huế, với kiểu dáng quy mô, kỹ năng mỹ thuật, các đồ án trang trí theo lối nghệ thuật đặc trưng thời Nguyễn. Nội thất chùa, từ bộ khung đến hệ thống liên ba, cửa bảng khoa đều trang trí, chạm nổi hình bát bửu, tứ linh, tứ thời, và các kiểu hoa văn tinh xảo. Những đề tài trang trí trong kết cấu gỗ của chùa Hội Thượng với những nét sáng tạo, cách tân, giàu tính nhân văn nói lên nguyện vọng thiết thân của cư dân nông nghiệp cầu mưa thuận gió hòa, vật lực phồn thịnh, nước nhà yên ổn…

Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ Quan Thánh, đồng thời là nơi thờ tự, bảo quản hòm bộ của làng Thượng An (địa bộ, sắc phong, chúc văn...). Trong những ngày đại lễ của làng đều không thể thiếu vắng nghi thức rầm rộ mà trang nghiêm: Lễ nghinh hòm bộ từ chùa về đình để tế rồi đưa về lại chùa để thờ, bảo quản như cũ. Trải qua hơn 2 thế kỷ, nhân dân vẫn hương khói phụng thờ, cầu đảo linh ứng. Chùa Hội Thượng là một trong những ngôi chùa cổ được xây dựng khá sớm ở vùng Thuận Hóa, dưới thời Lê, đánh dấu một giai đoạn phát triển rực rỡ về văn hóa và xã hội của dân tộc Việt trên con đường mở đất, mở nước về phương Nam - xứ Đàng trong. Về mặt dã sử, theo lời kể của các vị cao niên trong làng, trước đây vua Minh Mạng trong lúc vi hành thường ghé thăm chùa Hội Thượng để cầu đảo.

Về chiếc vạc đồng chùa Hội Thượng: Trong các triều đại phong kiến, chiếc vạc đồng luôn được xem là biểu tượng uy quyền của các bậc đế vương. Căn cứ vào Từ điển Từ Hải, các từ điển chữ Nôm, Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ), có thể tạm phân biệt thành 2 loại: đỉnh là loại có chân, và vạc là loại không có chân. Với cách phân loại trên, ở Huế hiện nay vẫn còn đến 15 chiếc vạc đồng được đúc dưới thời Nguyễn. Theo sách Lê Quý kỷ sự viết: “vạc tượng trưng cho cơ nghiệp thiên tử”(3). Bởi vậy vua, chúa là những người duy nhất có quyền ra lệnh cho đúc những chiếc vạc lớn nhằm thể hiện quyền uy của mình và triều đại đối với thần dân và xã tắc. Được biết bộ sưu tập vạc đồng của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện còn lưu giữ và trưng bày 15 chiếc vạc do các chúa Nguyễn và về sau là vua Minh Mạng cho đúc. Trong số đó, 11 chiếc được đúc vào thế kỷ XVII, từ năm (1631 - 1684) (thời chúa Nguyễn Phước Nguyên (1613 - 1635), Nguyễn Phước Lan (1635 - 1648) và Nguyễn Phước Tần (1648 - 1687), và 4 chiếc vạc đồng được đúc vào thời Minh Mạng (1820 - 1840). Hiện nay, 11 chiếc vạc đồng thời chúa Nguyễn đều đang được đặt tại các di tích của triều Nguyễn 7 chiếc vạc đồng bên trong Đại Nội, 3 chiếc vạc đồng đặt trước Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và 1 chiếc việc đồng đặt tại lăng vua Đồng Khánh; 4 chiếc vạc thời Minh Mạng đang được đặt phía trước điện Hòa Khiêm, trong khu vực lăng vua Tự Đức, gồm: chiếc thứ 1 được đúc vào năm 1825, nặng 430 cân; chiếc thứ 2 cũng được đúc cùng năm với chiếc thứ 1, nặng 435 cân; chiếc thứ 3 được đúc vào năm 1828, nặng 352 cân; chiếc thứ 4 được đúc cùng năm với chiếc thứ 3, nặng 399 cân(4).

Chiếc vạc đồng lưu giữ tại chùa Hội Thượng có đường kính miệng 93cm, cao 80cm; thuộc loại vạc 4 quai, nhưng 4 chiếc quai này lại được đặt thấp dưới miệng vạc và được tạo hình kiểu đầu rồng, trông gần giống quai của loại vạc 8 quai thời chúa Nguyễn. Về hình dáng: Thân vạc để trơn, không trang trí, có kiểu gần như hình chum trên to dưới nhỏ chứ không tạo hình trụ thẳng đứng trên dưới bằng nhau như 10 chiếc vạc thời các chúa Nguyễn. Tất cả những đặc điểm này thể hiện nghề đúc đồng dưới triều Nguyễn có sự kế thừa và phát triển từ thời các chúa Nguyễn. Trên thân vạc khắc dòng lạc khoản “ - Minh Mệnh cửu niên tạo”, xác định niên đại của chiếc vạc đồng được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 9 (năm 1828). Như vậy, chiếc vạc đồng tại chùa Hội Thượng đúc cùng năm với chiếc vạc đồng thứ 3 và thứ 4 vào năm 1828 đặt tại lăng vua Tự Đức. Cạnh trái khắc dòng trọng lượng “ - Trọng tam bách thập thất cân”, xác định được trọng lượng của chiếc vạc đồng là 317 cân (khoảng 200kg). Do vậy, trọng lượng của các vạc đồng đúc vào thời Minh Mạng có khác nhau song nhìn chung về hình thức và kích thước thì gần như tương tự. Chiếc vạc đồng chùa Hội Thượng giống chiếc vạc đồng thứ 3 và thứ 4 đặt tại lăng vua Tự Đức là chỉ đề năm đúc và trọng lượng chứ không ghi đơn vị đứng ra đúc. Còn chiếc vạc đồng thứ 1 và thứ 2 tại lăng vua Tự Đức đều có ghi rõ “Minh Mạng lục niên nhị nguyệt cát nhật Võ Khố phụng tạo” (Võ Khố phụng mệnh vua để đúc vào tháng 2 năm Minh Mạng thứ 6 - năm 1825).

2. Đi tìm lai lịch chiếc vạc đồng chùa Hội Thượng

Theo lời kể của các vị cao niên của làng Thượng An, chiếc vạc đồng này đã được dân làng gìn giữ cẩn thận gần 200 năm. Trước đây, do dân làng sợ thực dân Pháp trưng thu vạc để đúc súng đạn, nên các vị bô lão trong làng quyết định đào một cái hố gần chùa Hội Thượng, lót rơm lên, rồi huy động trai làng khuân vạc đồng chôn giấu xuống hố. Qua nhiều đời sau, vị trí chôn giấu vạc bị lãng quên theo năm tháng. Cùng với sự ra đi của các bậc tiền bối hữu công, số người biết được chuyện này thưa dần rồi mất hẳn, dẫn đến việc nảy sinh nên câu chuyện huyền thoại về chiếc vạc đồng tại chùa Hội Thượng. Vào khoảng năm 1950, khi dân làng Thượng An tiến hành đào mương ở mảnh đất gần khuôn viên chùa Hội Thượng bỗng phát hiện một vật lạ ẩn dưới lớp bùn lầy. Dân làng đào lên, thì phát hiện là một chiếc vạc đồng lớn. Sau đó, các vị bô lão của làng quyết định khiên chiếc vạc đồng lên và đặt nó vào vị trí trang trọng trong khuôn viên chùa Hội Thượng. Có thể đây cũng là lý do để hiện nay, dù trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử chiếc vạc đồng vẫn còn được lưu giữ tại chùa làng Hội Thượng.

Cho đến tận bây giờ, lai lịch và thời khắc hiện diện đầu tiên của chiếc vạc đồng chùa Hội Thượng tại làng Thượng An vẫn được xem là một điều bí ẩn chưa có lời  giải đáp chính xác. Có chăng chỉ là những câu chuyện truyền khẩu giữa chốn dân gian. Những câu chuyện đó có thể chẳng bao giờ xác minh được, hoặc khi xác minh lại thấy không đúng. Chúng tôi không lạm bàn về tính thực hư của các câu chuyện trên, nhưng rõ ràng chiếc vạc đồng chùa Hội Thượng có màn sương bao phủ huyền thoại như vậy đã làm cho nó vỗn dĩ đã quý lại càng thêm quý.

Trong quá trình điền dã kết hợp với việc sử dụng tư liệu thành văn chúng tôi xác định những giả thiết lí giải về nguồn gốc hiện diện của chiếc vạc đồng tại chùa Hội Thượng như sau:

Giả thiết thứ nhất, do một cảnh huống lịch sử nào đó mà chiếc vạc đồng bị lưu lạc đến làng Thượng An và được nhân dân địa phương lưu giữ trong chùa làng. Dựa vào các tài lịch sử vùng đất Cố đô Huế, chúng ta có thể ngờ rằng sự kiện ngày 5/7/1885, khi quân Pháp đánh chiếm Kinh thành Huế, giữa lúc vua Hàm Nghi và hoàng gia xuất bôn ra Quảng Trị, rồi ra Hà Tĩnh, thì quân Pháp lại tràn vào cướp bóc tất cả đồ đạc quý giá đang trưng bày và thờ tự trong các cung điện ở Đại Nội. Trong hoàn cảnh này, chiếc vạc đồng đã lưu lạc đến làng Thượng An và được dân làng xem như báu vật của làng. Sau đó, chiếc vạc đồng được người dân đưa vào chùa Hội Thượng vốn là nơi sinh hoạt chung của cả cộng đồng.

Giả thiết thứ hai, chiếc vạc do triều đình phong kiến, mà đứng đầu là vua Minh Mạng thời đó cho đúc và được đưa đến chùa Hội Thượng (làng Thượng An) có chủ đích. Bởi lẽ, trong lịch sử triều Nguyễn (1802 - 1945) đã từng có sự kiện triều đình ban tặng chiếc đỉnh đồng lớn cho phủ Kiên Thái Vương. Đó là vào năm 1888, dưới thời vua Đồng Khánh (1885 - 1889), một chiếc đỉnh lớn đúc từ thời Minh Mạng được dâng tặng Kiên Thái Vương. Hiện nay, chiếc đỉnh này vẫn còn được đặt trong phủ Kiên Thái Vương, còn gọi là Nội từ (số 179 Phan Đình Phùng, thành phố Huế), ngay phía sau chiếc bình phong tiền của nhà thờ chính.

Chúng tôi nhận thấy rằng, giả thiết thứ hai cũng có rất nhiều cơ sở thuyết phục. Theo lời kể của rất nhiều nhân chứng, trước đây chùa Hội Thượng là một nơi danh thắng đẹp, nổi tiếng lại đảo vũ linh ứng nên có lần vua Minh Mạng đã chọn một ngày tốt dịp đầu năm mới cùng các quan thần đến chùa Hội Thượng lễ Phật, cầu cho dân chúng no ấm, đất nước thái bình. Hẳn nhiên, nếu có sự kiện đó thực thì việc vua Minh Mạng ra lệnh cho đúc một chiếc vạc đồng để tặng chùa Hội Thượng làm minh khí trưng bày để vừa bày tỏ lòng tôn kính Phật pháp vừa thể hiện quyền năng của vương triều là điều rất có thể xảy ra.

Hơn nữa, theo điều tra khảo sát, chúng tôi phát hiện tại hậu điện chùa Hội Thượng vẫn còn thờ bài vị của một nhân vật được xem là vị quan chủ quản công việc đúc đồng thời đó. Bài vị ghi rõ: “ - Võ khố Thiêm sự Hoằng Đức hầu Trần quý công phủ quân thần vị” (Bài vị của ngài họ Trần, chức quan Võ khố Thiêm sự, tước Hoằng Đức hầu). Từ xưa đến nay, bất kỳ một nhân vật nào đã được cả cộng đồng làng xã tôn vinh, thờ cúng thì chắc chắn đã có công lao to lớn với cộng đồng ấy. Có thể là công lao khai canh, khai khẩn, dạy dân nghề nghiệp mưu sinh, hoặc đơn giản là có công đức xây dựng các công trình công cộng hoặc công trình tôn giáo, tín ngưỡng cho cả cộng đồng... Dẫu hiện nay chúng tôi chưa tìm thấy những tài liệu ghi chép về mối quan hệ của ngài Võ khố Thiêm sự với dân làng Thượng An song có một điều chúng tôi có thể ngờ rằng, nhân vật này đã có công giúp chùa Hội Thượng trùng tu, sửa chữa và đúc một số minh khí quý bằng đồng.

Hiện tại, ngoài chiếc vạc đồng ra chùa Hội Thượng vẫn còn lưu giữ một chiếc đại hồng chung có thân cao 0,8 m, quai chuông cao 0,2 m. Chu vi giữa thân chuông là 1,33m, gần miệng chuông là 1,64 m. Căn cứ vào minh văn khắc chữ Hán trên thân chuông chúng tôi biết được quả đại hồng chung chùa Hội Thượng do một vị Võ khố Thiêm sự tên là Trần Văn Hoằng, tước Hoằng Đức Hầu đứng ra làm Hội chủ vận động tịnh tài của thập phương thiện tín để chú tạo vào mùa Thu năm Bính Tuất, niên hiệu Minh Mạng thứ 7 (năm 1826). Nguyên văn văn tự khắc trên thân chuông mà chúng tôi đã ghi lại được: “ - Minh Mạng thất niên tuế thứ Bính Tuất trọng thu cốc nhật tạo, trọng nhị bách nhị thập cân, Hội chủ Võ khố Thiêm sự Hoằng Đức hầu Trần Văn Hoằng” (Chuông đúc vào mùa Thu năm Bính Tuất đời vua Minh Mạng thứ 7 (1826), trọng lượng 220 cân, Hội chủ là Trần Văn Hoằng, chức Võ khố Thiêm sự, tước Hoằng Đức hầu).

Qua những tư liệu hán nôm quý đó cho chúng ta thấy một điều rằng: ngài Trần Văn Hoằng là vị quan lớn quyến mộ đạo Phật, có tiền của nên đã có nhiều đóng góp trùng tu chùa, đúc chuông cho chùa Hội Thượng. Vì vậy, danh tước ngài Trần Văn Hoằng do chùa Hội Thượng thờ tự và hồng chung khắc ghi.

Lần theo chính sử, chúng tôi nhận thấy sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn có chép một số sự kiện lịch sử liên quan đến danh tính vị Võ khố Thiêm sự Hoằng Đức hầu Trần Văn Hoằng. Mà những sự kiện ấy cho chúng ta một suy đoán, chính nhờ vào tước vị và quyền hành của mình, Võ khố Thiêm sự Hoằng Đức hầu Trần Văn Hoằng đã có sự tác động ít nhiều để triều đình phong kiến, đứng đầu là vua Minh Mạng đúc thêm chiếc vạc đồng để ban tặng cho chùa Hội Thượng làm vật kỷ niệm.

Con đường quan lộ của Trần Văn Hoằng thăng tiến dần theo sự nỗ lực của bản thân ông qua từng nhiệm vụ được giao. Gia Long năm thứ 15 (1816), ông được cử làm Cai bạ Nhà đồ Bắc Thành. Đây là bước mở đầu trong con đường hoạn lộ của Trần Văn Hoằng. Một thời gian sau, ông được thăng dần lên chức Lang trung Vũ Khố. Năm Minh Mệnh thứ 5 (1824), ông được cử trông coi việc ở Tạo tác cục. Năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), ông được thăng chức Thiêm sự Vũ Khố. Vũ Khố là cơ quan cơ quan cất giữ bảo quản các loại vũ khí, thiết bị của quân đội với nhiều kho tàng lớn nằm bên trong Kinh thành Huế. Năm Minh Mệnh thứ 7 (1826), ông được giao nhiệm vụ giữ chức Hộ lý ấn quan phòng Vũ Khố. Từ đây, chúng ta có thể thấy một điều, vào thời điểm này, Trần Văn Hoằng đã đứng ra vận động đúc đại hồng chung cho chùa Hội Thượng. Tiếp đến năm 1827, vua Minh Mạng ban thưởng cho Trần Văn Hoằng vì đã có công trong việc trông coi đúc kim bảo, ngọc tỷ - được xem là vật thể hiện quyền lực cao nhất của nhà vua. Sách Đại Nam thực lục, có đoạn chép khá rõ: “Bắt đầu đúc ấn “Hoàng đế tôn thân” (vuông 3 tấc 2 phân, dày 3 phân 6 ly), ấn “Sắc mệnh chi bảo” (vuông 3 tấc 2 phân, dày 3 phân 2 ly), đều núm hình rồng cuốn, ấn “Khâm văn chi tỷ”, ấn “Duệ võ chi tỷ” (đều vuông 2 tấc 7 phân, dày 3 phân 2 ly). Lại đúc lại ấn “Trị lịch minh thời” (vuông 2 tấc 8 phân, dày 3 phân 2 ly), đều núm hình rồng ngồi. Dùng vàng mười mà đúc. Sai bộ Lễ hội đồng với Nội vụ và Vũ Khố coi việc đúc ấn. Đúc xong, buộc ấn bằng giây tơ vàng, thưởng cho thợ đúc 30 lạng bạc; bọn chuyên biện là giám  lâm Vũ Khố Trần Văn Hoằng, Nguyễn Đăng Uẩn đều được thưởng một thứ kỷ lục”(5). Năm Minh Mệnh thứ 9 (1828), ông được điều chuyển sang làm Lang trung Nội vụ phủ. Đây là cơ quan quản lý việc chế tác và cất giữ những bảo vật, vật dụng của Hoàng cung.

Liên hệ đến chiếc vạc đồng chùa Hội Thượng, chúng ta có thể suy đoán vào thời gian này với chức quan Lang trung Nội vụ phủ đã có những tác động đáng kể đến triều đình phong kiến triều Nguyễn dẫn đến sự kiện vua Minh Mạng ban tặng chiếc vạc đồng cho chùa Hội Thượng. Đọc tiếp sách Đại Nam thực lục, chúng ta được biết đến năm Minh Mạng thứ 10 (1829), ông được vinh thăng Thị lang Nội vụ phủ(6), mang hàm Chánh tam phẩm văn ban, đứng đầu quản lý Nội vụ phủ. Trần Văn Hoằng được tiến cử giữ chức này chứng tỏ ông được nhà vua và triều đình rất tin dùng. Nhưng một điều đáng tiếc là đến tháng 7/1829, do ông quản lý thuộc hạ phụ trách cất giữ gương đồng ở kho Phủ Nội Vụ không tốt dẫn đến sự cố có nhiều vết mờ trên gương đồng của vua Minh Mạng mua từ nước Pháp. Do vậy, Bộ Hình đưa ra xét xử vụ án và sau đó tuyên án ông vào tội đồ(7). Vụ án tâu lên, vua Minh Mạng gia ân đổi làm cách chức, phát vãng làm binh ở cơ Định man đạo Cam Lộ(8). Sự nghiệp quan trường của ông không còn được viết lại trên sách Đại Nam thực lục.

Rõ ràng là chức tước của ngài Trần Văn Hoằng được ghi trên bài vị và văn khắc chuông chùa trùng khớp với các sự kiện lịch sử mô tả rõ ràng trong chính sử. Trần Văn Hoằng làm quan đến chức Thị lang Nội vụ phủ. Theo các vị cao niên trong làng, Trần Văn Hoằng với vị thế của mình lúc này có thế là người đứng ra làm người đại diện của dân làng vận động vua Minh Mạng trao tặng chiếc vạc đồng cho chùa Hội Thượng để làm kỷ niệm. Vì vậy, do những công lao và đóng góp lớn cho chùa Hội Thượng nên sau khi ông mất các tộc trưởng của làng Hội Thượng đã quyết định thờ linh vị ông một cách trang trọng phía sau hậu điện của chùa.

4. Lời kết

Vạc đồng tại chùa Hội Thượng là một hiện vật quý cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Đây là cổ vật có giá trị về mỹ thuật, kỹ thuật và văn hóa lịch sử. Nếu tính thêm chiếc vạc đồng vừa mới phát hiện tại chùa Hội Thượng thì cho phép chúng ta có thể khẳng định rằng tại đất Cố đô Huế hiện nay còn lưu giữ được 16 chiếc vạc đồng độc đáo. Tất cả những chiếc vạc này đều là bảo vật của Huế, là biểu trưng một thời cho sự hưng thịnh và phát triển của triều Nguyễn. Mỗi chiếc vạc đồng là một tác phẩm nghệ thuật, thể hiện trình độ kỹ thuật và mỹ thuật tuyệt vời của người thợ đúc đồng xứ Huế. Do trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, cổ vật triều Nguyễn đã bị thất lạc nhiều trong dân gian. Chắc chắn là ngày xưa, Huế không chỉ có chừng ấy vạc đồng, mà có thể nhiều hơn rất nhiều. Nhưng dù sao, với số lượng 16 chiếc vạc còn lại, Huế cũng có thể tự hào là một nơi hiện đang sở hữu số báu vật thuộc loại này phong phú nhất.

T.V.D  
(SH306/08-14)

-------------------------
1. Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền (2005), Địa chí huyện Phong Điền, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr. 538.
2. Nguyễn Thu (1974), Lê quý kỷ sự, bản chép tay, bản dịch Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
3. Phan Thanh Hải (2007), “Những cổ vật bằng đồng của Huế trước thời kỳ Phú Xuân”, Tạp chí Sông Hương, số 220.
4. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 820.
5. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 826.
6. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 871
7. Tội đồ là tội bắt làm nô lệ cho biết nhục, kéo dài từ 1 đến 3 năm, chia làm 5 bậc, bậc thấp nhất là bị bắt làm nô lệ một năm và bị đánh 60 trượng, bậc cao nhất phải chịu mức án đồ 3 năm, phạt 100 trượng.
8. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 871.  








 

Các bài mới
Các bài đã đăng