Khảo cổ
Tổng hội truyền bá quốc ngữ
09:15 | 14/01/2015

LÊ QUANG THÁI

I. SÁNG TẠO RA CHỮ QUỐC NGỮ
Vào khoảng giữa thế kỷ 17 đã có ít người dân nước Đại Việt viết chữ quốc ngữ theo mẫu tự a, b, c… khá thành thạo theo lối viết tiên phong “đổi lông ra sắt” ở hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Tổng hội truyền bá quốc ngữ
Chân dung của Alexandre de Rhodes (phiên âm tiếng Việt là A-Lịch-Sơn Đắc-Lộ hay A-lếc-xăng Đơ-rốt) - Ảnh: wiki

Trong suốt quá trình sáng tạo ra chữ quốc ngữ, đã có nhiều giáo sĩ Tây phương, cụ thể là người Pháp, Tây Ban Nha (tên cũ Y Pha Nho) đã tích cực góp phần vào việc sáng tạo và hoàn chỉnh chữ quốc ngữ mới, mà đặc biệt còn có sự góp sức của người Việt nữa. Đó là những nhà Nho tinh thông chữ Hán và chữ Nôm, những Phật tử uyên thâm Tam giáo mà điển hình là bà Trịnh Thị Ngọc Tú, con cháu họ Trịnh(1).

Vào thời Hậu Lê, tiền nhân ta đã quen gọi chữ Nôm là chữ quốc ngữ, về sau chữ quốc ngữ mới tiến triển khả dĩ đáp ứng được năng lực và nhu cầu trong việc giao dịch, diễn tả được tâm tư, tình cảm, tư tưởng của con người thì người ta đã quen gọi văn chương chữ Nôm là văn chương quốc âm thay vì văn chương quốc ngữ để khỏi nhầm lẫn.

Tháng 9 năm 1972, sách Lch s ch quc ng, 1620 - 1659 của nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Đỗ Quang Chính ra mắt độc giả. Đây là cuốn sách viết về lịch sử chữ quốc ngữ một cách nghiêm túc, có giá trị cao và rất đáng trân trọng bởi lẽ tác giả đã dày công sưu lục được từ những bản chép tay bằng chữ quốc ngữ mới ở tận các thư viện của các nước châu Âu trong nhiều năm. Đó là những nguồn tư liệu quý giá ở các văn khố, thư viện tại La Mã, Madrid, Lisboa, Paris, Lyon và Avignon…

Nguồn thư khố văn tịch được sưu lục là ấn tích vừa là ẩn tích minh chứng cho sự ra đời của chữ quốc ngữ đầu tiên được viết bằng bút sắt. Thư tịch quý giá ấy đã tạo cơ sở và nền tảng ban đầu cho những tu sĩ phương Tây đến truyền giáo ở nước Đại Việt.

Cái khó ban đầu là ngôn ngữ bất đồng, các thừa sai dòng Tên của người Pháp và Y Pha Nho bao gồm những vị đã đến trước và sau Đắc Lộ, đã giúp ông học tiếng Việt, viết tiếng nước Nam bằng chữ quốc ngữ được viết bằng mẫu tự Latin a, b, c… những đến khoảng gần 400 năm về trước. Thật thiếu sót nếu không kể tên những người Việt đã tận tình giúp Đắc Lộ trong việc sáng tạo ra chữ quốc ngữ - để hoàn thành bộ từ điển Việt - Bồ - La xuất bản năm 1651 và sau đó sách Phép giảng tám ngày…

Trang đầu Phép giảng tám ngày in năm 1651 của nhà truyền giáo Đắc Lộ. Bên trái là chữ Latinh, bên phải là chữ Quốc ngữ. - Ảnh: wiki
Tự điển in năm 1651 bằng ba thứ tiếng Việt-Bồ-La của giáo sĩ Đắc Lộ - Ảnh: wiki


II. HỘI TRUYỀN BÁ QUỐC NGỮ

Làm văn, viết báo, viết sách cũng đều nhắm đến tiêu chí quảng bá đạo lý, truyền bá quốc ngữ cho tầng lớp người đã biết đọc, biết viết, biết làm văn. Còn đối với người không biết chữ, thì sách vở, báo chí vẫn là “giấy tờ” hoặc “tờ giấy”… Biếu tặng sách vở cho họ thì khác nào “đặt con trâu trước cái cày!”.

Từ thời điểm đáng ghi nhớ năm 1939 trở về sau, việc truyền bá quốc ngữ trở thành như một cao trào lan tỏa nhanh chóng đến khắp cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Từ việc tiến hành lập Hội Truyền Bá Quốc Ngữ, rồi nâng cấp lên trở thành Tổng Hội chỉ trong một thời gian ngắn, suýt soát chưa đầy 2 năm. Thật thuận buồm xuôi gió, bởi lẽ đường lối, chủ trương, tôn chỉ của Hội, rồi của Tổng Hội rất thiết thực, quang minh đáp ứng nhu cầu phụng sự nhân sinh, khai mở dân trí.

Giới nhân sĩ, thân hào, trí thức Bắc Hà thời ấy đã khéo chọn mặt gởi vàng; tất cả đều đồng tình tôn phong người đứng đầu Hội Truyền Bá Quốc Ngữ là học giả Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947) - vị Hội trưởng đầu tiên và cũng là Tổng Hội trưởng Hội Truyền Bá Quốc Ngữ có một uy tín lớn lao trong lòng quần chúng Hà Thành được xếp hạng ngôi thứ của giới cầm bút nổi tiếng, thể hiện bằng phương ngữ: “Quỳnh, Vĩnh, Tố, Tốn”. Cụ Nguyễn Văn Tố đã từng giữ chức Hội trưởng Hội Trí Tri, là chuyên viên văn học cổ Việt Nam ở Trường Viễn Đông Bác Cổ.

Giúp việc cho Hội trưởng, rồi Tổng Hội trưởng là luật sư Vũ Đình Hòe (1912 - 2011), dạy học tại trường Thăng Long(2). Ngoài ra, Hội Truyền Bá Quốc Ngữ đã mời được những nhân sĩ trí thức như Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Huy Trác, Lê Dư… và kể cả thanh niên Nguyễn Hữu Đang(3). Học giả Trần Văn Giáp đã viết sách Vn Quc ng đề xướng việc học chữ Việt theo lối “i-tờ” vào năm 1938(4).

2.1. Vn động thành lp Hi

Báo Trung Nam Tân Văn số ra ngày 28/05/1938 viết:

“Mới khoảng 8 giờ rưỡi tối hội quán phố Charles Culier đã đông nghẹt người. Dưới hàng chục ngọn đèn mấy trăm nến, sân quần vợt Hội C.S.A đông đặc(5) những người. Số người đông quá…, ông Phan Thanh, giáo sư trường Thăng Long, nói tiếng Pháp bằng một giọng rất hùng hồn khúc chiết về sự truyền bá chữ quốc ngữ cho dân ta và bài trừ nạn thất học ở xã hội Việt Nam”(6).

Thế rồi, vào đầu năm 1939, Ban vận động thành lập Hội Truyền Bá Quốc Ngữ bao gồm những bậc trí thức tân học tiêu biểu như Phan Thanh (1908 - 1939), Đặng Thai Mai (1902 - 1984), Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013)… Mục tiêu của Hội là dạy cho người bình dân lao động mù chữ biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Vào những năm đầu thập kỷ 40 thế kỷ 20, du khách đất Bắc ngồi trên thuyền đò xuôi ngược sông Hương vẳng nghe ca từ cổ động theo điệu hò Huế gồm 3 khổ do Thi ông Ưng Bình Thúc Gia Thị sáng tác:

1 - “Có ông giáo sĩ người Tây Ban Nha đến nước ta làm ra quốc ngữ,
Người Nam ta có chữ, có học, có hay.
Vần xuôi vần ngược khéo xây.
Lại thêm năm dấu là thầy của ta”.

2 - “Đứng đầu là chữ A đứng sau là chữ X.
Hai mươi chín chữ ràng rịt lấy nhau.
Học vài ba tháng không lâu;
Dễ xem, dễ đọc, viết nên câu cũng dễ dàng”.

3 - “Vàng chất lên non không bằng cho con biết chữ,
Sách in quốc ngữ có lịch sử, có từ chương.
Hội quốc văn đã mấy năm trường,
Ra công truyền bá đặng mở đường văn minh”.

2.2. Thành qu bước đầu ca Hi Truyn Bá Quc Ng

Thay vì nói “xóa nạn mù chữ” hoặc “bài trừ giặc dốt” hoặc “diệt trừ giặc dốt”, các nhân sĩ trí thức cựu học và tân học đã suy tư, đắn đo dùng một tập hợp từ để gọi tên Hội mới được lập ra một cách nhẹ nhàng mà lại thanh thoát: Hội Truyền Bá Quốc Ngữ.

Chỉ một vài năm sau đã được nâng cấp lên thành Tổng Hội theo đà tiến phát chóng vánh mà chẳng mấy ngờ. Thì ra, dân tộc tính mà tiêu biểu là giai điệu tiếng ru hời của mẹ đẻ như đã thổi hồn cho Tổng Hội tạo ra một sức bật thật mãnh liệt.

Hiện nay, phần tư liệu lịch sử liên quan đến việc truyền bá quốc ngữ thật hiếm hoi. Cất công góp nhặt sỏi đá mới tìm ra được những mảnh vụn. Học giả Lê Văn Siêu đã viết ở sách Văn hc s thi kháng Pháp, xuất bản năm 1974 cho biết mọi việc tổ chức, sinh hoạt của Hội cùng việc thành lập chi nhánh tại các tỉnh thành lớn ở trong nước từ Bắc chí Nam đều do ông Nguyễn Hữu Đang, được cụ Nguyễn Văn Tố tín cẩn trao quyền thực hiện chủ trương của Hội một cách năng động.

Tại sách vừa dẫn ở trang 375 - 376, soạn giả Lê Văn Siêu đã viết về cái tài năng tổ chức của ông Nguyễn Hữu Đang, người tỉnh Hưng Yên có thực tài về tổ chức biết “biến nước trong thành hồ” hoặc “mượn đầu heo nấu cháo”. Minh triết thật!

“Ông (Nguyễn Hữu Đang) tổ chức những buổi thuyết giảng để huấn luyện giáo viên về kỹ thuật dạy chữ quốc ngữ cho có kết quả nhanh chóng, lại đẩy người ta đi học các lớp học buổi tối thật đều đặn đúng giờ, mưa gió bão bùng không quản ngại, lại khích lệ lòng hào hiệp quân tử để anh chị em từ chối không lấy một đồng xu tiền thù lao nào, còn bỏ thêm tiền nhà ra làm việc nghĩa là khác nữa…”(7)

Đó là bước 1 về đào tạo nhân sự chủ lực là giáo viên đứng lớp. Bước thứ hai, là trì chí quyết tâm thực hiện cho kỳ được khát vọng và hoài bão của dân tộc Việt:

“Ông (Nguyễn Hữu Đang) lại tổ chức những ban cổ động đi vào khắp các hang cùng ngõ hẻm trong thành phố để kêu gọi người đi học, từ những ông bà già năm sáu chục tuổi đến những em nhỏ sáu bảy tuổi học mỗi khóa chỉ ba tháng biết viết biết đọc mà bút giấy đều do hội cung cấp cả, không tốn kém đồng xu nào. Rồi ông lại tổ chức những ban khánh tiết đi quyên tiền những nhà giàu có trong thành phố, hoặc bán vé xem hát, chiếu bóng, ca vũ nhạc, do ban tổ chức để lấy tiền cho hội chi phí vào việc dạy học”(8).

Bước thứ ba là ông Nguyễn Hữu Đang đã khôn khéo trong việc mời gọi, chinh phục mọi giai tầng xã hội tự nguyện cống hiến công sức, tiền của để tất cả cùng nhau làm việc nghĩa cao đẹp. Thấy việc nghĩa mà không ra tay thì làm sao mà thành người dũng được.

“Những thương gia, kỹ nghệ gia giàu có, mà từ trước bị xã hội coi thường là “trọc phú”, ích kỷ, chỉ bo bo giữ lợi cho mình, thì đều được hội chiếu cố mà cung cấp cơ hội cho thành những Mạnh Thường Quân. Những ca nhạc sĩ, kịch sĩ cũng được hội kêu gọi lòng hào hiệp để hăng hái tham gia và đem tài giúp tổ chức những cuộc vui tưng bừng náo nhiệt trong thành phố. Nào những buổi lễ phát thưởng trong dịp mãn khóa, nào những buổi nhóm họp các ban hay toàn hội, nào những buổi tổ chức những cuộc vui hàng tháng lấy tiền sung quỹ, nào những buổi lễ ra mắt các ban, các chi hội… Chính nhờ Nguyễn Hữu Đang phần lớn mà cả xã hội đã có một không khí Truyền Bá Quốc Ngữ”(9).

Kể từ giữa năm 1938, một Ban vận động thành lập Hội Truyền Bá Quốc Ngữ ra đời, rồi đầu năm 1939 Hội chính thức ra đời, đáp ứng hoài bão của mọi tầng lớp quần chúng, từ các năm sau 1940 - 1944 đã kế tục lần lượt mở thêm hai mươi chi nhánh ở các tỉnh Bắc kỳ, sáu chi nhánh ở xứ Trung kỳ và một chi nhánh ở Nam kỳ. Như vậy kể từ khi Hội Truyền Bá Quốc Ngữ nhanh chóng phát triển thêm nhiều chi nhánh vào năm 1940 - 1941 thì Hội đã trở thành Tổng Hội một cách vừa trung thực và vừa chính thống, không ai bắt lý bắt lẽ được. Tài thật!

III. THÀNH QUẢ CỦA TỔNG HỘI TRUYỀN BÁ QUỐC NGỮ

3.1. Trung k: Sau năm 1939, bước vào năm 1940 tại Trung kỳ, Hội Truyền Bá Quốc Ngữ được thành lập mà người đứng đầu giữ chức Hội trưởng là Thi bá Nguyễn Phúc Ưng Bình, bút hiệu Thúc Gia Thị. Ngoài dân gian hay nói thêm thắt lệch lạc rằng với bút hiệu này thì Ngài đã thể hiện nét trào lộng, dí dỏm về “chất các Mệ” - ai cấm vào bịt miệng “thế gian” được. Cười trừ một cách dễ thương thôi. Thuở ấy Thi bá đang giữ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ. Hơn ai hết kể cả danh sĩ ở đất Thần kinh, cụ Ưng Bình Thúc Gia Thị thông cả Tây học lẫn Hán học. Cụ đỗ ký lục năm 1904, đậu cử nhân Hán học năm 1909; về hưu lãnh hàm Hiệp biện Đại học sĩ. Uy tín và uy thế lớn lao trên văn đàn chốn kinh sư. Nội dung ca từ cổ động theo điệu hò Huế đã dẫn ở bên trên gồm 3 khổ là một bằng chứng điển hình. Hương thơm từ việc làm của Tổng Hội Truyền Bá Quốc Ngữ đã thâm nhập vào lòng quần chúng.

Cụ Nguyễn Văn Vĩnh mất năm 1936, đã để lại cho đời mấy vần thơ trước khi Hội Truyền Bá Quốc ngữ ra đời: Sách Quc ng/ Ch nước ta/ Con cái nhà/ Nên phi hc. Đó cũng làm tam tự kinh… Ca từ bài hò Huế cổ động cho việc truyền bá Quốc ngữ thì thanh thoát và giàu chất sử thi hơn, thấm thía hồn dân tộc, chuyển tải được tự tình dân tộc:

“Hi quc văn đã my năm trường,
Ra c
ông truyn bá đặng m đường văn minh?”

Giúp việc, giúp sức cho Thi bá Ưng Bình Thúc Gia Thị là Học giả Đào Đăng Vỹ (1908 - 1997), Hiệu trưởng trường Việt Anh và Hồng Đức tại Kinh thành Huế, ông cũng vừa là Hội trưởng Hội Quảng Tri, có trụ sở đặt tại đường Hàng Bè (nay là Trụ sở UBND phường Phú Hòa).

Tại Trung kỳ có 6 chi nhánh của Tổng Hội mà Huế là Chi hội đầu tiên, rồi lần lượt từ 1 đến 2 năm sau là các chi hội ở tại Quảng Nam, Vinh, Đồng Hới, Quy Nhơn và Khánh Hòa, đồng hành lan tỏa từ kinh thành Huế lan rộng ra như vết dầu loang như ở Bắc kỳ vậy(10).

3.2. Ti Nam k: Phải đợi tới 5 năm sau, đầu năm 1944 thì Hội Truyền Bá Quốc ngữ tại Nam kỳ mới được hình thành trên nhượng địa Nam kỳ do ông Nguyễn Văn Vỹ (1895-1976) còn gọi là Michel Văn Vỹ có quốc tịch Pháp(11). Công việc chính của Hội không hẳn chỉ là truyền bá và dạy chữ quốc ngữ cho đồng bào thất học ở đất Sài Gòn, Gia Định mà còn bước đầu lan dần ra các tỉnh Nam kỳ nữa theo dự tính.

3.3. Thành qu chung 3 min Bc Trung Nam. Công việc đã và đang tiến hành tốt đẹp, đầy hứa hẹn đạt được những thành quả trong việc phụng sự dân sinh, khai mở dân trí. Cuối năm 1944 thì chiến tranh càng ngày càng lấn sâu vào đô thị với những vụ báo động liên miên, máy bay đồng minh thả bom ngày và đêm đánh trả quân đội Nhật xâm chiếm Đông Dương khiến cho cầu kỳ, đường sá bị phá hủy tại nhiều nơi. Đồng bào, thanh niên tản cư ra ngoại ô và các vùng quê để lánh nạn.

Tình thế bức bách, vì vậy các lớp học buổi tối của Tổng Hội Truyền Bá Quốc Ngữ buộc lòng phải nghỉ dạy để bảo toàn sinh mệnh cho đồng bào.

Trong suốt thời gian ngắn chính thức sinh hoạt, kể từ năm 1939 cho đến 1944, mọi công việc đối nội và đối ngoại của Hội đều hanh thông nhờ biết phát huy tinh thần tự nguyện vì nghĩa lớn dân tộc, cho nên Hội đã sớm được nâng cấp Tổng Hội để đưa được hơn năm vạn người thất học thoát khỏi nạn mù chữ. Đó là một kỳ tích đọng lại nhiều ấn tượng sâu lắng trong lòng quần chúng đang khát khao được học tiếng mẹ đẻ, viết đúng tiếng Việt để có cơ hội tốt đọc được sách báo mở mang dân trí, nâng cao dân khí(12).

Thế chiến thứ 2 kết thúc, từ năm 1945 và những năm sau, thế hệ kế thừa đã thừa hưởng được những kinh nghiệm và tinh hoa của người đi trước để lại đời sau.

L.Q.T.  
(SDB15/12-14)


---------------
(1) Lịch sử Chữ quốc ngữ, 1620 - 1659, Đỗ Quang Chính, Nxb. Ra khơi, Sài Gòn, 1972, tr. 9-18.
Avignon: Alexandre de Rhodes sinh tại Avignon ngày 15/3/1593. Ngày 4/9/1791 Avignon mới sáp nhập vào nước Pháp. Đắc Lộ không phải là người Âu Châu đầu tiên học tiếng Việt, cũng không phải là người đầu tiên sáng tác chữ quốc ngữ… Xem Sđd từ trang 78-81. Người dạy tiếng Việt cho ông là Linh mục Francisco de Pina ở Dinh Chàm (Thanh Chiêm). Ông cho hay biết, ông cũng học tiếng Việt với một em bé 13 tuổi và sau này em bé ấy đã trở thành Thầy giảng mà ngôn ngữ Việt thời ấy gọi là “kẻ giảng”.
(2) Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Bá Thế, Nxb. Tổng hợp, thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tr. 1032, 1535.
(3) Nguyễn Hữu Đang, người Hưng Yên, lúc bấy giờ, 1938 là một thanh niên tiến bộ, năng nổ. Năm 1945 đã góp phần thiết kế Lễ đài: Việt Nam tuyên ngôn độc lập tại Hà Nội.
(4) Nắng được thì cứ nắng - Phan Khôi: từ Sông Hương đến Nhân văn, Phan An Sa, Nxb. Tri Thức, Hà Nội, 2013, tr.374. Trần Văn Giáp hiệu Thúc Ngọc, quê làng Từ Ô, xã Thanh Trào, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Theo Từ điển Nhân vật Việt Nam, Sđd, tr.1418 cho biết: Vần Quốc Ngữ, soạn cho Hội Truyền Bá Quốc Ngữ, ông cùng soạn chung với Hoàng Xuân Hãn, 1938.
(5) Đông đặc: chữ dùng của Phan Thanh, người xứ Quảng. Từ này có nghĩa là “đông đúc”.
(6) Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam, Sđd, tr.1227-1228.
(7), (8), (9) Văn học sử thời kháng Pháp, Lê Văn Siêu, Nxb. Trí Đăng, Sài Gòn, 1974, tr. 375.
(10), (11) Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam, Sđd. tr.154, 1048.
(12) Văn hóa nguyệt san, Bộ mới số 2, tháng 5/1955, Bộ QGGD, Sài Gòn, tr.165.
Bài “Dân tộc tính”, Nguyễn Đăng Thục đã dẫn lời của nhà tư tưởng Đức là Fitchte chủ trương lấy ngôn ngữ làm tiêu chuẩn của dân tộc tính như sau: “Những kẻ nói cùng một thứ tiếng là một đoàn thể mà tạo hóa đã liên kết với nhau bằng những sợi dây phức tạp và vô hình”.






 

Các bài mới
Các bài đã đăng