Khảo cổ
Sức sống Đông Sơn qua ngàn năm Bắc thuộc
13:46 | 23/01/2015

Theo GS Hoàng Xuân Chinh, sức sống văn hóa Đông Sơn trong thời Bắc thuộc được phản ảnh qua các cuộc khởi nghĩa chống thống trị phương Bắc với đỉnh cao là chiến thắng giành độc lập của Ngô Quyền, trong lúc nhiều văn hóa khác đã vĩnh viễn trở thành một bộ phận của văn hóa Hán.

Sức sống Đông Sơn qua ngàn năm Bắc thuộc
Một số hiện vật văn hóa Đông Sơn - Ảnh: Ngọc Thắng
Theo GS Hoàng Xuân Chinh, ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc vào đất nước ta đã xảy ra từ rất sớm, trước thời Hán nhiều. Chẳng hạn, trong văn hóa Phùng Nguyên chúng ta đã phát hiện những hiện vật bằng đá Thương Chu ở Trung Quốc. Ngay trong giai đoạn văn hóa Đông Sơn điển hình chúng ta cũng đã phát hiện một vài đồ đồng thời Chiến Quốc.
“Như vậy, sau khi Triệu Đà xâm lược nước Âu Lạc, nước ta trở thành quận huyện của nước Nam Việt thuộc nhà Triệu và sau đó thuộc nhà Tây Hán, thì văn hóa Đông Sơn cũng bước vào thoái trào trước sự bành trướng của văn hóa Hán. Tuy vậy, văn hóa Đông Sơn không tàn lụi một cách nhanh chóng, mà vẫn tiếp tục phát triển nhất định, phản ánh sức sống của người Lạc Việt”, GS Hoàng Xuân Chinh phân tích.

Mộ thuyền, trống đồng, hoa văn quý

Một trong những biểu hiện của sức sống vượt qua ngàn năm Bắc thuộc này là sự tồn tại của mộ thuyền. Là một nét văn hóa đặc trưng của văn hóa Đông Sơn, loại hình mộ quan tài hình thuyền còn được phát hiện ở nhiều nơi trong thời Đại Việt, sau ngàn năm Bắc thuộc.

Theo GS Chinh, qua đó có thể thấy mộ quan tài hình thuyền, một loại mộ độc đáo của văn hóa Đông Sơn vẫn tiếp tục tồn tại bên cạnh loại mộ gạch vòm cuốn kiểu Hán trong thời Bắc thuộc. Thậm chí nó còn tồn tại đến muộn hơn trong thời Đại Việt nói lên sức sống mãnh liệt của văn hóa Đông Sơn vượt qua thời gian dài.

Ông Chinh cũng đánh giá sự tồn tại của trống đồng là biểu hiện nổi bật của sức sống văn hóa Đông Sơn. Hiện vật tiêu biểu thời Đông Sơn của người Lạc Việt này vẫn tiếp tục tồn tại lâu dài sau khi nước Âu Lạc bị nhà Triệu chiếm. Theo Hậu Hán thư, tướng nhà Hán Mã Viện trong cuộc chiến chống lại cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, nhằm hủy diệt mọi giá trị vật chất và tinh thần của người Lạc Việt, đã tiến hành vơ vét trống đồng của người Việt. Nhưng sau đó nhiều loại trống đồng mới vẫn tiếp tục ra đời như các trống loại I Hê gơ muộn và trống đồng loại II Hê gơ. Cũng có cả loại trống chậu vừa có yếu tố Việt vừa có yếu tố Hán.

Cũng theo ông Chinh, sức sống văn hóa Đông Sơn còn thể hiện ở sự ra đời của những hiện vật có sự tiếp biến văn hóa Việt - Hán. Chẳng hạn, trong một số mộ táng, khảo cổ học đã gặp một vài đồ đồng hoặc gốm vừa mang phong cách văn hóa Đông Sơn vừa mang phong cách văn hóa Hán. Chiếc vò đồng phát hiện ở Bá Thước, có kiểu dáng như một chiếc vò gốm, trên vai và thân trang trí 12 băng ngang gồm 6 băng văn hình răng cưa và 6 băng văn vòng tròn tiếp tuyến xen kẽ nhau. Đó là những hoa văn kỷ hà rất đặc trưng cho đồ đồng văn hóa Đông Sơn. Tuy nhiên, cũng trên vai của chiếc vò này lại có một đôi quai gắn mặt hổ phù đặc trưng cho văn hóa Hán.

Sức sống không bị chôn vùi

PGS-TS Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết những ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn còn kéo dài đến sau này rất nhiều. Ông Chiến cho rằng nó thể hiện ở những đồ gốm tiêu biểu nhất là các chân đèn và lư hương gốm men lam xám của tác giả Đặng Huyền Thông, người thợ tài hoa cuối thế kỷ 16.

GS Hoàng Xuân Chinh cho rằng, sau cuộc khởi nghĩa thất bại của Hai Bà Trưng, nhà Đông Hán thay đổi phương thức thống trị với nước ta. Theo đó, họ thi hành những chính sách đồng hóa triệt để, nhằm biến nước ta thành những quận huyện nội địa Trung Hoa. “Tuy nhiên, văn hóa này vẫn tiếp tục tồn tại. Sức sống của văn hóa này đã chống lại quá trình Hán hóa trong thời Bắc thuộc. Các cuộc khởi nghĩa cũng liên tiếp xảy ra cho tới khi Ngô Quyền thắng quân Nam Hán, mở đầu thời Đại Việt. Trong lúc đó, các nhà nước hình thành cùng thời với nước ta ở Hoa Nam đều lần lượt bị sáp nhập vĩnh viễn vào nội địa Trung Hoa”, ông Chinh phân tích.

Theo Trinh Nguyễn - TN
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng