Khảo cổ
Tranh cãi xung quanh việc phá hủy hiện vật trong quan tài người Ai Cập
15:24 | 02/02/2015

Để tìm hiểu về các mảnh Kinh Phúc Âm tìm thấy trong quan tài người Ai Cập, một nhóm các nhà nghiên cứu đã phải phá hủy các tấm mặt nạ của xác ướp và điều này đã bị các học giả khác lên án.

Tranh cãi xung quanh việc phá hủy hiện vật trong quan tài người Ai Cập
Kinh Phúc Âm được tìm thấy trong lớp giấy bồi làm mặt nạ cho người chết của người Ai Cập

Các học giả nghiên cứu Kinh thánh cho biết mảnh giấy papyrus mà họ vừa tìm được có chứa một đoạn Kinh Phúc Âm (Gospel of Mark) từ năm 90 sau Công nguyên. Tuy nhiên nội dung đoạn văn trên đó vẫn chưa được công bố. Trước đây, đoạn kinh cổ nhất từng được tìm thấy có niên đại từ thế kỉ thứ hai sau Công nguyên. Phát hiện này tới từ một kĩ thuật gây tranh cãi, trong đó các mảnh quan tài sẽ bị phá hủy để nghiên cứu phần giấy bồi và vải liệm bên trong.

Truyền thống ướp xác của người Ai Cập tồn tại cho tới thời đại La Mã, nhưng rất ít người có thể được chôn cất với các của cải trang sức như vua Pharaoh. Những người muốn được ướp xác mà không có nhiều tiền sẽ chọn loại vải liệm tốt nhất, và các mặt nạ người chết làm từ giấy papyrus. Để giữ mức giá rẻ, các tờ giấy papyrus bị vứt đi sẽ được tái chế.

Ngày nay, các nhà khảo cổ đang dỡ các tấm mặt nạ giá rẻ như vậy ra để đọc các ghi chép trên mảnh vụn giấy papyrus. Để làm điều đó, họ phát triển một kĩ thuật giúp loại bỏ các lớp hồ dán, đồng thời giữ được mọi nét chữ trên giấy. Tuy nhiên, tấm mặt nạ sẽ bị phá hủy hoàn toàn. Các nhà nghiên cứu cho rằng họ không phá hủy các hiện vật dành cho bảo tàng mà chỉ là các tác phẩm có giá trị thấp. Nhưng không phải ai cũng đồng ý với việc này, nhiều học giả cáo buộc nhóm nghiên cứu đang phá hủy các hiện vật lịch sử.

Kinh Phúc Âm được tìm thấy trong lớp giấy bồi làm mặt nạ cho người chết của người Ai Cập
 
Chiếc mặt nạ làm từ giấy papyrus che khuôn mặt của xác ướp một đứa bé, được tìm thấy ở sa mạc phía Tây Ai Cập, ngoại ô thị trấn Bawiti, gần ốc đảo Bahariya

Mảnh giấy vụn có các đoạn Kinh Phúc Âm không phải phát hiện duy nhất. Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã tìm được hàng trăm mảnh giấy papyrus với các ghi chép về triết học, cùng với bút tích của nhà thơ Homer. Các tư liệu này có niên đại từ thế kỉ thứ nhất, thứ hai và ba sau Công nguyên. Không chỉ thư tịch của Thiên chúa giáo, không chỉ có những đoạn Kinh thánh mà có cả các đoạn văn Hi Lạp cổ, giấy tờ kinh doanh, các bức thư cá nhân...

Kinh Phúc Âm được tìm thấy trong lớp giấy bồi làm mặt nạ cho người chết của người Ai Cập
 
Các mặt nạ xác ướp có từ thời Ptolemaic (320-30 trước Công nguyên) và được làm từ phương pháp thủ công với thành phần chính là sơn, sợi lanh và giấy papyrus

Niên đại của đoạn kinh này được đưa ra nhờ việc xác định đồng vị carbon và phân tích chữ viết tay trên đó, cũng như các mảnh vụn giấy papyrus trên chiếc mặt nạ. Thông tin về phát hiện này xuất hiện lần đầu vào năm 2012, nhưng các thỏa thuận bảo mật đã ngăn cản việc xuất bản các báo cáo về đoạn Kinh thánh đó. Khi kết quả được công bố vào cuối năm nay, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu kĩ càng để xác nhận tính chân thực của nó.

Theo Phan Hạnh - Dân Trí

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng