Khảo cổ
Tìm thấy dấu vết một khu di tích kiến trúc cổ tại Huế, nghi là thuộc thời Tây Sơn
10:26 | 11/09/2015

Như chúng tôi đã đưa tin, việc tìm kiếm lăng mộ Vua Quang Trung đang được các giới nghiên cứu ở Huế tiến hành. Dưới đây Sông Hương xin tiếp tục giới thiệu một luận cứ mới mà các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu văn hóa Huế mới phát hiện. Bài viết do anh Phan Thuận An, một thành viên của Trung tâm thực hiện.
S.H

Tìm thấy dấu vết một khu di tích kiến trúc cổ tại Huế, nghi là thuộc thời Tây Sơn
Trích lại từ BAVH 1-6/1935. Chùa Thiền Lâm nằm gần ấp Bình An - Ảnh: internet

Vừa qua, chúng tôi, một số thành viên thuộc Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Huế gồm có Nguyễn Đắc Xuân, Võ Xuân Trang, Đỗ Bang, Hồ Tấn Phan, Trần Đại Vinh, Phan Thuận An, v.v... đã đến khảo sát thực địa một khu di tích kiến trúc cổ, hay nói đúng hơn, một khu phế tích, do một người địa phương là anh Nguyễn Hữu Oánh (49 tuổi) báo cho biết. Chúng tôi đã thu lượm được một số kết quả bước đầu đầy khích lệ.

Tính theo đường chim bay, khu di tích ấy nằm cách bờ Sông Hương khoảng 1 km về phía nam, và cách đường Nam Giao (nay là đường Điện Biên Phủ) chừng 150m về phía tây; ở triền phía nam và tây nam của một ngọn đồi cao hơn 20m. Quanh khu vực đó có những ngôi chùa nổi tiếng ở Huế, như chùa Thiền Lâm, chùa Từ Đàm, chùa Báo Quốc, chùa Kim Tiên… Gần đó còn có chùa Vạn Phước. Trước đây, khu vực ấy thuộc làng Bình An, làng Bình An nhập chung vào xã Thủy Trường thành ra phường Trường An. Cho nên chúng tôi tạm đặt tên cho khu di tích này là khu di tích Bình An.

Bà con ở đây cho biết rằng xưa nay hễ khi nào đào đất để dựng cột nhà, xây móng, trồng cây, làm vườn... Cũng đều đụng phải những nền móng xây bằng vôi vữa và gạch, đá ở dưới mặt đất, và còn thấy cả chân tường thành nằm lộ trên mặt đất nữa. Chúng tôi được dẫn đi xem một số gạch vỡ, những viên đá thanh và đá kê chân cột nhà đang nằm rải rác đó đây. Đáng để ý nhất là chỗ đào trong sân anh Oánh (60/13 Điện Biên Phủ), sát với nền nhà người chị ruột của anh ấy là bà Nguyễn thị Liên (năm nay 65 tuổi).

Cả hai chị em đều cho biết rằng lúc họ còn nhỏ, vào năm 1945, khi máy bay Đồng Minh ném bom đánh quân đội Nhật chiếm đóng ở Huế, họ được bố mẹ đưa xuống trú ẩn ở một cái huyệt mộ lớn, gọi là khuôn tỉnh, xây bằng vôi và đá thanh, không còn hài cốt. Sau đó các cụ đào bới những tấm đá thanh rất lớn tại đây để bán và để tặng cho chùa Vạn Phước ở gần nhà. Trong khi đào đất để xây móng làm nhà, các cụ cũng đã gặp một hầm gạch vồ chưa sử dụng. Họ dùng số gạch vồ đó để xây nhà. Vào năm 1983, anh Oánh làm lại nhà theo kiểu mới. Vì thấy trước đó trong gia đình xảy ra những điều bất hạnh (chẳng hạn, hai anh em trai của anh đã chết), anh đã tháo dở tất cả gạch cũ và đá lát đem cúng cho chùa Vạn phước.

Nghe kể như vậy, chúng tôi đào thử ở chỗ anh Oánh nhớ là có cái khuôn tỉnh. Đào xuống chừng 0,50m thì gặp móng xây bằng vôi hàu như ở hai vị trí kia, nhưng ở đây móng dày và chắc chắn hơn. Đào xuống độ sâu 1,50m vẫn chưa đến chân móng, về chiều dài, chúng tôi đào 3m dọc theo chân móng nhưng vẫn chưa tới chỗ tận cùng nào.

Khi nghe chúng tôi bàn với nhau đây có thể không phải là cái huyệt mộ, bà Liên bảo rằng đó chỉ mới là một phần bên ngoài cái quách, còn chỗ đặt cái quan, tức là cái hầm tránh bom trước kia, nay đang nằm ở ngay dưới cái nền xây bằng xi măng của nhà bà. Chúng tôi đành phải tạm ngưng việc đào thám sát cái huyệt mộ ở đây, vì muốn đào thêm nữa để tìm cho ra điều mà chúng tôi nghe kể thì phải triệt giải cả ngôi nhà ấy, hoặc ít nhất cũng phải áp dụng những phương tiện kỹ thuật nằm ngoài khả năng của anh em trong nhóm nghiên cứu chúng tôi.

Trước mặt khu vực tìm thấy móng thành ấy, về phía đông nam, ngay dưới chân đồi, bà con địa phương chỉ cho chúng tôi thấy một cái hồ khá lớn đang cạn dần. Họ cho biết ngày xưa ở hồ này trồng nhiều sen, và bên cạnh còn có một cái giếng nay đã bị lấp. Chúng tôi nghi rằng cổ nhân đã dùng mặt nước hồ ấy để làm "minh đường" cho công trình kiến trúc trên sườn đồi.

Đứng từ khu di tích nhìn qua hồ, chúng tôi thấy đỉnh núi Thiên Thai cách xa ba km, dường như đã được dùng làm "tiền án " cho công trình kiến trúc. Trục chính của nó án chừng ở trong vị thế "tọa càn hướng tốn", nghĩa là chạy theo hướng tây bắc - đông nam.

Ở gần hồ còn có một dòng nước, gọi là khe Chùa Tiên (tức là chùa Kim Tiên tọa lạc gần đó) chảy từ trái sang phải, ngang qua trước mặt khu vực di tích. Chúng tôi đã nhờ anh Dương Văn Sinh, một trong những người có nghiên cứu về thuật phong thủy ở Huế, đến khảo sát địa cuộc tại đây. Sau khi tìm hiểu thực địa, anh đã nhận ra một số yếu tố phong thủy khác nữa của khu di tích, như tay long bên trái (thuộc hành mộc), tay hổ bên phải (thuộc hành kim), và "hậu chẩm" là phần sau của ngọn đồi chạy lan xuống đến gần bờ sông Hương (thuộc hành thủy). Anh cho rằng địa cuộc này hội đủ các yếu tố địa lý phong thủy để người xưa chọn lựa khi xây dựng công trình kiến trúc gì đó cho hàng vương giả.

Mặt khác, khi đến chùa Vạn Phước (60/14 Điện Biên Phủ); chúng tôi thấy ở đây còn giữ được khá nhiều vật liệu kiến trúc cổ mà gia đình anh Oánh đã cúng cho chùa. Trong hai tấm đá thanh lớn mà ngày xưa thân phụ anh Oánh đã biếu cho chùa, hiện nay nhà chùa còn bảo lưu được một tấm nguyên vẹn, dài 2,72m, rộng 0,67m, dày 3,5cm, đang kê làm cái bàn. Hơn 160 viên đá thanh cỡ nhỏ, mặt hình vuông, mỗi bề 30cm, dày khoảng 3cm, đã được lát trên lối đi từ bên trái sân chùa vào đến nhà tăng, nay vẫn còn tốt. Số gạch khá nhiều ngày trước anh Oánh tặng cho chùa, nay đã được nhà chùa dùng để xây tường vách nhà ngang, ở chùa còn có một số viên đá thanh với những kích cỡ khác nhau đang nằm lăn lóc ở góc sân, thềm cửa.

Rảo khắp các triền đồi quanh chùa Vạn Phước, chúng tôi thấy có một cái giếng rất sâu và rất cổ, xây bằng đá. Bà con địa phương cho biết xưa nay giếng này được gọi là "Giếng loạn". Ở gần đó cũng có nhiều mồ mả cá nhân và tập thể, họ gọi là "Mả loạn". Nhà Nguyễn đã dùng chữ "loạn" để chỉ thời Tây Sơn chăng? Ngay địa danh Bình An cũng đáng quan tâm tìm hiểu, vì từ đầu thế kỷ XIX trở về trước, cái tên này chưa thấy sử sách nào ghi cả. Có thể nó đã được thời Gia Long đặt ra để thay cho một tên cũ gì đó của làng này với ý nghĩa đã dẹp yên Tây Sơn hoặc đã phá bỏ một công trình kiến trúc nào đó của Tây Sơn tại đây, như trường hợp đổi tên ấp Tây Sơn thành ấp An Tây, hoặc đổi tên Quy Nhơn thành ra Bình Định.

Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi chép về 40 ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Thừa Thiên. Nhưng, trong số đó đã có đến 7 ngôi chùa nằm trong địa phận ấp Bình An: chùa Kim Tiên, chùa Tuệ Lâm, chùa Từ Đàm, chùa Viên Giác, chùa Thiền Lâm, chùa Tịnh Độ, chùa Pháp Võ (1). Bình An chỉ là một trong hơn 450 đơn vị xã thôn phường ấp của Thừa Thiên thời bấy giờ (2). Thế mà số chùa ở Bình An đã chiếm đến tỷ lệ 7/40 so với tất cả. Điều này chứng tỏ đất Bình An xưa là một vùng yên tĩnh với cảnh lâm tuyền đẹp đẽ đầy vẻ tiêu sái, thích hợp cho việc xây dựng chùa chiền để các nhà sư tu hành, và cũng thích hợp cho việc kiến trúc lăng mộ để cố nhân an giấc nghìn thu. Hiện nay, trước mặt một ngôi mộ xây bằng đá ở ngọn đồi ấy có để câu đối rất phù hợp với cảnh vật tại chỗ:

Ngay chùa Từ Hiếu soi lòng Phật
Lên cõi Bình An mến cảnh tiên
.

Ngay từ năm 1795, Hoà thượng Thạch Liêm cũng đã miêu tả phong cảnh thanh thoát ở vùng này qua những bài thơ "Thiền Lâm tức sự" khi ông đang lưu trú tại chùa Thiền Lâm:

Phương trượng ba gian lợp bạch mao,
Đồng xanh nửa mẫu tiếp gò cao..,
Một tiếng khánh vàng buông ngõ trúc.
Đôi dòng nước biếc tưới ven biền...
(3)

Có lẽ vì lý do môi trường tịch mịch ấy, cho nên dưới thời Cảnh Thịnh (1793 - 1801), Thái sư Bùi Đắc Tuyên đã dùng chùa Thiền Lâm làm nơi ở và làm việc. Các sử sách của Quốc Sử Quán triều Nguyễn như Đại Nam Thực Lục, Đại Nam Liệt Truyện, Đại Nam Nhất Thống chí đều ghi rõ Bùi Đắc Tuyên đã chiếm ngự tại chùa Thiền Lâm (4).

Phải chăng việc làm đó của vị Thái sư còn có lý do thứ hai là để được gần gũi vong linh của "tiên hoàng"?

Những nguyên dẫn và nguyên chú trong một số bài thơ của Phan Huy Ích (1751-1822) và Ngô Thời Nhậm (1746- 1803) cho phép chúng ta nghĩ rằng cung điện Đan Dương và lăng Đan Dương của vua Quang Trung là ở gần chùa Thiền Lâm.

Dưới bài thơ "Xuân để kỷ sự" (Mùa xuân ở cung quán ghi việc), Phan Huy Ích đã viết lời nguyên dẫn như sau:

"Nhà của quan Thái sư (Bùi Đắc Tuyên) là chùa Thiền Lâm cũ, nằm phía nam Sông Hương, nha thuộc cũng theo đến ở chung quanh chùa. Giữa tháng ba, tôi tới nhà trọ kinh đô, cũng gần nơi ông ở. Chỗ này vườn thật rộng rãi, cây cối xanh um, bốn bề những núi cùng mây, mắt nhìn lòng nghĩ cũng khá thoải mái, trừ những đêm họp bàn việc công ra, còn thì tha hồ ngâm thơ uống rượu, kể cũng thú..." (5).

Và dưới bài thơ số 226 của ông, chúng ta lại đọc được lời nguyên chú:

"Lúc bấy giờ bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu"(6).

Lăng nói đến trong câu nguyên chú này là lăng nào? Phải chăng đó là lăng vua Quang Trung?

Theo Ngô Thời Nhậm, lăng Quang Trung mang tên là lăng Đan Dương. Trong bài thơ "Đạo ý" của ông có câu:

Đỉnh hồ phiếu diểu vọng Đan Dương

(Núi Đỉnh Hồ, xa thăm thẳm, nhìn lăng Đan Dương)(7).

Rồi trong bài "Cảm hoài" của mình, Ngô Thời Nhậm ghi chú:

"Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y Tiên hoàng ta..."(8).

"Sơn lăng" là lăng tẩm của vua chúa. "Bảo y Tiên hoàng ta" nghĩa là quan tài của vua Quang Trung.

Như vậy, tại lăng vua Quang Trung còn có điện thờ. Đó là nguyên tắc kiến trúc lăng tẩm của các vua thời trước. Nghĩa là, ở cạnh lăng vua Quang Trung, còn có những công trình kiến trúc phụ thuộc, bao gồm các nhà cửa lớn nhỏ: điện lớn để thờ, nhà nhỏ để những người lo thờ phụng hương khói, như tiểu giám chẳng hạn, ăn ở. Do vậy, lăng vua Quang Trung phải chiếm một khu vực khá rộng, và khu vực ấy phải gần chùa Thiền Lâm.

Trong khi đó thì, như chúng ta đang thấy hiện nay trên thực địa, khu di tích Bình An lại nằm rất gần ngôi chùa ấy.

Tuy nhiên, vì mới khảo sát bước đầu, chưa có được cứ liệu đầy đủ và chính xác nên chúng tôi không dám vội vàng khẳng định đây là phế tích của lăng vua Quang Trung. Chúng tôi chỉ đưa ra một "giả thuyết công tác" theo dự cảm để tiếp tục tìm hiểu mà thôi. Nhưng, với một số kết quả gặt hái được trong bước đầu khảo sát thực địa, và với những tín hiệu khả quan như thế, chúng tôi nghi rằng khu di tích Bình An là khu di tích thuộc thời Tây Sơn. Chúng tôi đang có được trong tay gia phả của dòng họ khai canh làng Bình An và quyển địa bộ của làng mà dòng họ khai khẩn đang giữ, để nghiên cứu thêm về một số khía cạnh khác của vấn đề.

Dù sao, chúng tôi cũng đã và đang làm công việc khảo cứu này theo chỉ dẫn và định hướng khá rõ của người xưa: kể cả các nho thần của Quốc sử Quán triều Nguyễn, lẫn hai đại thần nhà Tây Sơn qua sử sách và thơ văn của họ.

Trong khi chờ đợi một nhóm công tác (working Group) nào đó do chính quyền thành phố Huế thành lập để thực hiện động tác quan trọng nhất là khai quật di tích trên thực địa, chúng tôi rất mong mọi người quan tâm góp ý, góp sức để công việc tìm hiểu thêm về khu di tích Bình An mang lại nhiều thành quả tốt đẹp hơn.

P.T.A
(Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Huế)
(SH37/05&06-89)


----------------------
(1) ĐNNTC, Thừa Thiên phủ, bản dịch của Nguyễn Tạo, Nhà Văn Hóa xuất bản, Sài Gòn, Tập thượng, trang 86 - 90.
(2) Danh sách xã thôn Trung Kỳ, lập vào nửa đầu thế kỷ XX. ronéo, không đề năm xuất bản; tư liệu của Công ty Di tích.
(3) Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, bản dịch của Ủy Ban phiên dịch Sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế xuất bản, Huế, 1963 trang 41-42.
(4) Đại Nam thực lục, bản dịch Viện Sử Học Tập II, Hà Nội, 1963, trang 24.
- Đại Nam chính biên Liệt truyện, Sơ tập, quyển 30, nhà Tây sơn, bản dịch Tạ Quang Phát, Sài Gòn, 1970, trang 184 - 185.
- Đại Nam Nhất Thống chí, bản dịch đã dẫn, trang 88.
(5) Thơ văn Phan Huy Ích, tập II Hà Nội, 1978 trang 85 - 86.
(6) Sách vừa dẫn, trang 124.
(7) Tuyển tập thơ Ngô Thời Nhậm, quyển I, Hà Nội 1978, trang 196.
(8) Sách vừa dẫn: trang 337 - 338.







 

Các bài mới
Các bài đã đăng