Đã có nhiều tác phẩm viết về sự nghiệp và công lao của Thoại Ngọc Hầu, tuy nhiên cuộc sống đời thường của ông ít ai biết.
Chỉ đến khi kho báu đồ sộ trong lăng mộ ông được khai quật và giải mã, người ta mới hình dung phần nào đời sống của nhân vật lẫy lừng này.
Thoại Ngọc Hầu (1761 - 1829, tên thật là Nguyễn Văn Thoại) là tướng lĩnh thân cận của chúa Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long triều Nguyễn). Ông được người dân Nam bộ rất mực tôn kính vì có công lớn trong việc lập làng lập ấp, giữ yên và phát triển miền Tây; là người chỉ huy đào kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế, hai con kênh hết sức quan trọng trong việc phát triển giao thương.
Ngay khi Thoại Ngọc Hầu và bà chính thất Châu Thị Vĩnh Tế còn sống, tên ông bà đã được đặt cho núi (Thoại sơn, Vĩnh Tế sơn), tên sông (Thoại hà, Vĩnh Tế hà) và còn được khắc lên Cửu đỉnh - bảo vật trấn quốc của triều Nguyễn đặt trong hoàng thành Huế ngay trước miếu thờ các vua Nguyễn. Sau này, tên ông bà còn tiếp tục được đặt cho các đơn vị hành chính (H.Thoại Sơn, xã Thoại Giang, thôn Thoại Sơn, xã Vĩnh Tế...), tên khu du lịch Hồ ông Thoại, khu dân cư Ngọc Hầu, Châu Đốc, nhiều trường học, đường sá và cây cầu tại 7 tỉnh (An Giang, Kiên Giang, Đà Nẵng, TP.HCM, Gia Lai, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế). Tổng cộng, có tới 7 loại hình và 40 cơ sở trên toàn quốc mang tên ông và bà.
Kho báu bí mật suốt 180 năm
Lăng Thoại Ngọc Hầu uy nghi tọa lạc tại P.Núi Sam, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang. Khu vực chính có 3 ngôi mộ lớn: mộ ông nằm ở giữa, một bên là phu nhân chính thất Châu Thị Vĩnh Tế ngang bằng với mộ ông, mộ bà thứ thất Trương Thị Miệt được xây lùi xuống một chút. Đã hơn 180 năm kể từ khi ông qua đời, khói nhang trong lăng mộ chưa bao giờ tắt.
Một điều kỳ lạ là cho đến trước khi phát hiện, trong dân gian hầu như không có những huyền thoại lưu truyền về đồ tùy táng của đức Thoại Ngọc Hầu. Thậm chí những ký ức về cuộc sống gia đình ông cho đến nay cũng không còn dấu vết, đặc biệt là khu vực dinh quan bảo hộ (ông từng giữ chức Thống chế Bảo hộ Cao Miên), nơi sinh sống của gia đình Thoại Ngọc Hầu lúc đương thời cũng chưa xác định được chính xác. Chỉ đến năm 2003, kết quả khảo sát mới cho thấy có dấu hiệu dinh quan bảo hộ cũ hiện nay nằm trong khu vực doanh trại Quân đội nhân dân VN ở Châu Đốc.
Cũng trong hơn 180 năm đó, lăng Thoại Ngọc Hầu đã trải qua nhiều nhiệm kỳ của nhiều ban quản lý và hàng chục lần trùng tu sửa, nhưng tuyệt nhiên đã không có một phát hiện hoặc một ghi chép nào về đồ tùy táng của Thoại Ngọc Hầu. Điều đó chứng tỏ hậu nhân của ông, những người được giao sứ mạng chôn cất các di vật, đã giữ bí mật một cách tuyệt đối khối di sản quý giá này trong lòng đất.
Những mảnh vàng của chiếc mão hổ đầu thu được sau khi khai quật |
Khối lượng di vật to lớn, quý giá
Ngày 20.9.2009, trong quá trình tu bổ lăng mộ, khi dọn dẹp mặt bằng để chuẩn bị lát gạch chung quanh, công nhân thuộc Công ty Hà Phúc đã phát hiện một lằn phui sụp xuống. Sự việc được báo cáo cho Ban Quản lý khu di tích Lăng miếu núi Sam và Bảo tàng An Giang. Sau khi khảo sát, ban quản lý và Bảo tàng An Giang nhất trí rằng khả năng có khu vực chôn đồ tùy táng là rất lớn, lập tức xin phép UBND tỉnh và Sở VH-TT-DL An Giang tiến hành khai quật khu vực này.
Sau 4 ngày, cuộc khai quật khẩn cấp đã thành công. Số lượng hiện vật thu được rất lớn: hơn 500 hiện vật và hàng trăm tàn tích đồ gỗ, đồ vải, đồ kim loại... Hiện vật phong phú và đa dạng, gồm nhiều chất liệu: vàng, bạc, đồng, đồng tráng men (pháp lam), sắt, antimony, gỗ, gốm sứ, thủy tinh, đá, ngà, xương, răng, nanh hổ, vỏ ốc...; cổ vật thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19 thuộc nhiều nước: VN, Trung Quốc, Xiêm La (Thái Lan), Chân lạp (Campuchia), Bồ Đào Nha, Pháp, Tây Ban Nha ... Với số lượng hiện vật quý giá như trên, có thể nói phát hiện khảo cổ học tại lăng mộ Thoại Ngọc Hầu rất độc đáo và thú vị. Bởi cho đến nay, những phát hiện đã công bố về đồ tùy táng của các quan lại đại thần phong kiến VN, thậm chí của cả vua nữa, chưa từng có nhân vật nào vừa có công lao, tài đức mà còn để lại một khối lượng di vật to lớn, quý giá và phong phú như vậy. Các hiện vật này đã giúp phần nào hình dung về cuộc sống của tầng lớp quan lại cấp cao VN đầu thế kỷ 19 tại khu vực biên giới phía Tây Nam.
Theo Phạm Hữu Công – TNO