Khảo cổ
Văn thần Hồ Quang Đại mở đầu công cuộc đo đạc ruộng đất xứ Đàng Trong vào thế kỷ 17
09:39 | 04/05/2017

HUỲNH ĐÌNH KẾT

Sau khi vào Nam, chúa Tiên - Nguyễn Hoàng đóng dinh ở Ái Tử, trong vòng mấy chục năm mà “Đoan quận công có uy lược, xét kỷ, nghiêm minh, không ai dám lừa dối. Cai trị hơn mười năm, chính sự khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quân dân hai xứ thân yêu tín phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp”(1).

Văn thần Hồ Quang Đại mở đầu công cuộc đo đạc ruộng đất xứ Đàng Trong vào thế kỷ 17
Gia phả họ Hồ: Tờ đầu ghi “Khai quốc công thần, Tống gia phổ”; và Phần ghi chép về Hồ Quang Đại và Duy Tân tứ niên, ngũ nguyệt, sơ nhất nhật. Tống Phúc Đào (Hồ Văn Mai).

Đến năm Bính Tuất (1586), tháng Ba, vua Lê sai Hiến sát sứ là Nguyễn Tạo đến [Thuận Hóa] khám những ruộng đất hiện cày cấy để thu thuế (bấy giờ thuế ruộng hai xứ Thuận Quảng chưa có định ngạch, mỗi năm gặt xong, sai người chiếu theo số ruộng đất hiện cấy mà thu thuế thóc). Khi Tạo đến, chúa lấy lòng thành tiếp đãi. Tạo rất cảm phục, rồi không đi khám đạc nữa, cho các phủ huyện tự làm sổ, sổ làm xong rồi đem về(2). Như vậy, đây là lần khám đạc ruộng đất sớm ở xứ Thuận Hóa; nhưng lại thực hiện qua loa đại khái, không được tổ chức trên thực địa. Do đó, trong quá trình điều tra khảo sát tư liệu Hán Nôm làng xã vùng Huế, chúng tôi chưa phát hiện văn bản nào liên quan đến sự kiện này; duy chỉ trong một văn bản bàn giao địa bạ ở làng Hiền Lương (An Lỗ) có đề cập đợt khám đạc này, nhưng cũng không có bản gốc lẫn bản sao.

Nguyễn Hoàng đóng dinh ở Quảng Trị, trong vòng 55 năm (1558 - 1613) vẫn giữ thế trọng thần của nhà Lê, mùa hạ năm Quý Sửu (1613) ốm nặng qua đời, thọ 89 tuổi, truyền ngôi cho thế tử là con trai thứ 6 Nguyễn Phúc Nguyên, tục gọi chúa Sãi kế nghiệp. Ngay sau khi nối ngôi, năm Giáp Dần - 1614 Nguyễn Phúc Nguyên tiến hành cải tổ hành chính xứ Thuận - Quảng, đặt tam ty trực thuộc chính dinh là Xá Sai ty coi việc văn áng, từ tụng do đô tri và ký lục giữ; Tướng Thần Lại ty coi việc trưng thu tiền thóc, phát lương cho quân các đạo, do cai bạ giữ; Lệnh Sử ty, coi việc tế tự, lễ tiết và chi cấp lương hướng cho quân đội chính dinh, do nha úy giữ. Những thuộc viên thì mỗi ty có 3 câu kê, 7 cai hợp, 10 thủ hợp, 40 ty lại. Lại đặt ty Nội Lệnh Sử kiêm coi các thứ thuế, hai ty Tả, Hữu Lệnh Sử chia nhau thu tiền sai dư ở hai xứ về nộp nội phủ. Các dinh ở ngoài có nơi chỉ đặt một ty Lệnh Sử, có nơi đặt 2 ty Xá Sai và Tướng Thần, lại có nơi kiêm đặt 2 ty Xá Sai và Lệnh Sử để coi việc từ tụng của quân dân, sổ sách đinh điền và trưng thu thuế ruộng sở tại, số nhân viên thì tùy theo công việc nhiều ít mà thêm bớt(3). Bốn năm sau (1618), vào tháng 5, mùa hạ sai đạc ruộng dân (ruộng công của xã dân) hai xứ. Bấy giờ bọn hương lý, hào hữu xâm chiếm mất nhiều ruộng công để làm lợi riêng. Đến đây sai quan đo ruộng hiện có để thu thuế, dân mới hết tranh nhau, mọi người đều yên nghiệp(4). Đây chính là đợt đo đạc ruộng đất 2 xứ Thuận Quảng lần thứ hai, nhưng hiện nay vẫn chưa tìm thấy được văn bản liên quan trong làng xã vùng Huế. Sau đợt cải cách hành chánh năm 1614, Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên cho dời dinh vào Phước Yên và đổi dinh làm phủ; chính thức thoát ly sự quản lý của nhà Lê với sự kiện chiếc mâm đồng 2 đáy cùng với lời khước từ “dư bất thụ sắc” (ta không nhận sắc phong [của nhà Lê - họ Trịnh]), rồi cho dựng cung thất ở Kim Long nhằm định đô lâu dài xứ Đàng Trong; năm 1636, Sãi vương qua đời, Thế tử Nguyễn Phúc Lan kế nghiệp, tục gọi là chúa Thượng, ông chuyển dời phủ chính vào Kim Long. Mặc dù thuế khóa các loại nói chung, tô thuế đất ruộng nói riêng là nguồn thu chủ yếu của phủ chúa, song trải qua nhiều năm công việc quản lý đất đai ruộng vườn vẫn còn nhiều điều bất cập, trong lúc nông dân khắp nơi đã đổ nhiều công sức khai hoang phục hóa mở rộng diện tích cấy cày ngày càng nhiều; do đó mãi đến tháng 4 năm Cảnh Trị 7, Kỷ Dậu, 1669, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan mới tiến hành “đo ruộng dân để định tô thuế”, bởi “bấy giờ ký lục (viên chức làm việc ở Xá Sai ty) Võ Phi Thừa dâng lời nói rằng: thần nghe binh và tài là chính sách lớn của nhà nước. Kho tàng đầy thì của dùng đủ, của dùng đủ thì binh giáp mạnh. Nay dân gian nhiều người chiếm canh ruộng lậu mà không nộp thuế. Xin sai quan bao đạt những ruộng đất thực canh làm ruộng công để thu thuế mà cung cho quốc dụng. Thế gọi là nhà nông xuất thóc để nuôi binh lính mà binh lính xuất lực để bảo vệ nhà nông, đó là chế độ đời xưa”. Chúa khen phải, sai bọn văn thần Hồ Quang Đại chia nhau bao đạt những ruộng đất thực cày cấy của các xã dân các huyện; định làm ba bực và chia các hạng ruộng mùa thu và đất khô để thu thóc thuế theo thứ bực. Ruộng công thì cho dân chia nhau cày để nộp tô, nếu có người khai khẩn rừng hoang mà cày thành ruộng thì cho trưng làm ruộng tư [bản bức tư điền] cho cày mãi mà nộp thuế riêng, xã dân không được tranh chiếm. Từ đó dân hết mối tranh kiện, yên phận làm ăn. Về sau ruộng khẩn mỗi ngày một nhiều, lại đặt ty Nông Lại để coi việc thu thuế (ruộng nhất đẳng mỗi mẫu thu thuế 40 thăng, gạo 8 hợp; ruộng nhị đẳng mỗi mẫu thu thóc 30 thăng, gạo 6 hợp; ruộng tam đẳng mỗi mẫu thu thóc 20 thăng, gạo 4 hợp. Lại cứ 1 thăng thóc thì thu tiền phụ 3 đồng. Ruộng mùa Thu và đất khô thì không chia thứ bực, mỗi mẫu thu 3 tiền, không đủ mẫu thị thu 1 tiền. Duy quan đồn điền, quan điền trang, ruộng hoang mới khẩn và đất bãi bồi thì chia cấp làm ngụ lộc, còn thì thu riêng nộp riêng. Lại định phép đo lường: cứ 10 nhón tay là 1 vốc, 10 vốc là 1 hợp, 10 hợp là 1 thăng, 10 thăng là 1 hộc, 10 hộc là 1 thùng. Cái hộc dùng để thu thuế, cứ mỗi hộc có 50 thăng, lại thêm 25 thăng thành mỗi hộc [thu thuế] là 75 thăng. Lấy 500 thăng làm 1 thùng. Hộc để phát lương cho quân thì có 33 thăng 5 hợp. Hộc phát ở nội phủ thì kém hộc phát cho quân 3 thăng; thăng cũng giảm bớt(5)”. Như vậy đây là một đợt tổng kiểm tra, kiểm kê đầy đủ với quy mô lớn về thực trạng ruộng đất; quy định các luật lệ quản lý, sử dụng đất đai các loại; áp dụng phương pháp đo lường khối lượng thóc lúa chính thức ở xứ Đàng Trong vào giữa thế kỷ 17.

Phép đạc điền và đo lường thóc lúa này tồn tại ổn định lâu dài từ đó cho đến khi phép đo đạc đo lường phương Tây (dùng mét vuông (m2) và kilogam (kg)) được áp dụng ở Việt Nam từ năm 1867 (bắt đầu ở Nam kỳ). Tuy nhiên, trong dân gian hệ đo đếm, đong lường này vẫn còn giá trị, được sử dụng cho đến ngày nay; điều này chứng tỏ văn thần Hồ Quang Đại và các cộng sự của ông đã có đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng quản lý hệ thống đo đạc, đong lường ruộng đất và thóc lúa hợp lý, phổ biến được cộng đồng dân cư cũng như hệ thống công quyền công nhận, áp dụng, làm cơ sở khoa học và căn cứ pháp lý tất cả các giao dịch dân sự liên quan đến đồng ruộng, đất đai, thể hiện vai trò nông nghiệp trong đời sống xã hội Việt Nam.

Công cuộc đo đạc ruộng đất, định phép đo lường do văn thần Hồ Quang Đại thực hiện từ năm 1669 (giữa thế kỷ 17), đến nay đã 348 năm, trải qua bao biến động lịch sử, thiên tai địch họa, những tư liệu liên quan hầu hết đã thất truyền, chỉ còn lưu giữ trong ký ức dân gian; ngay cả triều đình nhà Nguyễn vào đầu thời Gia Long cũng chưa tìm lại được mẫu thước “Điền xích” được chế vào thời Lê đã áp dụng trước đó, nên vào năm Gia Long thứ 5 (1806), để thống nhất đơn vị đo ruộng đất trong toàn quốc, nhà vua đã sai chế ra cây thước Trung Bình (Trung Bình xích): Cây thước này chế hơi dài hơn được áp dụng cho đến năm 1810, sau khi tìm được nguyên bản thước “Điền xích” thời Lê; bấy giờ, một người dân ở xã Cổ Linh, huyện Gia Lâm trình lên cây Điền xích của nhà Lê, nhà vua đã cho sử dụng cây thước chuẩn này để đo đạc lại ruộng đất trong toàn quốc. “Gia Long, Canh Ngọ, năm thứ 9 (1810)… Tháng 8, ban thước kinh đo ruộng cho trong ngoài. Thước kinh do triều Lê cũ ban hành đã lâu, dân gian vẫn thường dùng. Năm Gia Long thứ 5 mới dùng thước Trung Bình chế hơi dài hơn, bởi thế đo ruộng số mẫu sai nhau nhiều. Vua sai hỏi tìm thước kinh cũ. Lấy được ở nhà dân xã Cổ Linh, huyện Gia Lâm, bèn theo cách thức ấy lấy đồng (nặng 1 cân 12 lạng) mà ban cho các thành dinh trấn. Những ruộng đất công tư từ trước trót đã dùng thước trung bình mà khám đạt, thì làm sổ để đó mà theo. Từ nay có việc tranh địa giới hay tố cáo ẩn lậu và báo xin khai khẩn thì dùng thước kinh để đo”(6).

Địa bạ năm Cảnh Trị 7 (1669) của làng Đốc Sơ
Trang số 2 và 3. Trang 16,17 (ghi niên điểm văn bản, có hình vẽ thước “quan xích”).


Trong thời gian qua, chúng tôi đã tiến hành nhiều đợt khảo sát, điều tra điền dã tư liệu Hán - Nôm làng xã vùng Huế, qua đó đã tìm được một số văn bản do dân làng lưu trữ liên quan đến sự kiện bao đạc ruộng đất năm 1669 dưới thời chúa Thượng - Nguyễn Phúc Lan do Hồ Quang Đại chịu trách nhiệm thực hiện, trong đó có tài liệu được lưu trữ tại làng Đốc Sơ, phường Hương Sơ, thành phố Huế. Văn liệu này được đóng chung thành tập gồm nhiều văn bản liên quan đến địa bạ làng/xã Đốc Sơ từ thời chúa Nguyễn đến thời các vua triều Nguyễn sau này. Địa bạ năm Cảnh Trị 7 (1669) gồm 9 tờ giấy gấp đôi làm thành 18 trang giấy.

Qua đó, cho chúng ta thấy đây là văn bản liên quan đến việc đo đạc ruộng đất của xã/làng Đức Bưu thuộc tổng Mậu Tài, huyện Phú Vinh, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa vào ngày 20 tháng 9, năm Cảnh Trị 7 (1669) do tướng thần xã trưởng Phan Đình Dương, Võ Quang Đại, Phan Văn Bố, Võ Quang Lạc, Võ Văn Vũ; và người dân trong xã thực hiện theo lệnh của quan trên, văn bản lưu trữ tại nha môn huyện đường Phú Vinh và được sao lại để lưu trữ tại địa phương. Ở trang giấy số 16, bên cạnh dòng chữ ghi niên điểm có kèm theo hình vẽ được ghi chú đây là thước quan (quan xích) với số đo 5 tấc (ngũ thốn); thực đo bằng mét được 23,5 cm, như vậy mỗi thước “quan xích “ đo được 47cm. Ngoài tư liệu bằng văn bản này ra, hiện vẫn còn có 1 chiếc thước “quan xích” được dân làng Văn Xá (nay thuộc phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) khắc cố định vào cột đình của làng. Cùng với việc sử dụng thước “quan xích” thời Lê trong việc bao đạc ruộng đất, ổn định phép đạc điền từ bấy đến nay, Hồ Quang Đại còn có công tham gia định ra phép đo lường khối lượng thóc lúa, từ nhón đến vốc, hợp, thăng, hộc, thùng; đều theo hệ thập phân.

Căn cứ vào gia phả họ Tống (Hồ) hiện đang lưu trữ tại từ đường họ Hồ làng Hương Cần, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế do Tống Hồ Chiểu, đời thứ 9, sao chép vào ngày mồng 1 tháng Năm, năm Duy Tân 4 (1910) thì dòng họ Hồ nguyên gốc tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, vào Nam thời chúa Nguyễn; Hồ Quang/Văn Đại được suy tôn tiên tổ đời thứ nhất, ông húy Văn Duyên, làm quan đến chức Cai Hợp, được phong tước Duyên Đức Tử (Cai Hợp là 7 quan chức trong mỗi ty của tam ty thời các chúa Nguyễn), nhưng không rõ năm sinh, tuổi thọ, lại nghe nói phần mộ nguyên táng tại đất Phủ Cam, nay cũng thất truyền; chỉ biết ngày húy kỵ là ngày Mười Ba tháng Giêng hằng năm. Ông sinh hạ 2 người con trai, con trưởng húy Quỳ, tên gọi là Phúc Đào, lại cải tên Văn Mai, sinh năm Mậu Tý (1648), mất năm Ất Mùi (1715) sinh con gái thứ 2 là Tống Thị Được (Đặng), húy Quyên, sinh 1680 mất 1716, nguyên phi của Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu, tức Hiển tông Hiếu Minh hoàng hậu, (được ban quốc tính Tống Phúc), mộ táng tại Trúc Lâm, nay là Đồng Chầm, thuộc phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, lăng gọi Vĩnh Thanh.

Có thể nói rằng văn thần Hồ Quang Đại là người có công trong việc ổn định phép đạc điền và đo lường ruộng đất, thóc lúa ở xứ Đàng Trong từ giữa thế kỷ 17 cho đến nay; việc làm của ông thực sự đi vào cuộc sống của người dân. Những chuẩn mực, phép tắc ấy liên quan mật thiết đến nền sản xuất, kinh tế, văn hóa, con người của vùng đất Huế vậy.

H.Đ.K
(TCSH338/04-2017)

-------------------
(1) Lê Quý Đôn; Phủ biên tạp lục, bản dịch Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Trọng Hàn, Nguyễn Ngọc Tính, hiệu đính Đào Duy Anh, Nxb. Khoa học, HN 1964, trang 42.
(2) Đại Nam thực lục (tiền biên), Tập I, bản dịch Nguyễn Ngọc Tính, hiệu đính Đào Duy Anh, Nxb. Sử học, HN 1962, tr.37.
(3), (4) Đại Nam thực lục (tiền biên), Tập I, SĐD tr.47, 48.
(5) Đại Nam thực lục (tiền biên), Tập I, SĐD, tr 112, 113.
(6) Đại Nam thực lục chính biên, Tập IV. Đệ nhất kỷ III, Thực lục về Thế tổ Cao hoàng đế, Nxb. Sử học, Viện Sử học, HN 1963, trang 83.






 

Các bài mới
Các bài đã đăng