HỒ VĨNH
Cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn kéo dài 45 năm (1627-1672). Đây là một giai đoạn minh chứng của lịch sử: Đàng trong và Đàng ngoài đã trải qua một cuộc qua phân khá lâu dài. Trận chiến kết thúc vào tháng 7 năm Nhâm Thân (1672) và từ đây hai họ lấy sông Gianh làm ranh giới hành chính.
Ở Đàng trong, chúa Nguyễn Phúc Tần đã thành công trong việc tạo dựng cuộc sống ổn định và thanh bình cho Nam Hà nhờ chiến thắng họ Trịnh và tiếp tục mở mang lãnh thổ về phía Nam. Trong 39 năm cầm quyền, chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) đã quan tâm phát triển công nghiệp cho Nam Hà mà trong đó việc đúc các vạc đồng và vũ khí đã được coi trọng.
Hiện nay thành phố Huế còn lưu giữ 10 chiếc vạc đồng có giá trị mỹ thuật cao. Công trình ấy do ông Jean de la Croix người Bồ Đào Nha và những người thợ thủ công khéo tay của xứ Đàng trong đảm trách (Jean de la Croix và con là Clément de la Croix đến Thuận Hóa năm 1658 và lập xưởng đúc nơi ngày nay gọi là Phường Đúc, nơi có truyền thống đúc đồng nổi tiếng từ giữa thế kỷ 17). Qua nghiên cứu thực tế, chúng tôi đã lập bảng thống kê (1) sau đây:
Nghiên cứu ở bảng thống kê, chúng tôi tiếp tục tra cứu qua sử liệu và rà soát lại trên thực tế. Chúng tôi đã phát hiện 7 trong số 10 chiếc vạc đã ghi sai về niên hiệu của đời Lê. Trước khi đi vào chi tiết, thiết tưởng cần phải làm một bảng đối chiếu sự việc lịch sử sau đây:
Một bên là niên hiệu - niên đại đã khắc ghi trên vạc. Một bên là niên hiệu niên đại qua kê cứu sử liệu.
BẢNG THỐNG KÊ
T/T |
Văn tự trên vạc |
Trọng lượng (cân) |
Năm đúc (dương lịch) |
Đường kính (cm) |
Bề cao (cm) |
Địa điểm đặt vạc (kinh thành Huế) |
1 |
Thạnh đức thất niên tạo đỉnh, Đồng nhị thiên nhất bách, ngũ thập tứ cân |
2154 |
1659 |
188 |
93 |
Trước điện Kiến Trung (đại nội Huế) |
2 |
Kỷ hợi tứ nguyệt tạo chú, Đồng ngũ bách lục thập cân |
560 |
1659 |
133 |
80 |
Bên phải phía trước viện bảo tàng |
3 |
Thạnh đức bát niên, nhị nguyệt tạo đỉnh, Đồng nhị thiên tứ bách bát thập nhị cân |
2482 |
1660 |
222 |
100 |
Trước nhà Tả vu đại nội Huế |
4 |
Thạnh đức thập niên tạo đỉnh. Đồng nhị thiên tứ bách nhị thập ngũ cân |
2425 |
1662 |
222 |
104 |
Trước nhà Hữu vu đại nội Huế |
5 |
Cảnh trị bát niên cát nguyệt tạo chú Đồng cửu bách tam thập bát cân |
938 |
1670 |
155 |
86 |
Bên phải, phía trước Duyệt Thị Đường (đại nội Huế) |
6 |
Cảnh trị thập niên Chính nguyệt cát, nhật tạo Đồng nhất thiên tam bách cửu thập cân |
1390 |
1671 |
168 |
92 |
Bên phải phía trước điện Càn thành (đại nội Huế) |
7 |
Cảnh trị thập niên, lục nguyệt tạo chú Đồng bát bách cửu thập lục cân |
896 |
1671 |
142 |
86 |
Xế bên trái sau điện Thái Hòa (đại nội Huế) |
8 |
Dương Đức nhị niên, lục nguyệt tạo đỉnh, Đồng nhất thiên thập tam cân |
1013 |
1673 |
160 |
80 |
Lăng Đồng Khánh |
9 |
Đinh tỵ tú nguyệt lục nhật tạo chú Đồng ngũ bách lục thập cân |
560 |
1677 |
127 |
70 |
Bên phải, phía trước Viện bảo tàng cổ vật Huế |
10 |
Chính hòa ngũ niên, lục nguyệt tạo chú. Đồng nhất thiên tam bách cửu thập lục cân |
1396 |
1684 |
170 |
91 |
Bên phải phía trước điện Càn Thành (đại nội Huế) |
BẢNG ĐỐI CHIẾU
Số TT theo bảng TK |
Niên hiệu Niên đại khắc ghi trên vạc |
Niên hiệu niên đại qua kê cứu sử liệu (*) |
Triều đại |
1 |
Thạnh Đức. Thất niên tạo đỉnh. |
Vĩnh Thọ Nhị niên tạo đỉnh |
Lê Thần Tông (1649- 1661) |
2 |
Niên hiệu không ghi trên vạc Kỷ Hợi tứ nguyệt tạo chú |
Vĩnh Thọ nhị niên - Kỷ Hợi tứ nguyệt tạo chú |
Lê Thần Tông (1649- 1661) |
3 |
Thạnh Đức Bát niên nhị nguyệt tạo đỉnh. |
Vĩnh Thọ Tam niên nhị nguyệt tạo đỉnh |
Lê Thần Tông (1649- 1661) |
4 |
Thạnh Đức Thập niên tạo đỉnh |
Vạn Khánh Nguyên niên tạo đỉnh |
Lê Huyền Tông (1662- 1670) |
6 |
Cảnh trị Thập niên chính nguyệt cát nhật tạo |
Dương Đức Nguyên niên chính nguyệt cát nhật tạo |
Lê Gia Tông (1671-1674) |
7 |
Cảnh trị Thập niên lục nguyệt tạo chú |
Dương Đức Nguyên niên lục nguyệt tạo chú |
Lê Gia Tông (1671-1674) |
9 |
Niên hiệu không ghi trên vạc. Đinh Tỵ tứ nguyệt lục nhật tạo chú |
Vĩnh Trị Nhị niên đinh tỵ tứ nguyệt tạo chú |
Lê Hy Tông (1675-1704) |
Qua bảng đối chiếu, chúng ta nhìn thấy những sai sót sau:
- Có hai chiếc vạc không ghi niên hiệu (Theo số thứ tự 2,9), năm chiếc vạc ghi sai niên hiệu (1,3,4,6,7).
Những sai lầm trên là do cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn, kể từ năm Đinh Mão (1627) đời vua Thần Tông lần thứ nhất, đến năm Nhâm Tý (1672) đời vua Gia Tông, họ Trịnh, họ Nguyễn đánh nhau cả thảy 7 lần (1627, 1630, 1635, 1648, 1655, 1661, 1672). Trong bấy nhiêu lần, họ Nguyễn chỉ ra đánh họ Trịnh có một lần, đã lấy được 7 huyện ở phía Nam sông Linh Giang (sông Gianh) nhưng vì các tướng họ Nguyễn không đồng lòng với nhau, cho nên phải bỏ về đất cũ (2). Đây là những trận đánh lớn kể từ khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) đã ly khai ở Đàng Ngoài. Tuy nhiên các chúa họ Nguyễn không nhận sắc phong nhưng vẫn trọn đạo quân thần và vẫn dùng niên hiệu vua Lê. Mãi đến thời chúa Nguyễn Phúc Tần, mới thực sự chống cự nổi với họ Trịnh. Một quân sự gia Đông phương cổ, ông Vương An Thạch có nói "dĩ chiến chỉ chiến, tuy chiến khả giả" (lấy chiến tranh để chấm dứt chiến tranh, thì chiến tranh ấy cũng là một sự hợp lý). Trong thời gian chúa Hiền trị vì ở Nam Hà, ở Bắc Hà nhà Lê có năm lần kế tiếp ngôi vua và mười một lần thay đổi niên hiệu. Năm Quý Tỵ (1653) tháng hai, vua Lê Thần Tông đổi niên hiệu là Thạnh Đức. Đến năm Mậu Tuất (1658) tháng giêng, vua Lê đổi niên hiệu là Vĩnh Thọ (3) (theo thứ tự ở bảng đối chiếu 1,3,4 đã ghi sai niên hiệu là Thạnh Đức), ba năm sau (1662) tiếp tục đổi niên hiệu là Vạn Khánh (khác với các vua nhà Nguyễn, niên hiệu không thay đổi. Chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi năm 1802, lấy niên hiệu là Gia Long). Sau khi vua Lê Thần Tông mất (1662), Lê Duy Vũ (Huyền Tông) nối ngôi vua cha đặt niên hiệu Vạn Khánh và đến đời vua Lê Hy Tông trước năm 1680 có niên hiệu Vĩnh Trị, nhưng sau năm 1680 mới thực sự thay đổi niên hiệu là Chính Hòa, trị vì đến năm Giáp Thân (1704).
Cho hay các nghệ nhân thời chúa Nguyễn Phúc Tần đã ghi niên hiệu nhà Lê theo ký ức lịch sử.
Trước đây đã có những công trình nghiên cứu của các tác giả L.SOGNY đăng trên Bulletin des Amis du Vieux Hué (B.A.V.H, 1921, p.1-13) Les Vasques en bronze du Palais (những cái vạc đồng của Hoàng Thành) và của Trần Hà Thanh - công cuộc mở mang miền Nam của Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) in ronéo, Đại học văn khoa Huế, 1974, trang 81-83). Nay nhằm góp phần cho các văn bản thêm chính xác, chúng tôi xin đính chính một số sơ sót nhỏ để bổ khuyết cho công trình mà hai tác giả trên đã công bố.
Huế 30/3/1992
H.V
(TCSH49/05&6-1992)
------------------------
(*) Nguyễn Trọng Bình - Nguyễn Linh - Bùi Viết Nghị. Bảng đối chiếu âm, dương lịch 2000 năm và niên Biểu lịch sử, Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội, 1976, trang 264- 268.
(1) Hồ Vĩnh. Những chiếc vạc đồng thời chúa Nguyễn Phúc Tần, Báo văn hóa du lịch, số tháng 5/90. Kiến thức phổ thông (số mở đầu) tháng 12/90, trang 32-34.
(2) Trần Trọng Kim. Việt Nam sử lược, quyển II bộ Giáo dục - Trung tâm học liệu xuất bản, Sài Gòn, 1971, trang 49-50.
(3) Phan Khoang. Việt sử: xứ Đàng Trong, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1969, trang 199- 213. Xem thêm bảng đối chiếu, âm dương lịch 2000 năm và niên biểu lịch sử.