HỒ VĨNH
Bất luận một triều đại nào, quân đội là một tổ chức quan trọng cho bộ máy của triều đại ấy. Thiết chế quân sự dưới thời triều Nguyễn cũng có qui cách và lớn mạnh.
Song để muốn tồn tại lâu dài, vũ khí đóng vai trò quan trọng trên phương diện phòng thủ. Cho nên, từ thời Gia Long đến thời Tự Đức, nhà Nguyễn đã cho đúc hàng loạt súng thần công đủ loại để bố phòng khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
Các thông số đúc súng thần công qua các triều: Gia Long năm thứ 2 (1803), nhà vua cho đúc: "Cửu vị thần công"; năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đúc 300 khẩu thần công mang tên "Võ công tướng quân"(1). Năm 1830 đúc thêm súng gang có tên "Hồng Y" 400 cổ (hạng nặng 200 cổ, hạng vừa 200 cổ) hạ lệnh ở Kinh đô Huế đúc 200 cổ, Bắc Thành đúc 200 cổ. Sau đó qui định cách dùng thuốc súng thế nào cho các hạng súng đồng có khẩu kính (miệng nòng súng) 5 tấc 2 phân, bắn mỗi phát cần phải có 20 cân thuốc súng(2). Năm 1834, vua Minh Mạng ra lệnh cho Nội các rằng: "Những hương dõng thao luyện, cần sao tất cả đều được tinh khỏe, để trở thành một đạo quân giỏi, trong đó mỗi người lính phải ra người lính, thì các ngươi mới không phụ sự ủy thác của ta". Thế rồi quy định thành điều lệ cho thi hành. Mỗi vệ binh thao luyện là 500 người, phủ Thừa Thiên 3 vệ, đặt tên là Kinh binh Trung vệ, Kinh binh Tả vệ và Kinh binh Hữu vệ(3). Dưới triều Tự Đức, năm 1872, nhà vua ra lệnh tỉnh Nghệ An đúc 500 khẩu thần công, 2000 khẩu súng điểu thương (súng cá nhân)(4) rồi dời công trường giã thuốc súng bằng sức nước ở xã Lại Bằng lên xứ thác Ông ở dòng trên (thuộc huyện Hương Trà)(5)
Qua những dẫn liệu trên, chứng tỏ nhà Nguyễn rất chú trọng về mặt quốc phòng. Tuy nhiên, dưới triều Tự Đức chiến tranh và loạn lạc nổi lên khắp nơi, số lượng súng thần công đúc ở các tỉnh phía Bắc được lệnh điều về Võ khố (kho vũ khí tại Kinh đô). Một điều cần nhấn mạnh, súng thần công tại Huế (trước năm 1885) có 812 khẩu súng các loại đã bố trí khắp các pháo đài ở kinh thành, và 1.600 súng tại võ khố còn niêm kho. Sau biến cố 1885, tất cả số súng trên đã bị binh đội Pháp triệt hạ và phá hủy.
Trong bài tham luận "Đôi nét về văn hóa nghệ thuật Nguyễn" có nói 24 khẩu thần công ở Huế(6). Nhưng thực ra qua khảo sát hiện còn 41 cỗ súng nằm rải rác trong và ngoài Kinh thành Huế, thậm chí có súng mang chữ số và ký hiệu của Hà Lan, Pháp... (xem bảng thống kê).
Chúng tôi đã tiến hành khảo sát hệ thống phòng thủ dọc hai bên bờ sông Hương cho đến tận cửa Thuận An. Rất tiếc là không một chiến lũy nào để lại dấu tích (khoảng 10 chiến lũy). Sử liệu cho biết: "ngược về Huế, trước khi xuôi về Tây Bắc, giữa làng Qui Lai và Thuận Hòa, sông Hương rất rộng và nông, ghe lớn đi lại phải biết rất rõ ràng dòng lạch. Các quan có lý khi cho rằng các pháo hạm buộc phải giảm tốc độ. Vì thế họ thấy cần tăng cường phòng thủ quãng sông này bằng một cụm hào lũy được thiết kế tốt"(7). Cũng trong kế hoạch bố phòng cho các chiến lũy này thì tháng 6 năm Tự Đức thứ 13 (1860) ông Trần Tiễn Thành và Thống chế Nguyễn Duy Thăng lại trình một bảng tâu mới, trong đó họ xin 30 khẩu pháo cho đồn vuông ở Thuận An (đồn Hà Nhuận), 7 khẩu pháo cho đồn Vương Hòa Duân, 10 khẩu oanh sơn, 10 khẩu mỗi loại trong các loại súng Đăng Uy, Thắng Uy và Chấn Uy, 10 khẩu Võ Công, 20 khẩu Thành Công để bổ sung cho chiến lũy Hạp Châu và trang bị các lũy cát mới ở Thuận An và Hòa Duân...(8). Sau khi hòa ước Giáp Thân (1884) ra đời thì tất cả các hệ thống phòng thủ, đồi lũy dọc sông Hương đã bị triệt bãi. Hiện nay tại ngã ba Sình chỉ còn lại một khẩu thần công nằm dưới đất sâu 2m. Trân trọng trước di vật cổ, nhân dân xã Hương Vinh đã chuyển khẩu thần công này bảo quản tại Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Huế.
Riêng tại Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh hiện còn 11 khẩu. Vừa qua tỉnh Quảng Ngãi đã tìm thấy khẩu thần công ở độ sâu 3m, gần sát bờ hào phía Tây tỉnh Quảng Ngãi cũ. Súng đúc bằng hợp chất gang sắt, nặng khoảng gần 2 tấn. Khẩu súng này có niên đại thời nhà Nguyễn đầu thế kỷ XIX, gắn liền lịch sử với thành Quảng Ngãi cũ(9).
Về 41 khẩu thần công tại cố đô Huế thì trong đó có 4 khẩu đã bị kẻ gian đem bán "sắt, phế liệu" (xem bảng thống kê, các số thứ tự 3,11,12). Hiện nay vẫn còn một số khẩu thần công nằm rải rác trên địa bàn thành phố. Nên chăng, cần có kế hoạch qui tập về một địa điểm (chẳng hạn như Bảo tàng Cổ vật) để được giữ gìn, bảo vệ được chu đáo hơn?
H.V
(TCSH55/05&6-1993)
-------------------
Chú thích:
(1) Dẫn theo Phạm Hữu Công: Mười một khẩu đại bác bằng đồng thời Nguyễn tại Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh. Kỷ yếu hội thảo khoa học - Những vấn đề văn hóa, xã hội thời Nguyễn, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1992, tr. 228.
(2) Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, tập 10, Nhà xuất bản Khoa học, Hà Nội 1964, tr. 119, tr. 124.
(3) Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, tập 14, Nhà xuất bản Khoa học, Hà Nội, 1965, tr. 265.
(4) Quốc triều chánh biên, bản dịch của nhóm Nghiên cứu Sử, Địa, Việt Nam xuất bản, Sài Gòn, 1972, tr.366.
(5) Đại Nam thực lục chính biên, đệ tứ kỷ, tập 30, Nhà xuất bản Khoa học Hà Nội, 1974, tr.65.
(6) Đoàn Văn Thằng - Hoàng Anh Tuấn. Đôi nét về văn hóa, nghệ thuật Nguyễn. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học - những vấn đề văn hóa xã hội thời Nguyễn, tr. 168.
(7) - (8) Nguyễn Đắc Xuân. Phụ chánh Trần Tiễn Thành, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1992, tr. 28 - 30.
(9) Báo Nhân dân số ra ngày 26.8.1992, tr.1.