Khảo cổ
Văn bia mộ Đương Nhậm hầu Lê Viết Sinh - một di sản quý triều Tây Sơn
10:03 | 25/10/2024


VÕ VINH QUANG

Văn bia mộ Đương Nhậm hầu Lê Viết Sinh - một di sản quý triều Tây Sơn
Nhà thờ họ Lê Viết làng Nguyệt Biều - Ảnh: VVQ

1. Dẫn đề

Trong quá trình nghiên cứu về di sản Hán Nôm nhiều năm qua, chúng tôi đã có cơ duyên tìm hiểu, khám phá nguồn tư liệu quý về cổ văn Hán Nôm thuộc nhiều lĩnh vực. Với chúng tôi, tất cả các dấu tích, di tích của tiền nhân, dẫu là một mảnh giấy không còn nguyên vẹn cũng chứa đựng ý nghĩa, giá trị tiềm tàng.

Đến với bia mộ Đương Nhậm hầu Lê Viết Sinh, một danh nhân họ Lê Viết làng Nguyệt Biều (phường Thủy Biều, thành phố Huế), chúng tôi được anh Lê Viết Bằng và quý bác ở tộc Lê Viết nhờ cậy, hỗ trợ khảo sát và in rập văn bia. Từ đó, sau khi tìm hiểu, đối chiếu với các thư tịch còn lại cùng các chứng cứ liên quan, chúng tôi đủ căn cứ để kết luận đó là văn bia quý thuộc triều Tây Sơn trên đất Huế, nên đã công bố bài nghiên cứu và bản dịch văn bia này trên Tạp chí Sông Hương, số 388, tháng 06 năm 2021.

Vừa rồi, nhà nghiên cứu (NNC) Lê Minh Khiêm thông qua bài viết “Về tấm bia mộ tổ họ Lê ở làng Nguyệt Biều”1 đăng trên Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, đã đưa ra nhận định, phản biện bài viết “Văn bia triều Tây Sơn quý giá trên đất Huế: Bài minh văn trên mộ Vũ Huân tướng quân Lê Viết Sinh”2 của chúng tôi. Qua đó, tác giả kết luận rằng “... sau vụ kiện [năm 1910], con cháu họ Lê mới nhận thấy tấm bia và ngôi mộ cổ năm đời của mình đã quá hư hỏng nên đã trùng tu lại bằng xi măng và dựng một tấm bia mới. Nhưng cũng như các viên thư lại trước đây, người sao chép bài văn để khắc lại trên bia buộc lòng phải đoán chữ, từ đó mới có sự khác biệt về mặt văn bản giữa các bài minh trên3, tức ông khẳng định tấm bia trên mộ ngài Lê Viết Sinh là tấm bia mới, và chúng tôi đã sai lầm trong việc xác định đấy là văn bia triều Tây Sơn.

Vấn đề này không chỉ liên quan đến chuyện đúng sai, mà còn tác động rất lớn đến nhận thức lịch sử, tinh thần, tâm lý dòng họ Lê và đến cả nhận thức, nghiên cứu lịch sử, văn hóa xứ Huế. Bởi vậy, chúng tôi thấy cần thiết phải có bài hồi đáp đối với phần phản biện của ông Lê Minh Khiêm.

2. NNCLê Minh Khiêm phản biện thiếu khách quan, sai nguyên tắc khoa học

Bài viết “Về tấm bia mộ tổ họ Lê ở làng Nguyệt Biều” của NNC Lê Minh Khiêm dùng để bàn luận về tính chân thực hay giả tạo của tấm bia mộ ngài Vũ Huân tướng quân Lê Viết Sinh. Chúng tôi đánh giá cao công tác phản biện khoa học, vì điều đó góp phần đem lại sự chuẩn xác cho nhận thức và lịch sử, cũng như cho tính chân xác của hệ thống di sản tư liệu cổ truyền.

Tuy nhiên, sau khi đọc bài viết, chúng tôi khá ngạc nhiên khi tác giả không hề có sự tiếp cận nào đối với văn bản gốc - tấm bia đá sa thạch tại lăng mộ ngài Lê Viết Sinh. Bởi lẽ, trong bài viết ấy, NNC Lê Minh Khiêm tuyệt nhiên không có một dòng nào giới thiệu hay miêu tả thực tế về tấm bia mộ Vũ Huân tướng quân, đối tượng mà ông căn cứ để phản biện. Với cách tiếp cận không đúng đối tượng, không đúng tinh thần khoa học, nên nhiều ý kiến và nhận định của tác giả trong bài viết mang hàm ý tư biện.

Cụ thể, tại mục “2. Chủ nhân ngôi mộ cổ”, để bác bỏ thông tin về viên quan triều Tây Sơn tên là Lê Viết Sinh, NNC Lê Minh Khiêm viết:

Chúng tôi tìm xem trong các sách lịch sử trong suốt triều Tây Sơn không thấy danh thần (bề tôi danh tiếng) nào có tên là Lê Viết Sinh [VVQ nhấn mạnh], cũng không hề thấy chức Hộ quân Thị nội, mà chỉ có Thị nội là tên một cơ quan từ thời các chúa Nguyễn, thuộc phủ chúa quản lý, đến thời Nguyễn trực thuộc Kinh đô. Cơ Trung Tượng là một đơn vị quân voi thuộc Thị Nội. Cơ quan có tên Thị Nội tồn tại đến đầu triều Nguyễn, khoảng năm Minh Mạng thứ 11 thì bãi bỏ [VVQ nhấn mạnh], như trong tờ chiếu cấp cho Đội trưởng Hoàng Trọng Thuyền, một viên Đội trưởng tượng binh người làng Nguyệt Biều vào ngày mồng Bảy tháng Hai năm Minh Mạng thứ 11 (20/03/1831).4

Từ căn cứ trên, tác giả kết luận: “Vậy theo nội dung dòng chính văn trên bi chí thì vị Vũ Huân tướng quân họ Lê là Chưởng cơ của một cơ tượng binh, cơ này đóng ở làng Nguyệt Biều kể từ khi các chúa Nguyễn dời phủ vào Kim Long chứ không phải là “một chức quan hầu cận gần vua, điều khiển quân binh bảo vệ cung điện của Hoàng đế” như TS. Võ Vinh Quang giải thích”.5

Với các nhận định trên của NNC Lê Minh Khiêm, độc giả nếu chỉ đọc sơ qua thì cảm thấy khá có lý. Bởi vì Thị Nội rõ ràng là cơ quan tồn tại ở thời các chúa Nguyễn. Tác giả chỉ nhầm lẫn khi xác định “Trung Tượng cơ là một đơn vị quân voi thuộc Thị Nội, bởi lẽ theo sách Phủ biên tạp lục, bên cạnh “cơ Trung Tượng chia làm 61 đội, mỗi đội 7, 8, 9 hoặc 10 người, cộng 584 người”6 ở Nội phủ, thì còn có nhiều cơ Trung Tượng ở các dinh, đồn khác thuộc xứ Đàng Trong. Chẳng hạn như: cơ Trung Tượng, quản mục, lương y, cắt cỏ voi (160 người)”7 thuộc đạo Lưu Đồn ở địa phần Võ Xá, huyện Lệ Thủy; “cơ Trung Tượng 81 người”8 ở dinh Quảng Bình, cùng đó còn có các cơ Trung Tượng ở các dinh Quảng Nam, dinh Bình Khang...

Tác giả dẫn liệu về Thị nội và Trung Tượng cơ ở thời chúa Nguyễn và kết luận rằng “cơ quan Thị Nội tồn tại đến đầu triều Nguyễn, khoảng năm Minh Mạng thứ 119 thì bãi bỏ” tưởng chừng có căn cứ khoa học vững chắc. Tuy vậy, vấn đề ở đây chính là việc NNC Lê Minh Khiêm cố tình không nhắc đến, không trích dẫn hay có sự khảo cứu nào về Thị Nội Thị Nội Trung Tượng cơ triều Tây Sơn (được thể hiện trong nội dung văn bia ngài Lê Viết Sinh và là căn cứ trọng yếu để tác giả phản biện).

Theo chúng tôi, đó là sự lược bỏ thông tin về Thị Nội Thị Nội Trung Tượng cơ ở triều Tây Sơn một cách có chủ đích của cá nhân tác giả, với hàm ý triều Tây Sơn không có Thị Nội Thị Nội Trung Tượng cơ.

Dưới đây, chúng tôi xin cung cấp các tư liệu, văn bản Hán Nôm triều Tây Sơn có Thị Nội Trung Tượng cơ, nhằm chứng minh rằng triều Tây Sơn vẫn hiện hữu rõ ràng các cơ quan, đội quân trên.

Theo bài viết “Võ Bá Lộc, người tài được trọng dụng ở hai triều” của ông Phạm Xuân Phượng (Báo Thừa Thiên Huế online, ngày đăng 31/10/2013)10 thì viên Đội trưởng Võ Bá Lộc thuộc họ Võ (nhánh 2) làng Nguyệt Biều, phường Thủy Biều, thành phố Huế. Võ Bá Lộc làm quan trải 2 triều (chúa Trịnh và Tây Sơn), có 3 sắc phong triều Tây Sơn gồm: sắc phong ngày 28 tháng 11 năm Quang Trung thứ 2; sắc phong ngày 28 tháng 04 năm Cảnh Thịnh thứ 1 và sắc phong ngày 16 tháng 10 năm Cảnh Thịnh thứ 3. Ba sắc phong này đều ghi rõ: “Sắc Thị Nội Trung Tượng cơ Tứ vệ ... Võ Bá Lộc”. Tác giả bài báo cũng đính kèm hình ảnh sắc phong cho Võ Bá Lộc vào ngày 16 tháng 10 năm Cảnh Thịnh thứ 3 (1795) để chứng minh rõ cho các lập luận của mình. Đấy là cứ liệu rõ ràng nhất để chứng minh “Thị Nội Trung Tượng cơ” hiện hữu ở triều Tây Sơn (Ảnh 1).

Ảnh 1. Sắc chỉ phong ngày 16 - 10 - Cảnh Thịnh thứ 3 (1795) ban cho “Thị Nội Trung Tượng cơ Tứ vệ Trung úy Võ Bá Lộc” trong bài của ông Phạm Xuân Phượng tại báo Thừa Thiên Huế online (đã dẫn).


Tại sách Ấn chương Việt Nam từ thếkỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX trong dân gian vùng Huế của Lê Nguyễn Lưu và Huỳnh Đình Kết (Nxb. Thuận Hóa, 2011), khi nghiên cứu về triều Tây Sơn và ấn chương triều Tây Sơn, các tácgiảđã cung cấp nhiều thông tin và tư liệu quý về văn bản Hán Nôm triều Tây Sơn ở xứ Huế. Trong đó, tại phần hình ảnh minh họa giữa trang 188 và 189, sách đã cung cấp hình ảnh màu các sắc phong cho Võ Bá Lộc (họ Võ làng Nguyệt Biều) năm Cảnh Thịnh thứ 1 (1793) (Ảnh 2), và sắc phong cho Hoàng Hữu Dung (họ Hoàng Trọng làng Nguyệt Biều) năm Cảnh Thịnh 9 (1801) (Ảnh 3). Hai tư liệu này đều thể hiện sự hiện diện rõ ràng của cơ quan Thị Nội (Võ Bá Lộc thì rõ rệt đơn vị Trung Tượng cơ).

nh 2. Sắc chỉ phong cho Thị Nội Trung Tượng cơ Tứ vệ Cai đội Võ Bá Lộc, ngày 28 - 04 -

Cảnh Thịnh nguyên niên (tức 06/06/1793)11.

nh 3. Sắc chỉ phong cho Lễ bộ Thủ hợp Hoàng Hữu Dung, ngày 26 - Giêng - Cảnh Thịnh

nguyên niên (tức 08/03/1793) lên chức Hoằng Mậu lang Thị Nội Thái Phủ giám13.


Bên cạnh đó, trong hệ thống tư liệu Hán Nôm làng xã của Huế, Quảng Trị... chúng tôi tìm thấy có rất nhiều tư liệu liên quan đến Thị Nội, chẳng hạn như một văn bản Phó ở hòm bộ làng Thanh Phước (Ảnh 4).

Ảnh 4. Tờ Phó của Giáo Hóa hầu cai quản Quân sứ Nhị hiệu Tiệp Sai đạo Hữu Bật của Thị Nội (năm Cảnh Thịnh 3 - 1795) ở làng Hồng Ân (tức Thanh Phước)14.


Hoặc như văn bản “Thân” của làng Thanh Phước thời Tây Sơn (bấy giờ là làng Hồng Ân) được các tác giả Lê Nguyễn Lưu và Huỳnh Đình Kết cung cấp tại sách Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX trong dân gian vùng Huế cũng nhắc tới “Thị Nội Hữu Bật đạo, Nguyên Thống vệ” và chú thích: “Thị Nội: chầu hầu trong cung vua. Đây thuộc cấm binh hay ngự lâm quân. Các đơn vị đóng giữ hay phục vụ trong cung cấm đều “buồm” lên đầu hai chữ “Thị Nội”12

Đồng thời, ngay trong bài viết về văn bia Vũ Huân tướng quân Lê Viết Sinh trên Tạp chí Sông Hương, chúng tôi cũng đã trưng dẫn ảnh bản của văn bia “Nam cố Thị Nội Chưởng cơ Đinh hầu chi mộ” (Ảnh 5) - một trong số ít các văn bia thời Tây Sơn hiếm có tại Huế.

Ảnh 5. Bia Nam cố Thị Nội Chưởng cơ Đinh hầu chi mộ (đồi Dương Xuân, Huế).


Tóm lại, căn cứ vào các tư liệu hiện tồn về triều Tây Sơn, dữ liệu “Thị Nội Trung Tượng cơ” trên mộ của Vũ Huân tướng quân Lê Viết Sinh là có cơ sở khoa học để xác lập sự liên quan trực tiếp đến đội quân Trung Tượng cơ thuộc Thị Nội ở triều đại Tây Sơn, chứ không phải chỉ có ở thời chúa Nguyễn và thời vua Nguyễn như thông tin của NNC Lê Minh Khiêm đưa ra.

Cũng qua đó, chúng tôi cho rằng NNC Lê Minh Khiêm đã cố ý không đề cập đến sự xuất hiện của Thị Nội Trung Tượng cơ triều Tây Sơn (dù ông được xem là chuyên gia về tư liệu làng Nguyệt Biều, nhất là ở tộc họ Hoàng Trọng -nơi có tư liệu về Thị nội triều Tây Sơn), tức không tuân thủ nguyên tắc khách quan trong khoa học.

3. Văn bia mộ Vũ Huân tướng quân Lê Viết Sinh là văn bia gốc, được lập vào thời Tây Sơn

Do NNC Lê Minh Khiêm không tiến hành thực địa khảo sát ngôi mộ và tìm hiểu, kiểm chứng thông tin từ tấm văn bia trên mộ Vũ Huân tướng quân Lê Viết Sinh, nên những chứng cứ ông đưa ra chưa đủ sức thuyết phục.

Vì thiếu phần thực chứng, không trực tiếp đối sánh và phân tích những yếu tố quan trọng ngay trên văn bia, mà tác giả chỉ dựa vào tư liệu “bàng chứng” (chứng cứ từ bản sao vào năm 1961, chép lại vụ kiện năm 1910 triều Duy Tân, có trong tư liệu họ Hoàng Trọng làng Nguyệt Biều) để phản biện nên NNC Lê Minh Khiêm đã bỏ quên các yếu tố được xem là “chìa khóa” để khai mở giá trị của tấm bia15. Theo chúng tôi, những yếu tố căn cốt thể hiện trên tấm bia mộ ngài Lê Viết Sinh là: motif mỹ thuật hoa văn trang trí thuộc triều đại nào; chất liệu đá bia là loại chất liệu gì, được dùng phổ biến ở giai đoạn nào; hiện trạng khắc bản và tình trạng, chất lượng bia đá cho đến ngày nay ra sao; và nhất là lý giải về yếu tố “Nam cố” 南故 thể hiện trên văn bia...

NNC Lê Minh Khiêm nếu muốn đủ căn cứ chứng minh tấm bia đá trên mộ ngài Lê Viết Sinh “mới được lập” (lời của tác giả), thì ông cần làm rõ các yếu tố văn bản hiện hữu trên tấm bia, qua đó mới có thể đưa ra nhận định và kết luận về tính chân xác hay ngụy tạo của văn bia ấy.

Để chứng minh rõ về những yếu tố quan trọng để xác định đấy là văn bia triều Tây Sơn, chúng tôi xin trình bày cụ thể về các yếu tố căn cốt dưới đây:

Thứ nhất, về chất liệu, hiện trạng và motif hoa văn trên bia đá:

Tại bài “Văn bia triều Tây Sơn quý giá trên đất Huế: Bài minh văn trên mộ Vũ Huân tướng quân Lê Viết Sinh” (Tạp chí Sông Hương, 2021), chúng tôi miêu tả rõ rằng:

“Văn bia mộ của Vũ Huân tướng quân, Chưởng cơ Lê Viết Sinh có kích cỡ dài 120cm x rộng 65cm, được khắc trên loại đá sa thạch với diềm hoa văn đao lửa, hoa dây cách điệu và đài sen cách điệu… đặt trên nền một tấm đá núi (thường gọi là đá gan gà) đặc trưng thời Tiền Nguyễn. Chữ Hán trên văn bia là thể chữ khải (chữ chân), ghi chép bài minh văn (một dạng của thể thức lụy thể tứ ngôn (4 chữ) ngắn gọn, súc tích với chữ “Nam cố” 南故 đặc trưng cho triều Tây Sơn kết hợp với dòng “Vũ Huân tướng quân Hộ quân Thị nội Trung Tượng cơ Chưởng cơ Đương Nhậm hầu Lê Quý công” 武勳將軍護軍侍內中象奇掌奇當 任侯黎貴公 gợi mở thêm thông tin về chức vụ của vị quan Chưởng cơ Lê Viết Sinh ở cơ Trung Tượng, là viên tướng Hộ quân Thị Nội”.

Ảnh 6. Bản chụp văn bia mộ Vũ Huân tướng quân Lê Viết Sinh sau khi chúng tôi in rập thác bản, năm 2020.


Trong quá trình nghiên cứu về mỹ thuật thời chúa Nguyễn, qua khảo sát hệ thống lăng mộ (mộ hình, kiểu cách), bia mộ (mộ bi), chúng tôi thấy rằng motif mặt trời đao lửa ở trán bia, motif dây leo hoa lá cách điệu được khắc sâu ở thân bia và đài sen cân chuẩn ở chân bia chính là các motif đặc trưng thể hiện nét mỹ thuật thời Tiền Nguyễn (chúa Nguyễn và Tây Sơn và kéo dài đến đầu triều Nguyễn) ở Đàng Trong. Đồng thời, kiểu bia đá sa thạch, mô thức “nhún vai” ở văn bia mộ ngài Lê Viết Sinh cũng là một đặc tính tiêu biểu để góp phần khẳng định nét mỹ thuật từ thời Nguyễn Sơ trở về trước16.

Nói về motif hoa sen, sách Mỹ thuật thời Chúa Nguyễn dẫn liệu từ di sản lăng mộ do NNC Nguyễn Hữu Thông chủ biên (Nxb. Thuận Hóa, 2014) chép rằng: “Ở đây, riêng trong các đồ án trang trí ở lăng mộ thời các chúa Nguyễn, hoa sen đã xuất hiện mang tính khuynh loát trước các chủ đề khác. Chúng không chỉ được ghi nhận ở mật độ xuất hiện, số lượng thể hiện, mà còn được thiết trí và mô tả dưới nhiều tư thế, trên nhiều vị trí và biến hóa khôn lường”17.

Đối chiếu với các tư liệu bia mộ hiện tồn, chúng tôi thấy rằng motif hoa sen dạng “liên hóa” ở chân bia mộ ngài Lê Viết Sinh là kiểu thức đặc trưng có từ thời chúa Nguyễn và kéo dài đến khoảng đầu triều vua Gia Long.

Bia mộ Vũ Huân tướng quân Lê Viết Sinh mang dạng thức bia “nhún vai” tiêu biểu từ thời chúa Nguyễn, và biểu tượng trang trí bằng hình thái mặt trời đao lửa, kết hợp với dây leo hoa lá phối điểm hình hoa cúc to đậm được đục sâu. Những dạng thức này là motif đặc trưng tiêu biểu của mỹ thuật thời Tiền Nguyễn ở Đàng Trong, được giới nghiên cứu đúc kết và khẳng định bằng các công trình chuyên sâu về mỹ thuật trang trí trên lăng mộ thời Chúa Nguyễn (tiêu biểu là ấn phẩm Mỹ thuật thời Chúa Nguyễn dẫn liệu từ di sản lăng mộ đã dẫn ở trên).

Thứ hai, đây là tấm bia sa thạch nguyên khối với đầy đủ yếu tố gốc, chưa từng bị tác động hoặc làm mới:

Bia mộ ngài Lê Viết Sinh là một tấm đá sa thạch nguyên khối, đã bị phong hóa khá nhiều theo thời gian. Thời điểm 2020, khi chúng tôi khảo sát trực tiếp thì văn bia đã mòn mờ, một số chữ Hán trên bia dần bị hư hỏng, số còn lại thì nét khắc của chữ Hán đã mòn, cạn dần. Sau nhiều lần bôi bột mì để chụp nhưng không hiệu quả, chúng tôi đã nỗ lực in rập thác bản, qua nhiều đợt mới in rập thành công (Ảnh 6).

Cũng bởi lo lắng sự mòn mờ xuống cấp sẽ xóa sạch nét chữ và dấu hiệu trên văn bia, nên chúng tôi đã đề xuất gia tộc Lê Viết xây nhà bia để bảo vệ. Đến nay (2024), gia tộc hoàn chỉnh nhà bia, góp phần kéo dài tuổi thọ của tấm bia đá quý giá này. Nói như thế để chứng minh rằng hiện trạng tấm bia sa thạch này đã khá xuống cấp, chứ không phải là tấm bia mới chữ nghĩa đẹp đẽ ngon lành như nhận định của NNC Lê Minh Khiêm (Ảnh 7).

Ảnh 7. Ảnh gốc bia mộ ngài Lê Viết Sinh, với biểu tượng mặt trời đao lửa, motif “nhún vai”, dây leo hoa lá sâu đậm ở diềm bia, motif liên hóa thành đài sen ở chân bia, chất liệu đá sa thạch đã bị phong hóa... tất cả đều thể hiện tính đặc trưng của mỹ thuật thời Tiền Nguyễn. (Ảnh: Lê Viết Bằng, năm 2024).


Để chứng minh rõ các dạng thức (motif) văn bia đặc trưng thời Tiền Nguyễn khá trùng khít với dạng thức bia mộ ngài Lê Viết Sinh, chúng tôi xin trích dẫn các hình ảnh bia đá giai đoạn từ thời chúa Nguyễn đến đầu triều Nguyễn (Ảnh 8, 9 & 10).

Ảnh 8. Bia “Việt cố Bình hương Xử sĩ Mạc công mộ” thời Tiền Nguyễn, với motif Mặt trời đao lửa, dây leo hoa lá đậm sâu cách điệu và đài sen ở chân bia, tương tự như bia mộ ngài Lê Viết Sinh ở Nguyệt Biều18
Ảnh 9. Bia “Nam cố Hiển tỷ y phu Thống suất Lê hầu phối thất Nguyễn quý nương, thụy Trinh Thục chi mộ” lập năm Giáp Thìn 1784, tọa lạc tại ấp An Bang (nay là khối An Bang, phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam)20.
Ảnh 10. Bia “Việt cố Hộ bộ Thượng thư Trụ quốc Việt cố Hộ bộ Thượng thư Trụ quốc Tham chính Lê Trung Hiến công phu nhân Hoàng thị Từ Tiết chi mộ” - bia mộ bà họ Hoàng, phu nhân Thượng thư Lê Quang Định, tọa lạc tại thôn Ngũ Tây, phường An Tây, thành phố Huế (lập khoảng năm 1813)21


Qua các dẫn liệu trên, chúng tôi khẳng định rằng bia mộ Vũ Huân tướng quân Lê Viết Sinh là dạng thức bia đá thời Tiền Nguyễn, Tây Sơn và đầu triều Nguyễn. Đồng thời, chất liệu đá sa thạch đặc trưng thời Tiền Nguyễn cũng như hiện trạng phong hóa tại bia mộ ngài Lê Viết Sinh là dấu hiệu khẳng định: đấy là tấm bia gốc đã tồn tại hơn 200 năm qua. Cùng với văn bia, ngôi mộ búp sen cũng được gia tộc Lê Viết bảo vệ nguyên gốc, chỉ trám thêm một chút phần xi măng ở những góc bị sứt mẻ, chứ hoàn toàn không “trùng tu lại bằng xi măng” như ông Khiêm kết luận (Ảnh 11).

Ảnh 11. Bia mộ ngài Lê Viết Sinh, hình búp sen gốc, về sau do bị hư hỏng, rạn nứt một số nơi, nên gia tộc có trám thêm 1 số phần xi măng để bảo vệ.


Thứ ba, văn bia “Nam cố” là loại hình bia mộ thuộc triều đại Tây Sơn:

Vấn đề trọng yếu tiếp theo giúp chúng tôi xác quyết bia mộ ngài Lê Viết Sinh là bia mộ triều Tây Sơn chính là yếu tố “Nam cố”. Như đã biết, văn bia “Việt cố” là các văn bia dùng để chỉ người quá cố (đã khuất) thuộc nước Đại Việt, tức dùng chỉ những người hướng theo chúa Nguyễn (trong đó có Nguyễn vương Phúc Ánh, sau này là vua Gia Long)19; còn văn bia “Nam cố” mang hàm ý chỉ người quá cố thuộc nước Nam, hoặc người phương Nam, phiếm chỉ những gia tộc, cá nhân hướng theo triều Tây Sơn.

Căn cứ rõ ràng nhất chính là bản văn bia Lập mộ chí bi 立墓誌碑 ghi rõ “Nam cố” 南故 (2 lần), do Uy Nghị hầu Phạm Quang Chương triều Tây Sơn biên soạn, viết về cha mẹ quá cố của ông. Văn bia được dựng lập vào năm Giáp Dần niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 2 (Dương lịch: 1794), tọa lạc tại thôn Tân Trại Thượng, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị22. Chúng tôi xin được minh chứng rõ ở ảnh 12.

Ảnh 12. Ảnh toàn văn (trên) và mặt cắt (dưới) bia “Lập mộ chí bi” ghi “Nam cố” 南故 có niên đại tuyệt đối là Cảnh Thịnh nhị niên, Giáp Dần (1794)23.


Như vậy, văn bia Lập mộ chí bi có niên đại tuyệt đối là năm Giáp Dần, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 2 (1794) thể hiện rõ 2 lần chữ “Nam cố” 南故 ở trên là bằng chứng khoa học xác thực nhất để kết luận rằng: các văn bia Nam cố là những văn bia thuộc về triều Tây Sơn. Bia mộ ngài Vũ Huân tướng quân Lê Viết Sinh ở làng Nguyệt Biều đã thể hiện rõ nét các yếu tố liên quan, trong đó có chữ “Nam cố” 南故đặc trưng cho văn bia thuộc triều Tây Sơn, mà giới nghiên cứu qua quá trình khảo sát thực địa, đối chiếu hệ thống tư liệu hiện tồn để xác lập thông tin quan trọng ấy. Đây là một trong số ít các văn bia triều Tây Sơn quý hiếm trên đất Huế.

3. Kết luận

Nghiên cứu về di sản Hán Nôm liên quan đến các giá trị lịch sử của triều đại xưa là một quá trình nghiên cứu gặp nhiều chông gai, thử thách, đòi hỏi người nghiên cứu trang bị cho mình rất nhiều kiến thức, từ thực địa cho đến kinh nghiệm. Trong đó, công tác thực chứng và khảo cứu văn bản học là điều kiện tiên quyết khi tiếp cận, xử lý và khảo biện bất kỳ một văn bản nào.

Thời gian qua, nhờ việc tiếp cận với nguồn di sản Hán Nôm phong phú và ngày càng bạch hóa, chúng tôi đã tích lũy được một số kiến thức hữu ích, phục vụ cho quá trình xử lý văn bản Hán Nôm xứ Huế nói riêng, Hán Nôm Việt Nam nói chung. Trong đó, chúng tôi không chỉ quan tâm đến tư liệu thời Lê Trịnh, chúa Nguyễn và triều Nguyễn mà còn chú trọng khảo biện về nguồn tư liệu liên quan đến triều đại Tây Sơn. Bởi lẽ triều đại này mặc dù tồn tại khá ngắn trong lịch sử, nhưng cũng kịp để lại nhiều dấu ấn độc đáo, thú vị và giá trị. Hơn nữa, tìm hiểu về tư liệu Tây Sơn giúp chúng tôi phác họa và kết nối xuyên suốt dòng chảy lịch sử Việt Nam.

Thiết nghĩ, trong công tác nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học lịch sử văn hóa cổ truyền thì sự sơ suất, sai sót hoặc nhầm lẫn ở một số khía cạnh nào đó là điều khó tránh khỏi. Bởi vậy, chúng tôi rất hoan nghênh những phản biện khoa học khách quan, chính chuẩn để góp phần đem lại những thành tựu chuẩn xác cho lịch sử.

Tuy nhiên, tinh thần khách quan, nghiêm túc và chuẩn xác trong phản biện phải được xem là tiêu chí căn cốt, nhằm tránh được các nhận định và kết luận chủ quan, thiếu căn cứ. Chẳng hạn như nhận định: “Chúng tôi tìm xem trong các sách lịch sử trong suốt triều Tây Sơn không thấy danh thần (bề tôi danh tiếng) nào có tên là Lê Viết Sinh” của NNC Lê Minh Khiêm trong bài hàm chứa yếu tố chủ quan trong suy nghĩ cá nhân của tác giả. Bởi lẽ cho đến nay, chưa ai đủ tư liệu và cơ sở để nắm vững tất cả các thông tin về triều Tây Sơn, cũng như thống kê đầy đủ số lượng quan chức, cận thần qua các giai đoạn ở triều đại này. Hy vọng rằng tác giả Lê Minh Khiêm sẽ có những nghiên cứu khách quan hơn, đóng góp tốt hơn cho nền học thuật trong tương lai.

Huế, 24/07/2024
V.V.Q
(TCSH54SDB/09-2024)

-------------------------
1 Lê Minh Khiêm, “Về tấm bia mộ tổ họ Lê ở làng Nguyệt Biều”, Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, Huế, số 3 (191).2024, tr. 3 - 10.
2 Võ Vinh Quang, “Văn bia triều Tây Sơn quý giá trên đất Huế: Bài minh văn trên mộ Vũ Huân tướng quân Lê Viết Sinh”, Tạp chí Sông Hương, số 388 /06-2021, tr. 77-83.
3 Lê Minh Khiêm, “Về tấm bia mộ tổ họ Lê ở làng Nguyệt Biều”, Tlđd, tr. 10.
4 Lê Minh Khiêm, “Về tấm bia mộ tổ họ Lê ở làng Nguyệt Biều”, Tlđd, tr. 4.
5 Lê Minh Khiêm, “Về tấm bia mộ tổ họ Lê ở làng Nguyệt Biều”, Tlđd, tr. 5.
6 Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục (bản dịch Viện Sử học), Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 239.
7 Phủ biên tạp lục, Sđd, tr. 240.
8 Phủ biên tạp lục, Sđd, tr. 241.
9 Ngày mồng 7 tháng hai Năm Minh Mạng thứ 11 là ngày 01 tháng 03 năm 1830 chứ không phải là ngày 20 tháng 03 năm 1831 như ông Khiêm dịch (trang 4).
10 Link: https://baothuathienhue.vn/du-lich/di-san-van-hoa/vo-ba-loc-nguoi-tai-duoc-trong-dung-o-hai-trieu-5745.html, ngày truy cập: 19/07/2024.
11 Ảnh chụp từ sách Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX trong dân gian vùng Huế của Lê Nguyễn Lưu - Huỳnh Đình Kết.
12 Lê Nguyễn Lưu - Huỳnh Đình Kết (2011), Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX trong dân gian vùng Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 191.
13 Ảnh chụp từ sách Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX trong dân gian vùng Huế của Lê Nguyễn Lưu - Huỳnh Đình Kết.
14 Nguồn: ảnh chụp từ sách Văn thư - Đơn từ Hán Nôm các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế (tuyển dịch) của Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế xuất bản năm 2023, tr. 172.
15 Thậm chí nguồn tư liệu “bàng chứng” (bản sao vụ kiện chép năm 1961) được tác giả lựa chọn ở trên lại là một văn bản chữ Hán được sao chép lại bằng bút sắt, viết theo trật tự tuyến tính từ trái qua phải kiểu hiện nay (tức bản sao của bản sao), và nội dung cũng có nhiều sai lệch, thừa thiếu đủ kiểu so với nguyên tác Hán văn trên bia mộ. Điều đó cũng được tác giả Lê Minh Khiêm nói rõ trong bài, rằng: “bài minh cũng có khác đôi chút với nguyên văn trên tấm bia hiện tại và bị thiếu 1 câu. Không rõ người sao lục năm 1961 bị sót hay các viên thư lại năm 1910 chép sót. Về nội dung tấm bia hiện tại có một số khác biệt với phần chép trong tập văn án...” (Lê Minh Khiêm, “Về bia mộ tổ họ Lê ở làng Nguyệt Biều”, Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, số 3 (191), 2024, tr. 9). Để bảo vệ cho những sai sót này, NNC Lê Minh Khiêm tiếp tục đưa ra nhận định, luận giải và kết luận rất chủ quan, bất chấp thực tế khách quan ra sao, miễn là theo đúng ý của cá nhân mình: “Theo chúng tôi, sở dĩ trên bản chép trong tập văn án có khác biệt so với tấm bia hiện tại do đây là ngôi mộ cổ, thời điểm vụ kiện năm 1910 đã trải qua gần 300 năm, nên khi các viên thư lại được huyện cử về chép lại thì bia đã bị mờ, nhiều chữ khó đọc, do đó họ chỉ dựa vào tự dạng để đoán. Đến sau vụ kiện, con cháu họ Lê mới nhận thấy tấm bia và ngôi mộ tổ năm đời của mình đã quá hư hỏng nên đã trùng tu lại bằng xi măng và dựng một tấm bia mới. Nhưng cũng như các viên thư lại trước đây, người sao chép bài văn để khắc lại trên bia buộc lòng phải đoán chữ, từ đó mới có sự khác biệt về mặt văn bản giữa các bài minh trên” (Lê Minh Khiêm, “Về bia mộ tổ họ Lê ở làng Nguyệt Biều”, Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, số 3 (191), 2024, tr. 10).
16 Bởi do motif mỹ thuật trang trí trên bia mộ thuộc về phong cách và truyền thống trang trí của người Việt ở từng giai đoạn, từng khu vực chứ không có quy định ràng buộc cụ thể nào của nhà nước, của chính quyền các cấp, nên dạng thức mỹ thuật bia mộ thời Chúa Nguyễn có thể kéo dài đến triều Tây Sơn và đầu triều Nguyễn (Nguyễn Sơ). Điều đó thể hiện rất rõ tại bia mộ của Chưởng Trung doanh Tống Viết Phước (năm 1802) và bia mộ vợ chồng Thượng thư Lê Quang Định lập năm 1813 triều vua Gia Long, tọa lạc tại thôn Ngũ Tây, phường An Tây, thành phố Huế.
17 Nguyễn Hữu Thông (Cb) (2014), Mỹ thuật thời Chúa Nguyễn dẫn liệu từ di sản lăng mộ, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 118.
18 Nguồn: Phan Công Hải - Lê VănPhúc, “Ngôi mộ cổ của một kẻ sĩ ở ẩn”, báo Đà Nẵng online, link: https://baotangdanang. vn/ngoi-mo-co-cua-mot-ke-si-o.html, ngày truy cập: 23/07/2024).
19 Xin xem: Võ Vinh Quang - Đỗ Minh Điền, “Về niên đại và cách dùng từ “Việt cố” trên bia mộ (Khảo sát, đối chiếu qua nguồn tư liệu thực tế hiện tồn)”, đăng tải tại trang web của Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế ngày 12/11/2018, và đăng tải toàn văn tại: https://vovinhquang.wordpress.com/2020/06/29/ve-nien-dai-va-cach-dung-tu-viet-co-tren-bia-mo/.
20 Đây là tấm bia mộ với motif gần như trùng khớp với mộ của ngài Lê Viết Sinh, từ phong cách mặt trời đao lửa, hoa văn dây leo và đài sen cách điệu (bia mộ ngài Lê Viết Sinh chỉ hơi khác ở điểm hoa văn dây leo được chèn thêm hoa cúc). Nguồn: Võ Hồng Việt, “Vùng đất cổ tên là An Bang ở Quảng Nam, đào khảo cổ phát lộ hiện vật cổ, có cả mộ cổ, giếng cổ” (Báo Quảng Nam. Báo Dân Việt đăng tải online ngày 03/07/2024. Link: https://danviet.vn/vung-dat-co-ten-la-an-bang-o-quang-nam-dao-khao-co-phat-lo-hien-vat-co-co-ca-mo-co-gieng-co-20240630003835595.htm (truy cập ngày 23/07/2024).
21 Đây là bia mộ triều Nguyễn sơ, vẫn giữ mô thức mỹ thuật thời Tiền Nguyễn, với kiểu mặt trời đao lửa ở trán bia, hoa văn dây leo hoa lá cách điệu đậm, sâu ở diềm bia, và đài sen “liên hóa” ở chân bia. (Tất cả những motif này gần như trùng khít với kiểu tạo hình ở bia mộ ngài Lê Viết Sinh). Điều đó chứng tỏ motif mỹ thuật thời chúa Nguyễn vẫn tiếp tục tồn tại qua thời Tây Sơn và đến đầu triều Nguyễn.
22 Xin xem thông tin ở sách: Nguyễn Hữu Thông (Cb) (2014), Mỹ thuật thời Chúa Nguyễn dẫn liệu từ di sản lăng mộ, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 140.
23 Nguồn: Ảnh do ông Lê Đức Thọ và Trung tâm quản lý Di tích & Bảo tàng tỉnh Quảng Trị cung cấp. Nhân đây, chúng tôi xin chân thành cám ơn ông Lê Đức Thọ, bà Lê Thúy Hằng cùng Trung tâm quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị đã cung cấp hình ảnh này.

 

 

Các bài đã đăng