HỒ VĨNH
Điện Voi Ré tọa lạc tại làng Trường Đá thuộc xã Thủy Biều, cách trung tâm thành phố Huế 4km về phía Tây Nam. Nếu đi bằng phương tiện xe máy hay ô tô là chỉ mất năm phút.
Từ Ga Huế, một đoạn đường trải dài qua địa danh Phường Đúc, tôi được biết xưa kia đây là xóm Trường Đồng nơi nổi tiếng đúc đồng từ giữa thế kỷ 17. Đẫm một chút mồ hôi đến ngã ba chợ Long Thọ; từ đây, rẽ trái là đấu trường Hổ Quyền. Và cách Hổ Quyền 150m là điện Voi Ré.
Điện Voi Ré chứng tích một thời của đội Kinh Tượng nhà Nguyễn, đến nay vẫn hằn trong ký ức dân gian. Dưới triều vua Minh Mạng, người ta kể rằng một voi trận bị thương chạy về phủ phục trước điện rống lên mấy tiếng rồi ngã lăn ra chết. Dân gian quen gọi đây là điện Voi Ré. (Nhưng thực ra tên viết chữ Hán ở bức hoành treo chính giữa gian tiền tế là miếu Long Châu). Từ đó, các voi có công trong trận mạc thường được nhà vua sắc phong chức tước, khi chết cũng được đạp mộ và dựng bia. Ngày nay khu cổ mộ này còn gọi là khu "Nghĩa địa Voi".
SỐ PHẬN ĐIỆN VOI RÉ.
Điện Voi Ré bắt đầu dựng vào năm 1817 dưới triều vua Gia Long, và được trùng tu sửa chữa lớn qua các triều Minh Mạng (1825), Tự Đức (1876), Khải Định (1917), năm 1960 thời Ngô Đình Diệm.
Điện Voi Ré tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 2000m2. Phía trước là thành Lồi làm bình phong cho điện. Thứ đến là hồ điện một thuở rợp bóng cây xanh. Những con cá trắm hoa nặng tới 22kg vẫy trên sóng nước. Trong đợt hạn vừa qua, nước ở hồ điện sâu 3m phải cạn kiệt, dẫn đến tình trạng nứt đất.
Tôi vào cửa tam quan, cây cối um tùm cản lối đi. Từ trong sân điện có tiếng người nói:
- Vào lối này không được, anh đi ra ngoài rồi vào cửa vòm bên trái.
- Bác làm gì ở đây? Tôi hỏi.
- Tôi là công nhân xí nghiệp Long Thọ, nay đã nghỉ hưu, thấy sân điện Voi Ré bỏ hoang, tôi vào canh tác cải thiện thêm.
Vào trong sân: trước chính điện là sân ngoài có một miếu nhỏ, tiếp đến là một dãy tường và một bình phong lớn. Sau bình phong là sân miếu chiếm diện tích 713,6m2. Tả hữu có hai miếu thờ mỗi bề 7,6x6,9m; trước hai miếu này mỗi bên còn có hai tòa miếu phụ thờ thần vị Voi (gọi là miếu Tượng). Miếu dài 3,6m rộng 3,1m; cách miếu Tượng 2m là miếu thờ tượng Voi, mỗi tượng cao 0,7m. Từ sân miếu thờ ấy dẫn đến chính điện. Điện Voi Ré (miếu Long Châu) thuộc loại hình kiến trúc dân gian, cấu trúc theo kiểu "Trùng thiềm điệp ốc" gồm 7 gian 2 chái, mái lợp ngói liệt, điện dài 13m, rộng 12m. Điện chính chiếm diện tích 156m2 gồm hậu cung tiền tế thờ 15 vị thần bảo vệ voi. Cách đây 33 năm, cụ Bửu Kế một học giả người Huế có viết: "Năm Minh Mạng thứ 5 (1825) tháng bảy, vua xét các vị thần đều có công trong việc bảo vệ Voi, nên đã sắc phong cho miếu Long Châu và ban cấp tiền bạc. Đến năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), vị vua này phong thêm cho các vị thần tước vị: Trợ oai Tượng võ Linh ứng Chi Thần" (Tạp chí Bách Khoa, số 91, 1960, trang 20).
Tôi lặng lẽ trước một hương án, sau là 4 bài vị ngả nghiêng. Ngao ngán sự vô tâm của con người mà nhớ tới lời kêu gọi của giáo sư Hà Văn Tấn trong Hội nghị Thông báo khảo cổ học: "Sợ rằng một ngày kia, chúng ta phải đứng trước các di tích để... mặc niệm" (Báo Lao Động số 87, ngày 21-10-1993, trang 5). Tôi kính cẩn sửa lại các bài vị, tưởng chừng những vị thần linh ẩn sau hương án muốn nói điều gì chăng?
Trước đây điện Voi Ré thờ một hộp gỗ có 7 tờ sắc phong thần từ triều Gia Long đến Khải Định và lưu giữ nhiều đồ tự khí quý giá. Nhưng do không có người coi sóc, bảo vệ, bát hương, bài vị, chuông đồng... lần lượt bị mất cắp. Thậm chí hai con hạc bằng gỗ sơn son thếp vàng cao 1,5m chầu trước hương án cũng bị chẻ làm củi đốt.
Theo bác Nguyễn Hữu Ngọc, thủ từ điện Voi Ré cho biết: Trước kia có bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) đứng ra lo việc tế lễ và cấp lương. Mong muốn của bà Từ Cung làm sao giữ gìn, bảo vệ chu đáo là được. Trả lời một câu hỏi của tôi về việc coi sóc, bảo vệ điện Voi Ré, bác Ngọc nói: Từ đời ông nội tôi, đến tôi cũng trên 50 năm - ngưng một lát bác tiếp - sau 1975 tôi không còn trách nhiệm vì điện Voi Ré thuộc khu đất khoanh vùng của Xí nghiệp Liên hiệp sản xuất vật liệu xây dựng Long Thọ. Bác cho biết thêm năm 1980 điện thờ chính và hai miếu (tả hữu Tùng Tự) biến thành kho chứa nguyên vật liệu của xí nghiệp LHSXVLXD Long Thọ.
Sau khi tách tỉnh, khu đất điện Voi Ré vẫn thuộc khu vực khoanh vùng của xí nghiệp Long Thọ. Vì thế, điện Voi Ré cứ tiếp tục tàn lụi. Năm 1990 sập đổ một miếu Tượng, hai tượng voi thì bị gãy ngã. Thêm vào đó, bệnh "tiêu tâm" ở 48 cột gỗ kiền có nguy cơ mục nát, hư hỏng.
Tiếp tôi tại văn phòng xí nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Du, phó giám đốc Liên hiệp vôi xi măng Long Thọ nói rằng: "Trước năm 1980 tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) cấp đất khoanh vùng cho xí nghiệp vôi tổng diện tích 50hecta trong đó có khu đất điện Voi Ré nằm trong khu vực khoanh vùng của xí nghiệp".
Anh Trương Minh Đoan công nhân lái máy ủi của Xí nghiệp hiện ở trên khu đất điện Voi Ré tiếp chuyện nói với chúng tôi: “Từ năm 1975 đã có những đơn vị ở trong điện Voi Ré. Trước tiên là quân đội. Tiếp đến năm 1977 công nhân xi măng Đông Hà. Năm 1979 tổ tự vệ của xí nghiệp Liên hiệp vôi xi măng Long Thọ. Năm 1985 một xưởng mộc của tư nhân vào làm việc và sinh sống trong điện”.
Do việc quản lý tùy tiện, chứng tỏ sự xâm phạm của con người, Voi Ré phải "tan hoang cửa điện". Theo phiếu điều tra di tích của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đề ngày 15-8- 1993 đánh giá trùng tu điện Voi Ré như sau: "Nền hỏng: 60-70%; sườn mái hỏng: 60-70%; tường hỏng: 20%; cửa hỏng: 60%; tường bao quanh điện hỏng 90%. Tổng hợp đánh giá mức độ hư hỏng của điện Voi Ré tới 70%.
CỔ MỘ VOI RÉ VÀ VOI Ô LONG: NỖl ĐAU XÉ LÒNG!
Mộ Voi Ré và Voi Ô Long nằm bên ngoài trường thành điện Voi Ré khoảng 10m về phía phải của khu "Nghĩa địa voi". Mộ đắp nổi hình chữ nhật, kích thước 2,5 x 1,4m, có dựng bia bằng đá thanh. Bia 1 mặt, khổ 35 x 68cm đề bốn chữ "Ô Long tượng mộ". Lục tìm trong văn khố triều Nguyễn, sách Quốc triều Chánh biên (bản dịch của Bộ Học 1925, trang 268) có chép về việc dựng bia nơi mộ Voi Ô Long là năm 1844, triều vua Thiệu Trị. Thế nhưng, năm 1946-1947 chiến cuộc xảy ra, quân đội Pháp đã lầm hai ngôi mộ trên là hầm chôn vũ khí, nên đã cày và san bằng phần mộ Voi Ré. Ngay sau đó quần chúng phản đối kịch liệt. Do vậy, mộ Voi Ô Long khỏi bị tàn phá. Mãi đến năm 1979, khu "Nghĩa địa Voi" đã bị san ủi để xây dựng nhà trẻ. Dư luận bất bình trong quần chúng lại nổi lên.
* * *
Trên chiếc xe cọc cạch, tôi đạp theo con đường đất đá lổn nhổn dọc bãi ven bồi của sông Hương. Mùi hương sắc đồng nội làm thoảng nhẹ cơn khát. Tôi đến UBND xã Thủy Biều, tiếp xúc với chị Tôn nữ Quỳnh Tương, trưởng ban thư ký Hội đồng nhân dân xã. Chị trao cho chúng tôi tờ thông báo số 13/TB/LT của xí nghiệp Liên Hiệp sản xuất vật liệu xây dựng Long Thọ: Về việc tiếp nhận, quản lý, san ủi khu đất điện Voi Ré. Nội dung tờ thông báo có ghi rõ: "Trong quá trình san ủi chú ý: Giữ nguyên 2 mả con Voi, chừa lại mỗi chiều ít nhất là 2 mét".
Song khi xí nghiệp tiến hành san ủi, thì đã ủi nhầm mộ Voi. Anh Võ Bá Cường, phó chủ tịch xã Thủy Biều chứng kiến tận mắt, anh nói: "Lúc máy ủi, tôi thấy lòi lên 8 khúc xương voi, mỗi khúc dài 1,5m". Còn anh Trương Minh Đoan hôm đó trực tiếp lái máy ủi nói rằng: "Xương voi đen sì". Sự cố trên khiến quần chúng lo lắng cho điện Voi Ré có thể bị hủy diệt. Cho nên chính quyền xã Thủy Biều phải lên tiếng báo động và đã có đơn gửi, phòng Văn hoá Thông tin thành phố Huế kêu cứu - theo lời anh Cường.
Thế nhưng, qua việc san ủi khu đất điện Voi Ré, xí nghiệp Long Thọ cho khoanh vùng, qui tập và xây mộ cao 1,1m, mỗi bề 11x11m. Được biết hiện nay xương voi vẫn còn rải rác bên ngoài khuôn mộ dưới lớp đất khoảng 0,5m. Riêng bia mộ Voi Ô Long kể từ năm dựng bia, đến nay đã 159 năm mà chữ khắc "Ô Long Tượng mộ" vẫn còn rõ nét.
NHÌN TỪ THỰC TẾ
Huế có khoảng hơn 300 công trình kiến trúc di tích văn hóa lịch sử, với tổng diện tích 4,5 triệu m2, bao gồm lăng tẩm, đền miếu, thành quách, đường sá, ao hồ, cầu cống... Nhưng trải qua một thời gian khá dài, hầu hết các di tích ở Huế đều bị tàn phá do yếu tố khách quan tác động và con người gây ra. Trong tổng quần thể di tích Huế, trong đó có cụm di tích Hổ Quyền - điện Voi Ré vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt" giữa những vùng không gian tiêu điều, hoang phế, lâu nay chưa được giữ gìn và đầu tư tôn tạo cảnh quan. Vừa rồi, trong một lần trao đổi, anh Phan Tiến Dũng, phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nói với tôi: "Biên bản qui định khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích Hổ Quyền do các ngành ở tỉnh ký ngày 23-7-1991 và được Bộ Văn hóa Thông tin - Thể thao - Du lịch phê duyệt ngày 27-10-1991. Riêng điện Voi Ré đã làm phiếu điều tra di tích từ tháng 8/1993 để chuẩn bị lập hồ sơ đưa vào qui hoạch di tích.
* * *
Tôi đứng ngây trước thềm điện Voi Ré, tưởng chừng tiếng voi ré vẫn còn vọng mong tìm về nơi chốn. Tuy hoang phế, nhưng du khách nước ngoài vẫn lần đến đây, trên tay họ cầm hai quyển sách: VIETNAM và VIET NAM ET ANGKOR. Tôi biết điện Voi Ré không có trong danh mục hướng dẫn của những quyển sách ấy. Lạ thay! Họ cứ mãi tìm đến. Bởi lẽ điện Voi Ré, một trong những di tích cổ nằm trong dòng chảy văn hóa lịch sử của Huế. Khi tôi từ nội điện bước ra, bất chợt thấy về phía phải nơi có cổ mộ Voi hai du khách người Pháp đứng trơ trên nền mộ. Rồi họ đảo mắt về phía miếu thờ "Hùng tượng Ré". Tôi thấy họ: Lắc đầu!...
Huế, 4-11-1993
H.V
(TCSH59/01-1994)