Khảo cổ
Cổ vật nhà chùa tìm thấy dưới sông Hương
12:00 | 06/06/2008
Thuật ngữ “cổ vật” chúng tôi nói đây là để chỉ những đồ vật do khối óc và bàn tay con người làm ra và đã được sử dụng để thoả mãn những nhu cầu tinh thần và vật chất trong cuộc sống cách nay khá lâu hay rất lâu. Những đồ vật này có cái còn nguyên vẹn, có cái đã bị vỡ do sự va chạm theo dòng chảy của thời gian hay do sự vụng về, vô tâm của những người trục vớt.
Cổ vật nhà chùa tìm thấy dưới sông Hương
Ông Hồ Tấn Phan với cổ vật sông Hương

Nhưng dù sao, với những phần còn lại đó, nếu người ta có thể phục hồi lại nguyên dạng của nó để nghiên cứu cũng quý lắm rồi. Thậm chí những mảnh vỡ hiếm hoi còn sót lại đến ngày nay cũng đáng được trân trọng. Nhờ chúng mà ta còn được biết ít nhiều cuộc sống của con người một thuở xa xưa.
Bất ngờ trước một hiện tượng chưa từng có, hàng vạn cổ vật được vớt lên từ dưới lòng sông Hương và các sông Huế khác, mỗi người có một tâm trạng, một suy nghĩ riêng, nhưng không ai là không xúc động.
 Có người cho rằng đây là cuộc hội ngộ quá khứ với hiện tại, chưa chắc ngàn năm đã có một. Cuộc sống hàng trăm năm, hàng ngàn năm trước bất chợt hiện ra và nói cho chúng ta biết nhiều điều tưởng chừng đã đi hẳn vào cỏi hư vô.
 Cũng có người không nỡ để những cổ vật đã nằm im hằng trăm năm, hằng ngàn năm dưới lòng sông, nay lại phải trôi nổi trên cạn. Họ bất chấp quy luật khắt khe “lực bất tòng tâm” tìm mọi cách để cưu mang chúng, được chừng nào hay chứng đó, mong giữ được những hơi thở của cuộc sống, những linh hồn của một thuở xa xưa.
 Sau bao năm chạy đôn chạy đáo ngược xuôi chỗ này chỗ khác, từ đầu nguồn đến cuối bãi, thu góp một số cổ vật đem về nhà, càng ngắm nhìn càng thấy nảy sinh nhiều vấn đề, có người tự hỏi không biết trong hàng vạn cổ vật trục vớt được, những cái nào có nguồn gốc từ nhà chùa hay có liên quan đến Phật giáo.
 Chúng tôi cũng có quan tâm đến vấn đề này, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm ra được câu trả lời thỏa đáng, đành cứ để bụng tìm cách gỡ lần.
 Thời điểm xuất phát và thời gian sử dụng những cổ vật này nối tiếp nhau trải dài trên dưới 2500 năm.
 Qua tìm hiểu, chúng tôi nghĩ những cổ vật sông Hương… có thể xếp vào ba giai đoạn chính.
 Những cổ vật thời tiền sử và sơ sử (cuối thế kỷ II sau CN trở về trước), gồm những cổ vật tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh cổ điển và Sa Huỳnh muộn. Thật bất ngờ, sông Hương… lại có nhiều loại cổ vật này đến vậy.
 Từ dưới sông Hương và các dòng sông Huế khác, người ta đã vớt lên nhiều hiện vật tiêu biểu của nền văn hóa Sa Huỳnh, thậm chí có khả năng có một số hiện vật đặc thù.
 Như vậy sông Hương không chỉ có những thắng cảnh thiên nhiên từ đầu nguồn cho đến phá Tam Giang, hay những cảnh quan văn hóa thời trung, cận, hiện đại mà nó còn là một dòng sông lịch sử…, không gì thay thế được.
 Những cổ vật thời vương quốc Chàm (từ cuối thế kỷ II đến đầu thế kỷ XIV). Trong giai đoạn này, vương quốc này không chỉ để lại những phế tích, di tích xây dựng, điêu khắc đá, bi ký, mà còn để lại nhiều hiện vật gốm sành sứ, kim loại… và có thể có các cổ vật Hán-Chàm và đồ ngoại nhập thời Hán, Đường, Tống…
 Những cổ vật thời Đại Việt-Việt (từ đầu thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XX). Cổ vật trong giai đoạn này có cả đồ Lý, Trần trước đó do lưu dân, quan binh Việt mang theo từ đầu thế kỷ XIV. Các hiện vật không chỉ là đồ sản xuất bản địa của Huế mà còn có các sản phẩm sản xuất trong Nam, ngoài Bắc, có cả đồ của nước ngoài, chủ yếu là đồ của Trung Quốc, Nhật Bản… Ngạc nhiên nhất là đồ Chu Đậu lừng lẫy một thời. Số lượng đồ Chu Đậu khá lớn, nhiều mẫu mã, nhiều đẳng cấp được sản xuất qua nhiều thế kỷ (XIV-XVII). Theo chúng tôi nghĩ, hàm lượng thông tin lịch sử văn hóa của đồ Chu Đậu sông Hương phong phú hơn đồ Chu Đậu trục vớt từ những chiếc tàu bị chìm dưới biển. Ngoài yếu tố thời gian sản xuất mà chúng tôi mới nói ở trên, còn có một yếu tố quan trọng là nó đã được sử dụng trong cuộc sống ở địa bàn Huế. Tất nhiên mỗi loại đều có giá trị riêng của nó và chúng sẽ bổ sung cho nhau, giúp cho việc nghiên cứu có hiệu quả hơn.
 Những cổ vật trong giai đoạn trên, cái nào vốn là của nhà chùa?
 Thời tiền sử và sơ sử chưa có cảnh chùa nào ở Huế. Các giai đoạn về sau cho đến nay, chúng ta cũng chưa từng nghe ai nói đến các thiền viện, nhà chùa nào có sưu tầm, lưu trữ và nghiên cứu các cổ vật thời tiền sử và sơ sử bản địa.
 Hơn nữa, chỉ sau năm 1975, các cuộc khai quật khảo cổ học ở Cồn Ràng, cồn Dài và một số di chỉ khác ở Thừa Thiên Huế mới được các cơ quan nghiên cứu tiến hành. Đặc biệt, cũng trong thời gian này đã ồ ạt xảy ra các cuộc “khai quật” tự phát, tùy tiện dưới nước ở khắp nơi trên sông Hương và các sông Huế khác. Các cuộc “khai quật” này được một đội ngũ khá lớn đủ các loại thợ lặn kiên trì thực hiện trong gần 30 năm chỉ với mục đích kiếm sống qua ngày. Do đó, các cổ vật tiền và sơ sử ở Thừa Thiên Huế, dưới sông Hương… nói riêng không có liên quan gì đến nhà chùa.
 Cuối thế kỷ thứ II sau CN đến đầu thế kỷ XIV dưới thời vương quốc Chàm, đạo Phật đã sớm du nhập vào vùng đất này.
 Theo L.Finot, bia Võ Cạnh (Nha Trang) (thế kỷ II-IV) có mang tư tưởng Phật giáo. Nếu đúng thì đây là minh văn đầu tiên nói đến vấn đề này.
 Sau đó là tượng Phật bằng đồng tìm được ở Đồng Dương (Quảng Nam), thân tượng Phật tìm được ở Quảng Khê (Quảng Bình), phù điêu có hình Phật ở Phước Tịnh (Phú Yên) thuộc thế kỷ IV-VI cho chúng ta thấy Phật giáo đã có mặt khắp vương quốc Chàm.
 Năm Đại Nghiệp thứ nhất (605) đời Tùy Dạng Đế, Lưu Phương đánh Lâm Ấp (sau là vương quốc Chàm) thu được 1350 bộ kinh Phật.
 Ngài Nghĩa Tịnh Tam Tạng (637-713) chùa Đại Tiến Phúc đất Kinh Triệu đời Đường, vào năm Hàm Hanh thứ hai (671) qua Ấn Độ theo tuyến đường Nam Hải (tức Biển Đông), trong khoảng hơn 30 nước, Ngài ghé chân có vương quốc Chàm. Ngài cho biết đây là đất nước hâm mộ đạo Phật.
 Năm 892, bia của vị quan Chàm Bakul có nói đến hai thiền viện và ngôi đền dâng Phật.
 Đến thời Indrapura (850-982) có các bia 1 Đồng Dương (Quảng ), bia Ròn (Quảng Bình), nói đến tư tưởng Phật giáo, lòng tin Phật, các thiền viện, thiên đường (thế giới giải thoát của Phật), địa ngục… Đặc biệt trong thời kỳ này có bia An Thái (Quảng , năm 902) và bia Kon Klor (Kontum) là hai tấm bia thuần túy nói về Phật giáo Đại thừa. Nhiều người cho đây là thời đại Phật giáo thịnh hành nhất ở vương quốc Chàm.
 Một điều cần phải lưu ý là trước đây cũng như sau này, Phật giáo Đại thừa được hâm mộ, tín ngưỡng, nhưng quốc giáo vẫn là Siva giáo. Nói cách khac, Ấn Độ giáo và Phật giáo song hành trên vương quốc Chàm.
 Thời kỳ Vijaya (thế kỷ X-XV) có hai bia ở Pô Nagar, bia Mỹ Sơn D1, 2 bia ở Bình Định… nói đến đạo pháp, học thuyết Phật giáo, các thiền viện, lòng tôn kính Phật…
 Ngày nay, người ta đã sưu tầm được tượng Phật bằng đồng, tượng Quan Âm (Lokesvara) có đế, tượng Quan Âm bằng đồng mạ vàng ở Mỹ Đức (Quảng Bình), hai tượng Quan Âm và nhiều pho tượng Phật nhỏ ở Đại Hữu (Quảng Bình). Năm 1998 ở Châu Sa (Quảng Ngãi) người ta tìm được một hũ gốm (thế kỷ IX) đắp nổi hàng trăm tượng Phật ngồi…
 Vậy thì trong giai đoạn này tình hình Phật giáo ở Huế như thế nào? Cho đến nay, Phật giáo trong các giai đoạn trên ở Huế chưa được nghiên cứu. Chúng tôi nghĩ đây có thể là một gợi ý rất đáng được quan tâm.
 Tuy nhiên với tình trạng chung như chúng ta đã thấy ở trên, đạo Phật ở Huế lúc bấy giờ không thể nằm ngoài bối cảnh chung của tín ngưỡng, tôn giáo ở vương quốc Chàm. Có người cho biết hiện nay Bảo tàng Huế còn giữ một đầu tượng Phật điêu khắc bằng đá
 Đã vậy, tất phải có thiền viện (dù chỉ là thảo am), tăng sĩ… Có thiền viện, có tăng sĩ thì sẽ có tự khí, pháp khí, đồ dùng trong sinh hoạt tinh thần và vật chất hàng ngày.
 Những thứ đó, chắc cũng không thể tránh khỏi vương vãi ít nhiều. Có cái đã chìm dưới sông Hương và các dòng sông Huế khác, lẫn lộn với những đồ vật cung đình và cùng đinh ngoài đời.
 Nay chúng được vớt lên cạn, nằm bên nhau cùng với đồng loại.
 Đến thời Đại Việt – Việt , những lưu dân Việt đến Huế từ đầu thế kỷ XIV, họ mang theo cả phong tục, tập quán, lễ nghi, tôn giáo. Để phục vụ cho cuộc sống hằng ngày,  họ đem theo một số đồ dùng và công cụ sản xuất. Đi theo họ còn có quan binh được điều động đến vùng biên viễn… Lúc đầu, ở quê hương mới họ gặp nhiều gian nan vất vả, luôn phải đối đầu với nhiều thách thức… Họ sớm tìm đến đạo Phật để được an ủi, tạo niềm tin và nuôi hy vọng để tiếp tục lao động và chiến đấu.
 Về sau, đạo Phật ở Huế ngày càng thịnh hành. Huế là nơi có nhiều danh lam, cổ tự. Mỗi làng trong địa hạt vừa có đình vừa có chùa. Sớm chiều, sóc vọng phảng phất trầm hương, tiếng chuông ngân, nhịp mõ trầm… tạo nên bầu không khí thanh bình đầy sức sống.
 Hai bên bờ Hương giang có chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê đổ bóng xuống dòng nước, chùa Sùng Hóa gần ngã Ba Sình nơi sông Bồ hợp lưu với sông Hương trước lúc đổ ra phá Tam Giang.
 Chỉ riêng việc mở các đại trai đàn ở chùa Thiên Mụ, “Đại Nam thực lục” của Quốc sử quán triều Nguyễn và hàng chục châu bản còn lại đã đề cập đến vấn đề này. Châu bản còn nói đến đại trai đàn bạt độ tướng sĩ trận vong ở cầu Bạch Hổ bên sông Hương, trên bộ dưới nước cảnh quan thật hoành tráng.
 Không phải chỉ tại các ngôi chùa lớn, mà ngay ở các làng xã việc thờ Phật, tụng kinh, mở trai đàn cũng rất phổ biến. Ví dụ ở làng Thanh Phước tại ngã Ba Sình, trong khoán lệ về việc lập tự điền năm Minh Mạng thứ 17 (1836) cho biết “…cả làng cùng nhau bàn định mãi tuân theo lễ xưa, truyền tới nay về việc thờ Thần phụng Phật. Hằng năm vào giữa tháng 7 kính cử hành một lễ đại tế, và hai năm một lần vào giữa tháng 2 cùng tới chùa làm chay cầu phúc… tế lễ là để cầu phúc, làm chay là để tu thân…”
 Đến đây, chúng ta có thể yên tâm mà nói rằng trong cổ vật sông Hương… có cổ vật nhà chùa.
 Cách đây hơn 5 năm, chúng tôi thấy trong đống cổ vật vừa vớt lên từ sông Hương có một chiếc mõ gỗ trong ngoài lấm lem bùn đen nhão nhoẹt. Xem ra hai bên mua bán không quan tâm đến chiếc mõ này. Nhưng chúng tôi lại thấy chiếc mõ khá hấp dẫn. Mõ làm theo hình con cá, bị mất một phần đuôi. Có lẽ đây là chiếc mõ rất cổ, sau này chúng tôi không thấy ai làm mõ theo kiểu này nữa. Chiếc mõ này đã từng nhịp nhàng rót từng lời kinh vào lòng người, quý là ở chỗ đó.
 Trước mùa mưa lụt năm Đinh Hợi (2007), cũng trong đống đồ vật vừa mới vớt dưới sông Hương lên, chúng tôi tình cờ thấy một cái nồi đất, bên trong đáy có viết một chữ Phật bằng mực xạ, không biết đã bao lâu rồi mà chữ vẫn còn khá rõ.
 Sau mùa mưa lụt, nghỉ một thời gian vì nước đầy và đục, người ta lại bắt đầu lặn mò vớt đồ vật dưới sông Hương. Chúng tôi thấy 1 chiếc đĩa nhỏ có men nhưng lòng đĩa và đáy để trần có khắc sâu chữ vạn nằm lẫn lộn với những đồ vật khác.
 Mỗi lần như vậy cũng giúp chúng tôi hiểu thêm một chút (dù rất nhỏ) về những cổ vật sông Hương và các dòng sông Huế khác.
 Ở trên cũng chỉ mới là nói lý thuyết, đi vào cụ thực tế còn cả một khoảng cách khá xa.
 Có người mua được một cái lò đất còn nguyên vẹn vớt dưới sông Hương lên, tưởng cũng thường thôi, lúc nhìn kỹ thấy phía trước có chữ Phật thì rất mừng, vì là minh văn rất hiếm, và cứ nghĩ đây là lò của nhà chùa. Thật ra minh văn trước lò có đến 3 hàng dọc chữ Hán:
 Hàng 1: Phật trấn sa lô
 Hàng 2: vạn hợp
 Hàng 3: hỏa thiêu
 Phải chăng “Phật trấn” là một địa danh ở tỉnh Quảng Đông bên Tàu?
 Nhưng hà cớ chi chỉ là một chiếc lò đất mà minh văn lại dài dòng như vậy?
 Tôi cũng định mở “Trung Quốc cổ kim địa danh đại từ điển” tra cứu xem, nhưng rồi thôi, để đó hạ hồi phân giải.

LÃO THƯ SINH
(nguồn: TCSH số 231 - 05 - 2008)

Các bài mới
Các bài đã đăng