Gần đây, trong một cuộc đàm đạo thân mật bên tách trà, lúc câu chuyện đề cập đến những cổ vật trục vớt từ các dòng sông Huế, GS TS KTS Hoàng Đạo Kính vui vẻ góp chuyện bằng câu nói nửa đùa nửa thật: “Anh Phan là một nhà gốm bể học”. Nghe xong, tất cả mọi người trong cuộc đều cười thích thú. Bản thân tôi cũng rất bất ngờ và thú vị về ý tưởng ngộ nghĩnh, có duyên và khía cạnh nào đó lại đúng với thực tế của câu nói này. Như chúng ta đã biết, đồ gốm có vai trò rất lớn đối với nhân loại thời tiền sử. Từ lúc xuất hiện, con người đã trải qua một thời gian dài dằng dặc hàng triệu năm, tự cải tạo mình để tiến bộ cho đến lúc họ làm được đồ gốm. Chính đồ gốm báo hiệu nhân loại đã bước sang một giai đoạn mới: Từ thời đại đồ đá giữa qua thời đại đồ đá mới. Các nhà khảo cổ học cũng thống nhất với nhau rằng, lúc nhân loại bước qua thời đại đồ đồng thau… thì “Đồ gốm vẫn là một trong những tiêu chuẩn tốt nhất để phân loại, xác định niên đại, tìm hiểu nội dung văn hoá khảo cổ. Với khối lượng đồ sộ, hình loại phong phú, tồn tại bền vững không rỉ hỏng, đồ gốm vẫn là quyển lịch vững chắc…” Thế nhưng, đọc các báo cáo khảo khai quật khảo cổ học và các công trình nghiên cứu thời tiền sử, chúng ta biết hàng vạn, hay hàng chục vạn hiện vật khảo cổ học thu lượm được trong các cuộc khai quật khảo cổ học ở Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà v.v… riêng về gốm, hầu hết đều là các mảnh vỡ. Vậy thì, dù muốn hay không, người ta cũng đành phải dùng những mảnh vỡ đó để nghiên cứu. Ngoài những hiện vật bằng đá và kim loại, các nhà nghiên cứu đã căn cứ vào hàng vạn mảnh gốm vỡ thu thập từ các bộ sưu tập và khai quật khảo cổ học các di chỉ thuộc văn hoá Bàu Tró để nghiên cứu văn hoá này. Trên cơ sở đó, Phạm Thị Ninh đã thực hiện công trình khoa học “Văn hoá Bàu Tró” (Nxb KHXH, Hà Nội, 2000). Chúng tôi cũng đã dùng những kiến thức rút ra được sau khi đọc kỹ “Văn hoá Bàu Tró” để góp phần tìm hiểu kỹ hơn những đồ gốm thuộc văn hoá Sa Huỳnh vớt lên từ dưới các dòng sông ở Huế. Trở lại với đồ gốm trục vớt dưới các dòng sông Huế. Đây mới thật là lý do làm tôi thú vị khi nghe thuật ngữ “gốm bể học”. Trên dưới 30 năm qua, các “nhà khai quật khảo cổ học dưới nước” ở Huế đã bền bỉ làm công việc này, cho đến lúc các hiện vật khảo cổ học nằm dưới các lòng sông hầu như đã cạn kiệt. Điều đặc biệt ở đây là các “nhà khai quật khảo cổ học dưới nước” này hoàn toàn không có kiến thức khảo cổ học và có lẽ họ cũng chẳng cần kiến thức gì, họ chỉ cần biết phải vớt những thứ gì có thể đem bán được và bán được càng nhiều càng tốt. Vậy mà họ lại chịu khó vớt rất nhiều, cả những đồ gốm bể, cả những mảnh gốm bể mới lạ chứ. Cái lạ thứ hai là các tay thu gom lại cũng chịu khó thu nạp những mảnh, đồ bể này. Cuối cùng những tay thu gom chất những “của nợ” đó từng xe xích lô đầy, đem đến đổ cho tôi. Suy đi nghĩ lại, tôi đành phải bấm bụng trả tiền, cầu may trong đó có thể có vài ba cái gốm bể, mảnh gốm bể thuộc thời tiền Sa Huỳnh hay Sa Huỳnh. Lần này thì chẳng có chi là lạ nữa, vì nếu tôi không mua thì người thu gom không mua, mà người thu gom chê thì người trục vớt cũng chẳng lượm đồ đó để làm gì, và tôi thì chẳng còn hy vọng có thể gặp được những tiêu bản gốm hiếm quý có giá trị khoa học thời tiền sử (dù bể) để nghiên cứu. Đã biết bao lần tôi phải xiểng liểng vì những đồ bể này. Các tay thu gom lâu ngày đã thành tinh, biết mình cần, về sau không chở bằng xe mà nắm từng cái một đem đến hô là đồ “độc” với giá lên tới đọt. Nếu quá cần thì đành phải xuống giọng liều chết mà mua, và rất nhiều lần đành để nó “một đi không trở lại”, để lại một nỗi ngậm ngùi không quên. Một cái khó khác nữa là các con buôn tìm cách mua chận với giá cao gấp mấy lần, đem về mài dao ngồi đợi. Nếu mình léng phéng cả gan vác mạng tới thì sẽ “chặt đẹp” không chút thương tiếc, nếu chịu không nổi thì đành nuốt bụng mà về. Kể ra theo đuổi những đồ gốm bể này cũng có lắm buồn vui. Có một lần, tôi mua được một cái “om bó chiếu”, xin hiểu đây là “thuật ngữ” của giới buôn đồ cổ vỉa hè Trần Hưng Đạo, gần cầu Trường Tiền và đình Thương Bạc, dùng để gọi những nồi đất có hoa văn (bất kể dạng nào: hoa văn thừng, chải, khắc vạch, sóng, ô trám lồng, in ô vuông…), thậm chí cả những nồi đất trơn không hoa văn, mà có hình dáng tương tự, những nồi đất này thuộc nền văn hoá Sa Huỳnh ở các giai đoạn… Tôi đem chiếc nồi đó về nhà chưa được bao lâu thì có người về lấy lại, với lý do là đã mua trước rồi, để rồi sau đó chấp trả gấp đôi cho người bán. Thôi thì thôi, tôi đành lấy lại tiền, chứ chẳng lẽ lại cãi chày cãi cối với người ta. Vì cái nồi đất này tôi đã phải đi đi lại lại, thương lượng hơn hai năm trời mà vẫn không kết quả. Có lẽ, họ để bán cho người khác tiện hơn, bán cho tôi với giá gấp mấy chục lần thì coi sao được. Nên chăng, cũng phải trày vi tróc vảy như vậy mới càng thấm say mê hơn. Biết đâu? Lần này, bất ngờ GS Hoàng vui vẻ phong cho tôi danh hiệu “nhà gốm bể học”, càng nghĩ tôi càng thấy thú vị. Xin chân thành cám ơn vậy! L.T.S
(nguồn: TCSH số 233 - 07 - 2008)
|