Đời sống văn nghệ
Văn nghệ Huế của một thời
10:36 | 03/07/2012

NAM NGUYÊN

Thực ra, tôi gọi cuộc đi này là hành hương. Hành hương, nghe có vẻ cao siêu nhưng y phục xứng kỳ đức mà thôi.

Văn nghệ Huế của một thời
Từ trái qua: Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Phủ Ngọc Tường - Ảnh: internet

Một nơi chốn như "tuyệt tình cốc" (58/2 Lê Thánh Tôn - số cũ, thành phố Huế) mà quần anh đã từng tụ hội, với những tên tuổi như Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Trần Quang Long, Trần Vàng Sao, Nguyễn Đắc Xuân... cũng đáng được người đời nhớ đến. Huống chi về sau nhiều người trong số họ thành danh đạt đạo, tên tuổi lẫy lừng thì ngưỡng vọng cũng là điều dễ hiểu. Cùng với "địa chỉ lòng" - ngôi nhà Hoàng Phủ Ngọc Tường ở đường long não Nguyễn Trường Tộ (Huế) thì "Tuyệt tình cốc" là của Sự Thật, Cái Đẹp và Tình Bạn. Chỉ có điều, trước khi nói tôi sang bên ấy, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhắc nhở: nhiều người phát biểu nhầm lẫn và báo chí đăng tải cũng vậy, rằng "Tuyệt tình cốc" một thời là trụ sở của phong trào sinh viên Huế. Xin được cải chính: đó là ngôi nhà xưa của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Nhưng sao thảo lư của một thời nước non chia cắt lại mang một cái tên kiếm hiệp đến vậy? Tốt hơn hết là hãy nghe chính chủ nhà Hoàng Phủ Ngọc Tường, tác giả bút ký "Tuyệt tình cốc" cắt nghĩa: "Ngôi nhà cố cựu ở trong hẻm đường Âm hồn được gọi theo tên truyện Kim Dung, là "Tuyệt tình cốc". Đó là một ngôi nhà tranh nhỏ, thanh bạch như cuộc đời ba mẹ tôi, hoa cỏ tiêu sơ nhưng gió trăng đầy trời, gọi "cốc" là phải. Phan (em tôi) cùng mấy người bạn y khoa đều là những "diều hâu" của phong trào sinh viên Huế, do mải mê xuống đường nên thi rớt, bèn rút lui vào cốc này ôn luyện bài vở để thi lại kỳ hai. Học thi như luyện võ công, các vị cố thủ trong ngôi nhà quạnh vắng, tuyệt giao với người đẹp, từ ấy có cái tên là "Tuyệt tình cốc"..."

Đường sang Thành nội Huế một sớm hạ về, phượng đỏ rợp trời như mắt người thương nhớ. Bất giác, tôi nhớ đến một câu trong bài hát "Mưa hồng" của nhạc sĩ thiên tài Trịnh Công Sơn: Đường phượng bay mù không lối vào... nghe như Kinh Thánh lại nghe như Huế. Mấy câu thơ nhập thế của Trần Quang Long lại vọng về gõ cửa:

Nếu thơ con bất lực
Con xin nguyện một đời
Dùng trái tim mình làm trái phá
Sống chết một lần thôi.


Đó là tấm gương tận hiến của một kẻ sĩ phò đại nghĩa thời nay.

"Tuyệt tình cốc" bây giờ gạch ngói khang trang, tranh cỏ tiêu sơ chỉ còn trong ký ức. Nơi đây, qua dâu bể can qua, vật đổi sao dời, họ hàng nhà văn vẫn neo đậu để giữ lại một phần hồn của Huế, của nước non này. Nhà giáo Nguyễn Thượng Hân (người em cô cậu ruột với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường), kể chúng tôi nghe một thời oanh liệt của một lớp người tràn đầy nhiệt huyết với non sông. Những ai còn, ai mất? Trần Quang Long đã dâng hiến thân mình để bảo vệ phẩm giá làm người. Trịnh Công Sơn đã về cõi khác bạn với cao xanh, họa sĩ Đinh Cường ở Mỹ, nhà văn, nhà báo Hoàng Phủ Ngọc Phan ở Sài Gòn... Từ trời Tây xa xôi, nhà văn Đặng Tiến đã gởi về nỗi niềm cố cựu, khi nhớ về bằng hữu, nhớ về "địa chỉ lòng" - thảo lư Hoàng Phủ:

Năm xưa lều cỏ, dăm thằng bạn
Góp lửa soi chung một quãng đường
Mà nay lửa tắt, tình lay lắt
Lỗi cố nhân và lỡ cố hương.


Chỉ còn một kỷ vật của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, đó là chiếc ghế mua được bằng tháng lương giáo chức đầu tiên. Chiếc ghế ngả màu thời gian, vẫn kiêu hãnh trên đôi chân của chính mình mặc cho cuộc đời xô đẩy. Trên chiếc ghế này, nhà văn và bạn bè đã bao lần đàm đạo thế sự, văn chương nghệ thuật để lựa chọn con đường nhập thế có ích cho đời. Có lẽ không mấy ai để ý chiếc - ghế - kỷ - vật này vì nó già nua cũ kỹ. Bây giờ có nhiều chiếc ghế khác đáng giá hơn. Không ai hỏi nhưng tôi vẫn thưa rằng: "Tôi biết nơi kia có một chỗ ngồi."

N.N
(SDB 6-12)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng