Đời sống văn nghệ
Thương tiếc nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng
10:31 | 11/11/2008
LGT: Nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng sinh ngày 30-8-1966, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, nguyên Phó Trưởng phòng chương trình Đài PTTH TT.Huế, ủy viên thường vụ Hội Liên hiệp VHNT TT.Huế, ủy viên thường trực Hội Nhà văn TT.Huế, Trưởng ban Biên tập TCSH, Thư ký Chi hội Nhà báo TCSH đã đột ngột qua đời ngày 16 -12-2006 tại Huế. Thương tiếc anh và thể theo nguyện vọng của bạn hữu, đồng nghiệp, Sông Hương xin dành số trang đáng kể đăng điếu văn của Hội Liên hiệp VHNT cùng các bài viết viếng, tiễn đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng.Nguyễn Khắc Thạch - Lê Văn Phương - Lê Huỳnh Lâm - Trần Tuấn - Nguyễn Trương Khánh Thi - Hồ Thế Hà - Trần Hạ Tháp - Đào Đức Tuấn - Tỷ Em - Ngô Minh - Lãng Hiển Xuân - Phạm Thị Anh Nga - Hồ Đắc Thiếu Anh - Nguyên Quân - Đinh Thu - Nhất Lâm - Ngô Cang - Ngàn Thương - Lê Ngã Lễ
Thương tiếc nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng


VĨNH BIỆT NHÀ VĂN NGUYỄN XUÂN HOÀNG
(Trích Điếu văn Hội Liên hiệp VHNT T.T.Huế)

... Thật đau thương và bất ngờ khi chúng ta nhận được bi tin Nhà văn- Nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng đột ngột qua đời vào rạng sáng ngày 16 tháng 12 năm 2006 (tức ngày 26 tháng 10 năm Bính Tuất).
Nguyễn Xuân Hoàng sinh ngày 30-8-1966 tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, quê hương tổ phụ của anh ở Làng Vân Cù, xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế bên dòng sông Bồ xanh biếc nhưng toàn bộ tuổi thơ và tuổi học trò của anh lại gắn bó với dòng sông Vệ quê mẹ làng Thanh Long, xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quãng Ngãi.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nề nếp, hiếu học và một vùng quê hiền hoà gian khó, cậu bé Xuân Hoàng đã được quê hương và gia đình vun đắp những tình cảm và tập quán tốt đẹp: Hiếu thảo, hiền lành, chăm chỉ, khéo tay và ham học. Theo lời kể của gia đình, Xuân Hoàng rất yêu văn chương từ nhỏ, ham đọc sách văn học, yêu thiên nhiên và dễ xúc động. Đó phải chăng là dấu hiệu của một tài năng văn chương mà anh sẽ gắn bó như một duyên nợ. Say mê văn chương từ những ngày còn học phổ thông đã thôi thúc Hoàng quyết định thi vào ngành Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Huế sau khi tốt nghiệp Phổ thông trung học loại Giỏi. Những năm tháng sinh viên thực sự là cái mốc quan trọng cho con đường văn chương của anh. Những truyện ngắn có tiếng vang được đăng trên Tạp chí Cửa Việt, Sông Hương và các báo chí trong cả nước được Hoàng ấp ủ, sáng tác trong những ngày ly hương, đèn  sách ở giảng đường Đại học.

Tốt nghiệp cử nhân văn chương, Hoàng phải vất vả Bắc tìm việc mất mấy năm trời. Không thể nói là không gian truân và xa xót vì mưu sinh và tình cảm, bởi vì anh có một người vợ trẻ cũng đang tìm việc và một con trai thơ dại mới chào đời. Rồi điều gì đến sẽ đến. Hoàng quyết định trở lại thành Huế với biết bao kỷ niệm đẹp và trách nhiệm nặng nề. Chưa xin được việc, Hoàng tạm gác chuyện văn chương để trở thành một con người khác khi trước mắt, anh cần có tiền để trang trải nợ nần và giúp đỡ vợ con. Người sinh viên Hoàng ngày nào đã trải qua những nghề phụ hồ, đào cống, giữ xe đạp... và bao công việc không tên khác để ổn định cuộc sống gia đình. Đặc biệt, những ngày không có việc làm, Hoàng lại đến quầy báo ở Bưu điện Huế để đọc những trang báo, trang văn nóng bỏng tính thời sự mà không mất tiền để tự trang bị cho mình kiến thức, để nuôi dưỡng niềm tin và hy vọng. Đây là những năm tháng gian nan mà ý nghĩa nhất của Xuân Hoàng để sau này chúng trở thành vốn sống cho những trang viết nhân hậu, thấm đẫm tình người và giàu chiêm nghiệm của anh.

Một niềm vui đến với Xuân Hoàng không hẹn trước, đó là khi Đài phát thanh truyền hình Thừa Thiên Huế quyết định nhận Xuân Hoàng vào làm việc. Ngày 15-12-1996, Xuân Hoàng chính thức mang danh hiệu phóng viên thuộc phòng thời sự của Đài. Hoàng nhanh chóng khẳng định vị trí và công việc của mình bằng những chuyến lặn lội đi, ghi chép, quan sát và viết. Đó là niềm vui, là trách nhiệm, là nghề nghiệp. Và kết quả là những trang văn, trang báo sắc sảo, có phong cách riêng của Hoàng được đồng nghiệp ghi nhận.

Trong những ngày thường của một phóng viên, Hoàng luôn đi và tìm đến với con người, với thiên nhiên xứ Huế như một nhu cầu văn hoá: văn hóa đi, văn hoá sống và văn hoá viết. Hoàng là người quảng giao, luôn quan tâm, yêu quý giúp đỡ mọi người với tình cảm chân thành, thẳn thắn. Từ đó, những tác phẩm ấm áp tình người và lung linh hoa cỏ, xanh biếc thiên nhiên của Xuân Hoàng được xuất hiện liên tục trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương. Chưa đầy 10 năm dấn thân vào con đường văn chương, báo chí, Hoàng đã có gần 8 tác phẩm với đủ thể loại được xuất bản và sắp xuất bản. Các tập bút ký, tản văn và tiểu luận: Hương mùa thu, Cỏ hoa xứ Huế, Ký ức Quỳnh hương, Cỏ lau tóc mẹ, Trịnh Công Sơn-Tài hoa vô thường, một tập truyện ngắn và một tập thơ gần 100 bài chưa kịp đặt tên là minh chứng cho lòng yêu nghệ thuật và sức lao động miệt mài của Xuân Hoàng để trả ân nghĩa với đời, với người thân và với xứ Huế. Là một nhà báo nặng nợ với văn chương, Hoàng  lại tự mình quyết định tạm biệt với ánh sáng, góc quay, băng từ, micro, đạo diễn... để chuyển sang Tạp chí Sông Hương (từ 9-2006) vui cùng những trang viết, trang đời lặng lẽ. Ba tháng chuyển sang Sông Hương, Xuân Hoàng đã tỏ ra xông xáo, thích nghi và hiệu quả trong công việc. Ai cũng mừng, cũng tin ở năng lực và sức trẻ, sức bật của Hoàng. Vậy mà Hoàng đã vội vã ra đi! Xuân Hoàng ơi! Xuân Hoàng đã thật sự đem lại cho bạn bè và mọi người niềm tin yêu, quý phục. Xuân Hoàng là một tài năng dang dở, một tấm lòng đôn hậu, bao dung, bảo làm sao không xót đau, không thương tiếc!...


99 ngày với Hoàng



NGUYỄN KHẮC THẠCH



Có đúng vậy không Hoàng? Em về Sông Hương ngày một tháng 9 và đêm anh em mình gặp nhau lần cuối là mồng tám tháng 12. (Đúng con số 99 vì tháng 10 có 31 ngày). Con số đó vốn vô nghĩa nhưng ở đây nó lại mang lại ý nghĩa cho cái vô nghĩa đó. Nó vừa nói rằng cuộc đời này chẳng có gì trọn vẹn, và cũng vừa nói lên rằng giữa anh em mình, mặc dù đã ăn ở với nhau như bát nước đầy nhưng vẫn còn lưng lưng, thiếu thiếu một chút gì đó. Anh nhớ đêm hôm ấy cùng vui với anh em mình là anh Dũng, em Tân ở bệnh viện Trung ương Huế, anh Tờ ở Nhà xuất bản Thuận Hoá, anh Phong ở Bưu điện tỉnh. Trước lúc chia tay, anh Dũng còn cao hứng hẹn khi nào anh Thạch đi Tây Nguyên về, cả bọn sẽ gặp lại nhau “hoành tráng” hơn. Vậy mà chỉ một tuần sau, anh chưa kịp về thì em đã ra đi... Lời hẹn đành bỏ dở, lời hẹn chỉ còn trong ý niệm Hêraclit: Không ai tắm được hai lần trên cùng một khúc sông...

Hoàng ơi! Lẽ ra anh đã đi trước em, đi vào đêm mồng 3 tháng 11 tại quán Phong Nhã, nơi có những ngôi lều chòi cắm trên hồ nước, bên đường lên đồi Vọng Cảnh. Đêm ấy có chị Trang cùng 2 em Thuỷ cao, Thuỷ thấp và Lan tửu quán. Anh uống say đến cuồng loạn rồi ngã chìm dưới đáy hồ, em nhảy xuống vớt lên. Anh Sống. Khoa học nói người say rượu rơi xuống nước sẽ bị chết đuối. Dân gian nói ai cứu người chết đuối thì phải thế mạng. Chao ôi, nếu quả vậy thì em đã chết thay cho anh?!!!
Sao lại phải như thế Hoàng ơi! Kẻ đáng chết hơn thì sống, người đáng sống hơn lại chết. Chốn bụi trần này thật lắm chuyện trớ trêu, lắt léo!

Hoàng ơi, chúng ta gặp nhau trong dòng chảy cuộc đời này tự bao giờ không nhớ nữa nhưng thực sự cùng ngồi trên một con thuyền thì chỉ mới 99 ngày thôi. Con số 99 này trước đây anh rất thích nhưng sau khi đọc cuốn sách Thông điệp bi thảm của cổ nhân thì đâm ra hãi. Và cuối cùng “ghét của nào trời trao của ấy”. Sao lại không là 100 hoặc 101 để anh còn được gặp em lần nữa?!. Nhưng dù sao, có 99 ngày vẫn hơn không, nó vẫn đủ cho những tấc lòng trắc ẩn tương tri. Anh biết người thương em, quý em rất nhiều nhưng anh không thể biết có mấy người hiểu được em? Điều đơn giản là người ta có thói quen sống phiến diện trên bề mặt hình tướng sự vật, trên tri kiến giác quan, có mấy ai tự hiểu được mình đâu mà đòi hiểu người khác. Những vọng động trong cái thế giới vô minh này luôn méo mó. Bởi vậy mọi sự phán xét đều ác đạo, mọi sự vuốt ve đều giả dối...
Em đã đối trọng với những thứ thói đời ấy bằng ngọn lửa yêu thương tự đốt mình lên, bằng trái tim trần trụi không bảo hiểm và, trái tim mong manh của em đã vỡ... Hoàng ơi!
                                                N.K.T

Trước mộ Hoàng

LÊ VĂN PHƯƠNG

Những hẹn hò từ nay khép lại
Thân nhẹ nhàng như mây...

Mình đã nghe câu hát ấy Hoàng hát không biết bao nhiêu lần trong những lúc ngồi bên ly rượu
Hình như có một sự dự báo nào đó cho một sự trở về sớm của Hoàng. Và điều đó đã xảy ra vào một sáng mùa đông se lạnh. Quá sức nghiệt ngã đối với Xuân Hoàng, và đối với người thân, anh em bạn bè.
Sáng nay, anh Nguyễn Khắc Thạch nói với mình rằng, Phương đại diện anh em bạn bè viết một điều gì đó để đọc bên mộ Hoàng. Và bây giờ, mình sẽ kể cho Hoàng nghe vài kỷ niệm, mông lung lắm.
Mình đã cùng anh em về thăm quê Hoàng. Trước ngôi nhà nhỏ có những luống rau khoai, có hàng cau hai bên đường đi vào. Hoàng nói rằng đó là nơi Hoàng sẽ trở về lúc về già. Sẽ ở trong ngôi nhà nhỏ ấy, bên hàng cau ấy để viết, làm nốt những gì trong cuộc mưu sinh Hoàng chưa kịp làm. Điều giản dị xa xôi trong mong ước của Hoàng mãi mãi không bao giờ thực hiện được.

Sáng hôm Hoàng mất, mình đã ngồi đọc lại nhiều lần 3 bài báo của Hoàng đăng trong một số báo. Hoàng trăn trở về cuộc đời nhiều quá. Và cũng tình cảm quá. Bên cạnh những trang viết mang tính chính luận bàn về thế thái nhân tình là những cảm xúc tràn chảy trong bút ký “Cuốc kêu lau trắng”. Văn của Hoàng hay, và cũng rất buồn. Giai thoại kể rằng cuốc là loài chim chung tình. Một con chết đi thì con kia kêu hoài hêu huỷ, không ăn không uống gì cho đến khi chết rục trong bụi tre gai. Hoàng bảo điều đó không biết đúng sai nhưng nghe ra cũng có tình.
Trưa hôm qua, tất cả trên các bàn rượu ở ven hồ mà Hoàng hay ngồi, bàn nào cũng để thừa một ly. Anh em đang nhớ Hoàng. Chắc Hoàng cũng đang nghĩ về anh em.
Hoàng đã đi xa quá. Hay là Hoàng đang trở về. Trở về với cát bụi và về trong lòng người thân, anh em bạn bè.
Một lát nữa thôi, mọi người sẽ thả cho Hoàng nắm đất. Và thắp lên một nén hương cho một áng mây trắng phiêu bồng
Vĩnh biệt Xuân Hoàng. Mong trời đừng mưa để đỡ ướt cho Hoàng.
                                                L.V.P


Đêm cuối cùng với Nguyễn Xuân Hoàng


LÊ HUỲNH LÂM


Trời mang mang đất mang mang. Người đi bỏ lại trần gian đau buồn. Trời âm u, đất mù mù. Người đi bỏ lại lời ru thật thà. Trời lạnh căm đất lạnh căm. Người đi bỏ lại chỗ nằm trống không. Trời rất xa đất rất gần.Vì sao lại chọn mộ phần Hoàng ơi!
Có thể giờ này Hoàng đang ở vườn địa đàng, soạn giáo trình mới cho môn học yêu thương.
Có thể giờ này Hoàng đang gieo vào đất, những hạt giống của các loài hoa toả ngát hương sắc.
Dù đã biết rồi ai ai cũng về với đất. Mà nước mắt cứ trào tuôn. Trời đất cũng trào tuôn.

Một sáng mùa đông lạnh và nhiều mưa. Có thể Hoàng cần một hơi ấm từ bàn tay Phùng Tấn Đông. Nhưng không. Sự băng giá đã đến trước. Một trái tim nhân hậu đã vắt kiệt sức chính mình.
Những mạch máu như những dòng sông vỡ oà vào mùa lũ lụt. Trong tấm thân hao gầy.
Những tiếng thét không thức tỉnh thần linh.
Không. Họ đã nhầm người. Có thể những thế giới khác cũng đang cần một trái tim thánh thiện. Chỉ biết cho mà không nghĩ đến nhận bao giờ.
Đêm. Chỉ còn gió. Những mắt lá ánh đèn vàng. Mưa diễu hành qua trái đất, kính cẩn chào Hoàng. Trong không gian xa xăm và gũi gần, khuôn mặt Hoàng đang hiển hiện. Trong mưa, trong gió, trong đất trời và cây cỏ.
Đêm. Có gã bộ hành đang đếm bước. Lưu dấu những góc phố Hoàng đã qua. Sẽ không bao giờ lạ xa.
Những nấc thang xuống thiên đàng, lên địa ngục. Cái hành lang không dài và chật hẹp. Những ô vuông của căn nhà nghiệt mệnh. Có một người mắc bệnh yêu thương.

Đêm cuối cùng sắp qua, chỉ vài canh giờ nữa Hoàng xa mặt đất. Trong ngất ngưởng hoang tàn và tan nát. Bầu bạn cả nước đang nhắn tin chia buồn. Đinh Thu, Duy Tờ, Huỳnh Lâm. Minh Tự, Hạ Tháp, Tấn Đông,... ngậm ngùi. Đêm nay nửa khóc nửa cười, lên cơn phân liệt tâm thần trầm hưng.
Đêm cuối cùng. Chỉ còn vài vòng quay bé xíu. Hoàng rời khỏi dương gian. Ta uống rượu ngang tàng Hoàng hí. Những chiếc ly quá nhỏ và quá nhẹ không thể đậy che nỗi đau. Ta lấy chai thay bầu ngửa mặt ngó trời cho rượu tuôn vào mắt vào mũi vào miệng. Cơn say không làm dịu cơn đau ngực trái. Cơn say tẩy chay ý thức. Ta chìm trong hôn trầm vô thức. Miệng lẩm nhẩm lời kinh xen lẫn tiếng rủa nguyền. Ai vẽ vào đêm gương mặt Hoàng tràn đầy thần khí. Đến bây giờ Lâm vẫn nghĩ Hoàng chưa ra đi. Ôi! Hai đứa mình là anh em như Hoàng đã từng nói. Cùng mẹ cha nhưng sinh ra ở hai miền.

Đêm. Có gã ôm đàn ngả lưng trên phố, từng cung bậc náo động như mũi tên bắn vào những thần tượng đã không cứu được Hoàng. Ôi chao! Oan nghiệt! Oan nghiệt! Cuốn sách cuối cùng trước khi trái tim Hoàng ngừng đập.
Một sự ra đi lặng lẽ, để lại nhiều đau xót, quá buồn nhưng rất đẹp, Hoàng ơi. Một giấc ngủ dài định mệnh.
Mình sẽ kể cho Hoàng nghe chuyến đi của tấm thân Hoàng sau, nghe Hoàng. Gặp lại Hoàng sau, nghe Hoàng.
Xin thắp Hoàng một nén hương lòng chữ nghĩa, như Hoàng đã từng thắp cho tất cả anh em. Thích biên tập thì cứ biên tập nghe. Một người anh, một người bạn hạo khí ngất trời.
           
Mưa Tây Linh, 19/12/2006
                          L.H.L



TRẦN TUẤN


Cỏ 
           

thả một ly xuống chân thành quách
rượu Cỏ Cú
biến sắc
mặt
thời gian

bạn vừa rời khỏi nơi này
cắt ngang dâu bể
ngái đau men dại
cỏ buộc chiêm bao

thả một ly xuống chân thành quách
bạn đã đứng dậy đi rồi

sao tôi không tin thời gian mà chỉ tin cỏ cú
sao tôi không tin thời gian mà chỉ tin cỏ cú
Hoàng ơi ?!!


-------------------
Quán rượu Cỏ Cú nơi chân tường Thành Nội, Hoàng ngồi lần cuối trước khi đi xa



LGT: Mới 7 tuổi, đang học lớp 2 và thường ngày vẫn hồn nhiên, vô tư như bao trẻ thơ cùng lứa. Song, khi bố qua đời, Khánh Thi tỏ ra “sâu sắc”, cháu đã làm thơ đề tặng bố và ghi vào sổ tang những lời rất xúc động: “Ba ơi, ba đã hứa cho con một thư viện để sách, nhưng đã trật lời hứa. Mai sau lớn lên con sẽ có thể viết văn hay như ba, ba đã mất sớm nhưng con vẫn nhớ tới ba. Ba là ngọn gió của trái tim con...”




NGUYỄN TRƯƠNG KHÁNH THI


Cúc nở cùng hồng sam long
                                   
                              
Thơ tặng ba Nguyễn Xuân Hoàng


Bên khán đài hoa cúc nở
Có vườn hoa lạ nở ra
Đó là hoa hồng sam long
Như tên mọi người đã cùng đặt

Hoa, trái tim nửa cuộc đời
Hoa, thanh niên Tài Hoa đó
Hoa, Tài hơn một người
Nhưng. Người chính là Hoa

Trong Hoa là một người
Rất đầy đủ thương yêu
Mọi người gọi đó là
Hoa vô thường, Hoa bất tử.



HỒ THẾ HÀ

Nhớ Xuân Hoàng


Hoàng đi không hẹn, sao đi mãi
Vô tận thời gian, vô tận đời
“Vô thường một đoá” Hoàng gửi lại
Mái buồn cổ độ lá còn rơi!

Nơi ấy, cỏ hoa Hoàng sẽ gặp
Tình yêu vô hạn mấy cõi người
“Tóc mẹ ngàn lau” bên giếng lạnh
“Quỳnh hương lặng lẽ” bóng trăng soi!

Hoàng yêu nhạc Trịnh, thương đời Trịnh
Nên mỗi nửa đêm thức để chờ
Âm thanh gì nhẹ như hơi thở
Hai hàng long não khóc sao khuya!

Từ ấy, Hoàng yêu như là sống
Như là tên gọi của Hoàng thôi
Mùa xuân đang hẹn, huy hoàng lắm
Sao vội tàn Đông, Hoàng giã từ?

Sao vẫn hồ trường, thơ với rượu?
Lặng im thiếu nữ khoả thân cười
Sao vẫn phòng văn, nghiên với bút?
Mà Hoàng biền biệt thế Người ơi!

Hoàng đi, đi mãi vào vô tận
Xóa cả không gian, xoá cả lời
Trang viết, trang đời chưa kịp chép
Tài hoa sao ngắn vậy Hoàng ơi!


TRẦN HẠ THÁP

Điếu văn trước mộ Nguyễn Xuân Hoàng


Hoàng ơi!
Mệnh Thuỷ thiên hà đầy trời mưa giọt
Bến nước Hương giang còn đó vơi, đầy...
Thôi rồi! Người tuấn nhã. Một ánh sao rơi
Đâu nữa! Nghiệp văn chương. Nửa đời đành đoạn...

Rượu chưa uống mà lòng đã say? Tưởng như “Hương mùa thu”
vẫn phảng phất hiên ngoài, sao bạn vội rời xa cõi tạm?
Thân “Nhẹ nhàng như mây” lời ca ly biệt...

Thơ chưa ngâm sao hồn dậy sóng? Ôi “Cỏ hoa xứ Huế”
                    còn rưng rưng lối cũ, nay Hoàng riêng một cõi đi về!
Khúc “Quy khứ lai hề” câu viết chia tay....

Tuổi Bính Ngọ
Thiên mã hành không, trần gian bỏ đường đi vạn dặm
Than ôi! Mong manh... Sương rụng
Nở đoá hoa vô thường dưới bóng câu qua...

Vườn địa đàng
Sắc hoa màu nhớ, bạch lạp rơi tuổi gió lung linh
Hoàng nhé! Lặng lẽ.... Hương lòng
Đây những giọt lăn trầm ngàn thu rớt hột...

Lửa cháy lòng ai, bát ngát khói trời mênh mông
Buồn vương giá sách, lất lây trang viết xa người
Thôi thế, từ nay...
Đã đành, đôi ngả...

Hãy nâng ly tưới rượu linh đài mộ huyệt. Thả nắm đất
                                             hồng trần khóc tiễn thanh xuân

Bạn đi! Ngậm ngùi
Những hẹn hò từ nay khép lại. Xin vẫy tay chào lãng tử như mây
Hoàng ơi! Mãi mãi
Lăn vòng xe cát bụi nơi về. Còn bao nhiêu lời
                                                  trong gió ngàn thông...


ĐÀO ĐỨC TUẤN


Một bạn văn


Tĩnh lự bạn ngồi
mờ xa xóm nhỏ
Huế chiều đỏ dạ
chan chứa tài hoa - sức trẻ - nghiêng thành.

Vẫn biết mình bận tâm chi lắm
vẫn lựa chừng cái đẹp dẹp tan
vẫn đau rằng khi thốt “Hoàng ơi!”.

Vĩ Dạ tinh sương có chàng trai Quảng
thơ thẩn cõi người, bảng lảng dòng Hương
hãy nhớ đất này
từng có một tài văn mải mê - đắm đuối - cuộc đời!
 

TỶ EM

Trái tim đau
           

Có yêu mới hiểu vì sao
Cầu Ô Thước ngày xưa anh thường ước
Hãy cho tôi nhẹ bước để tìm em
Cầu Ô Thước 7 sắc màu rực rỡ
Ơi, chiếc cầu kia đã chứng kiến lời anh
Anh không chờ trăng lên, anh không chờ đêm xuống
Anh không đợi ngày mai
Em ơi, hôn lễ của chúng ta đã cử hành từ muôn kiếp trước
Khi trái tim em đập hoài như con chim nhỏ
trên trái tim anh
Anh yêu em tha thiết ngọn cỏ may
Anh yêu em tha thiết vải mềm trên váy áo em
Anh yêu em, anh yêu em, anh yêu em,
Anh yêu em cuồng mê
Lòng run rẩy như giờ cuối cùng
Ngày cuối cùng, năm tháng cuối cùng
Em chiếm hữu đời anh
Như ngọn gió đam mê chiếm hữu bầu trời
Như dòng sông chiếm hữu biển cả
Như đời anh tao ngộ trong em
Em là ngọn lửa huyền hoặc của đời anh
Ngọn lửa đã cháy như một ngày,
Trong hội hoa đăng định mệnh
Và anh ơi, đông lạnh xuân sang thu lại về

Còn đâu nữa anh và em đi nhặt lá thông rơi
Còn đâu nữa anh bảo rằng
Em ơi mùa thu này lá thông rơi nhiều lắm
Ta bỏ lá thông vào túi áo
Như từng bỏ những cơn đau vào cuộc đời nhau
Anh ơi! Dậy mau đi anh đừng ngủ nữa
Hãy nhìn em cười như hoa Ngọc Lan rạng rỡ
Bài hát mà anh đã hát cho em nghe
Chưa kịp đón xuân về
Nhưng hương Ngọc Lan mãi mãi là anh đó
Để lại cho đời và em nỗi nhớ về anh
Rồi hương Ngọc Lan của anh sẽ là bất tử
Như tình em đã trọn kiếp trao anh
Tim em đau anh ơi, tim em đau quá
Đau vì nhớ anh...
Đau vì nhớ anh...
Ở đồi lạnh anh có biết
Em thẫn thờ đau đớn bởi vì anh
Ôi cửa sổ kia em đã đợi anh về
Ôi nhành muối đã ra hoa tràn trề nhựa sống
Bên thềm cũ mình đã tựa vào nhau
Nhìn muối ra hoa và bầy chim sẽ bay về
Anh thầm thì bên em, sao tình mình đẹp thế
Ơi tình yêu em, ngọt ngào cỏ dại
Hoa rụng tơi bời, mong ngày trở lại
Ôi! Bước chân anh nhẹ nhàng và êm ái
Vỗ về em, em nhớ mãi anh ơi
Noel rồi đó anh lại đi đâu
Về đi anh ơi, về với em anh ơi
Chúng mình lại hát cùng nhau
Bản tình ca bất tử mối duyên đầu
Rồi anh đưa em đi dưới mưa
Mong trời không ướt áo
Hái một nhành sen đêm
Ủ thầm trong mộng ảo
Người về bên kia sông
Cơ hồ như sương khói
Bỏ lại ta sau lưng
Nhớ sao lời ai nói
Người về ta quạnh quẽ
Đôi vòng tay nhớ nhung
Về thôi sao? Bên ấy
Em cho ta đi cùng.



NGÔ MINH

Hoàng ơi đi mô vội rứa


Tối còn nói cười nâng chén
Sáng ra đã thành mây bay
Hoàng ơi đi mô vội rứa
Không nói vợ con một lời

Gió còn lay cành long não
Chuông chùa còn thức gọi người
Sông còn nép vào bóng cỏ
Sao Hoàng đã thành xa xôi

Mới nửa giấc mơ với Huế
Đã nghe nguồn mạch thảo thơm
Trang văn bây chừ trắng xoá
Bóng chữ mồ côi khăn tang

Bạn bè bên Hoàng đông đủ
Mà sao trống văng thế này
Hoàng ơi đi mô vội rứa
Phiêu bồng sợi khói nhang bay...



LÃNG HIỂN XUÂN


Gửi Hoàng


Còn không những chiều bên hè phố
Người lâng lâng phố cũng bâng khuâng
Cùng nhau uống
                        nỗi niềm vô cớ
Cho thời gian trôi
                        chốn mù tăm...!


PHẠM THỊ ANH NGA

Có khi như thế mà hay
                                   

Có khi như thế mà hay
Như cợt đùa anh ra đi nhẹ nhàng trong giấc ngủ
Lời tâm tình đượm hơi men thay lời nhắn nhủ
Vần thơ vô thường để lại trăm năm

Bước anh đi thanh thoát thung dung
Tựa chiếc lông hồng đớn đau gì đâu sao lại khóc
Căn nhà anh tịnh không tiếng nấc
Phút truy điệu bạn bè thì thào giã biệt anh

Đưa anh về cõi mù tăm
Bằng hữu người thân đến từ khắp xứ
Trời đất tiếc thương làm gió mưa vần vũ
Bốn mươi tuổi đời vừa vẹn nhịp cầu giữa thực và mơ

Thuở dương trần anh làm rể đất thần kinh
Nay hồn xác phân đôi anh hãy nhận núi đồi Thừa Thiên là đất mẹ
Để khi xác thân trở về làm cát bụi
Anh vẫn trong vòng tay mẹ hiền trìu mến thương yêu

                                                                             
12 / 2006


HỒ ĐẮC THIẾU ANH

Còn ai trở nắng trong tay

                                   
                 *Riêng tặng hiền thê Cố Ts.NXH

Xuân Hoàng ơi,
Khi không ngọn nến tắt rồi
Khi không mây chở bóng người qua sông
Đêm nay lệ buốt tê lòng
Trách chàng trai trẻ sớm vong phụ tình
Phụ tình thơ chốn Thần Kinh
Phụ tình bút mực theo mình dọc ngang
Phụ tình vợ trẻ con ngoan
Duyên trần chưa ấm, đá vàng vội tan
Phụ tình phụ mẫu đeo mang
Mưa sầu trời thẳm, lá vàng đau hơn
Phụ cõi đời lắm nguồn cơn
Chưa du hành đã dừng chân mỏi đời
Xuân Hoàng ơi,
Bây giờ giọt nắng buông lơi
Đồi thông gió lạnh ai người xót xa?
Còn ai gối bóng trăng tà
Đêm Nguyên Tiêu ngắm sương sa diệu huyền?
Này ly rượu đắng còn nguyên
Chưa nhắp đã thấy say mềm nỗi đau
Này phin cà phê giọt nâu
Còn ai đếm giọt bể dâu từng ngày?
Còn ai trở nắng trong tay
Cho em áo tím tỏ bày thủy chung?
Còn ai chắp cánh thơ cùng
Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông quê nhà?
Đã đành cõi tạm phong ba
Vội vàng chi, mới phôi pha nửa đời!
Vội vàng chi, Xuân Hoàng ơi
Để trăm năm phải rã rời phận duyên
Chọn nghìn thu, giấc ngủ yên
Đất trời còn lại ưu phiền tội chưa?
Bỏ thân, danh nghiệp còn lưa
Khổ đau cõi tục này chừa cho ai ?
Chuông ngân suốt mấy dặm dài
Tâm hương một nén u hoài tiếc nhau
Cành sen trắng dạ nguyện cầu
Phương xa vườn Tuệ thấm sâu Phật từ
Phương này mưa Huế âm u
Tiễn tri âm nhẹ qua bờ Sắc - Không



NGUYÊN QUÂN


Khóc Hoàng


Hắn chừ nằm như ngủ
Trong cái rét tinh mơ
Sóng âm buồn vần vụ
Ngày ẩm trĩu cơn mưa

Quanh hắn chừ đẹp chưa
Toàn hoa và nước mắt
Sau lớp kính thủy tinh
Hắn cười nghe mằn mặn
Cũng vó ngựa-lưng đời
Đai cương hằn đậm vết
Sao bóng hắn nhẹ tênh
Về cuối trời hoa trắng

Hắn sớm rũ bụi đường
Rứa là hơn một bước
Không lẽ ta ngồi khóc
Khóe mắt đầy khói hương.
 
Hắn chừ nằm như ngủ
Trong cái rét tinh mơ
Sóng âm buồn vần vụ
Ngày ẩm trĩu cơn mưa

Quanh hắn chừ đẹp chưa
Toàn hoa và nước mắt
Sau lớp kính thủy tinh
Hắn cười nghe mằn mặn
Cũng vó ngựa-lưng đời
Đai cương hằn đậm vết
Sao bóng hắn nhẹ tênh
Về cuối trời hoa trắng

Hắn sớm rũ bụi đường
Rứa là hơn một bước
Không lẽ ta ngồi khóc
Khóe mắt đầy khói hương.


ĐINH THU


Hoàng


Mi đi còn ai vui đùa
Bọn tau ở lại gió mùa lạnh căm

Sao chưa mà vội đi nằm
Biết khi mô tỉnh dậy thăm bạn bè

Cõi nớ buồn nhắn tin nghe
Bọn mình duyên nợ vỉa hè mi ơi

Ham chơi răng bỏ cuộc chơi
Bọn tau ở lại kêu trời vái van

Mi tài hoa-Mi rỡ ràng
Cớ chi lại sớm khuất ngàn dặm xa
Cỏ hoa xứ Huế mượt mà
Hương mùa Thu vẫn đậm đà
                                         đó mi

Chao ôi sinh tử biệt ly
Bấy nhiêu dang dở rứa thì ai lo
Người khóc lặng lẽ-Mưa to
Mi cười răng chẳng hé cho
một lời
Bọn tau buồn lắm mi ơi!!!
                       

NHẤT LÂM


Em chừ là di ảnh


Còn gì nữa mà buồn...!
Về Huế đời vắng em
Ngày đi Hoàng đưa tiễn
Mong về cụng tràn đêm

Vỉa hè cây chếnh choáng
Huế tan bão nên mưa
Bạn thơ vốn lận đận
Trang văn chừ tiễn đưa

Cái vòng đời nghiệt ngã
Khép lại tròn bốn mươi!
Em chừ là di ảnh
Tôi khóc sao em cười...?



NGÔ CANG


Biệt Hoàng


Biệt em, mưa gió mùa đông
Bao người thương tiếc khóc ròng, Hoàng ơi!
Sao đành sớm bỏ cuộc chơi
Sông Hương núi Ngự một trời mây tang...

Đem buồn hỏi khói chân nhang
Giật mình ngỡ chạm áo Hoàng bay qua
Nửa chai rượu tưới mồ hoa
Nửa chai uống cạn gọi là biệt nhau

Vô thường một đoá thơm lâu
Mà đau thấm thía phía câu thơ tình
Máu chuyền thì thụp tử sinh
Một hôm nghe nhịp tim mình chợt rung

Văn chương chữ nghĩa vô cùng
Hoàng đi bỏ lại một vùng phấn hương
Đem buồn hỏi chén rượu suông
Bào gan xót ruột mà thương kiếp người...!



NGÀN THƯƠNG


Còn ai nói hộ


“Hương mùa Thu” đã bay xa
Heo may ở lại-em và sương thôi
“Cỏ hoa xứ Huế-ngậm ngùi”
Còn ai nói hộ những lời yêu thương...


LÊ NGÃ LỄ

Hương mùa thu đã đi xa
                                   

Hương mùa thu (*) đã đi xa
Cỏ hoa xứ Huế
Vỡ oà tiếng mưa
Ơ nơi cõi lạnh lạ chưa
Mảnh tình gửi lại
Mà chưa thấu tình
Bao nhiêu dự ước bên mình
Trang thơ bỏ ngỏ
Trăng văn bồng bềnh
Cõi thiên thu
Mãi tâm an
Thôi thì cạn chén thời gian
Bốn mùa
Say cùng bạn với cỏ hoa
Hương mùa thu (*)
Đã đi xa bời bời

----------
(*) Tên 2 tập bút kí của Nguyễn Xuân Hoàng

(nguồn: TCSH số 215 - 01 - 2007)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng